Nội san

Dạy học hòa âm cho sinh viên trường đại học Đồng Tháp

31 Tháng Bảy 2017

Học viên: Lê Thị Kim Chi

Lớp: Khóa 5 - Lý luận và PP dạy học Âm nhạc.

SĐT: 0919191930.

 

Trong chương trình đào tạo Âm nhạc nói chung và Đại học Sư phạm nói riêng, môn Hòa âm có vai trò rất quan trọng. Đây là một trong những môn học bắt buộc, có tính chất nền tảng của giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp và sư phạm.

Trong môn Hòa âm việc học tốt lý thuyết có thể giúp SV vận dụng và tiếp cận với các tác phẩm âm nhạc nói chung và các bài hát trong chương trình âm nhạc ở bậc TH và THCS rất thiết thực. Tuy nhiên, để vận dụng những lý thuyết vào thực hành môn Hòa âm trong công tác giảng dạy đòi hỏi SV phải nắm vững kiến thức căn bản về lý thuyết âm nhạc, phải có tính sáng tạo, có thẩm mỹ Âm nhạc tinh tế, có khả năng vận dụng vào thực tiễn. Đây là yếu tố (yêu cầu) vô cùng quan trọng. SV của trường Đại học Đồng Tháp cũng không ngoại lệ.

 Qua khảo sát thực tế cho thấy, sinh viên đại học sư phạm Âm nhạc, Trường Đại học Đồng Tháp phần  lớn chưa biết gì về nhạc lý, nên không tránh khỏi việc còn bỡ ngỡ trong quá trình học tập các môn học. Trong đó có các môn lý thuyết âm nhạc cơ bản, ký xướng âm, đặc biệt là Hòa âm - một môn học khó vì đặc trưng của môn học này là nửa lý thuyết nửa thực hành, có nhiều công thức, quy luật, nguyên tắc, vòng công năng, đặc biệt là áp dụng vào phối bè cho ca khúc. Cũng chính vì thế, ở đây chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp dạy học Hòa âm cho sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp như sau:

 

 

1.     Dạy học lý thuyết bằng phương pháp dạy học nêu vấn đề

Dạy học nêu vấn đề là con đường quan trọng để người học phát huy tính chủ động, tích cực, bên cạnh đó giúp phát triển năng lực, tư duy, sáng tạo. Người học có cảm giác được đặt trong tình huống có vấn đề cần phải giải đáp và thông qua việc giải quyết vấn đề đó thì người học có điều kiện để nắm được kiến thức, kỹ năng về lý thuyết và thực hành.Việc áp dụng PPHD dạy này gồm 2 bước.

Ví dụ 35:

Việc xây dựng tình huống có vấn đề gồm 2 bước:

+Bước 1: Xây dựng, câu hỏi có nội dung mâu thuẫn vừa sức người học

+Bước 2: Cho những VD mâu thuẫn và cách giải quyết của GV cho SV nắm rõ

Việc giải quyết vấn đề gồm ba bước:

+Bước 1: Nhận biết vấn đề mâu thuẫn

+Bước 2: Tìm các phương án giải quyết

+Bước 3: Quyết định phương án

GV đưa ra những tình huống có vấn đề trong dạy học nói chung và môn Hòa âm nói riêng sẽ thường xuyên xuất hiện thì người học ngày càng linh hoạt hơn trong việc sử lý vấn đề, môn Hòa âm đòi hỏi người học vừa tính toán trên cơ sở lựa chọn phương án cấu trúc hay và lựa chọn phương án giải quyết theo năng lực cá nhân, tình huống có vấn đề được áp dụng trong dạy bài tập như sau:

-Giải quyết các lỗi trong bài tập hòa âm

-Xác định công thức, lối đi, nguyên tắc tiến hành bè.

Những mâu thuẫn giữa khả năng nhận thức lý thuyết và năng lực thực hành trong việc áp dụng phối Hòa âm bốn bè, lựa chọn phương án, đường đi nào là thích hợp. Điều quan trọng ở đây không phải là SV hoàn thành bài mà là sự tường tận, hiểu rõ, nắm được những kiến thức cần ghi nhớ khi vừa giải quyết bài tập Hòa âm và tôi đã áp dụng PP này vào dạy cho lớp ĐHÂN15 hệ Đại học Sư phạm âm nhạc Trường Đại học Đồng Tháp.

Khi dạy về các hợp âm đảo 1 (T6,S6,D6), giáo viên đưa ra tình huống sau:

            -GV đưa ra tình huống: cho các hợp âm T,S,D, T6,S6,D6,T6/4,S6/4,D6/4

            -Yêu cầu SV giải quyết tình huống trên:

  + Dựa vào nguyên tắc Hòa thanh công năng, hai nguyên tắc nối tiếp (theo lối Hòa âm và theo lối giai điệu), sắp xếp thành từng nhóm công thức, trong đó hợp âm đứng trước và sau là hợp âm cùng công năng (một trong hai hợp âm có 1 hợp âm nằm ở thể đảo 1) và hợp âm ở giữa là hợp âm 6/4 (thể đảo 2) khác công năng cách quãng 4 hoặc quãng 5, tiến hành giải quyết công thức vừa thành lập. Từ đó đưa ra những lý giải về vấn đề được nhận thấy qua bài tập.

+ Nhận xét chuyển động, hướng đi công năng của bốn bè và rút ra nguyên tắc

Qua bài tập trên, quá trình giải quyết vấn đề do SV thực hiện là:

- Thấy các vấn đề (nhận thấy vấn đề): áp dụng hai nguyên tắc nối tiếp cơ bản trong Hòa âm

- Giải quyết vấn đề

Việc giải quyết vấn đề của SV được thực hiện theo nhóm hoặc cá nhân. Trên cơ sở xem xét các phương án theo công thức yêu cầu đã nêu trên và theo nguyên tắc tiến hành công năng T-S-D, SV cho kết quả như sau:

+ Số công thức SV đã hình thành là 06 công thức (đáp án)

+ GV cùng SV kiểm tra nhanh một số bài phối của SV, sau khi loại trừ các phương án sai, các bài phối đúng của SV có dạng như sau:

Ví dụ 36:

           T    D6/4   T6                          S6   T6/4      S                 T    S6/4   T

 

                T    S6/4   T                          D   T6/4  D                           D   T6/4  D

Nhận xét:

+ SV nhận xét hướng chuyển động của bốn bè, các bước nhảy, rút ra kết luận từ những bài đã sửa

+ GV cùng SV trao đổi và thảo luận những đặc điểm nhận dạng, vấn đề cần quan tâm trong bài từ đó kết luận rằng, chỉ dùng hợp âm thể đảo 2 (T6/4,S6/4,D6/4) trong trường hợp có lướt hoặc thêu, phân loại những hợp âm nào nằm trong công thức lướt và hợp âm nào nằm trong công thức thêu, phân biệt đặc điểm của lướt và thêu. Khi chúng ta áp dụng công thức lướt thì trong đó:

            -Một bè đứng yên

            -Một bè đi ngược hướng với bè basse

            -Một bè thêu quãng 2

Còn nếu khi áp dụng công thức thêu thì trong đó:

            -Hai bè có âm chung đứng yên

            -Hai bè còn lại chuyển động theo hướng thêu

Qua áp dụng PP nêu vấn đề tôi thấy SV nắm bài sâu sắc hơn, bền vững hơn và hứng thú hơn trong những bài học tiếp theo. Tuy nhiên PPDH nào cũng có những ưu điểm và khuyết điểm riêng, PP dạy học này có khuyết điểm là mất nhiều thời gian, vì vậy khi dạy PP này người GV phải xây dựng kế hoạch dạy học hết sức cụ thể, phù hợp với yêu cầu về thời lượng đúng tiến độ chương trình, lựa chọn bài tập phù hợp với năng lực của SV.

 

2.     Đổi mới phương pháp dạy học bài tập viết

Nếu như trước đây phương pháp dạy học Hòa âm của GV chủ yếu vẫn theo lối truyền thống, tiến trình học bị rập khuôn: giảng giải – hướng dẫn làm bài tập – giao bài tập – kiểm tra, theo lối truyền thụ một chiều, theo lối đọc – chép, thì nay trên nền dạy học truyền thống người GV đã biết vận dụng những phương pháp mới là giao lưu giữa người dạy và người học.

Trước đây khi học đến phần nội dung bài tập Hòa âm thì GV chỉ áp dụng vào phối bài đơn giản có trong giáo trình và thực hành cá nhân, thường thì những dạng bài tập gồm 8 ô nhịp (câu nhạc) hoặc phối cho bè bass, phối cho giai điệu, sau đó cho các em đọc bài phối của mình, có hai cách đọc:

- Đọc theo chiều dọc (đọc hợp âm)

- Đọc theo chiều ngang (đọc từng bè theo thứ tự S,A,T,B).

Từ PP truyền thống này chúng tôi đã mở rộng và đổi mới trong thực hành bài tập viết:

Thứ 1: Chia nhóm để thực hành (tùy vào sỉ số lớp và năng lực học của cả lớp, trong đó mỗi nhóm sẽ có SV giỏi, khá, trung bình, yếu)

Thứ 2: Mỗi nhóm sẽ có bài tập riêng phù hợp với năng lực của từng nhóm (tránh trao đổi giữa nhóm này và nhóm khác).

Thứ 3: GV có thể ra đề bài tập là các ca khúc hoặc các bài hát dân ca trong chương trình THCS.

Phương pháp này tuy cực cho GV khi chấm bài nhưng mang lại sự hứng thú cho người học.

          Từ Hòa âm cổ điển đến Hòa âm ứng dụng có một mắc xích chặt chẽ, nghĩa là kỹ năng soạn hợp âm cho ca khúc đều dựa trên nền tảng của Hòa âm cổ điển. Tuy nhiên, không hẳn người giỏi Hòa âm cổ điển lại có kỹ năng tốt để viết hợp âm và phối bè cho ca khúc và ngược lại có nhiều người có kỹ năng về đệm hát và soạn Hòa âm cho ca khúc nhưng chưa từng học Hòa âm cổ điển. Đây là một thực tế chứa đựng nhiều nghịch lý và một phần nào đó cho thấy bộ môn Hòa âm cổ điển được giảng dạy ở các trường nhạc bấy lâu nay chỉ đáp ứng phần nào về nhu cầu “Hòa âm phổ thông”.

Trọng tâm nội dung Hòa âm tập trung vào những vấn đề: Khái niệm về Hòa âm, Hòa âm cho điệu thức 5 âm, cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài tập Hòa âm, viết bè đơn giản cho ca khúc phổ thông. Mở rộng quan niệm và tư duy âm nhạc tiếp nhận ở khía cạnh khác hơn chứ không bó hẹp theo một quan điểm Hòa âm cổ điển

3.     Phương pháp làm bài tập thực hành

Đây là phương pháp giúp SV áp dụng lý thuyết Hòa âm vào thực tế.

Làm bài tập Hòa âm cũng cần có những phương pháp làm sao cho khoa học. Đó cũng là yếu tố để nâng cao chất lượng môn học. Việc học các kỹ năng làm bài Hòa âm cho hệ đại học sư phạm  Âm nhạc chủ yếu xoay quanh các nội dung: phối bè; phân tích công năng Hòa âm; soạn công năng đệm cho ca khúc; nghe Hòa âm trên đàn. Mỗi giáo viên dạy Hòa âm thường có những phương pháp dạy cách làm bài tập cho SV khác nhau. Ở phần này, chúng tôi xin nêu biện pháp làm bài tập Hòa âm ở một số nội dung là kỹ năng phối hai bè, 4 bè, kỹ năng phân tích Hòa âm và soạn hợp âm cho ca khúc.

Giao bài tập về nhà có thể khai thác tối đa năng lực tư duy, kích thích mạnh mẽ sự động não của SV.         

Sau đây là ví dụ bài tập điển hình trong chương trình giảng dạy:

Ví dụ: Phối hòa âm cho giai điệu bằng các hợp âm ba chính (T-S-D-T)

  1. Xác định giọng của bài.
  2. Xác định công năng T-S-D-T của giọng đó.
  3. Xác định mỗi âm thanh của giai điệu có thể là âm 1, âm 3, hay âm 5 của hợp âm T-S-D. Nếu âm đó có mặt ở cả hai chức năng thì ta phải xét đến các hợp âm đứng trước hoặc đứng sau để lựa chọn cho phù hợp tránh trường hợp ngược công năng. (D-S)
  4. Cách triển khai phối bè.
  5. Nắm hết các khái niệm và định nghĩa về sự nối tiếp các hợp âm ba chính (nối tiếp theo lối hòa âm và nối tiếp theo lối giai điệu)
  6. Giai điệu phải luôn luôn kết thúc bằng hợp âm chủ.
  7. Tiền hành phối bè:

C-dur

I          IV  V     I    IV    V          V   I     V   I      IV  V    I

 

Biện pháp phối bè

Hòa âm là một môn học sử dụng thính giác và thị giác, là dạng mã hóa lại những âm thanh thành nốt nhạc song vẫn cần nhiều đến trí nhớ. Khi thực hành bài tập Hòa âm người học phải xác định giọng, cấu trúc bài, trường độ, quãng, giai điệu... rồi lựa chọn những nốt tương ứng với bè trong bài. Để thực hiện điều đó, SV cần phải được hướng dẫn cụ thể, chi tiết, theo các bước cơ bản, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Các biện pháp, phương pháp làm rất đa dạng, phong phú, mỗi người dạy có thể có những phương pháp riêng của mình. Các phương pháp dưới đây của chúng tôi chỉ là những đúc kết qua kinh nghiệm dạy học cho hệ ĐHSP Âm nhạc ở ĐH Đồng Tháp.                                         

Trước khi học một bài Hòa âm hoàn chỉnh, việc đầu tiên SV phải có khả năng xác định được giọng, từng âm có dấu hiệu bất thường trong bài. Phương pháp học này giúp SV nhận biết tốt các dấu hiệu ít gặp trong một giọng hay bài tập nào đó và thường được thực hiện nhiều ở thời kỳ đầu khi học Hòa âm.

 

+ Nghe xác định màu sắc hai bè cùng một lúc

Nghe hai bècùng lúc là bước cao hơn nghe từng bè đơn lẻ, nâng cao khả năng về tai nghe. GV cần cho luyện đọc gam để SV nhớ cao độ của các bậc trong giọng. Trước khi cho nghe bài phối, cần tách nhóm và cho SV đọc từng bè trước, cuối cùng là đọc các bè cùng một lúc.

+ Nghe xác định màu sắc giai điệu

Ngoài trí nhớ tốt, so sánh, tính tư duy cao…mà còn phải có tai nghe Âm nhạc tốt (Thẩm âm) thì rất thuận lợi và có khả năng đệm đàn cho người hát, phần lớn thì ngược lại, như vậy chúng ta thấy để nghe tốt Hòa âm là phải có năng khiếu âm nhạc và có sự tập luyện thường xuyên, cần phải dành nhiều thời gian cho môn học này thì mới đạt được kết quả tốt của môn học.

+ Nghe và Phân biệt rỗng bè, chéo bè, lỗi quãng 5 và 8 song song.

Cho Sv nghe bè giai điệu (Soprano) với bè alto (A), bè alto với bè tenor (T) và bè tenor với bè basse (Bass). Nếu nghe 2 bè mà    quá quãng 8 là trường hợp rỗng bè, còn nếu bè nằm trên mà có cao độ cao hơn bè dưới là trường hợp chéo bè, nếu hai cặp bè liên tiếp nhau đều là quãng 5 hoặc quãng 8 thì đó là lỗi song song, gặp những lỗi trên thì tránh ngay.

Dù khẳng định rằng Hòa âm là môn học không dễ dàng với rất nhiều sinh viên, song đây lại là môn học rất quan trọng, bởi thế làm thể nào để sinh viên học được tốt môn này là điều nhiều giảng viên quan tâm. Và những đóng góp của người viết trong bài này cũng không nằm ngoài mục đích trình bày một lời giải trong rất nhiều đáp số cho câu hỏi này tại trường Đại học Đồng Tháp.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Phạm Tú Hương (2004), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội

2.     Đỗ Hải Lễ (2001), Lý thuyết cơ bản về Âm nhạc – Giáo trình lưu hành nội bộ (in lần 2)Trường Cao đẳng nhạc họa TW , Nxb Hà Nội

3.     Hoàng Long, Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, NxbĐại học sư phạm, Hà Nội

4. Hoàng Hoa (2007), Giáo trình hòa âm ứng dụng, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

5. Hoàng Hoa, Trương Ngọc Bích (2012), Tuyển chọn bài tập phân tích hòa thanh, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

6. Phạm Lê Hòa (2013), Giáo trình phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

7. Trịnh Hoài Thu (2013), Lý thuyết Âm nhạc hệ Đại học Sư phạm, Giáo trình lưu hành nội bộ trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.

8. Phạm Tú Hương – Vũ Nhật Thăng (1993), Sách Giáo khoa Hòa thanh, Nhạc viện Hà Nội - Nxb Âm nhạc.

9. I.Đubốpxki, X.Épxêép, I.Xpaxôbin, V.Xôcôlốp, Sách giáo khoa Hòa âm – tập I (1963), tập II (1966), Lý Trọng Hưng dịch, Nxb Văn hóa – Nghệ thuật.

10. Phạm Minh Khang (2005), Giáo trình hòa thanh - Bậc Đại học, Trung tâm thông tin - Thư viện Âm nhạc.

11.   Nguyễn Văn Khoa (2006), Kiến thức nhạc lý và Hòa âm thực hành, Nxb Thuận Hóa, Huế.

12.   Ca Lê Thuần, dịch (1979), Sách giáo khoa Hòa âm,Trường Quốc gia âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.