Nội san

Phương pháp soạn nhạc dạo trên đàn keyboard đối với sinh viên chuyên ngành Mầm non

19 Tháng Chín 2016

                                                                                     Phạm Tuấn Hưởng [*]

 

Đàn Keyboard (Đàn phím điện tử) hiện nay đang rất phổ biến trên thế giới với tính năng, hiệu quả sử dụng rộng rãi, có thể tham gia vào nhiều dạng hoạt động nghệ thuật khác nhau. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học ngành điện tử, đàn Keyboard từ vị thế cây đàn tái tạo âm thanh đã nhanh chóng phát triển thành nhạc khí có âm thanh tổng hợp phong phú, đa dạng.

Bài hát trong chương trình học đệm cho sinh viên chuyên ngành Giáo dục Mầm non được quy định chặt chẽ chủ yếu là ở tính chất thể loại, cấu trúc hình thức âm nhạc, nội dung, tư tưởng, phong cách thể hiện. Giảng viêncần giảng cho sinh viên nắm tương đối vững những đặc điểm đó của ca khúc dùng trong nhà trường cùng với việc trang bị kỹ thuật chơi đàn Keyboard cho sinh viên là những yêu cầu quan trọng để giáo viên dựa vào đó đưa ra phương pháp giảng dạy giúp cho sinh viên đệm tốt các bài hát. Giảng viên cần đưa ra những ca khúc điển hình của các phong cách âm nhạc khác nhau. Từ đó, giao bài trong nhóm mỗi em một bài khác nhau. Trong quá trình học tập, các em có thể tiếp thu, kiến thức không chỉ ở trong bài của mình mà còn hiểu về các ca khúc có phong cách khác của các sinh viên trong nhóm.

Thông thường các tác giả không viết phần nhạc dạo cho bài hát của mình mà do người chơi đàn tự soạn hoặc ca khúc được các nhạc sĩ hòa âm phối khí, biên soạn dành cho từng nhạc cụ hay tốp nhạc, dàn nhạc đệm. Sinh viên cần tìm hiểu kỹ bài hát về thể loại, nội dung, tính chất âm nhạc của bài hát, cần nghe kỹ và học thuộc bài hát, xác định giọng, nhịp độ, tiết tấu, tốc độ, âm sắc, hòa âm… của bài hát. Giảng viên cần đệm mẫu và hướng dẫn cho sinh viên các phương pháp, thủ pháp soạn dạo đầu, dạo khi hết câu, hết đoạn, dạo giữa và dạo cho kết bài.

1. Soạn nhạc dạo đầu

Thông thường các tác giả không viết phần nhạc dạo cho bài hát của mình mà do người chơi đàn tự soạn hoặc ca khúc được các nhạc sĩ hòa âm phối khí, biên soạn dành cho từng nhạc cụ hay tốp nhạc, dàn nhạc đệm. Với những bài hát này, người chơi đàn phải tập ghi nhớ giai điệu của bài hát để soạn phần dạo. Giảng viên cần hướng dẫn và gợi ý cho sinh viên cách viết câu dạo.

Khi đệm hát, người chơi đàn thường lấy nét giai điệu của bài hát để làm câu dạo. Có thể là nét giai điệu phần đầu hoặc điệp khúc của bài hát rồi sau đó biến tấu nét giai điệu đó để tránh sự lặp lại.

Người đệm đàn cũng có thể dựa trên thang âm, điệu thức, hòa thanh, giai điệu, tiết tấu, âm hình chủ đạo, nội dung, tính chất âm nhạc… của bài hát để sáng tạo nên nhạc dạo riêng cho bài hát. Người đệm có thể dùng thủ pháp mô phỏng, giữ nguyên âm hình tiết tấu, thay đổi cao độ, soi gương, xé lẻ và tổng hợp, kéo dài hay co ngắn giai điệu… để sáng tạo nên nhạc dạo.

Sinh viên có thể nhấn nút Intro trên đàn Keyboard để có phần dạo đầu của cho bài hát. Việc soạn nhạc dạo đầu phụ thuộc vào tính chất, thể loại của bài hát.

Ví dụ: Khi đệm hát cho bài “Quốc ca” (Văn Cao), để mở đầu, người đệm chỉ cần chơi một hợp âm dày trên chủ âm của bài hát để người hát có thể hát vào bài.

 

 

2.Soạn nhạc chuyển câu, chuyển đoạn

Thông thường các bài hát Mầm non, giữa các câu và các đoạn thường có ngân hoặc nghỉ rất ngắn nên giảng viên cần hướng dẫn cho sinh viên biết cách soạn các nét giai điệu hoặc tiết tấu phù hợp để chuyển câu, chuyển đoạn cho sinh động.

Trong quá trình học đệm đàn Keyboard sinh viên đã được giới thiệu và học một số âm hình đệm đơn giản nhất, cách thức sử dụng, khai triển âm hình đó để đệm một ca khúc như thế nào. Sinh viêncó thể dùng cách chập hợp âm để làm điểm nhấn, báo hiệu cho người hát tiếp tục vào câu, đoạn hát tiếp theo cho đúng nhịp.

Ví dụ: Cách đệm tay phải khi chuyển câu, chuyển đoạn

 Với bài hát “Trống cơm” sinh viên có thể dùng cách chập hợp âm để đệm chuyển giữa các câu, đoạn của bài hát.

 

 

3.Soạn nhạc dạo giữa

Thông thường, một ca khúc được người biểu diễn hát 2 lần, vì vậy giảng viên cũng cần hướng dẫn cho sinh viên biết soạn và chơi đoạn dạo giữa. Có thể dùng lại câu nhạc dạo đầu để dùng cho dạo giữa hoặc soạn một nét giai điệu mới để đỡ bị lặp lại.

Đơn giản nhất là sinh viên có thể lấy nét giai điệu của bài hát để làm câu dạo, các em còn có thể chọn nét giai điệu phần đầu hoặc điệp khúc của bài hát rồi sau đó biến tấu nét giai điệu đó để tránh sự lặp lại gây nhàm chán.

Ví dụ: Soạn nhạc dạo giữa

Đối với bài hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” đã lấy nét giai điệu của bài thay đổi một số chi tiết để làm câu dạo giữa bài. Vì vậy, sinh viên phải tinh tế trong việc nắm bắt giai điệu của bài hát để khai triển thành câu nhạc dạo.

4.Soạn nhạc phần kết của bài hát

Việc soạn đệm cho phần kết của bài hát phụ thuộc vào tính chất âm nhạc và nội dung của bài hát. Bên cạnh đó còn phụ thuộc vào hình thức biểu diễn của bài hát.

Nếu là bài mang tính hành khúc, rộn ràng, nhanh, trong sáng, hát đồng ca, sinh viên có thể dùng hợp âm dày và các tiết tấu mang tính hành khúc để kết.

Ví dụ: Kết chập hợp âm

 

 

Với bài hát “Sắp đến tết rồi” sinh viên có thể dùng cách kết chập hợp âm như ví dụ trên. Nhằm kết gọn, mạnh mẽ, khỏe khoắn phù hợp với tiết tấu đệm cho bài hát là tiết tấu Cha cha cha.

Bài hát mang tính chất trữ tình đệm cho học sinh Mầm non hát đơn ca, sinh viên có thể tìm một nét giai điệu phù hợp để đệm cho phần kết.

Trong việc dạy cho sinh viên phương pháp soạn nhạc dạo, giảng viên cần tăng cường sưu tầm các bài hát có phần đệm hay, qua băng đĩa hoặc trên các phương tiện thông tin, truyền thông để sinh viên tham khảo. Giảng viên cũng nên chuẩn bị một số bài soạn để thị phạm trên lớp.

Ví dụ:Cho con - Phạm Trọng Cầu(Soạn cho đàn Casio CT-670), Đất nước - Phạm Minh Tuấn (Xuân Trung viết cho Organ), Đi cấy- Dân ca Thanh Hóa (Xuân Trung viết cho Organ), Em là hoa hồng nhỏ - Trịnh Công Sơn (Soạn cho đàn Casio CT-670)…

5. Ghép phần đệm với người hát hoặc nhạc cụ khác

Sau khi đã soạn xong các phần dạo, sinh viên cần học thuộc ca khúc cùng với phần dạo đã soạn, sau đó các em cần ghép phần đệm với người hát hoặc một nhạc cụ khác.

Các em có thể tự hát để ghép phần đệm hoặc nhờ các sinh viên khác hát hoặc chơi giai điệu chính trên đàn Keyboard để ghép phần đệm đã soạn.

Khi ghép phần đệm với người hát, sinh viên cần chơi chính xác, thể hiện tốt sắc thái, tình cảm giai điệu của câu dạo, của giai điệu và hợp âm đệm với sự vững vàng, tự tin về nhịp, tiết tấu và tempo…. Làm tốt các yêu cầu trên, các em mới thực hiện được vai trò chỗ dựa cho người hát. Các em cần lựa chọn âm lượng vừa phải để nhạc đệm quá to át người hát hoặc qua nhỏ làm người hát khó nghe, khó phối hợp tốt với phần đệm. Khi chơi nhầm hòa thanh hay giai điệu hoặc câu dạo, các em không nên dừng lại mà chọn nhịp tiết theo để đệm tốt cho người hát… Sinh viên cũng nên tập có sự giao lưu về biểu diễn âm nhạc với người hát như gật đầu, ra dấu hiệu kết thúc câu dạo để vào lời hát hoặc ra hiệu để chuẩn bị kết thúc bài hát…

Phần tập ghép bài đệm trên đàn Keyboard với người hát rất quan trọng. Nó giúp cho sinh viên có kết quả biểu diễn bài đệm hát hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật từ đầu tới cuối bài đệm cũng như thể hiện được nội dung, tính chất, sắc thái tình cảm của bài hát một cách thật hòa hợp, ăn ý với người hát…

6. Tổ chức lớp học

Sinh viên ngành Mầm non là sinh viên được đào tạo ra làm giáo viên Mầm non giảng dạy ở tất cả các môn học ở bậc học Mầm non và là sinh viên không chuyên âm nhạc.

Việc lựa chọn những sinh viên có trình độ chơi đàn khác nhau và phân thành các nhóm có trình độ tương đương là rất quan trọng. Trình độ chơi đàn của hầu hết sinh viên khi vào trường đều chưa có gì, nhưng cũng có em đã được học đàn từ trước, có những em năng khiếu chơi đàn nổi trội… Giảng viên cần nắm chắc trình độ và năng khiếu chơi đàn của từng sinh viên để phân chia nhóm cho phù hợp. Phương pháp này đòi hỏi người thầy không chỉ là những người dạy các em trong giờ mà còn phải như là một nhà quan sát đối tượng học. Từ đó giúp người giảng viên có phương pháp chọn lựa sao cho phù hợp với từng nhóm.

Theo chúng tôi ngoài các phương pháp chung để thực hiện giảng dạy  môn đệm đàn Keyboard, người dạy cần lưu ý đến hiện tượng phát triển năng khiếu không đồng đều, nên giảng viên cần sắp xếp lựa chọn theo nhóm:

- Nhóm sinh viên khá là những sinh viên tiếp thu bài giảng, kỹ năng chơi đàn tương đối tốt.

- Nhóm sinh viên trung bình là những sinh viên tiếp thu được bài giảng, kỹ năng chơi đàn ở mức độ bình thường.

- Nhóm sinh viên yếu là những sinh viên tiếp thu chậm bài giảng, kỹ năng chơi đàn còn lúng túng.

Sinh viên có thể lần lượt luyện tập theo nhóm của mình. Như vậy, trong quá trình giảng dạy bộ môn, giảng viên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển khả năng đối với sinh viên thuộc nhóm khá và có những biện pháp bồi dưỡng tích cực cho những sinh viên thuộc nhóm trung bình và yếu. Như vậy sẽ phát huy được tính tích cực sáng tạo và học tập của sinh viên trong nhóm, gây hứng thú và sự phấn đấu học tập của các em.

Để rèn luyện tốt kỹ năng đệm đàn Keyboard cho sinh viên Mầm non, trước tiên giảng viên phải trang bị cho các sinh viên chuyên ngành Mầm non kỹ năng chơi đàn Keyboard. Sinh viên cần nắm vững Lý thuyết âm nhạc có liên quan đến việc học một nhạc cụ, tính năng nhạc cụ, cách sử dụng và tư thế chơi đàn, kỹ thuật cơ bản khi chơi đàn Keyboard. Để rèn luyện kỹ thuật ngón bấm, giảng viên Âm nhạc có thể chọn lọc một số gam, bài tập kỹ thuật, etude và các tác phẩm âm nhạc cổ điển châu Âu, tác phẩm âm nhạc mang phong cách Jazz, Pop, Rock, tác phẩm Việt Nam phù hợp cho sinh viên học để nâng cao trình độ chơi đàn Keyboard cho các em.

Trước khi bước vào phần thực hành kỹ năng đệm đàn Keyboard, sinh viên cần tìm hiểu kỹ bài hát về thể loại, nội dung, tính chất âm nhạc của bài hát. Các em cần nghe kỹ và học thuộc bài hát, xác định giọng, nhịp độ, tiết tấu, tốc độ, âm sắc, hòa âm… của bài hát. Giảng viên cần đệm mẫu và hướng dẫn cho sinh viên các phương pháp, thủ pháp soạn dạo đầu, dạo khi hết câu, hết đoạn, dạo giữa và dạo cho kết bài và luyện tập hòa tấu phần đệm đàn Keyboard với giọng hát.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Thị Hòa (2009), Giáo trình tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ mầm non, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

2. Nguyên Hùng (2005), Lý thuyết và thực hành trên đàn organ với các ca khúc hay trọn lọc tập 3, Nxb Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.

3. Hoàng Lân (2006), Ca khúc thiếu nhi Việt Nam phổ thơ, Nxb Thanh niên, Hà Nội.

4. Trần Thị Ngân, Nguyễn Thị Thu sưu tầm và biên soạn (2011), Đồng dao và trò chơi trẻ em, Nxb Văn học, Hà Nội.

5. Cù Minh Nhật (2009), Organ thực hành 80 bài hát hay dùng trong sinh hoạt tập thể, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

6. Thân Trọng Quốc, Trần Minh Phương (2006), 200 bài Thực hành Organ và Piano Mầm non, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

7. Hoàng Văn Yến (chủ biên) và nhiều tác giả (2007), Trẻ mầm non ca hát, Nxb Âm nhạc, Vụ Giáo dục Mầm non.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc