Nội san

Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tại khu di tích lịch sử Đền Hùng

31 Tháng Bảy 2017

            Học viên: Trần Xuân Lực

Lớp: K3 – chuyên ngành Quản Lý Văn hóa

Số điện thoại: 0983.963.925

 

 Khu Di tích lịch sử Đền Hùng là mảnh đất địa linh, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi  thờ tự các vua Hùng đã có công dựng nước - Tổ tiên thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Ngày 8/2/1994 Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 63/ TTg ; duyệt quy hoạch phát triển tại Quyết định số 48/ 2004/ QĐ - TTg ngày 30 / 3/ 2004, là dự án trọng điểm trong lĩnh vực văn hóa của Nhà nước. Quyết định số 552/ QĐ - TTg ngày 21 tháng 4 năm 2017 " Phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2025. Mục tiêu nhằm xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng xứng đáng là nơi trang trọng thờ cúng Tổ tiên, có ý nghĩa giáo dục truyền thống đạo lý" Uống nước nhớ nguồn", thực sự trở thành điểm đến của du lịch Việt Nam thế kỷ XXI, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế  - xã hội của tỉnh. Nghiên cứu phát triển du lịch Đền Hùng được tỉnh Phú Thọ xác định:  Xây dựng Đền Hùng thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch, quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản của địa phương.

Cứ mỗi độ xuân về, vào dịp Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 Âm lịch con cháu  Lạc Hồng ở khắp mọi miền đất nước hành hương về cội nguồn thành kính tri ân công đức của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công dựng nước. Hàng năm Khu di tích lịch sử Đền Hùng đón hàng triệu lượt khách về thăm viếng, số lượng khách tham quan du lịch không ngừng tăng lên: Năm 2000 có khoảng 2 triệu lượt người, từ năm 2010 đến nay mỗi năm khoảng 5,5 triệu lượt người . Đền Hùng là tâm điểm, là điểm đến của rất nhiều chương trình du lịch về nguồn ở Việt nam. Bởi vì, trong tâm thức dân gian của cộng đồng dân tộc Việt Nam Vua Hùng vừa là Thủy Tổ, vừa là người  khai mở nước Văn lang cổ đại, nhưng cũng là người chăm lo cuộc sống cho dân, bảo hộ cho mỗi con người ở làng bản thôn xóm. Vừa thiêng liêng, vừa gần gũi có mặt trong cuộc sống của cộng đồng. Ngược dòng lịch sử, Các vương triều phong kiến Việt Nam luôn quan tâm, đồng thuận và tạo điều kiện để người dân thực hành tín ngưỡng. Nhiều lần ra chỉ dụ cho các làng xã vùng ven khu vực Đền Hùng nơi thờ cúng Thánh Tổ: dân sở tại được miễn tô thuế lao dịch, sử dụng tiền đó vào việc “Tu sửa điện miếu phải chăm lo cẩn thận, cốt tiện phụng sự, khiến mạch nước dài lâu, sông núi trường tồn.”

  Vào thời Nguyễn đã quy định “Chuẩn định ngày Quốc Tế tại miếu Tổ Hùng vương là ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch).Chiều ngày mùng 9 tháng 3 hàng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong các phủ huyện của  tỉnh đều phải mặc phẩm phục, tề tự trước nhà công quán. Sáng sớm hôm sau (Mùng 10 tháng 3) đến Miếu kính lễ. Lễ phẩm dùng cho ngày này gồm: Bò, dê, lợn, xôi…

Ngày nay, lễ hội Đền Hùng được coi là trong những lễ hội lớn của dân tộc Việt Nam. Năm 2007, Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam đã sửa đổi bổ sung điều 73 Bộ Luật lao động cho phép người lao động nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hành hương về cội nguồn. Đặc biệt ngày 6 tháng 12 năm 2012 UNESCO đã công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, điều đó càng khẳng định vị trí, tầm quan trọng của Đền Hùng và Lễ Hội Đền Hùng trong đời sống văn hóa của dân tộc.

Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, lễ hội Đền Hùng thực sự là lễ hội thu hút quy tụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc vùng Đất Tổ. Lễ Hội chính là dịp để cộng đồng giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, các hình thức văn hóa truyền thống, hiện đại được đan xen trở thành nếp sinh hoạt không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Đây là tiềm năng và thế mạnh để Đền Hùng trở thành khu du lịch trọng điểm trong phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ.

Ngày nay du lịch được coi là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa. Phát triển du lịch về nguồn tại Đền Hùng không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan, khám phá mà còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống. Bởi vì, về nguồn chính là về với những bản sắc tinh túy của dân tộc, để con người có thể lắng đọng, cảm nhận, rút ra những bài học, những giá trị từ lịch sử. Du lịch về Đền Hùng góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, gắn với công tác bảo tồn đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích, rừng quốc gia Đền Hùng. Đồng thời công tác bảo tồn, tôn tạo di tích nhằm hướng tới phục vụ tốt hơn khách tham quan du lịch, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương. Phục hồi các giá trị văn hóa  lễ hội truyền thống vùng Đất Tổ. Hành hương về Đền Hùng là một hành trình du lịch về nguồn để khơi dậy các giá trị truyền thống tốt đẹp, củng cố mối quan hệ cộng đồng để từ đó góp phần hình thành các giá trị và nhân cách con người. Vì vậy phát triền du lịch về nguồn tại Đền Hùng là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài.

Thực hiện Quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng của Chính phủ, các thiết chế văn hóa, cảnh quan môi trường sinh thái được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch  hành hương về cội nguồn. Từ năm 1996 đến nay công trình kiến trúc đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, Đền Giếng được đại trùng tu. Tiếp tục mở mang các công trình kiến trúc thờ tự quy tụ những giá trị văn hóa tâm linh về nơi cội nguồn, hình thành nên hệ thống đền thờ cha Rồng, mẹ Tiên là tổ tiên thiêng liêng của con cháu Lạc Hồng, như xây dựng Đền Tổ Mẫu Âu Cơ trên đỉnh núi Vặn năm 2005, xây dựng đền thờ Quốc Tổ Lạc Long quân năm 2007 trên Núi Sim. Giữ gìn không gian thiêng để đón tiếp và hướng dẫn đồng bào thực hành nghi lễ tín ngưỡng truyền thống.  Chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền , giới thiệu về Đền Hùng, thời đại Hùng vương nhằm  giúp đồng bào hiểu rõ hơn về cội nguồn và tăng sức hấp dẫn của di sản văn hóa từ đó thu hút nhiều hơn nữa du khách tới tham quan. Thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, hướng tới  phát triển du lịch bền vững nhằm đạt được mục tiêu: giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, tăng thêm lợi ích kinh tế cho tỉnh và nhân dân địa phương, hạn chế thấp nhất tác động xấu từ hoạt động du lịch đối với di sản.

  Khu di tích lịch sử Đền Hùng có đơn vị trực thuộc là Trung tâm Dịch vụ - Du lịch luôn thực hiện tốt chức năng đón tiếp hướng dẫn du khách tìm hiểu về Đền Hùng và thời đại Hùng vương dựng nước; phục vụ nhu cầu ăn nghỉ, đi lại, mua hàng lưu niệm của du khách, hàng đặc sản truyền thống của vùng Đất Tổ. Trung tâm dịch vụ du lịch quản lý được đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động Dịch vụ như ­ nhà hàng ăn uống có sức chứa gần 1000 người; nhà sàn truyền thống phục vụ việc nghỉ ngơi của du khách; triển khai quầy hàng lưu niệm, dịch vụ xe ô tô chạy điện để vận chuyển du khách tham quan. Dịch vụ ăn uống, giải khát, nghỉ ngơi đã phát huy được thế mạnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ - Du lịch còn chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường, mở rộng các loại hình kinh doanh bằng hình thức liên kết với một số cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu những mặt hàng tiêu biểu, truyền thống vùng đất Tổ: Biểu tượng trống đồng; Lô gô Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng; các sản phẩm bằng gốm có hình ảnh các đền trong Khu di tích để làm tặng phẩm lưu niệm cho du khách về thăm viếng. Đặc biệt Trung tâm đã tập trung khai thác những mặt hàng đặc trưng, mang đậm dấu ấn văn hóa cội nguồn như chè Đất Tổ, chè Hà Trang, Rượu Vương Tửu, bánh Củ mài, bánh chuối, tương Cao Xá;...để giới thiệu rộng rãi đặc sản Đất Tổ. Trung tâm du lịch cũng mở rộng quan hệ với các tua du lịch lữ hành trong nước, xây dựng và tổ chức các chương trình đưa khách đi tham quan tuyến du lịch trong di tích lịch sử Đền Hùng thành phố Việt trì và các điểm du lịch trong tỉnh Phú Thọ có hiệu quả. Xây dựng phương án, tổ chức trang trí, tạo dựng không gian nghệ thuật tại khu vực nhà chụp ảnh, nhà trưng bày nghệ thuật nhằm thu hút khách du lịch và phục vụ việc tìm hiểu về Đền Hùng góp phần tạo môi trường kinh doanh dịch vụ văn minh trong  Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Tuy nhiên, Du lịch Đền Hùng là du lịch văn hóa tâm linh mang tính mùa vụ cao, lượng du khách đế thăm viếng đông chủ yếu tập trung từ tháng một đến tháng tư , vào dịp Giỗ Tổ Hùng vương - Lễ hội Đền Hùng. Khách du lịch ở lại lưu trú còn hạn chế. Hoạt động du lịch có tính cạnh tranh cao, động cơ và nhu cầu của khách du lịch luôn thay đổi, điều này đòi hỏi phải khai thác sản phẩm du lịch hợp lý. Hiện nay tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng Sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Đất Tổ chưa nhiều, hệ thống hạ tầng phục vụ cho du lịch còn thiếu đồng bộ, chưa có khu du lịch  vui chơi giải trí hấp dẫn du khách.

Trong năm 2015- đến 2020 Khu di tích lịch sử Đền Hùng tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng động tìm tòi khai thác các món ăn truyền thống, đặc sản của địa phương để quảng bá giới thiệu đến du khách. Đa dạng hóa các loại hình cơ sở lưu trú, phát triển các hình thức lưu trú tại Khu di tích và nhà dân xung quanh khu vực Đền Hùng góp phần đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách trong dịp Giỗ Tổ.

Tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn về nghiệp vụ, khả năng giao tiếp, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ làm công tác kinh doanh dịch vụ du lịch, ưu tiên tuyển dụng nguồn lao động có trình độ chuyên nghiệp cao.

 Là một Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, Đền Hùng và Lễ hội Đền Hùng thực sự cần thiết và nhiều tiền năng trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh trong hành trình trở về cội nguồn dân tộc hấp dẫn của tỉnh Phú Thọ. Phát triển du lịch cũng chính là góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống vùng Đất Tổ./.

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Cục thống kê tỉnh Phú Thọ (2013), Niên giám thống kê 2012, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.

2.   Đảng bộ tỉnh Phú Thọ (2010), Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2010 - 2015.

3.   Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ (2012), Quy hoạch điều chỉnh phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.

4.   Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ (2013), Tài liệu tổng hợp về du lịch của tỉnh Phú Thọ.

5.   Lê Thị Thanh Thủy, Đinh Văn Đãn, Kim Thị Dung, Trần Đức Trí (2013), Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch cội nguồn ở tỉnh Phú Thọ. Tạp chí Kinh tế & Phát triển - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 195 (II): 27-33. UBND tỉnh Phú Thọ (2012).

6.   UBND tỉnh Phú Thọ (2008), Quyết định số 943/QĐ-UBND Quyết định về việc ban hành quy định một số điểm về quản lý hoạt động xây dựng trong khu Di tích lịch sử Đền Hùng

7.   UBND tỉnh Phú Thọ (2009), Quyết định số 3020/ĐA-UBND Đề án xây dựng điểm du lịch tạo tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2009- 2020.

8.   UBND tỉnh Phú Thọ (2010), Quyết định số 400/QĐ-UBND Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch, dịch vụ Nam Đền Hùng thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng 2011 Số 09-NQ/TU Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2015.