Nội san

Thực trạng dạy học hát dân ca cho học sinh khiếm thị tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu

27 Tháng Hai 2017

                         Lê Thị Thu Thủy [*]

 

Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu là trường có diện tích 13.000m2, nằm sát trục đường Lạc Trung, phố Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội. Trước đây, phương thức tổ chức giáo dục của Nhà trường chủ yếu là học tập trung cho những học sinh bị khiếm thị. Các em được phân bố vào những lớp riêng để giáo dục chuyên biệt. Tuy vậy, đến nay cùng với phương thức giáo dục mới, Nhà trường đã triển khai thêm các phương thức giáo dục khác mang tính hòa nhập, cởi mở hơn, đó là các em bị khiếm thị và các em không bị khiếm thị đều học chung với nhau.

Với môi trường tách biệt giữa học sinh khiếm thị và học sinh sáng mắt thì việc giáo dục các môn học chung cho các em vốn đã rất khó khăn. Vậy nên, giáo dục ở môi trường hòa nhập càng khó khăn gấp nhiều lần.Hơn nữa, với những đặc thù của bộ môn âm nhạc nói chung thì việc giáo dục âm nhạc ở môi trường hòa nhập, đặc biệt là việc dạy học hát dân ca đối với các em học sinh khiếm thị càng trở nên khó khăn hơn. Có thể nói, vai trò của dạy học hát dân ca trong công tác giáo dục âm nhạc cho trẻ em khuyết tật (đặc biệt là trẻ em khiếm thị trong đó có trẻ em mù) là việc rất quan trọng. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên âm nhạc chưa được sử dụng triệt để, chưa phát huy được hết năng lực. Bên cạnh đó, bản thân giáo viên âm nhạc có những hạn chế về phương pháp giảng dạy các bài hát dân ca và phương pháp giảng dạy cho người khiếm thị chưa tốt.

Như ta đã biết ở Việt Nam, nghiên cứu về giảng dạy âm nhạc cho học sinh khiếm thị là vấn đề có ít tác giả quan tâm. Một trong những khó khăn cơ bản của giáo dục học sinh khiếm thị là thiếu nguồn tài liệu hướng dẫn các kỹ năng giáo dục, dạy học cũng như không có tài liệu giảng dạy môn âm nhạc và đặc biệt là đi sâu vào dạy học hát dân ca cho học sinh khiếm thị. Vì vậy, công tác dạy học hát dân ca trong bộ môn âm nhạc cho học sinh khiếm thị gặp nhiều khó khăn. Do vậy nghiên cứu về vấn đề dạy học hát dân ca cho học sinh khiếm thịlà rất cần thiết.

Việc nghiên cứu về dạy học hát dân ca cho học sinh khiếm thị trường THCS Nguyễn Đình Chiểu nhằm giúp cho việc dạy học đối tượng này được nâng cao khả năng hát dân ca nói riêng, chất lượng học tập môn âm nhạc nói chung, phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo; góp phần hoàn thiện nhân cách; giúp các em hòa nhập với môi trường xã hội tốt hơn.

Với các em học sinh khiếm thị thì ngôn ngữ chính là công cụ mà các em dùng để biểu đạt ý nghĩa, tình cảm của mình đối với người khác và qua đó hiểu được mọi người. Ngôn ngữ được cấu tạo từ âm thanh, nét mặt, điệu bộ bằng tay hoặc động tác cụ thể. Tuy nhiên, với các em học sinh khiếm thị thì chỉ có thể sử dụng ngôn ngữ bằng âm thanh. Khi muốn nói chuyện hoặc trao đổi thông tin với một ai đó thì các em cần phải sử dụng ngôn ngữ để truyền tải những thông điệp mình muốn bày tỏ. Ngôn ngữ của học sinh khiếm thị có thêm chức năng bù trừ những khiếm khuyết trong hoạt động nhận thức. Ví dụ như những gì mà học sinh không sờ thấy được thì ta có thể giải thích mô tả bằng lời, ngay cả những sự vật tuy đã sờ thấy, nghe được nhưng chưa hẳn các em đã thấu hiểu, nếu được giải thích thêm bằng ngôn ngữ sẽ giúp các em hiểu rõ hơn, hiểu kỹ hơn.

 Những cử chỉ điệu bộ như: gật, lắc đầu, bĩu môi, cau mày, nhếch mép, khua tay trong giao tiếp hầu như không thấy ở học sinh khiếm thị. Có em khi trò chuyện đáng lẽ nói vừa phải thì lại nói to hoặc ngược lại, do các em không xác định được mặt nên quay về hướng nào cho đúng. Các nhược điểm trên có thể khắc phục trong quá trình được chăm sóc giáo dục đặc biệt, giáo viên dạy học sinh khiếm thị cần tìm hiểu sự phát triển ngôn ngữ của các em để có biện pháp giảng dạy âm nhạc thật tốt.

Khi học môn học Âm nhạc, các em học sinh khiếm thị hát tốt và có tai nghe khá, có những em có năng khiếu về môn học âm nhạc. Các em thích vui chơi, hoạt động âm nhạc. Đặc biệt, với các hoạt động âm nhạc, chương trình văn nghệ của nhà trường tổ chức. Tất cả các em học sinh sáng mắt và khiếm thị đều tham gia tích cực, chủ động. Các em đã tự tổ chức dàn dựng các tiết mục văn nghệ phù hợp với lứa tuổi.

Về vấn đề sách và chữ nổi: Sách và tư liệu cho việc dạy học âm nhạc dành cho học sinh khiếm thị rất ít và hạn chế.  Các em học sách chữ nổi Braille là chữ dành riêng cho người khiếm thị.Sách Braille chủ yếu là sách giáo khoa phục vụ cho học sinh khiếm thị. Các sách tham khảo, sách văn hóa, giải trí thông thường rất ít và hầu như không có. Hình thức xuất bản thực chất là dịch từ sách giáo khoa thông thường sang chữ Braille. Theo chủ chương của Bộ GDĐT, các em khiếm thị học hòa nhập cùng các em sáng mắt chung một chương trình phổ thông, nhưng do chưa có một chương trình học biên soạn riêng cho đối tượng đặc biệt này nên các trường đã tự tổ chức dịch từ sách giáo khoa thường thành chữ nổi. Với các môn xã hội như Văn, Sử, Địa,… thì dễ làm sách chữ nổi, còn những sách tự nhiên như Toán, Lý, Hóa khi làm rất mất thời gian vì có nhiều hình và kí hiệu đặc biệt. Riêng bộ môn Âm nhạc thì chưa có sách chữ nổi vì có những kí hiệu bản nhạc thuộc chuyên ngành và chưa có trong bảng kí hiệu của các em.

Như vậy có thể thấy, sách giáo khoa các môn học mang tính đặc thù như Toán, Lý, Hóa có nhiều hình và kí hiệu đã rất khó làm ra sách chữ nổi thì môn học đặc biệt như môn Âm nhạc lại càng khó khăn vì có nhiều kí hiệu và bản nhạc không có trong bảng kí hiệu chữ Braille cho học sinh khiếm thị. Do bộ môn Âm nhạc là môn học đặc thù và chưa có quy định về các nốt nhạc trong bảng chữ nổi, điều này khiến các em chưa có sách giáo khoa để học. Chính vì lí do này, nên các em gặp không ít khó khăn khi học môn Âm nhạc. Lúc này người giáo viên cần tìm phương pháp dạy và truyền đạt môn Âm nhạc cho phù hợp với học sinh khiếm thị trong trường.

Trong dạy học hát nói chung, có rất nhiều phương pháp dạy học hát và mỗi phương pháp đạt được những kết quả khác nhau.Tuy nhiên, với dạy học hát dân ca phương pháp truyền dạy qua phương thức truyền khẩu là phương thức truyền thống của ông cha ta. Đây là phương thức thường được dùng để lưu truyền các điệu hát dân ca từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cách thức truyền miệng rất đơn giản là người dạy hát trước, người học hát lại theo và truyền cho nhau một cách tự nhiên, không cần ghi chép lại. Phương thức này có ưu điểm là người học được trực tiếp nghe và nhắc lại. Người dạy có thể truyền khẩu từng câu ngắn để người học dễ tiếp thu nhất. Tuy nhiên, cũng có một số nhược điểm của cách dạy này là người học được truyền dạy học một cách thụ động. Người học có thể hát theo cảm xúc và khả năng âm nhạc của bản thân, từ đó xuất hiện thêm những dị bản mới. Truyền miệng không tránh khỏi bị “tam sao thất bản”, việc không ghi chép lại thành văn bản cũng làm cho những điệu hát bị mai một đi. Tuy nhiên, đây vẫn là phương pháp phổ biến nhất trong việc dạy hát nói chung và dạy hát dân ca nói riêng.

Với chương trình sách âm nhạc của các trường THCS, các bài hát dân ca rất ít. Mỗi khối học, các em chỉ được học từ 1 đến 2 bài hát dân ca cả năm. Như vậy, trong chương trình học của các em chưa thực sự giúp các em hiểu về nguồn gốc, về đặc trưng bản sắc từng vùng miền của Việt Nam. Hơn nữa, với các em học sinh khiếm thị bị thiệt thòi về thị giác lại càng cần nghe và học những bài hát dân ca. Điều này có một ý nghĩa giáo dục cao, giúp các em được hiểu về bản sắc dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, cần đặt ra tiêu chí nhằm bổ sung thêm một số bài hát dân ca vào chương trình học âm nhạc của học sinh cho phù hợp.Tiêu chí cho chương trình sách giáo khoa (SGK) âm nhạc THCS là: Chương trình mang tính thực tiễn, kiến thức phải phù hợp, thực hiện chương trình cần uyển chuyển và linh hoạt. Ngoài ra, các tiêu chí dành cho giáo viên dạy hát dân ca cho học sinh khiếm thị là: Do các em không thể nhìn thấy được nên sẽ tập trung vào tai nghe (thính giác). Vì thế, giáo viên cần tăng cường nghe nhịp điệu, tiết tấu, nghe quãng. Ngoài ra, giáo viên cần tăng cường các hoạt động cộng đồng chi học sinh khiếm thị. Có thể tạo ra câu lạc bộ dân ca cho học sinh, cho các em đi ngoại khóa gặp các nghệ nhân để được nghe và học tập, tổ chức các buổi giao lưu về dân ca dành cho học sinh hoặc có thể đưa ra chủ đề cho học sinh sáng tác lời dựa trên bài hát dân ca có sẵn.

Với bộ môn Âm nhạc, cần bổ sung: Sách giáo khoa cho chương trình học chính khóa và tư liệu tham khảo phục vụ dạy học.Ngoài việc bổ sung trong SGK, cũng có thể bổ sung bằng các tư liệu khác như băng, đĩa, mạng về hát dân ca. Hoặc cũng có thể bổ sung chương trình học ngoại khóa, cho các em được đi thực tế hoặc mời các nghệ nhân hát dân ca đến trường giao lưu cùng các em hay tiếp cận nhà hát, câu lạc bộ… Điều này tạo cho các em sự mới mẻ, thích thú và ham học hỏi.

Như vậy, giáo dục âm nhạc truyền thống nói chung, học hát dân ca nói riêng cho học sinh khiếm thị ở trường THCS Nguyễn Đình Chiểurất cần một số đổi mới cả trong nhận thức và hành động của giáo viên, học sinh nơi đây. Khi nhận thức tốt, coi đây là một vấn đề xã hội có tính nhân văn sâu sắc, thì sẽ tất yếu kéo theo một loạt các hành động tốt. Từ đó, các giáo viên cũng như học sinh cần suy nghĩ có những phương pháp nào phù hợp để dạy, học những kiến thức căn bản và một số giá trị của hát dân ca dân tộc Việt Nam nhằm góp sức nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn, phát huy vốn quý của dân tộc một cách bền vững.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Đào Ngọc Dung (2003), Dân ca làn điệu phát triển, Nxb Thanh niên, TP Hà Nội.

2.    Dương Anh Đức (2014), Xây dựng chương trình hoạt động âm nhạc ngoại khóa tại một số trường Trung học cơ sở của quận Đống Đa - TP Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, Hà Nội.

3.    Nguyễn Xuân Hải (2011), Xây dựng trường học hòa nhập học sinh khuyết tật cấp Trung học cơ sở, Tạp chí Quản lí giáo dục (số 24) tr.18-22.

4.    Lê Thị Thúy Hằng (2005), Giáo dục hòa nhập trẻ khiếm thị, Nxb Lao Động, Hà Nội.

5.    Hà Thị Hoa (2010), Đôi điều suy nghĩ về âm nhạc cổ truyền trong đào tạo hiện nay, Tham luận hội thảo Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống, Webside Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.

6.    Hà Thị Hoa (2012), Nhập môn âm nhạc cổ truyền, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, TP Hà Nội.

7.       Phạm Lê Hòa (2004), Những âm điệu cuộc sống, Nxb Âm nhạc, TP Hồ Chí Minh.

8.       Phạm Lê Hòa (2007), Âm nhạc cổ truyền trong sự phát triển cùng thời đại, Webside Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, TP Hà Nội.

9.      Đào Việt Hưng (1999), Tìm hiểu điệu thức dân ca người Việt bắc Trung Bộ, Nxb Âm nhạc, TP Hồ Chí Minh.

10.    Vũ Ngọc Khánh. Phạm Minh Thảo (1997), Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, TP Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc