Nội san

Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương Thuận Thành, Bắc Ninh

21 Tháng Chín 2016

                              Nguyễn Hương Giang [*]

 

Nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng, nhắc đến Bắc Ninh là nhắc tới một vùng đất màu mỡ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nơi hội tụ, giao lưu văn hóa của các vùng miền trên khắp đất nước. Nơi đây được coi là cái nôi của nền văn minh lúa nước, vùng đất gắn với nhiều huyền thoại lịch sử của nền văn hóa Đại Việt. Bắc Ninh, một vùng quê văn hiến có nhiều di tích lịch sử văn hóa, lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống. Những dấu ấn lịch sử sống động truyền thống văn hóa Việt Nam, đậm đà bản sắc Kinh Bắc được kết tinh trong những di sản văn hóa, các lễ hội dân gian.

Nhắc đến Bắc Ninh, mọi người thường hay nhắc đến những di tích nổi tiếng như: Chùa Dâu, Chùa Phật Tích - những ngôi chùa phát tích của Phật giáo Việt Nam. Đền Đô, đền Phụ Quốc, đình làng Đình Bảng, đình Tam Tảo cũng là những di tích quan trọng của Bắc Ninh. Ngoài ra còn có Chùa Bút Tháp, Chùa Tiêu, Chùa Lim, Chùa Linh Ứng, Chùa Cảm Ứng, Chùa Hàm Long, Đền Bà Chúa Kho… Tính đến nay, Bắc Ninh có 1.259 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 495 di tích được Nhà nước công nhận và xếp hạng. Có 194 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 301 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Thuận Thành là vùng đất cổ nằm ở phía Nam sông Đuống, vốn có lịch sử lâu đời và gần như hội đủ những truyền thống, bản sắc của nền văn hiến Kinh Bắc. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, mảnh đất con người Thuận Thành đã sản sinh ra những giá trị vật chất, tinh thần đa dạng, phong phú mà dấu tích còn để lại đến ngày nay. Tất cả những giá trị đó tạo nên nét riêng biệt của văn hóa Luy Lâu trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa đó trước hết phải kể đến khu di tích tiêu biểu: Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Âu Cơ ở làng Á Lữ xã Đại Đồng Thành, di tích này đã được bộ Văn hóa Thể thao ra quyết định công nhận và cấp bằng di tích lịch sử văn hóa ngày 02/02/1993. Khu di tích lịch sử Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương nằm trên địa bàn Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nơi có bề dày về lịch sử và truyền thống văn hóa, với nhiều di tích lịch sử - văn hóa . Là di tích lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia, khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương từ lâu đã được các triều đại Phong kiến Việt Nam xếp vào loại thái miếu, thờ các bậc đế vương. Đây là nơi thờ phụng các vị thủy tổ cả dân tộc, cho đến các anh hùng mở nước và cứu nước. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương vẫn đang lưu giữ những dấu tích xa xưa như: những sắc phong, thần phả, câu đối, đồ thờ… từ các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn. Vì vậy đây là nơi hội tụ nhiều thông điệp mang giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc của dân tộc Việt.

 

 Nhà thờ khu Lăng Kinh Dương Vương (Nguồn: tác giả)

 

            Quần thể di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương là một trong những điểm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu, hàng năm thu hút hàng  vạn lượt du khách trong và ngoài nước hướng về cội nguồn. Đây là một quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia có giá trị văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Hiện di tích còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Khu di tích nằm trong không gian thoáng rộng nhưng khá hiu quạnh, nên việc khai thác các giá trị văn hóa lịch sử gắn với quần thể di tích chưa được quan tâm đúng tầm. Đặc biệt, khu di tích chưa gắn kết với hệ thống các di tích lịch sử và các điểm tham quan du lịch khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, được coi là quê hương của đền, chùa, miếu mạo. Do đó, việc quy hoạch và lập dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích rất cần thiết.

            Cụm di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ hiện còn bảo lưu được kho tàng di sản văn hóa vật thể như: tài liệu cổ vật quý giá là thần phả, sắc phong, bia đá, đồ thờ tự và di sản phi vật thể như truyền thuyết, thơ, ca, tín ngưỡng, lễ hội... minh chứng cho dấu ấn các Thủy tổ dân tộc có công khai sơn sáng thủy thủa bình minh lịch sử của dân tộc ta. Phần hội có các hoạt động văn hóa, thể thao cùng các trò chơi dân gian như chơi đu, đập niêu, bịt mắt bắt dê, tổ tôm điếm, cờ tướng, vật dân tộc, múa rối nước, các chương trình văn nghệ biểu diễn nghệ thuật chèo, tuồng, trống quân, Quan họ trên thuyền.Lễ hội Kinh Dương Vương được tổ chức nhằm bày tỏ lòng thành kính, tuyên truyền, giáo dục những con dân đất Việt nhớ về nguồn cội, tri ân đức vua Thủy tổ Việt Nam, phát huy truyền thống tốt đẹp từ nghìn xưa để lại, là dịp bày tỏ lòng tự tôn dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở dòng máu huyết thống con Lạc, cháu Hồng, thi đua lao động, học tập xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lễ hội còn tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng quê hương Kinh Bc – Bắc Ninh.

            Mặc dù du di tích thờ “Quốc tổ” của nước Việt Nam nhưng vẫn trong trạng thái hiu quạnh, vắng vẻ là do khu di tích này chưa được quan tâm đúng với tầm của mình. Đồng thời việc quảng bá hình ảnh và sự tồn tại của khu di tích chưa được chú trọng. Nói đến vua Hùng ai ai là người dân Việt Nam cũng biết, nhưng nói đến Kinh Dương Vương - Thủy tổ của nước Việt thì không nhiều người dân biết đến. Hay việc trùng tu tôn tạo khu di tích là việc làm hết sức có ý nghĩa. Không chỉ gìn giữ một di sản của dân tộc mà còn góp phần nâng cao giá trị truyền thống lịch sử văn hóa và hướng tới hình thành tuyến du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng ở Thuận Thành như Chùa Dâu và Thành cổ Luy Lâu, Chùa Bút Tháp, Làng Tranh Đông Hồ và nhiều làng nghề thủ công truyền thống. Đây cũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tri ân Đức vua thủy tổ Việt Nam, thể hiện niềm tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, từ đó nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước.

            Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được, vẫn còn những mặt hạn chế, cần có những biện pháp khắc phục nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tốt hơn. Để làm rõ những giá trị văn hóa, đồng thời đưa ra những phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao quản lý, phát huy giá trị văn hóa và góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, việc đưa ra định hướng và các giải pháp để quản lý bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa như nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ này là một việc làm không hề đơn giản. Vì vậy để giải quyết những hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích khu Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, Thuận Thành, Bắc Ninh nhất thiết cần có định hướng và các giải pháp cụ thể về từng mặt như:

            Thứ nhất, cần quy hoạch khuôn viên khu di tích: Công cuộc tu bổ, tôn tạo lại khu di tích luôn làm những người làm công tác quản lý tại địa phương trăn trở. Đền và lăng Kinh Dương Vương là một di tích quan trọng và gắn kết chặt chẽ với quần thể di tích đặc biệt của Thuận Thành, từ lâu đã được người dân làng Á Lữ trông coi và bảo vệ. Khuôn viên của lăng và đền thờ cũng cần được mở rộng hơn, xây dựng thêm nhiều công trình, hạng mục phù trợ như nhà khách, phòng truyền thống, bãi đỗ xe, mở rộng đường lên, xuống, khu du lịch sinh thái ven sông… đáp ứng được nhu cầu của người dân cả nước về bái lễ Thủy Tổ.

            Thứ hai, trùng tu phục hồi: Nằm trong quần thể các di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Bắc Ninh, khu di tích Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương- Lạc Long Quân- Âu Cơ là khu di tích lịch sử- văn hóa đặc biệt quan trọng, không chỉ của vùng Luy Lâu- Kinh Bắc, mà còn của cả dân tộc, là dấu ấn lịch sử thiêng liêng nối mãi sức mạnh cội nguồn dân tộc. Di tích này là sự ngưng đọng và phản ánh về nguồn cội dân tộc, lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, nhắc nhở con cháu luôn nhớ về tổ tông.

            Thứ ba, củng cố bộ máy quản lý: Công tác tổ chức bộ máy quản lý tại khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương có ý nghĩa then chốt, chi phối toàn bộ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị vốn có tại đây.

            Thứ tư, nâng cao vai trò cộng đồng bảo tồn giá trị: Tiếp tục hoàn thiện việc thực hiện dự án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của khu di tích.

            Thứ năm, biện pháp phát triển hoạt động theo hướng bền vững: Ban quản lý di tích phối hợp với các ban, ngành liên quan tiến hành tham mưu với UBND tỉnh xây dựng chính sách ưu đãi, thông thoáng nhằm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực du lịch. Phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác giữ gìn tài nguyên du lịch, hạn chế các tác động tiêu cực ảnh hưởng xấu đến hoạt động du lịch, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

            Để thực hiện được các giải pháp phát triển thực sự có hiệu quả đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, các ngành và của toàn thể nhân dân chứ không phải của riêng Ban quản lý di tích Thuận Thành, Bắc Ninh. Với những chính sách của Đảng và Nhà nước ta đang coi trọng Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy nền kinh tế xã hội, phát triển trong giai đoạn hiện nay. Hy vọng rằng khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương sẽ được Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện để bảo tồn và hát huy giá trị được tốt nhất.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội (2000), Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam. Nxb CTQG, Hà Nội.

2.    Bộ Văn hóa – Thông tin (1993), Quyết định số 74/VH-QĐ ngày 02/02/1993công nhận Di tích lịch sử lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành.

3.    Bộ Văn hóa Thông tin (2001), Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT ngày 24/07/2001 về Phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.

4.    Bộ Văn hóa Thông tin (2003), Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 06/02/2003 về Ban hành quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.

5.    Lê Ngọc Dũng (2005), Tổ chức, quản lý và khai thác các di tích và danh thắng ở Việt Nam trong cơ chế thị trường, Nxb VHTT, Hà Nội.

6.     Nguyễn Khoa Điềm (Chủ biên), (2001), Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb CTQG, Hà Nội.

7.    Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2014), Hướng dẫn số419/HDLT/SVHTTDL-SNV ngày 16/7/2014 về việc Thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

8.    Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2014), Quyết định số 263/QĐ-SVHTTDL ngày 16/9/2014 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban QLDT tỉnh.

9.    Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2015), công văn số 388/HD-SVHTTDL ngày 11/5/2015 về hướng dẫn chi tiết thực hiện “Quy định về quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn Bắc Ninh.

10.   Trần Quốc Thịnh (chủ biên), (2011), Nam bang Thủy tổ Kinh Dương Vương, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa