Nội san

Vài nét về nhạc cụ đệm cho hát Then của người dân tộc Tày vùng Việt Bắc

25 Tháng Bảy 2017

                                                                                Bùi Thị Xuân [*]

 

           Người dân tộc Tày vùng Việt Bắc sinh sống rải rác trên khắp 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và được hợp bởi nhiều nhánh. Nhánh người Tày bản địa còn gọi là Thổ, Nhánh người Ngạn có nguồn gốc từ Trung Quốc di cư sang từ nhiều thế kỷ trước, nhánh có nguồn gốc người Kinh là những người lính từ dưới xuôi lên. Đối với bà con đồng bào dân tộc Tày nơi đây, Hát Then đã gắn bó với họ từ rất lâu đời, là niềm tự hào và được đồng bào trao truyền cho nhau qua nhiều thế hệ.

           Hát Then không biết đã có từ bao giờ. Trong chuyến đi khảo sát và tìm hiểu tư liệu nghiên cứu, chúng tôi đã đến một số làng bản của bà con dân tộc Tày sinh sống, gặp gỡ một số người  làm Mo, Then và nhiều người am hiểu về Then thì hầu hết mọi người đều cho rằng: Then đã có từ thuở khi mới hình thành các làng, bản. Sự tích về Then thì khá đa dạng, tuy nhiên hiện nay tài liệu rất hiếm mà chủ yếu qua truyền miệng dân gian. Có một câu chuyện về nguồn gốc xuất xứ của Then thường được bà con kể lại rằng: Từ cuối thế  kỷ 16, khi Mạc Kính Cung thất thủ lên chiếm cứ Lạng Sơn, Cao Bằng làm căn cứ chống lại nhà Lê. Quân sĩ phần vì nhớ nhà, phần thì lạ nước, lạ non sinh bệnh tật ốm đau rất nhiều. Nhà vua bèn sai Bế Văn Phùng và Quỳnh Vân sáng tác điệu hát để giải khuây cho binh sĩ. Không ngờ khi nghe điệu hát này quân sĩ khỏi bệnh quá  nửa. Từ đó Mạc Kính Cung truyền cho phổ biến rộng rãi điệu hát này trong dân chúng như  một phép màu nhiệm để chữa  bệnh và gọi là Hát Then. Qua nhiều tài liệu ghi chép và công trình nghiên cứu của nhiều tác giả, chúng ta cũng có thể thấy Hát Then xuất hiện vào thời  kỳ manh nha hình thành nước Tày cổ, và sự kiện nhà Mạc  lên Cao Bằng đánh dấu xã hội Tày cổ đã phát triển cao hơn. Như vậy, Then ra đời thỏa mãn ước vọng cao cả của con người, chứng minh người Tày là chủ nhân mảnh đất dày đặc núi cao, sông suối, rừng xanh.

           Trong Hát Then, Đàn Tính và chùm Xóc Nhạc là hai loại nhạc cụ không thể thiếu. Hai loại nhạc cụ này vừa có chức năng giữ nhịp, đệm cho hát, vừa có khả năng diễn tấu linh hoạt, đặc biệt còn được sử dụng như  đạo cụ gây nhiều hứng thú cho múa trong Then. Đàn Tính và Xóc Nhạc cũng thường xuyên đi cùng với nhau trong các cuộc Then, nếu thiếu một trong hai nhạc cụ này thì không thể thành cuộc Then hoặc diễn xướng Then được.

       Đàn Tính (Tính Tẩu)      

        Tính Tẩu là nhạc cụ được sử dụng trong các sinh hoạt nghi lễ Then của người dân tộc Tày. Về nghĩa Tày cổ, từ “Tính” được người Tày đặt theo âm thanh tượng thanh tiếng đàn phát ra: tính, tình, tang. Còn “Tẩu” theo ngôn ngữ Tày Thái cổ là quả bầu, do đó Tính Tẩu theo cách hiểu đơn giản của người dân lao động thì âm thanh của nó được phát ra từ quả bầu, nhưng thực chất để tạo nên được những âm thanh là từ các sợi tơ. Khi người chơi đàn sử dụng ngón tay gảy những sợi tơ, làm cho chúng rung lên tạo thành sóng âm, tác động vào bầu đàn. Bầu đàn là nơi cộng hưởng các sóng âm đó và thoát ra ngoài tạo thành âm thanh. Vì vậy mà âm sắc của Đàn Tính hơi đục, ấm áp, nghe gần như lời thủ thỉ tâm tình, nghe xa thấy bay bổng, ngọt ngào, pha trộn cùng chùm Xóc Nhạc tạo nên tổ hợp giàu sắc thái riêng, không lẫn với nhạc khí các tộc người khác.

          Để làm ra được cây Tính Tẩu đòi hỏi rất nhiều yếu tố: biết đàn, biết hát, cảm thụ tốt các âm thanh vang ra từ cây đàn, cảm nhận được âm sắc của mỗi cây đàn, thật sự yêu quý cây đàn, hiểu quy trình làm đàn và đặc biệt phải có một đôi bàn tay khéo léo mới có thể làm được.

           Qua nghiên cứu từ các tài liệu và quá trình tìm hiểu từ các nghệ nhân, nhạc sĩ chế tác Tính Tẩu chúng tôi thấy: Chất liệu chính làm nên Tính Tẩu thường là có sẵn ở địa phương như quả bầu làm bầu đàn, gỗ thực mực, gỗ vông, lõi cây dâu rừng,…làm mặt đàn, cần đàn, đầu đàn, khóa đàn, ngựa đàn.

Bầu đàn chế tác từ vỏ quả bầu phơi khô, cắt cuống, người Tày chọn loại bầu đắng để chống mối mọt và dễ dàng cắt, khoét, giữ thân thành hộp cộng hưởng. Vỏ bầu bên ngoài nhẵn và rắn, giữ được chất xốp bên trong tạo tiếng đàn. Trước đây, người làm đàn bỏ nhiều công sức tìm loại bầu ưng ý, hiện nay người Tày trồng bầu, lấy quả cất lên gác bếp hun khói, để lâu ngày quả bầu được sấy khô ngả sang màu vàng gụ rất đẹp. Tính Tẩu có nhiều loại có bầu đàn to, nhỏ khác nhau. Tính Tẩu nào có bầu đàn to thì thường có âm thanh to, khỏe, phù hợp với các giọng nam trầm, ấm; Còn loại có bầu nhỏ thường có âm thanh cao, sáng phù hợp với giọng nữ nhiều hơn. 

Mặt đàn dùng thân cây vông, gỗ mềm, thớ gỗ thưa, dễ tạo tác thành phiến mỏng, ép phẳng, ngoài ra một số người còn sử dụng gỗ thông hoặc gỗ ép.

Cần đàn làm từ cây dâu rừng, mang phơi nắng ngả sang màu vàng ng, ngoài ra còn dng cả gỗ thực mực, gỗ dâu tằm. Các loại gỗ kể trên có đặc điểm không cứng, không mềm, dẻo dai khó gãy, đem uốn làm cần đàn rất thích hợp. Độ dài cần đàn chủ yếu dùng nắm tay để đo, tùy theo tay người đo độ dài theo quy ước: slam căm tẩu, cẩu căm càn (bầu ba nắm, cán chín nắm).

Đầu đàn được làm theo nhiều hình thù khác nhau, người Tày coi Đàn Tính như đàn thiêng nên rất chau chuốt bộ phận này. Khi chế tác đều theo cung mệnh của Then để làm, chủ yếu là các hình: hoa chuối, song mã, phượng, rồng.

Ngựa đàn là chỗ dùng kê dây đàn phía trên mặt đàn, thường bằng tre hoặc gỗ nhỏ đẽo gọt khá tinh tế, trên mặt ngựa khía các rãnh đặt dây để không bật ra ngoài khi di chuyển hoặc đánh đàn.

Tai đàn làm bằng gỗ chìa ra hai bên mặt ngựa, xuyên qua các lỗ nhỏ vào phía trong đầu đàn giúp lên xuống dây dễ dàng, số lượng tai đàn luôn có 3 cái.

Dây đàn trước đây thường được làm từ sợi tơ tằm se lại, lấy sáp ong hoặc nhựa củ nâu tuốt cho dây bền, không bị độ ẩm thời tiết làm rè âm. Hiện nay phổ biến dùng dây nilon thay thế dây tơ tằm, do dễ sử dụng và âm thanh đảm bảo.

Đàn Tính của người Tày có 3 dây nên có âm hưởng dày dặn, nghe rõ tiếng âm trầm, hiệu quả độ vang lớn. Âm sắc nghe mềm mại, ấm áp, cảm giác như 2 cây Đàn Tính đang cùng hòa tấu. Đàn Tính của người Tày có cách mắc dây khá độc đáo: giữa dây tiền và dây hậu là dây có cao độ thấp hơn một quãng 8 với dây tiền. Đàn Tính được lên dây theo 2 kiểu: quãng 4 đúng và 5 đúng. Nghề Then quy định quãng 4 đúng chuyên dùng điệu Tàng Bốc, quãng 5 đúng dùng khi hát điệu Tàng Nặm. Khi chuyển điệu từ Tàng Bốc sang Tàng Nặm hoặc ngược lại phải chỉnh dây hậu, giữ nguyên dây giữa và dây tiền âm vực cao.

Kỹ thuật diễn tấu

         Ngoài việc sử dụng trong quá trình các Bà Then làm Then, đệm hát, đệm múa trong các chương trình văn nghệ; Tính Tẩu còn có thể độc tấu, hòa tấu cùng các nhạc cụ khác.

Kỹ thuật tay trái: ngón cái có chức năng tì vào cần đàn để giữ thăng bằng, bốn ngón còn lại dùng để bấm hoặc vuốt, láy.

Kỹ thuật tay phải: trong quá trình chơi Tính Tẩu, kỹ thuật tay phải chủ yếu là gảy và búng. Khi gảy không dùng móng tay hoặc que gảy mà dùng phần thịt của đầu ngón tay (chủ yếu ngón trỏ) gảy từ dưới lên, gảy một dây hoặc cả 3 dây. Do sự tiếp xúc phần thịt của ngón tay vào dây đàn nên âm thanh phát ra dịu dàng, mềm mại. Khi búng thì thường búng cả ba dây, phần móng tay tiếp xúc với dây đàn nên âm thanh phát ra sắc, cứng, thô. Trong những tác phẩm âm nhạc có tính chất vui tươi, rộn ràng, các ngón bấm của tay phải có thể vỗ vào mặt đàn tạo ra những âm thanh như tiếng trống.

Mặc dù Tính Tẩu không phải là một nhạc cụ hào nhoáng, không có nhiều tính năng như các nhạc cụ khác, nhưng một số kỹ thuật của Tính Tẩu như vuốt, láy, vê, búng…luôn tạo nên những đường nét giai điệu ngọt ngào, êm ái rất phù hợp với ngôn ngữ âm nhạc trong Then của người Tày.

          Chùm Xóc Nhạc

Chùm Xóc Nhạc là nhạc cụ thuộc họ tự thân vang, phương pháp kích âm là rung hoặc lắc, các vòng tròn nhỏ cùng các quả nhạc (chuông nhỏ) tác động vào nhau phát ra âm thanh.

Chùm Xóc Nhạc có nhiều tên gọi khác nhau theo mỗi địa phương. Ở Cao Bằng gọi là miạc, ở Lạng Sơn gọi là pây mạ, sáu mạ (nghĩa là nhạc ngựa), ở Hà Giang gọi là sáu má rính, ở Thái Nguyên gọi là Chùm xóc nhạc…và cũng tùy từng địa phương mà Chùm Xóc Nhạc có kích cỡ khác nhau.

Theo các Bà Then, Ông Then kể lại rằng, trong quá trình quan Then dẫn quân binh đi lên mường trời thì ngựa của các quan Then đều đeo một cái chuông gọi là nhạc (hay còn gọi là phạc mà) để vừa có tính chất uy nghiêm xua đuổi ma tà, vừa là âm thanh báo hiệu cho đoàn quân Then biết đã đi qua các xứ. Nhưng khi đoàn quân Then lên đến mường trời để mang lễ vật vào cung tiến Ngọc Hoàng thì phải có lễ chầu, sau đó mới đặt lễ vật. Trong tình thế như vậy, quan Then đành phải lấy nhạc mạ cho quân binh đi theo để múa chầu vào cửa Ngọc Hoàng. Sau khi múa xong, các lễ vật mang đến mới được cung tiến dâng lên Ngọc Hoàng. Do vậy, Xóc Nhạc có từ đó và sau này không chỉ dùng để múa mà còn kết hợp cùng cây Tính Tẩu để giữ nhịp điệu phục vụ cho từng chương, từng đoạn của cuộc Then. Chùm Xóc Nhạc thường gồm có 2 quả xóc to, 3 quả xóc nhỏ bằng đồng, kèm vào đó là những vòng khuyên đồng có đường kính 15 đến 18 mm, được móc nối với nhau thành những chuỗi xích, vì vậy người ta căn cứ vào số chuỗi xích để bổ sung thêm các quả xóc cho phù hợp.

Ty theo hình thức biểu diễn hoặc tính chất cuộc Then mà người xóc nhạc có thể vừa đeo ở chân vừa đàn tính vừa hát, hoặc cầm ở tay theo kiểu xỏ khuyên chùm xóc vào ngón tay giữa hoặc cầm xóc bằng 3 ngón tay chụm lại.

Trong quá trình làm Then, Chùm Xóc Nhạc được các Bà Then, Ông Then sử dụng theo nhiều cách: Khi quân binh vượt núi thì nhạc xóc thôi thúc, khi vượt sông thì tiết tấu nhanh hơn, dồn dập hơn, khi linh hồn nhập vào thì xóc nhạc tốc độ càng nhanh hơn.

Chùm Xóc Nhạc còn được sử dụng riêng cho múa như múa chầu và cũng theo nhiều cách nhau như: xóc nhạc trong múa chèo thuyền, múa quạt, múa tán hoa, múa chầu lễ, múa chầu tướng đều có sự nhanh, chậm trong tiết tấu, tiết nhịp. Chùm Xóc Nhạc phần lớn góp phần vào việc thôi thúc, khơi dậy tình cảm con người trong nghi lễ Then. Nếu trong một cuộc Then không có chùm Xóc Nhạc, chỉ có cây Tính Tẩu thì chưa đủ khích lệ tâm lý hưng phấn của người nghe hát Then. Chùm Xóc Nhạc được các Bà Then, Ông Then gìn giữ, bảo quản ở chỗ linh nghiêm (trên bàn thờ), là một công cụ đắc lực cho một cuộc nghi lễ của Then, nó chính là một vật thể linh thiêng khi hành lễ của các ông bà Then.

Có thể nói Hát Then là hình thức sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của người dân tộc Tày có ở hầu khắp các tỉnh Việt Bắc. Theo bước chân của những người di cư, hiện nay Hát Then còn có mặt ở các vùng cư trú khác của người Tày như ở khu vực Tây Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh. Điều đó chứng tỏ sức sống mãnh liệt và sự ảnh hưởng sâu rộng của Hát Then đối với đời sống tinh thần của người dân tộc Tày.

1.   

  TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Hoàng Triều Ân (2013), Cây đàn Then người Tày và bài hát dân gian, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

2.    Bùi Quang Cảnh (2015), Vai trò của Hát Then đối với thế hệ trẻ ngày nay, Trường ĐHSPNTTW, Hà Nội.

3.    Nguyễn Nguyệt Cầm (2010), Nghệ nhân và nghệ thuật Hát Then của người Tày Bắc Kạn, Luận văn thạc sĩ Văn hóa học, Viện nghiên cứu Văn hóa, Hà Nội.

4.    Nông Thị Nhình (2000), Âm nhạc dân gian các dân tộc Tày, Nùng, Dao Lạng Sơn, Nxb Văn hóa dân tộc.

5.    Nông Thị Nhình (2004), Nét chung và riêng của âm nhạc trong diễn xướng Then Tày, Nùng, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

6.    Hoàng Văn Páo (2004), Vai trò của Hát Then trong đời sống tinh thần của người Tày tỉnh Lạng Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn.

7.    Hà Văn Thư, Lã Văn Lô (1984), Văn hóa Tày, Nùng, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k5– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc