Nội san

Đổi mới quản lý thiết chế văn hóa ở Ba Chẽ, Quảng Ninh

21 Tháng Chín 2016

 Đỗ Văn Thủy [*]

 

 

­Những năm gần đây, hệ thống thiết chế văn hóa phát triển rộng khắp từ huyện xuống xã, thôn, bản. Thực tiễn cho thấy xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đã khó nhưng việc duy trì hoạt động thường xuyên ở các thiết chế nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của các tầng lớp nhân dân là vấn đề lại càng khó khăn hơn, rất cần sự quan tâm, hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ kinh phí của nhà nước…

Hệ thống thiết chế văn hóa tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, với những tên gọi tùy theo quy mô của từng địa phương. Tuy nhiên, có thể nói hệ thống thiết chế văn hóa công lập được hình thành sau năm 1945 gồm: Bảo tàng, nhà văn hóa, thư viện, công viên văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã, rạp hát, rạp chiếu phim, trung tâm thể dục thể thao…

Đến nay, toàn huyện Ba Chẽ có 72/75 Nhà văn hóa thôn, khu phố được xây dựng, trong đó có 64 Nhà văn hóa được xây dựng theo chương trình Nông thôn mới với tổng kinh phí 48.750.000.000 đồng, 01 Nhà văn hóa xây dựng bằng nguồn vốn phát triển xã hội của tỉnh, 07 Nhà văn hóa xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách huyện và xã hội hóa; Có 03 Nhà văn hóa cấp xã được xây dựng tại xã Lương Mông, Đạp Thanh, Thanh Sơn; Có 01 di tích lịch sử văn hóa Đình Làng Dạ - xã Thanh Lâm được xây dựng và đi vào sử dụng từ năm 2011 với tổng kinh phí 10.461.827.000 đồng; 72 thôn, khu phố có thiết bị tăng âm loa máy; 04 xã, thị trấn có sân vận động là Lương Mông, Đạp Thanh, Đồn Đạc, Thị trấn Ba Chẽ.

Huyện Ba Chẽ Có 01 Trung tâm Văn hóa thông tin – thể thao cấp huyện đa chức năng bao gồm các phòng: Lãnh đạo, Thông tin Lưu động, Thể thao, Thư viện, 01 hội trường với quy mô 350 chỗ ngồi phục vụ các Hội nghị, Hội thi, Hội diễn văn nghệ của huyện; Thư viện huyện với 6.200 bản sách, những năm qua đã làm tốt công tác phục vụ bạn đọc trên địa bàn, đã có thẻ phục vụ độc giả mượn và đọc sách tại chỗ; 07 điểm bưu điện văn hóa xã đang hoạt động với 3.500 bản sách. Toàn huyện có 15 thư viện trường học với 70.724 bản sách, trong đó tại trường Tiểu học là 03, tại trường Trung học cơ sở là 03, tại trường Phổ thông cơ sở là 07, tại trường Phổ thông dân tộc nội trú là 01 và tại trường Trung học phổ thông là 01. Tổng kinh phí dành cho xây dựng các thiết chế trên gần 65 tỷ đồng.

Nhìn chung, cơ sở vật chất của thiết chế văn hóa huyện Ba Chẽ tương đối đầy đủ với 01 Trung tâm Văn hóa thông tin – thể thao, khu thể thao đang năng, sân vận động, 72 Nhà văn hóa, 7 điểm bưu điện văn hóa xã, mô hình thư viện trường học phát triển và hầu hết thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện đầu tư trang thiết bị cơ bản đáp ứng được chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên để phát huy được những lợi thế hiện có, Ba Chẽ cần xác định rõ phương hướng và nhiệm vụ quản lý thiết chế văn hóa trong những năn tới.

Định hướng trong  năm 2016 của Đảng bộ huyện Ba Chẽ là làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Với thực trạng tổ chức hoạt động ở thiết chế văn hóa ở huyện Ba Chẽ đã đặt ra vấn đề đổi mới chương trình hành động trong công tác quản lý nhà nước sao cho phù hợp với tình hình hiện nay, đó là:

Một là, về định hướng, những hoạt động được tổ chức tại thiết chế văn hoá phải đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển văn hóa với phát triển kinh tế và ổn định chính trị trên địa bàn huyện Ba Chẽ.

Hai là, về cơ chế, cần có sự  đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như công tác phối kết hợp trong hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện để có được những thay đổi căn bản, toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân trên địa bàn huyện.

Ba là, về công tác nhân sự, sớm thực hiện quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thiết chế văn hóa theo hướng chuyên môn hóa và xác định rõ ràng công việc của mình trong tình hình mới trên tinh thần vì nhân dân phục vụ.

Bốn là, về tổ chức các hoạt động thiết chế văn hóa cần đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả của các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa theo hướng, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Năm là, hoàn thiện và triển khai đồng bộ những quy định, tiêu chí đánh giá để lấy làm căn cứ triển khai những hoạt động cụ thể.

Sáu là, tìm những phương án huy động những nguồn lực như nhân lực, tài lực, vật lực để tổ chức những hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn người dân tham dự. Điều này được đặt ra bởi trên thực tế, nhiều người đều có chung một quan điểm nếu những thiết chế văn hóa do nhà nước quản lý được giao cho một đơn vị ngoài nhà nước có tiềm lực kinh tế, quản trị tốt khai thác thì chắc chắn có hiệu quả hơn về nhiều phương diện.

Như vậy, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thiết chế văn hóa tại huyện Ba Chẽ cần hướng đến một số mục tiêu cụ thể sau:

Thứ nhất, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn huyện Ba Chẽ, tạo môi trường văn hóa sôi động và lành mạnh, góp phần tích cực xây dựng con người mới.Hai là, những hoạt động văn hoá được tổ chức phải đi vào thực chất và có chiều sâu, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và phù hợp với nhu cầu thưởng thức, sinh hoạt văn hóa của bà con các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Ba là, huyện Ba Chẽ hướng đến việc thực hiện tốt việc xã hội hoá hoạt động văn hoá. Huy động tối đa các nhân tài, các nghệ nhân tham gia sáng tác và trình diễn nghệ thuật. Khôi phục và đẩy mạnh phong trào văn hoá, văn nghệ trong công chức, viên chức. Nâng cấp sân chơi, bãi tập trong các cơ quan, đơn vị, trường học.

Bám sát phương hướng, nhiệm vụ như trên, vấn đề giải pháp đối với quản lý thiết chế ở Ba Chẽ như sau:

Nhóm giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ văn hóa

             Thứ nhất, làm tốt công tác tuyên truyền để giúp cán bộ quản lý, nhân viên tại các thiết chế văn hóa và người dân nhận thức được mục đích, ý nghĩa của hoạt động văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân, và thông qua những hoạt động này thúc đẩy sự hoàn thiện nhân cách, lối sống lành mạnh của người dân trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Với nhiều cách thức được thực hiện một cách đồng bộ sẽ tác động đến tâm lý, nhận thức của mọi người một cách có hiệu quả.

          Thứ hai, học tập những hoạt động, mô hình quản lý thiết chế văn hóa hiệu quả trên toàn quốc, tỉnh Quảng Ninh để nhân rộng, cũng như thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện Ba Chẽ, góp phần hạn chế những mặt tiêu cực, phát huy những mặt tích cực để công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này thực sự có hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Có làm được như vậy mới hi vọng thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ, cũng như người dân và điều này sẽ góp phần tăng cường, nâng cao hiệu quả của hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, đáp ứng được những mục tiêu phát triển văn hóa mà huyện Ba Chẽ đã đề ra.

Nhóm giải pháp về tổ chức cán bộ và tăng cường cơ sở vật chất

Trong nhóm giải pháp này, phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Chẽ cần có kế hoạch cụ thể trong việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa, không chỉ đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới mà còn có đội ngũ kế cận những thế hệ đi trước, trong đó đội ngũ nhân sự hoạt động trong thiết chế văn hóa phải đảm bảo các yêu cầu: Thứ nhất, cần có trình độ chuyên môn, được đào tạo tại các trường về chuyên ngành liên quan đến văn hóa theo các bậc học khác nhau như cao đẳng, đại học… Thứ hai, có tâm, nhiệt tình và thực sự yêu thích công việc.Có bản lĩnh nghề nghiệp để ứng phó kịp thời với những phát sinh trong công việc.Luôn tự rèn luyện và trau dồi khả năng nghiệp vụ, mạnh dạn, kiên quyết trong xử lý công việc.

Về tăng cường cơ sở vật chất, huyện Ba Chẽ cần huy động nguồn kinh phí, nâng mức đầu tư cho cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn bởi đây là những điều kiện hết sức cần thiết cho việc tổ chức hoạt động văn hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc tăng cường đầu tư tài chính cho hoạt động văn hóa cần đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hệ thống các Nhà văn hóa, cũng như cho những hoạt động thông tin tuyên truyền mà trực tiếp là đội thông tin lưu động cần được trang thiết bị đồng bộ như: xe thông tin lưu động, trang âm, ánh sáng, loa đài, máy ảnh, máy quay camera hiện đại, máy chiếu... phù hợp với việc đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động trong tình hình mới.

Nhóm giải pháp liên quan đến công tác quản lý hoạt động ở các thiết chế văn hóa

Việc triển khai các hoạt động tại thiết chế văn hóa tại huyện miền núi, có những đặc thù như ở huyện Ba Chẽ sẽ phải có những phương pháp quản lý riêng, đặc biệt với địa bàn có gần 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, hay nói cách khác người Kinh ở huyện Ba Chẽ được xem là dân tộc thiểu số. Do đó, công tác quản lý thiết chế văn hóa cần phải thay đổi cả chất và lượng là điều cần thiết, trong đó lưu ý đến một số vấn đề sau: Một là, mở rộng các hình thức hoạt động cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của nhiều lứa tuổi. Khảo sát và nắm bắt nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa hiện nay của người dân trên địa bàn để lên kế hoạch, xây dựng chương trình hoạt động phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, tránh tổ chức những hoạt động xa lạ với việc cảm thụ của người dân trên địa bàn, những hoạt động được tổ chức nên hướng đến việc khai thác những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, giới thiệu những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc để mọi người biết đến, hiểu đúng và tăng cường tình cảm đối với quê hương. Hai là, thay đổi thái độ phục vụ người dân. Việc người dân đến các thiết chế văn hóa, tham gia hoạt động văn hóa một mặt là nhu cầu tự thân nhưng đồng thời cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị của huyện bởi thông qua những hoạt động này, những chủ trương, chính sách, đường lối pháp luật của nhà nước được đến gần dân hơn, giúp người dân hiểu, chia sẻ và cũng các cấp chính quyền thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra. Việc thay đổi phương thức tổ chức cần tính đến đặc thù của đồng bào huyện Ba Chẽ, từ hình thức tuyên truyền vận động đến lên kế hoạch tổ chức các chương trình văn hóa văn nghệ, tránh hiện tượng Kinh hóa các hoạt động mà đánh mất bản sắc riêng của vùng đất này bởi ở huyện Ba Chẽ, người Kinh chỉ chiếm khoảng 20 %. Ba là, nhân viên thiết chế văn hóa cũng cần có thái độ thân thiện với người dân đến tham gia hoạt động, sao cho mọi người đến sinh hoạt, vui chơi ở các thiết chế văn hóa phải thực sự thoải mái, không còn có tâm lý e dè, sợ sệt hay bức bối, khó chịu khi dịch vụ mà họ được nhận không tương xứng với giá trị vật chất mà họ bỏ ra, đặc biệt, không được có thái độ thành kiến đối với đồng bào dân tộc. Bốn là, việc đổi mới phương thức hoạt động của các thiết chế văn hóa cần được nghiên cứu và áp dụng trong từng hoạt động cụ thể, từ việc đổi mới cách thức tổ chức chương trình văn hóa văn nghệ hiện nay, tổ chức các hoạt động Câu lạc bộ, lớp năng khiếu, thư viện đến việc tuyên truyền cổ động cho đồng bào dân tộc trên địa bàn dưới nhiều hình thức, cách thức khác nhau. Năm là, nâng cao chất lượng hoạt động thiết chế văn hóa là hướng đến việc đảm bảo các mục tiêu của hoạt động được thực hiện một cách tốt nhất, đem lại lợi ích thiết thực cho những người tham gia, từ cán bộ nhân viên của văn hóa cho đến người dân.

Bên cạch đó, công tác khen thưởng đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng; giải quyết hài hoà các quyền lợi trong hệ thống thiết chế văn hóa, của tập thể với quyền lợi của cá nhân; khen thưởng cần kết hợp thật tốt cả hai mặt tinh thần và vật chất; kết hợp giữa khen thưởng và phê bình, chú trọng khen thưởng đột xuất, qua đó động viên, khích lệ cán bộ văn hóaphát huy tài năng, trí tuệ và sự sáng tạo để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Như vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về thiết chế văn hóa ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh rất quan trọng trong việc thu hút người dân đến hưởng ứng, tham gia các hoạt động tại mỗi thiết chế văn hóa. Có thể nói, với việc thực hiện một số giải pháp như đã đề xuất, chúng tôi tin rằng hoạt động quản lý nhà nước tại thiết chế văn hóa ở huyện Ba Chẽ trong thời gian tới sẽ được nâng cao, đáp ứng cao nhất những yêu cầu của người dân trong khu vực trong việc vui chơi, thư giãn, hoạt động trải nghiệm sáng tạo sau những giờ lao động hàng ngày, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy tinh thần đại đoàn kết của các dân tộc trên địa bàn huyện Ba Chẽ.

 

                                                          Tài liệu tham khảo

1.    Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ba Chẽ (2015), Nghị quyết số 02-NQ/HU về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Ba Chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của huyện trong tình hình mới, Ba Chẽ.

2.      Nguyễn Duy Bắc (2011), Tập bài giảng quản lý các thiết chế văn hóa, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ chí Minh, Hà Nội

3.      Nguyễn Hữu Thức (2005), Về văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa, Nxb CTQG, Hà Nội.

4.      Nguyễn Hữu Thức (2009), Về cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.

5.      UBND huyện Ba Chẽ (2012), Kế hoạch số 14/KH-UBND về việc phát triển sự nghiệp Văn hóa, Thể thao, Gia đình trên địa bàn huyện Ba Chẽ giai đoạn (2011 – 2015).

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa