Nội san

Phương pháp dàn dựng tiết mục dân ca trong hoạt động ngoại khóa tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

14 Tháng Tư 2017

                                                       Dương Thị Phượng [*]

 

Dân ca là sản phẩm do nhân dân sáng tạo ra, được gọt giũa từ đời này sang đời khác và truyền lại cho thế hệ sau. Trải qua biết bao nhiêu năm tháng, dân ca Việt Nam được gìn giữ và trở thành di sản văn hóa tinh thần quý giá.

Ở trường phổ thông, ngoài các giờ học chính khóa, các em được tiếp xúc với dân ca qua các hoạt động âm nhạc ngoại khóa mà phổ biến đó là các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Trong đó, vấn đề dàn dựng các chương trình biểu diễn dân ca trong nhà trường phổ thông hiện nay là rất cần thiết. Nó sẽ giúp các em dễ dàng nắm bắt và tiếp thu những vốn cổ truyền của dân tộc, cảm nhận về bản sắc văn hóa của dân tộc mình và bổ sung thêm kiến thức kỹ năng hát dân ca.

Trường THCS Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội là một trường có truyền thống dạy tốt - học tốt. Việc tổ chức dàn dựng chương trình âm nhạc ngoại khóa tại trường khá quy củ, nhiều chương trình có chất lượng, đặc biệt là các tiết mục nhảy múa có âm nhạc sôi động. Tuy nhiên, việc dàn dựng các tiết mục dân ca lại chưa thực sự chú trọng, vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do còn những khó khăn nhất định về khả năng âm nhạc của học sinh và quan trọng là nhận thức của giáo viên bộ môn cũng như khả năng chuyên môn về dân ca, khả năng hoạt động âm nhạc của giáo viên còn hạn chế, phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa gây hứng thú cho học sinh, phương pháp dàn dựng dân ca còn nghèo nàn, thiếu sáng tạo, chưa có kế hoạch cụ thể.

Với thực trạng trên, chúng tôi đưa ra một số phương pháp dàn dựng tiết mục dân ca như sau:

1. Tiêu chí lựa chọn bài dân ca trong chương trình biểu diễn

Đưa dân ca vào trong chương trình hoạt động ngoại khóa của trường THCS Nguyễn Trãi, chúng ta phải chú ý đến sự hợp lý, tính phổ biến, khoa học, đặc điểm của địa phương và nó còn phải phù hợp với tâm lý và tầm cữ giọng của học sinh.

Để đảm bảo chất lượng cho các tiết mục dân ca trong hoạt động ngoại khóa thì chúng tôi xin đưa ra một số tiêu chí lựa chọn các bài dân ca trong chương trình biểu diễn như sau:

Nội dung

Nội dung trong các bài dân ca rất phong phú, vừa sinh động lại giản dị, sâu sắc, gắn bó với đời sống thường ngày. Tuy nhiên, lứa tuổi THCS là lứa tuổi nhạy cảm, hăng hái, hiếu động, thích khám phá những điều mới mẻ. Chính vì vậy, giáo viên cần lựa chọn các bài dân ca với những nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với lứa tuổi và cảm nhận của các em để giúp các em đến gần với dân ca hơn.

Tính nghệ thuật

Tính nghệ thuật ở đây chúng ta phải nói tới giai điệu và tiết tấu trong các bài hát dân ca.

Có thể thấy, giai điệu các bài dân ca rất phong phú. Khi lựa chọn, chúng ta cần tìm bài có giai điệu âm nhạc đẹp, có những quãng đặc trưng của vùng miền, tiết tấu, đơn giản, không quá khó đối với các em. Tốc độ không quá nhanh, không quá chậm.

Phù hợp với lứa tuổi THCS

Học sinh THCS là lứa tuổi đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, tâm-sinh lý của các em thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng âm nhạc của các em. Khi lựa chọn bài dân ca chúng ta phải xác định nền tảng tri thức cũng như môi trường giáo dục, chương trình âm nhạc, môi trường sinh hoạt và tâm sinh lý của các em để lựa chọn cho phù hợp.

Ở lứa tuổi này, tầm cữ giọng của các em đã phát triển hơn so với bậc tiểu học, các em có thể hát quãng 8, 9,10 vì thế khi chọn lựa các ca khúc đưa vào các hoạt động biểu diễn, giáo viên nên chọn lựa kĩ càng để tránh trường hợp chọn bài có quãng quá rộng hay quá hẹp khiến các em học sinh gặp khó khăn trong khi hát từ đó sẽ dẫn đến sự chán nản cho các em.

Sự phù hợp với chủ đề, chương trình biểu diễn

Trong bất cứ một chương trình nào, chủ đề và nội dung đều được coi là thành tố cốt lõi nhất, chi phối tất cả các yếu tố khác trong khi xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình. Chủ đề trong các bài hát dân ca rất phong phú, đa dạng, thường nói về các mặt trong đời sống lao động, ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi lao động sản xuất

Với mỗi chương trình, khi đã lựa chọn được chủ đề thích hợp, sẽ đưa vào đó những bài hát làm sao vừa phù hợp với nội dung chủ đề mà chương trình ngoại khóa đề ra, nhưng đồng thời giữa các bài hát, trò chơi trong chương trình cũng phải có một logic nhất định gắn kết chúng lại với nhau một cách thống nhất.

2. Chuẩn bị dàn dựng

Lựa chọn bài hát

Việc lựa chọn các tiết mục có một ý nghĩa quan trọng cho sự thành công của buổi biểu diễn. Vì vậy, các bài hát được chọn trước hết phải có giai điệu hay, đặc sắc, nội dung âm nhạc phải chặt chẽ, phù hợp với chủ đề và phải thể hiện được một phong cách âm nhạc nhất định. Một điều cần lưu ý, các bài hát được lựa chọn dù có hay đến mấy mà quá khó đối với khả năng của học sinh, đều không đạt hiệu quả cao. Các bài hát trong chương trình phải đa dạng về thể loại, để tạo cho màu sắc của chương trình được phong phú. Tính chất âm nhạc trong các bài hát cũng phải sinh động: Có vui nhộn, có trữ tình, trầm lắng, có sôi nổi, hào hùng sẽ làm cho chương trình trở nên hấp dẫn, hài hoà.

Lựa chọn hình thức biểu diễn

            Đối với học sinh phổ thông thì chúng ta có thể đưa ra một số hình thức cơ bản như đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, tứ ca, hợp xướng… Tùy vào nội dung, tính chất bài hát mà chúng ta lựa chọn hình thức biểu diễn cho phù hợp với nội dung, chủ đề và khả năng biểu diễn của các em học sinh.

Lựa chọn giọng hát cho tiết mục

Không nên tuyển chọn một cách ồ ạt, cần phải có tiêu chuẩn là giọng hát tốt, sự yêu thích và say mê với nghệ thuật ca hát, có tai nghe và trí nhớ âm nhạc tốt để nhanh chóng hoàn thành các bè ( nếu có).

Với hình thức đơn ca: đây là hình thức một người hát. Hình thức này thúc đẩy mạnh mẽ tính độc lập, tích cực và sáng tạo của học sinh khi thể hiện tác phẩm. Vì vậy cần lựa chọn học sinh có giọng hát tốt, hát chuẩn thì mới đảm bảo chất lượng cho bài hát cũng như chương trình biểu diễn.

Với hình thức song ca, tam ca, tứ ca, hay tốp ca: các hình thức này đòi hỏi học sinh phải chủ động, mạnh dạn, tích cực. Không những phải chọn các em học sinh có chất giọng tốt mà phải chọn lựa các em có thể phối hợp ăn ý với nhau.

Lựa chọn trang phục, đạo cụ

Phần phục trang và đạo cụ cũng là một trong những điểm nhấn để tạo nên linh hồn cho bài hát vì vậy cần có sự quan tâm và chuẩn bị chu đáo.

Mỗi một vùng miền Việt Nam lại có những trang phục truyền thống khác nhau. Vì thế việc lựa chọn trang phục cũng rất đa dạng. Tùy vào bài hát thuộc vùng miền, dân tộc nào thì chúng ta lại lựa chọn trang phục, đạo cụ cho phù hợp. Ví dụ như: Những bài thuộc dân ca quan họ Bắc Ninh thì ta sẽ chọn nữ là váy đen, áo tứ thân bên trong mặc áo yếm đỏ, lưng thắt khăn lụa dài, đầu vấn tóc và chít chiếc khăn mỏ quạ cùng với đạo cụ là chiếc nón quai thao; nam là quần trắng, áo dài the, đầu đội khăn xếp. Những bài thuộc dân ca nam bộ thì trang phục lại là những chiếc áo bà ba kèm với chiếc khăn rằn quàng nhẹ trên bờ vai, càng làm tôn lên vẻ đẹp mộc mạc của người phụ nữ ở Nam Bộ.

3. Phương pháp rèn luyện kỹ năng hát dân ca

Rèn luyện hơi thở

Hơi thở là một vấn đề rất quan trọng trong thanh nhạc. Muốn hát hay và chuẩn xác thì phải biết cách điều khiển hơi thở.

Trong dân ca, việc xử lý hơi thở khi hát là một yếu tố quyết định nhiều đến chất lượng bài hát. Muốn hát dân ca tốt, ta cần phải biết cách lấy hơi, đẩy hơi và biết phân chia các câu để lấy hơi trong bài hát cho phù hợp. Hơi thở giúp thể hiện những cảm xúc tinh tế vì vậy khi luyện tập hát dân ca ta cần quy định trước những chỗ lấy hơi, phải tuân thủ nghiêm ngặt về quy định lấy hơi trong bài, tránh lấy hơi tùy tiện làm đứt mạch cảm xúc bài hát. Tùy từng bài, khi gặp câu dài có thể ngắt nhưng vẫn đảm bảo được ý nghĩa của lời ca và âm nhạc.

Tư thế ca hát

Trong các hoạt động biểu diễn dân ca thì tư thế ca hát được tiến hành ở các tư thế đứng, ngồi và đi. Dù có ở tư thế ca hát nào thì người hát cũng phải đảm bảo yêu cầu: thả lỏng toàn thân, thoải mái tự nhiên khi ca hát, không nghiêng ngả dù đứng hay ngồi hát, nét mặt tươi tắn, linh hoạt diễn cảm bằng ánh mắt, nụ cười khi giao lưu.

Khi dạy hát dân ca, giáo viên cần nhắc nhở các em ngồi, đứng đúng tư thế để tập thói quen có tư thế ca hát đúng. Giáo viên cần kiểm tra thường xuyên, sửa chữa, uốn nắn những sai sót về tư thế của các em khi hát như vậy mới đảm bảo chất lượng và đạt được hiệu quả cao khi hát.

Hát liền tiếng, ngắt tiếng

Trong dân ca, có rất nhiều bài với tính chất khác nhau như mềm mại, uyển chuyển đòi hỏi phải hát liền tiếng hay vui tươi, rộn ràng, nhộn nhịp, nhí nhảnh đòi hỏi hát âm nảy. Mỗi cách hát liền tiếng hay ngắt tiếng đều có những phương pháp tập luyện riêng. Giáo viên cần hiểu rõ các phương pháp để áp dụng vào từng bài hát và hướng dẫn luyện tập cho học sinh.

Hát luyến láy

Mỗi vùng miền dân tộc, dân ca lại có những đặc trưng khác nhau. Tuy nhiên thì đặc điểm chung của các bài dân ca là có nhiều nốt luyến láy, nhiều nốt hoa mĩ đòi hỏi người hát cần luyện tập nhiều. Khi hát luyến láy, ta nên hát bằng luồng hơi ngân dài, mềm mại, liên tục với nhau. Giáo viên cần luyện tập cho học sinh hát bằng âm thanh phát ra bên ngoài của vòm miệng. Một điểm nữa cần lưu ý đó là về bản ngữ địa phương: giáo viên khi dạy học sinh hát cần chú ý các dấu giọng để hướng dẫn học sinh hát cho ra chất của các bài hát theo vùng miền.

Hát rõ lời

Trong hát dân ca, việc hát rõ lời là điều rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh vì đó là một trong những yêu cầu cơ bản trong thanh nhạc. Nếu  hát không rõ lời, vô tình chúng ta làm cho nội dung bài hát không được diễn tả đầy đủ, trọn vẹn và đôi khi làm hỏng cả tác phẩm nghệ thuật.

Vì đặc điểm ngôn ngữ lời ca trong hát dân ca mỗi vùng miền có tính chất khác nhau nên để hát rõ lời khi luyện tập cho học sinh, giáo viên cần yêu cầu các em chú ý các dấu giọng để hát cho ra chất của các bài hát theo vùng miền, cần tránh cường điệu trong phát âm, hát nhẹ nhàng, không quá to. Bên cạnh đó, giáo viên cần chú ý các em lấy hơi đúng chỗ, phù hợp, tránh trường hợp khi đang hát bị ngắt giọng đuối hơi, mất đi giai điệu mượt mà, uyển chuyển của làn điệu dân ca, ảnh hưởng đến chất lượng của tiết mục.

4. Phương pháp dàn dựng phần hát các tiết mục tam ca, tốp ca

Tam ca

Tam ca là hình thức 3 người cùng trình bày một tác phẩm. Khi dàn dựng phần hát cho tiết mục tam ca, cần lưu ý sự cân đối của tiết mục, sự hài hòa trong việc kết hợp hoặc tách riêng các loại giọng hát, sự phong phú, hấp dẫn.

Đầu tiên ta cần lựa chọn hình thức phù hợp cho tiết mục tam ca, có thể là tam ca nam hoạc tam ca nữ tùy thuộc vào bài hát được chọn lựa để làm nổi bật nội dung và tính chất của bài hát đó. Tiếp theo là vận dụng các thủ pháp kỹ thuật để tô đậm, làm nổi bật hình tượng âm nhạc, nội dung, chủ đề chính các tác phẩm nhằm tạo ra nét đặc sắc, mới lạ, gây hấp dẫn.

Tốp ca

Tốp ca là hình thức nằm trong hát tập thể, số lượng tham gia không quá đông, khoảng từ 5 - 12 người. Cũng như tam ca, khi dàn dựng phần hát cho tiết mục tốp ca, cần lưu ý sự cân đối của tiết mục, sự hài hòa trong việc kết hợp hoặc tách riêng các loại giọng hát và vận dụng các thủ pháp phát triển để tạo nên sức hấp dẫn của tiết mục.

Với tiết mục tốp ca ta có thể lựa chọn hình thức là tốp ca nam, tốp ca nữ hoặc tốp ca nam nữ.

5. Dàn dựng các phần phụ họa

Trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, việc dàn dựng các phần phụ họa là không thể thiếu. Thường có hai hình thức dàn dựng phần phụ họa :

Thứ nhất: Múa phụ họa cho hát

Thứ hai: Người hát thể hiện trực tiếp phần vũ đạo

Đây đều là những yếu tố có vai trò khá quan trọng trong việc hỗ trợ và tăng sức biểu hiện cho tác phẩm âm nhạc.

Trong các tiết mục dân ca, dù dàn dựng phần phụ họa theo hình thức nào thì khi lựa chọn các động tác múa cần tránh nhầm lẫn giữa các điệu múa của dân tộc.

Để các tiết mục dân ca đạt được chất lượng về nghệ thuật, giáo viên cần phải hướng dẫn các em những động tác múa cơ bản của đồng bằng và của một số các dân tộc thiểu số như Tây Nguyên, Tày, Thái, H’mông, Mường,… Sau đó chọn lựa ra các động tác phù hợp với bài hát dựa trên cơ sở nội dung, tính chất âm nhạc, đặc điểm vùng miền dân tộc đó. Điểm cần lưu ý ở đây đó là trước khi dàn dựng, giáo viên phải lên ý tưởng cho phần phụ họa của tiết mục, số lượng diễn viên tham gia, các động tác múa phù hợp với bài hát, đội hình múa của từng đoạn trong bài, trang phục đạo cụ được sử dụng,…

Tóm lại, để việc dàn dựng tiết mục ca hát nói chung và dân ca nói riêng trong các chương trình biểu diễn đạt hiệu quả cao thì trước hết người giáo viên phải luôn có trách nhiệm nâng cao năng lực, nâng cao tầm hiểu biết, phải tự nghiên cứu, rèn luyện và điều quan trọng đó là sự tâm huyết, lòng say mê, yêu nghề.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Dương Viết Á, Đức Thịnh (2000), Tổ chức và dàn dựng chương trình biểu diễn ở cơ sở, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2.   Ban chấp hành Trung ương Đảng (1996), Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng cộng sản Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3.    Ban chấp hành Trung ương Đảng (1998), Nghị quyết TW 5 khóa VIII.

4.   Lê Ngọc Canh (2009), Phương pháp đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

5.   Lê Văn Chưởng (2004), Dân ca Việt Nam những thành tố và chỉnh thể nguyên hợp, Nxb Khoa học xã hội.

6.   Đào Ngọc Dung (2003), Dân ca làn điệu phát triển, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

7.   Đào Ngọc Dung, Quang Phác (2001), Dân ca Việt Nam, Nxb Hà Nội.

8.   Đặng Vũ Hoạt (1996), Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường THCS, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc