Nội san

Văn hóa đọc của sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội hiện nay

31 Tháng Bảy 2017

                                                                      Học viên:  Hoàng Thị Phương Thanh

Lớp:  K2-  Quản lý Văn hóa

Số điện thoại: 0902 083699


      Trong tiến trình văn minh của nhân loại, sách báo luôn đóng vai trò là nguồn kiến thức, là phương tiện và là một công cụ để con người nhận thức thế giới. Có thể nói đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người và là một nét đẹp trong truyền thống của nhiều dân tộc. Chính vì vậy, phát triển văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực - nhân tố quyết định mọi thành công.

      Ngày nay với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông mà đặc biệt là sự lấn át của các phương tiện nghe, nhìn đã đưa văn hóa đọc đứng trước cả cơ hội và thách thức. Cơ hội bởi, mỗi người được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ qua các phương tiện truyền thông khác nhau nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc sách. Sinh viên - đối tượng cần tiếp xúc nhiều với sách phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu, trong bối cảnh đào tạo theo học chế tín chỉ như hiện nay dành thời gian cho việc đọc sách như thế nào, các “bên tham gia” vào thói quen đọc sách của sinh viên như thầy cô giáo, trung tâm thông tin thư viện, các tổ chức đoàn thể - xã hội của sinh viên, lãnh đạo nhà trường có vai trò ra sao trong việc tác động đến thói quen đọc sách của sinh viên là những vấn đề cần quan tâm.

      Gần 10 năm nay, hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới 23/04, Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hội thư viện Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam liên tục tổ chức, phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc. Ngày hội sách và văn hóa đọc đã dần trở thành nề nếp, đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng rãi trên khắp cả nước. Với mục đích cao cả là không chỉ tôn vinh sách, giá trị của tri thức mà còn khẳng định vị thế xã hội và tầm quan trọng của văn hóa đọc - một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam. Đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTG, lấy ngày 21 tháng 4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, nhằm khuyến khích, đưa phong trào đọc sách, báo trở thành nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam trong thời kỳ đất nước giao lưu, hội nhập quốc tế. Ngày 25/08/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã đưa ra Chỉ thị 42CT/TW về nâng cao chất lượng văn hóa đọc.

       Trường ĐHSP Hà Nội là trường đầu ngành về đào tạo giáo viên cho cả nước với truyền thống hơn 65 năm. Tương quan không chỉ trong khối các trường Đại học Sư phạm mà trong hệ thống giáo dục của cả nước, trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong những trường có chất lượng đào tạo tốt. Lớp lớp sinh viên ra trường là những hạt nhân tích cực cho các ngành nghề, trong và ngoài sư phạm, được xã hội đánh giá cao.  Ngày 4.11.2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế với quan điểm chỉ đạo: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục  và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học. Đây là một Nghị quyết quan trọng, thể hiện quyết tâm đổi mới từ trong bản chất nền giáo dục nước nhà. Đứng trước thực tiễn đó, với tư cách là trường Đại học Sư phạm trọng điểm, là máy cái của nền giáo dục nước nhà, Trường ĐHSP Hà Nội đã từng bước thay đổi với quyết tâm:  “Đi tiên phong trong các vấn đề của giáo dục đất nước, trước mắt: thực hiện tốt các nhiệm vụ, xây dựng chương trình phổ thông, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn theo yêu cầu đổi mới” như lời phát biểu của Giáo sư Hiệu trưng Nguyễn Văn Minh tại Lễ công bố quyết định bổ nhiệm lại Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhiệm k 2017 - 2022 diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 7 năm 2017 vừa qua. Để thực hiện được sứ mạng cao cả và quyết tâm sơn sắt đó, cán bộ, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chắc chắn phải có nhiều thay đổi trong dạy và học, và quan niệm về việc dạy và học, về văn hóa đọc và quản lý văn hóa đọc trong đào tạo là một trong những vấn đề then chốt. Chính vì lẽ đó, trong những năm qua trường Đại học Sư phạm Hà Nội luôn chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của văn hóa đọc cho sinh viên và quản lý văn hóa đọc của Trường ĐHSP Hà Nội chính là một trong những điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy - học, giúp giảng viên, SV đến với sách, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng cho việc tự học.

Bên cạnh những đặc điểm về độ tuổi, trình độ, tâm sinh lý, giống như đội ngũ sinh viên các trường đại học, cao đẳng nói chung thì chất sư phạm là những nét đặc thù của sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội. Là những giáo viên - những nghệ sĩ trên bục giảng trong tương lai, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội nói riêng và sinh viên sư phạm nói chung không chỉ được đào tạo để giỏi về kiến thức chuyên môn mà còn đòi hỏi phẩm chất, đạo đức, tư cách tốt. Với những đòi hỏi khắt khe của nghề giáo, việc say mê học hỏi với sự hăng say kiếm tìm những nguồn tri thức mới qua các nguồn tài liệu sách vở dường như là một đòi hỏi tất yếu. Có ai đó từng nói rằng, việc một người làm một nghề nào đó, ngoài việc lựa chọn một cách lý tính là sự yêu thích của cá nhân thì xét ở một góc độ nào đó, là nghề chọn người. Chúng tôi cho rằng, làm nghề giáo là một công việc không đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Thiết nghĩ, việc lựa chọn công việc một thời được xem là “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” hay “ăn sư ở phạm” như dân gian vẫn nói của mỗi sinh viên ở mái trường này chính là cách thể hiện bản lĩnh của họ trước cuộc đời và rõ ràng, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội có những nét rất riêng: riêng trong cách nghĩ, riêng trong cách làm và có lẽ, riêng cả trong ứng xử, trong đó có ứng xử với tài liệu, sách vở.

Qua những con số, những chia sẻ mà chúng tôi có được từ thực tiễn trải nghiệm tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội cho thấy, sinh viên trường ĐHSP Hà Nội là những người say sưa nghiên cứu, học tập và nơi đây vẫn là một trong những địa chỉ khẳng định “sách là người bạn thân thiết của sinh viên”. Bên cạnh đó, công tác quản lý văn hóa đọc ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng luôn được Nhà trường đặc biệt quan tâm và chú trọng, trường Đại học sư phạm Hà Nội là một trong những trường đại học có tiềm năng cơ sở vật chất và thiết bị lớn nhất trong hệ thống các trường đại học, đặc biệt  là hệ thống các trường sư phạm trong cả điều đó đã tạo môi trường đọc khá thuận lợi cho sinh viên với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối đồng bộ và hiện đại. Số lượng giáo trình, sách tham khảo đa dạng về chủng loại, phong phú về nội dung đã đáp ứng cơ bản nhu cầu nghiên cứu và học tập của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Với mong muốn giới thiệu nguồn tư liệu phong phú đến từng sinh viên góp phần nâng cao chất lượng văn hóa đọc, hàng năm, Trung tâm Thông tin – Thư viện thường xuyên đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, phòng Công tác Học sinh – sinh viên, phòng Đào tạo….tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh văn hóa đọc như Tọa đàm, hội nghị, hội thảo, triển lãm sách, Ngày hội sách,…. Mặc dù số lượng tổ chức chưa được nhiều (mỗi năm 1-2 lần/hoạt động) tuy nhiên cùng với sự nỗ lực của Trung tâm Thông tin-  Thư viện và sự kết hợp hiệu quả của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường đã từng bước mang lại những thành công và hiệu quả nhất định góp phần khơi gợi và lan tỏa văn hóa đọc đến đông đảo sinh viên trong và ngoài trường. Song, đứng trước sự lôi cuốn mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện đại, với các dịch vụ đa phương tiện, ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến thói quen đọc sách và tìm kiếm tài liệu của sinh viên.

      Thực trạng hoạt động đọc của sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục.  Hoạt động đọc sách của SV, trong đó thói quen đọc sách của SV chịu ảnh hưởng không nhỏ từ nhận thức về văn hóa đọc của chính các bạn, thói quen tìm kiếm tài liệu chủ yếu là sử dụng mạng Internet. Loại sách SV thường xuyên sử dụng thì sách giải trí vẫn chiếm số lượng lớn, bên cạnh những sách chuyên ngành của mình theo học và sách tài liệu nghiên cứu, học tập khác chuyên ngành của mình. Một bộ phận sinh viên trong trường thể hiện còn chưa thực sự có nhiều kỹ năng đọc sách; phương pháp, kỹ năng tìm kiếm tài liệu; khả năng thu nhận và đánh giá nội dung trong tài liệu chưa tương xứng với tầm cỡ một trường Đại học Sư phạm Hà Nội trọng điểm. Sinh viên vẫn coi tìm kiếm thông tin trên mạng Internet là một kênh quan trọng và thường xuyên sử dụng. Chính vì vậy, các yếu tố để cấu thành nên văn hóa đọc của sinh viên cũng còn nhiều điều đáng nói.

            Rõ ràng là, quan niệm thế nào về tầm quan trọng của tài liệu với các nguồn khác nhau hay cách ứng xử thế nào với tài liệu của sinh viên có sự ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập, đến việc hình thành thói quen học tập tốt của sinh viên trong bối cảnh hiện nay. Việc đọc sách vẫn mang tính thụ động từ chính các bạn sinh viên. Ngoài ra, sinh viên vẫn chưa thực sự nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của văn hóa đọc trong việc học tập cũng như nghiên cứu, việc đọc sách chưa xuất phát từ chính nhu cầu của các bạn, vẫn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bên ngoài. Công tác quản lý còn một số vấn đề cần lưu tâm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do, nhiều yếu tố như: Môi trường xung quanh và thời gian học tập của SV, do công nghệ thông tin, do phương pháp đào tạo. Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng nhất, tác động trực tiếp cũng như phản ánh văn hóa đọc của SV là xuất phát từ chính cá nhân mỗi người, do sự nhận thức về tầm quan trọng cũng như lợi ích của văn hóa đọc. Thiết nghĩ, chúng ta cần có những giải pháp về đổi mới trong giáo dục - đào tạo để hình thành những thói quen tốt cho sinh viên, góp phần đào tạo những thế hệ sinh viên đáp ứng được đòi hỏi của thời đại mới. Để có thể phát huy văn hóa đọc của sinh viên và nâng cao chất lượng quản lý văn hóa đọc, nhà trường không chỉ áp dụng một hay vài biện pháp mà cần phối hợp rất nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả văn hóa đọc. Cần phải có sự kết hợp giữa gia đình và xã hội, giữa gia đình và nhà trường, giữa giáo viên với sinh viên, có như vậy mới có thể phát triển văn hóa đọc trong tầng lớp sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Trước những thực trạng trên, nghiên cứu đưa ra một số cách thức nhằm nâng cao hiệu quả đọc sách, phát triển văn hóa đọc cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng và đối với đối tượng sinh viên nói chung như  sau:

1. Xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc của sinh viên bằng việc điều tra nhu cầu đọc của sinh viên, tổ chức khảo sát định kỳ thực trạng văn hóa đọc của sinh viên và lập kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao văn hóa đọc của sinh viên.

2. Thư viện cần đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ Thư viện, đồng thời nâng cao chất lượng của các sản phẩm và dịch vụ thư viện. Trước mắt Trung tâm cần đảm bảo việc đáp ứng đầy đủ số lượng tài liệu cho sinh viên khi có nhu cầu, bổ sung các loại tài liệu chuyên ngành thuộc tất cả các lĩnh vực đang được đào tạo tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngoài ra, Trung tâm cần chú trọng đầu tư thêm về trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ tra cứu, tìm kiếm của sinh viên, đặc biệt hệ thống hạ tầng mạng máy tính điện tử khi Trung tâm xu hướng triển khai mở rộng nguồn tài nguyên số. Để thu hút đông đảo bạn đọc sử dụng thư viện, Trung tâm cần thường xuyên đổi mới các dịch vụ Thư viện, đáp ứng nhu cầu sử dụng của bạn đọc.

     3. Tăng cường vốn tài liệu và đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa các phòng   tư liệu các khoa. Đây là nơi cung cấp nguồn tài liệu nội sinh chủ yếu liên quan đến chuyên ngành đào tạo của sinh viên. Vì vậy, cần chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện tại các phòng tư liệu.

     4. Một số giải pháp khác như trang bị kiến thức thông tin và giáo dục ý thức đọc cho sinh viên nhằm giúp sinh viên nhận thức tầm quan trọng của việc đọc sách đối với hoạt động học tập, nghiên cứu. Nhà trường kết hợp với thư viện tổ chức các khóa học cũng như đưa kiến thức thông tin trở thành một bộ môn trong quá trình đào tạo nhằm hình thành cho sinh viên kỹ năng tìm tin, khả năng phân tích,  đánh giá và tổng hợp thông tin phục vụ học tập, nghiên cứu và công tác sau này. Đồng  thời Trung tâm đẩy mạnh hoạt động phổ biến văn hóa đọc cho sinh viên. Đây là nhiệm vụ chiến lược trong công tác giáo dục và đào tạo của Nhà trường và tăng cường hoạt động tuyên truyền, giới thiệu tài liệu với bạn đọc trong Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đồng thời cần phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thanh niên, hội sinh viên trong việc nâng cao kỹ năng đọc sách cho sinh viên, đồng thời giúp sinh viên tham gia các hoạt động phổ biến sách đến với mọi tầng lớp trong xã hội. Việc chia sẻ, sinh hoạt tập thể cũng đóng  góp  một phần quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho sinh viên.

     Quản lý và phát triển văn hóa đọc của sinh viên là một công việc cần thiết và đặc biệt quan trọng trong bối cảnh trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng và các trường đại học khác trên phạm vi cả nước nói chung xây dựng mô hình trường đại học nghiên cứu. Để có thể xây dựng được một môi trường học thuật lý tưởng, thiết nghĩ, văn hóa đọc là cái mà chúng ta cần phải quan tâm và đầu tư đúng mức. Có thể làm được điều này, cần thiết phải có sự chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường, việc thực thi của Trung tâm thông tin - thư viện, sự phối hợp của đội ngũ giảng viên và các tổ chức đoàn thể chính trị để các giải pháp phải mang tính tổng thể, hiệu quả./.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Ban Bí thư Trung ương Đảng (2014), Chỉ thị 42/CT_TW ngày 25 thnags 8 năm 2014 về nâng cao chất lượng văn hóa đọc.

2.     Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Dự thảo Đề án phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2011-2010, tầm nhìn 2030.

3.     Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020.

4.     Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2013), Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW

5.     Website Đại học sư phạm Hà Nội

 http://hnue.edu.vn/Gioithieu.aspx Giới thiệu, lịch sử hình thành, Cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ, cơ sở vật chất của Thư viện, (truy cập lần cuối ngày 20/2/2017).

6.     Website Đại học sư phạm Hà Nội

http://hnue.edu.vn/, giới thiệu cơ sở vật chất của Trường ĐHSP Hà Nội (Ký túc xá, Thư viện, Internet, Sân vận động, Nhà thi đấu, Trạm Y tế, (truy cập lần cuối ngày 20/2/2017).