Nội san

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý dịch vụ văn hóa ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

24 Tháng Tư 2017

                                                                                               Đinh Văn Tân [*]

 

Hạ Long được biết đến với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh Quảng Ninh, nằm bên bờ vịnh Hạ Long xinh đẹp và mộng mơ, hai lần được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (Unesco) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, được vinh danh là 1 trong 7 kỳ quan thiên mới của thế giới (2012). Trong những năm qua, thành phố có tốc độ phát triển nhanh, bền vững và đang dần trở thành trung tâm du lịch của cả nước, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, hằng năm thu hút trên 7 triệu lượt du khách.

Cùng với đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn thành phố diễn ra sôi động, từng bước đầu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và du khách. Tính đến ngày 15/6/2016, trên địa bàn thành phố có 116 cơ sở kinh doanh Karaoke, 02 vũ trường, 142 cơ sở in và quảng cáo, 123 điểm kinh doanh dịch vụ điểm truy cập internet và trò chơi trực tuyến, 62 cơ sở kinh doanh băng đĩa hình, 114 cơ sở kinh doanh văn hóa phẩm. Các chủ cơ sở kinh doanh đã có ý thức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, nhiều cơ sở đã có sự đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và trang thiết bị phục vụ. Công tác quản lý hoạt động kinh doanh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn thành phố đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa còn bộc lộ nhiều sai phạm như: Tệ nạn ma túy, mại dâm trong các cơ sở karaoke, vũng trường còn diễn ra; nhiều cơ sở kinh doanh không có giấy phép, địa điểm kinh doanh không đủ diện tích, thiết bị âm thanh ánh sáng chưa đảm bảo; không có phương tiện phòng cháy, không có cam kết an ninh trật tự, hoạt động quá giờ, tiếng ồn vượt quá quy định ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt của người dân. Quảng cáo ngoài trời không có giấy phép, sai phép, quá hạn diễn ra thường xuyên gây mất mỹ quan đô thị. Tình trạng mất an ninh trật tư tại các điểm truy cập dịch vụ internet và trò chơi trực tuyến; trang phục, hành vi phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam tại các cuộc biểu diễn nghệ thuật…  đang đặt ra cho nhà quản lý những khó khăn, thách thức.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do nhận thức của cấp ủy, chính quyền về công tác quản lý dịch vụ văn hóa chưa cao. Chưa có có những giải pháp đồng bộ, khả thi để vừa khuyến khích, tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ văn hóa phát triển lành mạnh, đồng thời nâng có hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan tới lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa hiệu quả chưa cao; trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc quản lý nhà nước đối với hoạt động này chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa kịp thời, có lúc, có nơi còn tình trạng nể nang, qua loa, đại khái; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác liên quan tới các hoạt động này còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa thực sự đáp ứng đối với tình hình thực tế…

Trong những năm tới, thành phố Hạ Long được xác định là “Tâm” trong không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh “Một tâm – Hai tuyến – Đa chiều – Hai mũi đột phá”, là thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Lấy phát triển du lịch và dịch vụ làm trọng tâm, gắn với việc phát huy giá trị của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, mở rộng kết nối với vịnh Bái Tử Long; đồng thời tập trung xây dựng các dự án ưu tiên để xúc tiến đầu tư, xây dựng phát triển ngành công nghiệp dịch vụ, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức ở trình độ cao, tạo ra sự đột phá, khác biệt và giá trị gia tăng cao. Quan tâm khai thác 3 trụ cột là con người, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa làm lợi thế so sánh đảm bảo các ngành, sản phẩm dịch vụ, du lịch của Hạ Long nhanh chóng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế. Do đó, việc phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa tiếp tục là một trong ưu tiên hàng đầu, đồng thời cũng đặt ra cho chính quyền thành phố những nhiệm vụ nặng nề hơn trong công tác quản lý lĩnh vực này.

Để nâng cao hiệu quả quản lý dịch vụ văn hóa ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền thành phố cần quan tâm thực hiện đồng bộ, có hiệu quả một số giải pháp sau:   

Một là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, định hướng nhận thức trong xã hội về  dịch vụ văn hóa

Tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về các Chỉ thị, Nghị định, Nghị quyết, Thông tư… cùng các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của thành phố về những quy định trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa đến các đơn vị, tổ chức và nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ về  hoạt đông  kinh doanh dịch vụ văn hóa, vai trò, ý nghĩa của dịch vụ văn hoá trong phát triển kinh tế - xã hội, về yêu cầu hoàn thiện quản lý hoạt động dịch vụ văn hoá trong tình hình mới.

Việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các cơ chế, chính sách về dịch vụ văn hoá phải được tiến hành thường xuyên, liên tục thông qua nhiều hình thức thiết thực, cụ thể: (1) Tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng các văn bản chỉ đạo của tỉnh về những quy định trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa thông qua hệ thống thông tin đại chúng như tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử thành phố, hệ thống đài truyền thanh, Bản tin sinh hoạt chi bộ; (2) Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, quy định bằng văn bản cam kết và được treo dán, phổ biến ở những tụ điểm, những cơ sở hoạt động dịch vụ văn hóa để mọi người có thể dễ dàng nhận thấy và tự giác chấp hành; (3) Tổ chức thăm quan, học hỏi các mô hình hoạt động văn hoá thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt. Vấn đề này cần thực hiện thường xuyên để các chủ cơ sở dịch vụ văn hóa nắm bắt kịp thời thông tin và thực hiện.

Hai là, xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch các loại hình dịch vụ văn hóa

Trên cơ sở đề án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050, cần xây dựng các quy hoạch phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong quá trình thẩm định, thiết kế quy hoạch, các cơ quan chuyên môn phải căn cứ vào các quy hoạch chung của từng ngành nghề mà đã được Chính phủ thông qua và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, trong đó có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Căn cứ vào tình hình thực tiễn ở thành phố Hạ Long, công tác quy hoạch dịch vụ văn hóa cần quan tâm đến một số nội dung: (1) Tổng rà soát thống kê, đánh giá thực trạng hoạt động dịch vụ văn hóa trên địa bàn nhằm phân loại hiện trạng hoạt động của các loại hình, cơ sở hoạt động; (2) Có chính sách thu hút mọi nguồn lực, thành phần kinh tế tham gia các hoạt động và sáng tạo văn hóa nhằm cung cấp, phổ biến và tạo ra nhiều sản phẩm, tác phẩm, công trình văn hóa có chất lượng, dân tộc và hiện đại để không ngừng nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.  

Ba là, tổ chức bộ máy, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý dịch vụ văn hóa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Củng cố tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước từ thành phố đến cơ sở gắn với việc cụ thể hoá chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về dịch vụ văn hoá. Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về dịch vụ văn hoá cần phải tiếp tục củng cố thống nhất thành phố đến các phường, đảm bảo sự phối hợp có hiệu quả giữa các ngành, các cấp trong quản lý Nhà nước về dịch vụ văn hoá, phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trong quản lý.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về dịch vụ văn hoá. Trong mọi giai đoạn của cách mạng, cán bộ luôn luôn là người quyết định chính đến mọi công việc. Vì vậy, trong những năm tới đây nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cần thường xuyên quan tâm đến công tác cán bộ nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá từng bước đáp ứng về nhận thức, trình độ chuyên môn về công tác quản lý nhà nước.

 Về việc tuyển chọn, sử dụng cán bộ phải căn cứ theo yêu cầu công tác, vị trí nghĩa là từ việc mà dùng người chứ không phải vì người mà đặt việc. Giao việc cho cán bộ công chức phải theo khả năng, trình độ, đúng sở trường, phù hợp với sức vươn lên của cán bộ.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính có liên quan như minh bạch hoá các thủ tục hành chính, áp dụng mô hình một cửa liên thông trong đăng ký đầu tư, kinh doanh dịch vụ nhằm đảm bảo cho các dịch vụ này được thực hiện thuận tiện và tiết kiệm nhất. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý các hoạt động dịch vụ, tăng cường sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại, khai thác hiệu quả Internet, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý Nhà nước về hoạt động dịch vụ văn hóa.

Về thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép và gia hạn giấy phép hoạt động dịch vụ văn hóa cần được cải cách nhanh gọn, giảm thiểu thời gian chờ đợi, đi lại, phù hợp với tình hình thực tế. Tỉnh cần phân cấp công tác cấp giấy phép cho cơ quan chức năng cấp thành phố. Bởi vì, chính cơ quan chuyên môn này sẽ chịu trách nhiệm và chủ động trong công tác quản lý địa bàn.

Năm là, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát về dịch vụ văn hóa

Công tác kiểm tra, kiểm soát văn hóa của Thành phố được tiến hành trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, tập trung điều chỉnh các vấn đề bức xúc, mới phát sinh, góp phần ngăn chặn các tiêu cực và định hướng cho các dịch vụ văn hóa phát triển từ cấp thành phố đến cơ sở đi vào trật tự, kỷ cương và nề nếp. Để thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát thì phải cần làm tốt các nội dung: (1) Thường xuyên rà soát, nắm chắc được tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn Thành phố, phương thức kinh doanh của từng loại hình dịch vụ; (2) Đẩy mạnh cơ chế giám sát hai chiều. Một là cơ quan chính quyền có chức năng, nhiệm vụ quản lý các hoạt động văn hóa, sử dụng quyền lực tiến hành thanh tra, kiểm tra hành chính. Hai là nâng cao tính tự giác của nhân dân trong việc giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân, thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ được giao về quản lý văn hóa; (3) Xử lý kịp thời, nghiêm minh, dứt điểm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa trên địa bàn Thành phố; (4) Kết hợp tốt hơn nữa công tác thanh, kiểm tra thường xuyên với đột xuất, giải quyết dứt điểm các điểm nóng về tệ nạn xã hội và tiêu cực xã hội trên địa bàn Thành phố.

Sáu là,  phát huy vai trò của cộng đồng, tăng cường tính tự quản trong quản lý dịch vụ văn hoá

Hiện nay ở Hạ Long các dịch vụ văn hóa phát triển rất mạnh cả về số lượng lẫn quy mô, để quản lý tốt các dịch vụ này nếu chỉ bàn tay quản lý của nhà nước thì không đủ, vì địa bàn rộng, phức tạp, số cán bộ quản lý văn hóa còn mỏng, một người kiêm nhiệm nhiều công việc nên ý thức của đối tượng chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa là điều rất cần thiết. Do vậy để tăng cường tính tự quản và phát huy vai trò của cộng đồng trong quản lý dịch vụ văn hóa giai đoạn hiện nay thì thành phố cần phối hợp với Sở VH&TT thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia quản lý văn hóa.  

Như vậy để tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa cần thiết phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp và phối hợp, sử dụng linh hoạt một cách hiệu quả cho phù hợp với thực tế khách quan của Thành phố. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về dịch vụ văn hóa trong bối cảnh kinh tế hiện nay phải sử dụng đồng bộ các phương pháp kinh tế, giáo dục và các biện pháp hành chính thích hợp. Đầu tiên cần xây dựng được một quy hoạch, chiến lược phát triển dịch vụ văn hóa tổng thể phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội thành phố, đồng thời phát huy được các tiềm năng, thế mạnh săn có. Kết hợp đồng bộ công tác vừa tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật của cộng đồng với công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với trường hợp vi phạm. Xây dựng bộ máy chính quyền, đội ngũ làm công tác quản lý văn hóa, dịch vụ văn hóa đủ năng lực, phẩm chất để đáp ứng nhu cầu càng cao của xã hội. Tin tưởng rằng, với việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trên hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa sẽ phát triển nhanh, lành mạnh, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao vị thế của thành phố trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hạ Long (2015), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hạ Long khóa XXIV nhiệm kỳ 2015 – 2020, Quảng Ninh.

2. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh (2016), Nghị quyết về phát triển thành phố Hạ Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh.

3. Thành ủy Hạ Long (2015), Báo cáo chính trị phục vụ Đại hội Đảng bộ thành phố Hạ Long khóa XXIV, Quảng Ninh.

4. UBND thành phố Hạ Long (2015), Báo cáo tổng kết công tác văn hoá 2010 – 2015, Quảng Ninh.

5. UBND thành phố Hạ Long (2015),  Quy tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Quảng Ninh.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí văn hóa