Nội san

Thực trạng dạy học dân ca và dân ca các dân tộc Tày - Nùng ở trường CĐSP Lạng Sơn

31 Tháng Bảy 2017

                                  Học viên: Nguyễn Thu Hà

                                                                K5, chuyên ngành LL&PPDH Âm nhạc

                    ĐT: 0912977288

 

Hát Sli và hát Lượn là hai làn điệu dân ca giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Tày - Nùng ở Lạng Sơn, nó góp phần làm cho đời sống tinh thần của họ ngày càng phong phú và hấp dẫn hơn, đồng thời bồi đắp cho tâm hồn của mỗi con người càng trở nên tốt đẹp và hoàn thiện hơn về nhân cách. Vì vậy, bảo tồn và phát huy những giá trị đích thực đó của hát Sli, Lượn nói riêng và dân ca Việt Nam nói chung bằng cách đưa vào trường học là việc làm cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ là những chủ nhân tương lai của đất nước.

1. Vài nét về trường CĐSP Lạng Sơn và tổ Âm nhạc

Trường CĐSP Lạng Sơn gồm có 6 khoa, 6 phòng và 3 tổ trực thuộc Ban giám hiệu là một trường chuyên nghiệp đào tạo hàng nghìn những thế hệ giáo viên có đức có tài của các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh nhà. Với hơn 55 năm xây dựng và phát triển, trường CĐSP Lạng Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về mặt cơ sở vật chất lẫn trình độ đào tạo chuyên môn để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương cũng như của đất nước.

Tổ Âm nhạc trường CĐSP Lạng Sơn là tổ chuyên môn trực thuộc kkhoa Giáo dục Tiểu học và là lực lượng nòng cốt trong việc hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động phong trào, thi đua và các chương trình văn nghệ chào mừng của nhà trường. Hiện nay, số giáo viên trong Tổ là 06 người (2 nam và 4 nữ), tất cả đều có trình độ Đại học trở lên (trong đó có 02 người có trình độ Thạc sĩ Âm nhạc, 03 người trình độ ĐHSP Âm nhạc chính quy và 01 người trình độ ĐHSP Âm nhạc Liên thông).

Những năm gần đây, mặc dù nhà trường không còn lớp chuyên Âm nhạc nhưng sinh viên (SV) hệ CĐSP Tiểu học vẫn còn được học 3 học phần về âm nhạc (Nhạc lý Sơ giản 30 tiết, Hát 30 tiết, Tập đọc nhạc 30 tiết) ít nhiều các em cũng có kiến thức và năng kiếu âm nhạc.

Với xu thế hội nhập và phát triển không ngừng như hiện nay, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc dân tộc là việc làm cần thiết và cấp bách. Trường CĐSP Lạng Sơn thuộc khu vực miền núi, có đến 90% SV là người dân tộc Tày và Nùng, một trong những nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa quan trọng có là hát Sli, Lượn. Vậy nên, chúng tôi thiết nghĩ để xây dựng nên các hoạt động học tập, vui chơi gắn liền với việc bảo tồn, phát huy giá trị của âm nhạc dân tộc cần có sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo nhà trường, sự nhiệt tình và tâm huyết của các GV âm nhạc trong trường và sự hợp tác của các nghệ sĩ hát Sli, Lượn trong hội bảo tồn dân ca Lạng sơn.

2. Khả năng âm nhạc và việc cần thiết bổ sung một số bài Sli, Lượn vào hoạt động ngoại khóa trường

Những năm trở lại đây trường CĐSP Lạng Sơn đã không còn lớp chuyên ngành Âm nhạc, vì vậy việc tìm kiếm và lựa chọn những SV có năng khiếu âm nhạc để tham gia các hoạt động phong trào văn nghệ của nhà trường gặp nhiều khó khăn bởi lẽ nhiều em SV có năng khiếu âm nhạc nhưng lại rụt rè, không muốn thể hiện mình nên khi được phát động các phong trào thi tuyển tài năng âm nhạc như The Voice trường CĐSP Lạng Sơn thì đa số các em không đăng ký tham gia. Điều đó khiến cho đội ngũ Tổ Âm nhạc rất khó phát hiện ra được các tài năng âm nhạc của SV.

Do điều kiện khách quan, hiện nay trường CĐSP Lạng Sơn tuyển sinh chủ yếu là SV hệ cao đẳng Sư phạm Tiểu học, Mầm non và Tiếng Trung. Hầu hết SV hệ CĐSP Tiểu học là những em vừa tốt nghiệp THPT và đều là con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Phần lớn các em đều ở độ tuổi từ 18 đến 20, đây là độ tuổi thanh niên đã phát triển ổn định về thể lực, tâm sinh lý và giọng hát. Bên cạnh những thuận lợi về sức khỏe, sự nhiệt huyết và sôi nổi trong các hoạt động, thì đây còn là độ tuổi thuận lợi phát triển nhất về trí tuệ để tiếp thu các kiến thức văn hóa nói chung và kiến thức âm nhạc nói riêng.Tuy không phải SV chuyên nhạc nhưng có rất nhiều em có tố chất âm nhạc, khả năng cảm thụ về cao độ, tiết tấu khá tốt. Về cơ bản giọng hát của các em là giọng tự nhiên, chưa có sự can thiệp quá sâu của kĩ thuật thanh nhạc nên sẽ dễ dàng cho việc tập luyện và thể hiện đúng chất mộc mạc trong dân ca. Do chưa bao giờ hoặc nếu có thì cũng rất ít khi được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhà trường và địa phương nên các em còn thiếu tự tin trước đám đông. Tuy nhiên, với khả năng âm nhạc vừa đủ kết hợp vốn ngôn ngữ địa phương là điều kiện thuận lợi để các em có thể học tập và phát huy thể loại âm nhạc dân tộc mình.

Thực hiện theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của BCHTW Đảng (khóa VIII) về việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bản thân tác giả nhận thấy rằng cần nhanh chóng xây dựng một mô hình âm nhạc dân tộc để khơi dậy lại nét văn hóa truyền thống đã và đang hiện hữu trong đời sống văn hóa hàng ngày của đồng bào dân tộc Tày và Nùng mà bản thân các em SV chính là người cần phải phát huy giá trị của nền văn hóa dân tộc mình.

3. Dạy hát dân ca các dân tộc Tày - Nùng trong trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn

3.1. Trong giờ chính khóa

Hát dân ca là học phần quan trọng trong chuyên ngành sư phạm âm nhạc, với 02 đơn vị học trình (30 tiết) SV âm nhạc được học vào học kỳ II của năm thứ nhất. Trước đây, học phần Hát dân ca trong trường CĐSP Lạng sơn chủ yếu là giới thiệu sơ lược về dân ca các vùng miền Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên và hướng dẫn sinh viên thực hành một số bài hát quen thuộc tiêu biểu của các vùng miền.

Trên thực tế, theo khung chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo và việc xây dựng chương trình chi tiết học phần Hát dân ca cho SV Âm nhạc từ khóa 1 Trung cấp Sư phạm Âm nhạc đến nay thì dân ca các dân tộc Tày - Nùng ở Lạng Sơn chưa được chú trọng đưa vào nội dung bài học để truyền dạy cho SV. Năm 2004, đồng chí Trần Thị Yến - GV âm nhạc của trường đã từng thực nghiệm việc đưa hát Sli, Lượn vào học phần Hát dân ca cho SV Sư phạm Âm nhạc, tuy nhiên kết quả thu được chưa cao và ngày càng mờ nhạt do nhiều yếu tố như cơ sở vật chất chưa đảm bảo; thời lượng tiết học quá ít không đủ để các em có thể phát huy được năng khiếu hát Sli, Lượn của mình; tài liệu hát Sli, Lượn đặc biệt là bản nhạc bài hát rất hiếm; đội ngũ GV âm nhạc ít người có phương pháp cũng như khả năng hát Sli, Lượn tốt để có thể truyền dạy lại được cho SV.

Cho đến nay, nhà trường không tuyển sinh được SV chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc cho nên việc đưa hát Sli, Lượn của dân tộc Tày - Nùng vào truyền dạy trong giờ chính khóa sẽ gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ GV Âm nhạc trường CĐSP Lạng Sơn qua quá trình giảng dạy đã nhận thấy rằng, SV Sư phạm Tiểu học các khóa theo thống kê từ trước đến nay, đa số các em đều là người dân tộc Tày và Nùng (88%). Song khi được được hỏi về cảm nhận cũng như vốn bài hát Sli, Lượn của dân tộc mình thì thấy rằng rất ít em biết hát, nhiều em chưa chưa bao giờ tham gia hay nghe hát Sli, Lượn tại địa phương mình. Đa số các em đều nhận xét rằng hát Sli và Lượn là thể loại âm nhạc rất khó nghe và khó hát, các em chưa cảm thấy yêu thích hay muốn tìm hiểu gì về hai làn điệu âm nhạc này, mặc dù biết rằng đó là thể loại âm nhạc đang rất cần được bảo tồn của chính dân tộc mình.

Mặc dù không phải SV chuyên nhạc, nhưng các em SV Sư phạm Tiểu học vẫn được học 4 học phần liên quan đến âm nhạc đó là Nhạc lý sơ giản (30 tiết); Tập đọc nhạc (30 tiết); Hát (30 tiết) và Đàn (30 tiết). Đây là tiền đề cơ bản phát hiện và bồi dưỡng những SV có năng khiếu âm nhạc, làm nguồn nhân lực chủ đạo cho các hoạt động phong trào của nhà trường.

3.2. Trong hoạt động ngoại khóa

Trường CĐSP Lạng Sơn là một trong những đơn vị luôn đi đầu và là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ thể dục thể thao của tỉnh Lạng Sơn. Trường có nhiều thuận lợi và bề dày trong hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh những thuận lợi như đội ngũ GV Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục thể chất có năng lực, trình độ và nhiều kinh nghiệm là lực lượng chủ chốt cho các cuộc thi, các hoạt động phong trào của tỉnh thì nhà trường còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi cho SV trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm…Vì vậy, các chương trình ngoại khóa nói chung và ngoại khóa Âm nhạc - Nghệ thuật nói riêng luôn được sự quan tâm, đầu tư của Đảng ủy, Ban giám hiệu và các thầy cô giáo.

Hát Sli, Lượn của các dân tộc Tày - Nùng tỉnh Lạng Sơn mặc dù trước đây đã được đưa vào giảng dạy trong phân môn Hát dân ca cho SV chuyên nhạc và ít nhiều được tuyên truyền, phổ biến trong các buổi phát thanh ở Ký túc xá cho SV nội trú song kết quả thu được chưa cao. Hầu hết trong các buổi ngoại khóa chuyên đề âm nhạc, các buổi tọa đàm, thi đua văn nghệ thì thể loại âm nhạc thu hút được đông đảo sự chú ý lắng nghe của toàn thể CBCNV và SV trong nhà trường đó là các bài hát cách mạng, ngành nghề, âm hưởng dân gian… còn hát Sli, Lượn do chưa được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong toàn trường nên ít được SV và GV trong trường quan tâm đến. Vì vậy, cần bổ sung thêm hình thức truyền dạy hát Sli, Lượn cho SV thông qua các hoạt động ngoại khóa như: dạy hát Sli, Lượn trong CLB dân ca; tổ chức Thi hát dân ca; gặp gỡ để giao lưu tọa đàm với các nghệ nhân hát Sli, Lượn; dạy trong giờ học Rèn kỹ năng mềm trên lớp…v.v. Từ đó, SV được tiếp xúc nhiều hơn với hát Sli và hát Lượn, ngày càng có thái độ yêu thích và hứng thú hơn trong quá trình học hát Sli, Lượn.Có thể nói, Lạng Sơn là một tỉnh miền núi đa sắc tộc, trong đó dân tộc Tày - Nùng chiếm đến 80% tổng dân số tỉnh Lạng Sơn, mỗi tộc người lại có những nét đặc trưng riêng về phong tục tập quán cũng như về âm nhạc. Trong đó, tiêu biểu là hình thức hát Sli của dân tộc Nùng và hát Lượn của dân tộc Tày.

Việc dạy học một số làn điệu Sli của người Nùng và hát Lượn của người Tày trong hoạt động ngoại khóa của trường nhằm bảo tồn, và phát huy vốn âm nhạc cổ truyền đã đang ngày càng mai một và thất truyền trong thời đại ngày nay. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng việc nghiên cứu dạy học Sli, Lượn cho đội ngũ GV và HSSV trường CĐSP Lạng Sơn nói chung là rất cần thiết.

4. Kết luận

Để bảo tồn và phát huy nền âm nhạc dân ca của đồng bào các dân tộc Tày - Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cần phải có những công trình nghiên cứu mang tính khả thi, lựa chọn và ký âm lại một số bài hát đơn giản,phù hợp với đối tượng SV vào giảng dạy trong trường CĐSP Lạng Sơn.

Đề xuất một số biện pháp cụ thể để có thể thu hút được sự yêu thích của SV về hát Sli, Lượn như: Thay đổi phương pháp giảng dạy; lựa chọn bài bản phù hợp;đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất và chuyên môn cho đội ngũ GV; mời nghệ nhân, xây dựng chương trình ngoại khóa, thành lập CLB...v.v.

Việc truyền dạy một số làn điệu SLi, Lượn trong hoạt động ngoại khóa tại trường CĐSP Lạng Sơn là một hoạt động cấp thiết nằm trong xu thế định hướng cho sự phát triển về giáo dục và bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc, nhằm mục tiêu gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị nghệ thuật của hình thức sinh hoạt văn hóa này đối với SV trường CĐSP Lạng Sơn nói chung và thế hệ trẻ của tỉnh nhà nói riêng. Từ đó góp phần vào việc giáo dục nhân cách, phẩm chất đạo đức, trí tuệ và xu xướng phát triển con người một cách toàn diện hơn trong thời đại mới.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Sầm Thị Ngọc Ánh (2014), Dân ca Tày – Nùng – Mông trong giảng dạy sáo trúc tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Luận văn thạc sĩ Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

2.     Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn (2011), Bảo tồn dân ca Xứ Lạng, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

3.     Nông Thị Nhình, Hồng Thao (2012), Âm nhạc dân gian một số dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

4.     Trường CĐSP Lạng Sơn (2016), Báo cáo tổng kết công tác HSSV – Năm học 2015 – 2016 của trường CĐSP Lạng Sơn, Số 18/BC – CĐSP.

5.     Nguyễn Trường Trung (2014), Đưa diễn xướng hát Dô vào hoạt động ngoại khóa âm nhạc trường THCS Liệp Tuyết – Quốc Oai – HN, Luận văn Thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương

6.     Trần Thị Yến (2004), Đưa dân ca Tày – Nùng vào chương trình giảng dạy môn Hát dân ca cho giáo sinh THSP Âm nhạc Trường CĐSP Lạng Sơn, khóa luận tốt nghiệp ĐHSP Âm nhạc chuyên tu, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.

7.     http://www.daibieunhandan.vn, Phạm Tăng (ngày 28.8.2010), Đưa âm nhạc dân tộc vào trường học để bảo tồn.