Nội san

Phương pháp luyện ngón trên đàn Piano tại Cung thiếu nhi Hà Nội

31 Tháng Ba 2017

                                                                                           Nguyễn Thanh Quỳnh [*]

 

Cung thiếu nhi Hà Nội đã có một bề dày truyền thống, nhiều năm đào tạo các môn năng khiếu cũng như các hoạt động ngoại khóa đạt được nhiều thành tự đáng kể. Tại khoa Nghệ thuật của Cung thiếu nhi Hà Nội,  bộ môn piano là một môn học hấp dẫn, thu hút được nhiều sự quan tâm của các gia đình cũng như các em học sinh.

Đàn piano là một loại nhạc cụ phổ biến và được ưa chuộng trên toàn thế giới. Với đặc trưng âm thanh của mình, đàn piano thậm chí có thể thay thế cho cả một dàn nhạc. Do vậy, cây đàn này được sử dụng rất rộng rãi. Hiện nay ở Việt Nam, đàn piano cũng là một nhạc cụ yêu thích.

              Tại bộ môn piano ở Cung thiếu nhi Hà Nội, có hai chương trình được giảng dạy song song. Đó là Lớp piano chất lượng cao và lớp piano tập thể. Mỗi lớp đều có những ưu và nhược điểm riêng.

Lớp chất lượng cao có số lượng học sinh ít, không quá 3 em một giờ học. Do vậy, giáo viên có thể nắm rõ tình hình của từng học sinh, hiểu rõ khả năng của các em và từ đó đưa ra các bài tập phù hợp. Tuy nhiên, với lớp học ít người, học sinh ít có tính cạnh tranh trong học tập, không có nhiều sự giao lưu trong lớp. Lớp học này phù hợp với các đối tượng là những học sinh đã có quá trình học lâu dài, hoặc những em có kĩ năng chưa tốt cần được bồi dưỡng thêm.

Lớp piano tập thể có số lượng học sinh nhiều hơn, thường có từ 4 đến 6 em một lớp. Trình độ trong một lớp piano tập thể thường tương đương nhau. Ưu điểm của lớp học này là các em thường chủ động giao tiếp, thi đua với nhau, có sự phấn đấu nỗ lực và không khí lớp học luôn sôi nổi. Tuy nhiên, nhược điểm của lớp này là số lượng học sinh đông, giáo viên dễ bỏ sót những em còn yếu.

Đối với học đàn piano, một trong những kĩ năng đầu tiên và rất quan trọng, đó là kĩ năng luyện ngón. Việc luyện ngón trước khi chơi các tác phẩm như một bước khởi động tạo sự linh hoạt mềm dẻo cho ngón tay, cổ tay hay cánh tay. Bên cạnh đó, luyện ngón còn giúp cho người chơi đàn nắm được các kĩ thuật từ cơ bản cho tới phức tạp trong các bản nhạc, nhất là đối với các tác phẩm cổ điển với những yêu cầu cao.  Nghiên cứu và hệ thống lại một chương trình luyện ngón dành riêng cho học sinh trong độ tuổi THCS tại Cung thiếu nhi Hà Nội là một vấn đề rất đáng quan tâm.

1.    Khởi động tay và cánh tay

Phương pháp khởi động tay và cánh tay trước buổi học rất quan trọng. Đây là một cách để hướng sự chú ý của các em học sinh vào giờ học. Chúng tôi đã nghiên cứu và đưa vào phần khởi động này hai trò chơi: trò chơi “ Vừa đấm vừa xoa” dùng để khởi động cánh và trò chơi “Cánh cụp cánh xòe” có tác dụng giúp các ngón tay và khớp tay linh hoạt trước khi vào bài tập trên đàn.

2.    Luyện kĩ thuật qua chạy gam trên bốn quãng tám

Học sinh được yêu cầu phải chạy gam trên bốn quãng tám với các kĩ thuật đơn lẻ như Non legato, legato, staccato. Từ kĩ thuật trên một quãng tám, giáo viên hướng dẫn chạy gam trên bốn quãng tám nhưng vẫn theo cơ sở ngón của một quãng tám. Sang đến phần này, hệ thống ngón tay sẽ phát triển hơn, có thể chia làm hai dạng.

Dạng thứ nhất, vẫn theo hệ thống của gam Đô trưởng. Hệ thống ngón tay cơ bản này tiếp tục được sử dụng nâng cao hơn trên chạy gam bốn quãng tám:

- Tay phải: 1-2-3-1-2-3-4/1-2-3-1-2-3-4/1-2-3-1-2-3-4/1-2-3-1-2-3-4-5

- Tay trái: 5-4-3-2-1-3-2-1/4-3-2-1-3-2-1/4-3-2-1-3-2-1/4-3-2-1-3-2-1

Dạng thứ hai, hệ thống ngón tay tay phát triển ở các gam bắt đầu trên phím đen. Ở dạng này, thứ tự xếp ngón tay không tuân theo một quy định chặt chẽ như dạng một, mà nó biến chuyển theo từng gam, mỗi gam lại có một hệ thống khác nhau, đòi học người học cần ghi nhớ chính xác.

3.    Luyện kĩ thuật qua chạy hợp âm rải arpeggio

Gam rải Arpeggio thành lập trên một hợp âm và được đánh rải nốt. Luyện gam rải một kĩ năng quan trọng trong hệ thống luyện ngón trên đàn piano. Những kĩ thuật chơi đàn như giãn ngón, tách ngón được xử lí triệt để trong gam này.

Theo tài liệu tham khảo [19, 41-94], rải arpeggio được sử dụng theo nhiều cách. Trên một giọng cho cho trước, GV và học có thể thành lập được một hệ thống gam rải với rất nhiều kĩ thuật.

Thứ nhất, rải arpeggio trên các âm ổn định

Đây là kiểu rải thông dụng, dễ ghi nhớ, có nhiều cách biến chuyển sáng tạo trong luyện tập. Kiểu rải này chỉ sử dụng ba âm ổn định của giọng, đó là bậc I, bậc III, và bậc V.

Thứ hai, rải arpeggio trên bậc cơ bản

Kiểu rải này khó hơn kiểu trên. Khi bước vào tập kiểu này, học sinh cần hiểu ghi nhớ thứ tự các bậc cũng như tên của hợp âm. Đối với rải trên các bậc cơ bản, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh thành lập các hợp âm trên bậc cơ bản, gồm có: hợp âm ba trưởng trên bậc I đối với giọng Trưởng, hợp âm ba thứ trên bậc I đối với giọng Thứ, hợp âm 7 trên bậc V của giọng Trưởng và giọng Thứ hòa thanh, hợp âm 7 giảm trên giọng Trưởng hòa thanh.

Thứ ba, rải arpeggio mười một kiểu trên một nốt cho trước

Kiểu rải này phức tạp phức tạp nhất, là sự tổng hợp của hai kiểu trên. Hợp âm rải không được thành lập theo giọng mà theo một nốt cho trước. Cách thành lập hợp âm này đòi hỏi học sinh bắt buộc phải thuộc công thức thành lập các hợp âm

4.    Luyện ngón qua các bài tập Hanon

Các bài tập Hanon có đặc điểm, mỗi bài đều có hệ thống ngón tay chủ đạo, giai điệu tịnh tiến một quãng hai, giúp cho học sinh củng cố được một kĩ thuật chuyển ngón nhất định. Hệ thống ngón tay được lặp đi lặp lại trong mỗi bài để học sinh đạt được đến độ nhuần nhuyễn.

Một bài tập Hanon có thể tập trong thời gian dài, từ tốc độ rất chậm đến rất nhanh. Đối với học sinh trong độ tuổi THCS ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội, chúng tôi đưa vào giảng dạy và nghiên cứu qua hai bài tập Hanon số 1, số 2 và số 3 ở giọng Đô trưởng. Chúng tôi cũng áp dụng các bài tập Hanon ngay từ cuối kì học đầu tiên để giúp các em nhanh chóng cải thiện kĩ thuật, khắc phục thế yếu ở ngón 4-5. Lúc này vị trí các nốt nhạc ở hai khóa các em đã nắm khá rõ, nên có thể tập trung củng cố kĩ thuật hai tay. Các bài tập Hanon được học sau thời gian khởi động tay và chạy gam.

Ở bài tập Hanon số 1, cần chú ý ngay từ hai nốt đầu tiên.

 

Theo thói quen chạy gam liền nốt, nhất là đối với học sinh của kì I, các em sẽ dễ bị nhầm nốt ở ngay vị trí đầu tiên, thường đánh thành Do-re-mi-fa-sol. Do vậy, trước khi bắt đầu tập từng tay, giáo viên cho học sinh đọc một lượt tên nốt trên một dòng để các em định hình trước mình cần phải tập những gì. Sau đó, từng tay  tập chậm. Chú ý bổ từng ngón rành mạch, rõ rang, nhất là đối với ngón 4-5. Ở tay trái, ngay từ đầu đã có sự tách bạch của ngón 4-5, hai ngón phải giãn ra khoảng cách lớn hơn. Khi học sinh đã chơi thạo từng tay, giáo viên cho các em ghép hai tay, nhưng chỉ được tập ở tốc độ chậm. Ngón tay lúc này gần giống với gam legato ở đầu học kì, nhưng có sự thay đổi về giãn ngón ở ngón 1-2 và 5-4. Sau khi học sinh đàn hay tay một cách trôi chảy ở tốc độ chậm, giáo viên sẽ yêu cầu các em chơi ở tốc độ nhanh hơn.

5.       Một số vấn đề khi luyện ngón

a.       Tuân thủ số ngón tay của tác phẩm

Chơi đàn theo số ngón tay quy định của tác phẩm là một yêu cầu khắt khe, có tính bắt buộc, đòi hỏi người học phải có kĩ năng đọc bản nhạc, đồng thời tay đàn cần có cảm giác quen thuộc. Số ngón tay mà tác giả đưa vào bài vừa có tác dụng khiến cho người chơi thể hiện được tác phẩm trơn tru, không vướng mắc trong cách sắp xếp ngón, tạo thể tay đẹp, vừa dễ dàng trình bày biểu cảm, sắc thái trong bài. Đây là một yêu cầu khó đối với học sinh. Nếu các em không có thói quen nhìn sách trong khi chơi đàn và cách chạy ngón sẽ không thể thực hiện được yêu cầu này trong một hoặc hai buổi. Thói quen về chạy ngón sẽ được hình thành trong quá trình tập luyện ngón. Các bài tập luyện ngón cơ bản khá đơn giản về nốt nhạc và giai điệu. Tác dụng chính của những bài tập này là giúp các em hình thành thói quen về cách di chuyển hợp lý của ngón tay, tuân thủ số ngón tay khi luyện ngón cũng là cách để các em tuân thủ số ngón tay theo yêu cầu của tác phẩm.

b.       Cách sắp xếp số ngón tay hợp lý

            Trong nhiều tác phẩm dành cho piano, tác giả có thể ít đưa số ngón tay vào bài, thậm chí với một số tác phẩm sưu tầm được truyền tay, không hề có quy luật về số ngón tay. Lúc này đòi hỏi người học cần tự đưa ra một hệ thống ngón tay sao cho dễ chơi, hợp lý và đẹp mắt. Các phương pháp luyện ngón đưa ra nhằm mục tiêu giúp cho học sinh có một tư duy logic về hệ thống ngón tay. Khi gặp những tác phẩm có ít hoặc không đề số ngón tay, các em vẫn có thể tự sắp xếp một hệ thống tay hợp lý, đẹp mắt, dễ di chuyển và mang tính khoa học.

            Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu này, học sinh cần thực hiện đún số ngón tay trong quá trình luyện ngón. Vì các bài tập luyện ngón luôn đưa các hệ thống ngón tay logic và có tính thống nhất. Hiểu được hệ thống và cách thức di chuyển, học sinh sẽ tự đưa ra được số ngón tay hợp lý trong các tác phẩm.

c.       Luyện ngón để đạt được tốc độ yêu cầu

Đối với một số tác phẩm, việc đạt đến tốc độ yêu cầu của bài không hề đơn giản. Nó không chỉ cần thời gian luyện tập lâu dài, mà người học còn phải có kĩ năng chạy ngón điêu luyện, điều tiết ngón tay và sử dụng thành thạo các kĩ năng kĩ thuật. Khi chạy gam và các bài luyện ngón, các ngón tay được hoạt động linh hoạt, rõ ràng ở các kĩ thuật cơ bản như legato, Non legato, staccato,..

Khi chạy gam legato, HS cần tách bạch các khớp tay để không bị ríu nốt và lăn nốt, nhưng vẫn đảm bảo độ liền ngón để giữ tiếng đàn liền mạch. Khi tập staccato, ngón tay được bật lên liên tục để tạo tiếng đàn nảy nhưng vẫn giữ được sự điều tiết của cách tay. Áp dụng những yêu cầu trên vào các etude chạy ngón hay những tác phẩm có nét chạy dài, học sinh sẽ không bị lúng túng và nhanh chóng đạt được tốc độ yêu cầu của tác phẩm.

            Hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Cung thiếu nhi Hà Nội đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nuôi dưỡng, phát triển các tài năng nghệ thuật. Ban lãnh đạo Cung luôn theo dõi sát sao tình hình học tập và sinh hoạt của học sinh tại đây, có ý thức về trách nhiệm cố gắng phấn đấu nỗ lực trong mọi mặt nhằm đạt được những kết quả tốt hơn trong công tác thanh thiếu niên. Cùng với đà phát triển của Cung, khoa Nghệ thuật nói chung và bộ môn Piano nói riêng đã có những bước tiến trong việc học tập và giảng dạy của thầy và trò, qua đó khẳng định những nỗ lực và cố gắng của cả tập thể giáo viên của bộ môn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Nguyễn Minh Anh (2008) , “Sự phát triển nghệ thuật Piano ở Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ.

2.      Lương Diệu Ánh (2006), “Tìm hiểu phương pháp luyện ngón, luyện kỹ thuật trong giảng dạy organ năm thứ nhất – hệ cao đẳng trường ĐHSP Nghệ thuật TW”, Nghiên cứu khoa học, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

3.      Hoàng Dũng – Ngô Ngọc Thắng (2008), “Methode Rose”, Nxb Đà Nẵng.

4.      Trần Thu Hà, Nguyễn Phúc Linh, Ngô Văn Thành, Đỗ Xuân Tùng (2001), “Những tiêu chí xác định năng khiếu âm nhạc để tuyển chọn HS cho các cơ sở đạo tạo âm nhạc trên phạm vi toàn quốc”, Bộ văn hóa Thông tin – Nhạc viện Hà Nội.

5.      Trần Thu Hà (1987), “Nghệ thuật đàn Piano Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ, MoscowRussia.

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc