Nội san

Đôi nét về làng lụa Vạn Phúc

15 Tháng Hai 2017

                                    Vũ Thị Trà My [*]

 

Làng lụa Vạn Phúc nằm ở quận Hà Đông – Hà Nội. Phía Bắc giáp thôn Ngọc Trục, Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội. Phía Đông và phía Nam là dòng sông Nhuệ uốn khúc bao bọc hai hướng. Phía Tây giáp phường Quang Trung, quận Hà Đông.  Trong không gian phát triển du lịch của Thủ đô Hà Nội, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc nằm trong cụm du lịch Hà Đông và phụ cận (Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030) là khu vực tập trung nhiều làng nghề nổi tiếng của Hà Nội như mây tre đan Phú Vinh, dệt the La Khê… cùng nhiều di tích lịch sử như Chùa Trầm, chùa Trăm Gian…

Vạn Phúc có vị trí thuận lợi cho việc giao lưu thương mại, phát triển kinh tế với trục đường Tố Hữu chạy qua và có vị trí gần các tuyến giao thông quan trọng như: Tuyến quốc lộ 6 – trục đường nối Hà Nội với khu vực Tây Bắc (Mộc Châu, Sơn La…), tuyến đường vành đai 3,5; vành đai 4, nối Hà Nội với Hưng Yên và Lào Cai.

Vạn Phúc có 10 cơ quan, doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn. Trong đó có 8 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đủ điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, bộ máy tổ chức để tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa. 

 Là làng nghề thủ công dệt lụa truyền thống, hiện nay, số hộ làm nghề dệt lụa của Vạn Phúc chiếm khoảng 65,6%, số người làm dịch vụ chiếm đến hơn 30%. Ngoài ra, Vạn Phúc còn thu hút một số lượng lao động ở các vùng lân cận đến học nghề và làm việc. 

Nói về lịch sử hình thành của làng lụa, theo thần tích từ thời Lê do Lễ bộ Thượng Thư Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn năm 1572, Thành Hoàng làng Vạn Phúc là bà Ả Lã hiệu là Thị Nương (Còn có tài liệu nói rằng bà là Lã Thị Nga nên vua phong là Nga Hoàng Đại Vương). Bà sinh năm Ất Tỵ vào thế kỷ thứ 9 khoảng năm 825, con ông Hùng Thuỵ và bà Phạm Khương, quê ở Châu Tụ Long, Đạo Tuyên Quang ( khi đó nước ta thuộc nhà Đường Trung Quốc thuộc An Nam đô hộ phủ).

Năm 865, Cao Biền, tướng nhà Đường được cử sang làm tiết độ sứ cai trị nước ta, xưng là Nam Việt quốc vương thiên tử. Một lần du ngoạn phương Nam, khi đến châu Tự Long vào thăm nhà Hùng Thuỵ, thấy Nương Thị là người dung nhan tuyệt thế, am tường văn chương nên ngỏ ý xin Ả Lã làm tri kỷ. Chọn giờ lành tháng tốt làm lễ kết duyên rồi phong làm “ Đệ nhị cung phi”.

Hai vợ chồng tiếp tục công du thiên hạ, hướng đạo Sơn Nam. Thấy một vùng núi sông bao quanh liền cho xe vào trang Vạn Bảo (phường Vạn Phúc ngày nay). Khi ngắm cảnh quan, đến cửa Am thấy hai vòng giếng trong xanh, Cao Biền đã thốt lên: “ Đất rồng chầu hổ phục, tú khí dưỡng thanh long” (khí thiêng nuôi Rồng xanh). Cao Biền cho đây là vùng đất lập nghiệp, còn bà Ả Lã, người từ tâm tri thức, lại thấy phong cảnh hữu tình, nhân dân no đủ, thuận hoà  nên Bà Ả Lã đã xin với Cao Biền cho ở lại để tĩnh tâm và khi Cao Biền về thăm thì cũng được hưởng cảnh thanh nhàn.

Ở Vạn Bảo, quyền uy của Nương Thị như Vương Phi nhưng bà sống nhân hậu, bình dị. Bà khuyên dạy dân làm điều phải, bỏ điều trái, coi sự ăn ở hoà thuận với nhau là thuần phong mỹ tục. Bà đã dồn hết tâm lực vào việc khuyến học, khuyến nghệ, khuyến nông.

Năm 869, bà A Lã mất, thọ 44 tuổi – không có con, Cao Tầm bèn phong cho bà duệ hiệu: Đương cảnh Thành Hoàng quốc vương Thiên tử A – Lã Đê Nương Nga Hoàng Đại Vương, và phong thêm 2 mỹ tự: trinh thục, từ hoà (quốc vương thiên tử là lấy tước hiệu của chồng – Cao Biền ). Tám điều dạy của bà: “ Nam tắc sĩ nông, nữ tắc chính trực” nghĩa là “ con trai chăm học làm ruộng, con gái cần mẫn đoan trang” đến nay vẫn rạng ngời như chân lý đạo đức. Bà không chỉ mở mang điền địa, phát triển nông nghiệp mà còn dạy dân, nhất là phụ nữ nghề dệt lụa và may thêu. Giúp cho Vạn Bảo trở thành điền trang sầm uất, nhân dân có nghề nghiệp no lành. Và cho đến ngày nay, Vạn Bảo trở thành Vạn Phúc.

Về nghề dệt lụa của Vạn Phúc, Ngày xưa, những người thợ Vạn Phúc đều dùng khung cửi cổ dệt lụa, phải qua rất nhiều những công đoạn mới cho ra đời được sản phẩm.

Ngày nay, vẫn những khung cửi đó đã được tiến hành công nghiệp hoá, cải tiến thành máy móc nhằm nâng cao chất lượng cũng như sản lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, có những công đoạn người thợ vẫn phải sử dụng tay hoàn toàn để tạo ra sản phẩm như: Cuộn lên ống, mắc ra trục dọc v..v. Hiện tại, Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc được thành lập từ năm 2001 đã phát huy và đi vào hoạt động hơn 10 năm nay nhằm mục đích bảo vệ và phát triển sản xuất. Từ đó mà thương hiệu “Lụa Hà Đông” đã và đang được giữ gìn cũng như giới thiệu ra nhiều nơi trên thế giới.

Nghề dệt lụa Vạn Phúc cũng dần đóng vai trò chủ đạo trong ngành kinh tế Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của phường. Theo thống kê của ban Văn hoá thông tin phường Vạn Phúc, Năm 2015, giá trị sản xuất của nghề dệt lụa đạt 70,8 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 48,34% tổng giá trị sản xuất của phường.

Sản phẩm cũng ngày càng đa dạng hoá để đáp ứng nhu cầu của thị trường, không chỉ là các loại vải mà còn phát triển cả các sản phẩm từ vải như quần áo, khăn, túi, cravat … Tuy nhiên, các loại vải chất liệu tơ tằm vẫn là sản phẩm chủ đạo chiếm tỷ trọng lớn nhất và tạo thành thương hiệu của Vạn Phúc.

Hệ thống thu mua hoạt động ở nhiều đại lý các tỉnh trên toàn quốc, hiện đã trở thành một mặt hàng quen thuộc với rất nhiều người cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên cũng có một số mặt không thuận lợi do thương hiệu lụa bị những mặt hàng giả làm ảnh hưởng, không những thế còn phải cạnh tranh với những mặt hàng Trung Quốc giá rẻ mà chất lượng lại kém.

Với 65% dân số trong làng tiếp tục lưu giữ nghề truyền thống, số còn lại phát triển các ngành nghề khác như may mặc, kinh doanh thương mại dịch vụ, cơ khí, ăn uống giải khát v…v .

Hiện tại, làng nghề có 03 nghệ nhân dệt: Nguyễn Hữu Chỉnh, Đỗ Quang Hùng, Lê Văn Thành và có 01 nghệ nhân Nguyễn Hữu Hiển chuyên tạo các mẫu hoa văn. Cũng theo thống kê của Ban Văn hoá phường Vạn Phúc, số máy dệt còn 330 chiếc, sản lượng lụa đạt khoảng 1,5 triệu m2 vài. Có trên 150 cửa hàng tập trung chủ yếu tại Phố Lụa và khu bờ sông Nhuệ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách. Đồng thời UBND phường Vạn Phúc tiếp tục xây dựng khu Trung tâm thương mại, đấu giá các gian hàng đảm bảo nhằm thu hút lượng khách vào với Vạn Phúc.

Nguồn nguyên liệu cung cấp cho làng nghề Vạn Phúc chủ yếu là từ trong nước như: Bảo Lộc (Lâm Đồng), Hà Nam. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất do diện tích trồng dâu ngày càng bị thu hẹp do những năm tơ rớt giá, người dân trồng những loại cây khác. Chất lượng trứng tằm thấp cũng là một vấn đề khiến nguyên liệu dệt lụa bị suy giảm.

Thị trường tiêu thụ các sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc chủ yếu ở trong nước, còn số lượng sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài thường qua con đường xuất khẩu tại chỗ nhờ khách du lịch.

Với bàn tay khéo léo cùng kinh nghiệm lâu đời, người làng nghề Vạn Phúc đã tạo ra những sản phẩm rất đa dạng về mẫu mã, cũng như chất lượng cao. Tơ lụa Vạn Phúc có nhiều loại như: lụa, gấm, vóc, vân, the, lĩnh,  bằng, sa, đũi… Khổ vải thường là 90 – 97cm. Hiện nay, cùng với công nghệ tiên tiến, các khổ vải cũng đã được cải tiến, có thể lên khoảng 1,15m. 

Lụa Vân, một loại lụa tưởng như đã thất truyền, nhưng rất may mắn khi nghệ nhân Triệu Văn Mão cùng các nghệ nhân khác của làng đã kì công khôi phục lại. Lụa Vân có một điểm vô cùng đặc biệt, đó là có mây trên lụa (nhìn lụa như thấy có mây). Đây là một kĩ thuật tinh tế khi làm đường vân nổi trên mặt lụa. Nét độc đáo nổi bật là lụa Vân được thiết kế theo lối dệt mới, dùng bộ go võng kết hợp các mẫu hoa văn, vặn bắt chéo sợi dọc, khóa chặt sợi ngang làm cho quá trình sử dụng không bị co giãn,  ko bị trôi. Cũng là một điều đặc biệt nữa, đó là sự ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè khi khoác lên người chiếc áo lụa. Đồng thời, hoa văn trang trí trên vải lụa cũng vô cùng đa dạng như mẫu Song hạc, Tứ quý... khiến cho các bộ trang phục trở nên sống động và duyên dáng.

Để làm được những sản phẩm như vậy, những người thợ Vạn Phúc phải tiến hành những quy trình kỹ thuật khá phức tạp gồm rất nhiều công đoạn: Khâu tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm… Mỗi công đoạn đều phải tiến hành khá nghiêm ngặt mới có thể tạo nên được những dải lụa mịn óng, đường nét tinh tế khi nổi khi chìm v…v Đồng thời phải có những công cụ, dụng cụ cũng như nguyên liệu chính.

Các sản phẩm từ lụa vô cùng phong phú, đó là carvat, ví, túi xách, khăn v…v Nhưng trong các loại lụa, có lẽ lụa Sa tanh là mặt hàng sang trọng nhất, cao cấp nhất. Trên mặt lụa được triện các hình hoa văn như hoa hướng dương, hoa tròn, hoa vuông, hoa mây, hoa sóng v.. càng làm cho lụa sa tanh trở thành quý phẩm.

Lụa Vạn Phúc lần đầu được giới thiệu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1932). Từ năm 1958 – 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc đã được xuất sang các nước Đông Âu, từ năm 1990, tiếp tục xuất khẩu sang các nước khác lân cận.

Ngày xưa, lụa Vạn Phúc được dệt trên những khung cửi rất cao với chiếc thoi sừng. Người dệt dùng tay lao chiếc thoi qua khung dệt. Để tạo ra sản phẩm, người thợ dệt phải tiến hành một quy trình kỹ thuật khá phức tạp, bao gồm nhiều khâu như: Tơ – Hồ sợi – Dệt – Nhuộm …Mỗi khâu đều phải tiến hành theo những quy định khá nghiêm ngặt để có thể cho ra một sản phẩm chất lượng.

Ngày nay với công nghệ cải tiến thì khung dệt đã được tự động hoá, có hàng ngàn que kim tự động cài đủ các loại hoa văn theo ý con người để cho ra sản phẩm, tiết kiệm thời gian cũng như sức lao động, lại tăng năng suất.

Nhìn chung, Vạn Phúc cũng giống như nhiều làng quê Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có dòng sông, Đình, chùa, miếu, Thành hoàng, cây đa, bến nước, lễ hội, tình làng nghĩa xóm … Đó là văn hoá làng, văn minh lúa nước và tư duy tiểu nông (trọng tính, trọng tình, trọng phụ nữ, trọng kinh nghiệm) theo mô hình sống: cá nhân – dòng họ - làng – nước, và bữa ăn cơm – rau – cá cùng nếp sống, tín ngưỡng, tôn giáo, tập quán, hương ước đặc thù. Bởi văn hoá gốc, văn hoá bản địa của mình là văn hoá vùng Châu thổ sông Hồng, nên người Vạn Phúc cũng được tổ chức trong huyết thống gia đình và gia tộc, tức là gồm những người cùng máu mủ ruột thịt của một họ sống quần tụ bên nhau với nhiều thế hệ “tam tứ đại đồng đường”.

Ngày nay, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được  đặt ra từ Đại hội V của Đảng. Đây là một chủ trương quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực để đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới của đất nước nói chung và Vạn Phúc nói riêng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Di tích phường Vạn Phúc (2015), Sắc phong Thành hoàng làng Vạn Phúc, Hà Nội .
  2. Ban Văn hoá Thông tin phường Vạn Phúc (2015), Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Bích Hồng (2008), Xây dựng làng lụa Vạn Phúc thành làng nghề du lịch, Khoá luận tốt nghiệp.
  4. Đặng Loan (2014), Bảo tồn và phát triển làng nghề lụa Vạn Phúc, Báo Quân đội nhân dân online.
  5. Nhiều tác giả (2013), Giải pháp về chính sách quản lý Nhà nước với phát triển sản phẩm lụa của làng nghề lụa Vạn Phúc – Hà Đông, Khoa kinh tế - Đề tài nghiên cứu khoa học.

 

-------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học k1 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa