Nội san

Phương pháp dạy hát ví, dặm Nghệ Tĩnh

08 Tháng Hai 2017

                                                                                          Nguyễn Thị Ngọc Mai [*]

           

Nghệ Tĩnh là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ - vốn được biết đến là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Văn hóa Nghệ Tĩnh qua quá trình phát triển đã khẳng định yếu tổ bản địa. Điều đó được thể hiện rõ qua phương thức sinh hoạt văn hóa dân gian. Trong đó, Ví, Dặm được coi là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại được công nhận năm 2014, khẳng định dân ca xứ Nghệ tỏa sáng đầu thế kỷ XXI.

  1. Khái quát về Ví, Dặm

Hát Ví, Dặm của vùng đất xứ Nghệ có hình thức, lối hát lưu giữ nhiều thổ âm, thổ ngữ trong tiếng Việt cổ. Đây là một đặc điểm nổi trội khi hiện nay những hiện tượng: hòa nhập, đan xen giữa các phương ngữ Bắc - Trung - Nam diễn ra liên tục. Điều này liên quan chặt chẽ đến cách sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của người xứ Nghệ.

Đặc trưng của hát là thể hiện tính địa phương, biểu hiện tư tưởng, tình cảm của người hát bằng ngôn ngữ bản địa. Có thể nói, tính chất phương ngữ, thổ ngữ của dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ là nét nổi bật nhất.

Về mặt thanh điệu, so sánh với phương ngữ phổ thông cho thấy: Cách phát âm miền Bắc có sự phân biệt rõ ràng giữa 6 thanh: thanh không, thanh huyền, thanh hỏi, thanh nặng, thanh ngã, thanh sắc. Còn người Nghệ Tĩnh, chỉ phân biệt có 5 thanh: thanh không, thanh huyền, thanh hỏi, thanh sắc, riêng thanh nặng và thanh ngã phát âm giống thanh nặng. Ví dụ: “bảo” và “bão” đều đọc là “bạo”. Cách phát âm thanh điệu tiếng nói như vậy của người Nghệ Tĩnh tạo nên âm điệu ngang ngang, nằng nặng. Đó là đặc điểm phương ngữ được đưa hát Ví làm cho giai điệu mang những nét riêng biệt.

  1. Phương pháp dạy học

Thuyết trình, trực quan, vấn đáp, thực hành tập luyện… là những phương pháp dạy học quan trọng. Tuy nhiên, đối với thể loại hát Ví, Dặm thì dạy theo lối truyền khẩu là phương pháp tối ưu không thể thiếu được trong quá trình dạy học. Mỗi phương pháp sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau nên cần phải vận dụng kết hợp đa dạng chúng trong quá trình dạy học và tổ chức lớp học nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc phát huy tính tích cực, năng lực tự học, sáng tạo của người học.

Phương pháp truyền khẩu

            Âm nhạc dân gian được lưu giữ trong trí nhớ con người, không tồn tại ở dạng văn bản, vì vậy truyền khẩu và truyền ngón là những phương pháp được sử dụng chủ yếu trong truyền dạy nhạc cổ. Ngày nay, để dạy hát âm nhạc dân gian, các giáo viên đã áp dụng nhiều phương pháp mới. Tuy nhiên, phương pháp truyền khẩu vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc giảng dạy bởi các lý do sau:

 Thứ nhất, truyền khẩu tuy không có ưu điểm thúc đẩy và phát huy tính tích cực, nhưng nó đảm nhận tính thống nhất trong việc tiếp thu kiến thức của người học. Với phương pháp này, người truyền dạy là nguồn tri thức duy nhất truyền tải cách hát nhạc dân gian cho người học.

Thứ hai, trong dạy hát Ví, Dặm cũng cần sử dụng phương pháp truyền khẩu bởi đây chính là công cụ có thể truyền thụ tốt nhất về tính chất của thể loại âm nhạc độc đáo này. Khi dạy hát bằng phương pháp truyền khẩu, cần hướng dẫn người học tập luyện giai điệu theo lối móc xích, hát mẫu 2 đến 3 lần và sau đó mới thực hành. Khi thực hiện hát mẫu, người dạy cần hát chuẩn xác các âm điệu có trong bài, sau đó mới hướng dẫn rèn luyện. Với lối dạy truyền khẩu phần nào giúp người học cảm nhận trọn vẹn âm nhạc của các làn điệu Ví, Dặm, nắm bắt được nhịp điệu và tính chất của thể loại dân ca này.

Thứ ba, khi dạy hát dân ca bằng phương pháp truyền khẩu, cần lưu ý dùng phương pháp thuyết trình, kết hợp sử dụng máy chiếu để trình chiếu bản đồ, tranh ảnh, video. Những công cụ trực quan này được áp dụng dể giới thiệu cho sinh viên biết về hình ảnh vùng miền Nghệ Tĩnh, về nguồn gốc, sự hình thành và phát triển của thể loại hoặc bài dân ca cũng như giới thiệu những nét đặc trưng về âm nhạc của bài dân ca.

Cần kết hợp linh hoạt giữa phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại nhằm khai thác tính chủ động đặc biệt là khả năng sáng tạo nghệ thuật của người học. Bằng các phương pháp thuyết trình, vấn đáp, thực hành luyện tập, sử dụng phương tiện trực quan sinh động, sử dụng bản kí âm kết hợp với phương pháp truyền miệng của nghệ nhân. Người học sẽ không thụ động tiếp nhận mà sẽ trở thành người sáng tạo thứ hai, làm tăng tính chủ động cho người học và nâng cao tư duy, cảm xúc nghệ thuật từ đó người học xác định được cái “riêng”, cái “tôi” của mình, đó cũng là điều kiện cần để nghệ thuật phát triển, phù hợp với hơi thở thời đại.

Phương pháp thuyết trình và vấn đáp

            Thuyết trình và vấn đáp là hai phương pháp cơ bản trong dạy học. Đây là những phương pháp không mới nhưng không thể thiếu, đặc biệt với nội dung cần diễn giải, trao đổi thông tin. Người dạy hoàn toàn có thể phát huy tốt nếu biết cách vận dụng tốt những phương pháp này.

            Khi dạy hát dân ca nói chung, dạy hát Ví, Dặm nói riêng cần vận dụng phương pháp thuyết trình để miêu tả, giải thích vấn đề, hướng dẫn vấn đề; giới thiệu về xuất xứ, đặc điểm nghệ thuật làn điệu, giải thích những âm vần, thanh điệu, cấu trúc, ngôn ngữ của vùng miền;… Trong quá trình dạy học, ngoài phương pháp truyền miệng cần kết hợp với phương pháp thuyết trình để giới thiệu tính chất và xuất xứ làn điệu. Thiết nghĩ, ngày nay, học hát dân ca không chỉ chú trọng tới truyền dạy bài bản mà còn có thể cung cấp những tri thức văn hóa dân gian cầu thành, giúp người học hiểu về tính chất làn điệu và môi trường sản sinh ra nó. Đó cũng là một trong những điều cần thiết giúp cho người học hứng thú hơn với việc học hát dân ca.

Phương pháp vấn đáp cũng không thể thiếu trong dạy học. Nếu như trước đây người học tiếp thu quá trình dạy học dân ca theo hướng một chiều một cách rất thụ động, thì ngày nay trong quá trình truyền dạy cần có sự trao đổi, thảo luận giữa người dạy với người học và giữa người học với nhau nhằm khắc phục được lối truyền dạy một chiều.

Sử dụng phương pháp vấn đáp tạo nên sự sinh động trong cách thức tổ chức lớp học, phong phú về nội dung tiếp nhận ở các giờ lên lớp trong hoạt động này.

Phương pháp thực hành luyện tập

Để giúp người học được rèn luyện thực hành kỹ năng hát, cần áp dụng phương pháp thực hành luyện tập trong dạy học.

Có thể ứng dụng phương pháp thực hành luyện tập ở nhiều nội dung trong quá trình truyền dạy như: luyện đọc thang âm; cao độ; những âm luyến, láy, ngân;… Để có những dẫn chứng xác thực nên đi vào phân tích diễn giải và thực hành nội dung luyện thang âm và xử lý các âm điệu luyến láy của hát Ví, Dặm.

Để dạy học hát Ví, Dặm đạt hiệu quả cần hạn chế thể hiện giai điệu bằng đàn, mà sử dụng cách hát mẫu bằng giọng thật, điều đó giúp người học có thể cảm nhận trọn vẹn tính chất của làn điệu.

Sử dụng bản kí âm và các phương tiện nghe nhìn

            Sử dụng bản ký âm và các phương tiện nghe nhìn để phục vụ quá trình tự nghiên cứu và tự học. Bằng những bản ký âm, người học có thể tự tập bài độc lập ngay cả khi không có người hướng dẫn. Mặc dù bản ký âm chỉ ghi lại khung chính của giai điệu, không thể hiện được tất cả những luyến láy cũng như tính chất của làn điệu, nhưng người học vẫn có thể dựa vào bản ký âm để hát. Phương pháp sử dụng các bản phổ được kí âm từ những nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian sẽ góp phần không nhỏ trong quá trình dạy học và tự học.

            Trong quá trình dạy học có rất nhiều phương pháp, mỗi phương pháp lại có những ưu điểm và hạn chế riêng. Vì vậy, việc kết hợp các phương pháp dạy học là điều cần thiết nhằm giúp người học tiếp thu bài một cách hiệu quả nhất. Trong quá trình truyền dạy, có thể kết hợp nhiều phương pháp dạy học với nhau như: sử dụng phương pháp thuyết trình để miêu tả, nêu vấn đề, giải thích các vấn đề hướng dẫn vấn đề, diễn giải để giải thích những âm vần, thanh điệu, ngôn ngữ vùng miền hay sử dụng phương pháp thực hành luyện tập ở các nội dung xử lý kỹ năng các âm hình có dấu luyến, láy, dấu hoa mỹ, … 

Bên cạnh những phương pháp trên, cần tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình truyền dạy hát dân ca. Việc xem tranh, ảnh minh họa, xem và nghe đĩa các nghệ sĩ, nghệ nhân biểu diễn dân ca sẽ giúp người học trong quá trình tiếp nhận truyền dạy, từ đó có những điều chỉnh hợp lý nhất theo yêu cầu của người dạy.

Trong quá trình học hát dân ca, nhạc cảm là yếu tố quan trọng, chính sự rèn luyện, học tập sẽ giúp người học có sự cảm nhận âm nhạc nhanh, nhạy bén, nền tảng vũng chắc tiếp thu các làn điệu. Hát đúng, chính xác làn điệu, âm điệu và hiểu biết nhất định về dân ca sẽ mang tính quyết định, xác nhận kết quả học tập.

            Ngày nay, việc giảng dạy âm nhạc truyền thống nói chung được thực hiện chủ yếu trên bản phổ, tuy nhiên bản phổ không thể hiện được hết “cái chất”, “cái hơi” của nhiều bài bản. Do vậy, việc dạy truyền khẩu kết hợp với bản phổ sẽ giúp người học thực hiện tốt hơn yêu cầu bài bản. Nếu bỏ qua phương pháp truyền khẩu thì người tiếp nhận dễ thực hiện sai tính chất của bài, nó đồng nghĩa với việc làm giảm giá trị của bài dân ca. Ngoài ra, có thể khuyến khích người học tự học thông qua việc nghiên cứu, sưu tầm và nghe các tư liệu bằng âm thanh (thông qua nghe đĩa CD, tư liệu trên mạng internet).

Mặc dù Ví, Dặm đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã được khôi phục từ nhiều năm qua nhưng những làn Ví, Dặm vẫn vắng bóng ở môi trường giáo dục. Việc truyền dạy Ví, Dặm chưa thật sự được phát triển rộng rãi, một phần cũng bởi chưa được đi sâu tiếp được với giới HSSV. Đây không chỉ là giáo dục tri thức âm nhạc cho giới trẻ, mà đó còn có thể là phương tiện giáo dục nhân cách con người. Do đó, việc đưa Ví, Dặm vào truyền dạy cho lớp trẻ là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Nguyễn Chung Anh (1958), Hát Ví Nghệ Tĩnh, Nxb Sử Địa, Hà Nội.

2.    Nguyễn Đổng Chí, Ninh Viết Giao (1961), Hát Dặm Nghệ Tĩnh (tập 1, 2), Nxb sử học, Hà Nội.

3.    Ninh Viết Giao (2002), Hát phường Vải, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

4.    Lê Hàm (1970), Dân ca Hà Tĩnh, Nxb Ty văn hóa Hà Tĩnh.

5.    Lê Hàm (chủ biên) (2000), Âm nhạc dân gian xứ Nghệ, Nxb Hội VHDG Nghệ An.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc