Nội san

Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương

08 Tháng Tám 2017

 

ĐinhThị Thu Mai [*]

 

Cho đến nay, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa đã trở nên rất quen thuộc đối với người dân ở mọi miền đất nước. Trong những giai đoạn lịch sử  cách mạng trước đây, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã có sự quan tâm nhất định, nhưng nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới. Bởi vậy trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới nhiệm vụ xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, xã hội. Đối với mỗi địa phương, văn hóa chính là nguồn lực nội sinh quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, góp phần thực hiện có hiệu qủa mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định và bền vững.

            Trong những năm qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở thành phố Hải Dương  được duy trì hoàn thiện và phát triển; là một phong trào quần chúng sâu rộng cả về số lượng và chất lượng nhiều năm qua được các cấp, các ngành và đông đảo quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng; thực tế phong trào đã thực sự tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội; đã thực sự phát huy được vai trò tự quản của cộng đồng, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, đời sống tinh thần phong phú ở cơ sở, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo cơ sở vững chắc cho xây dựng đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới đã tạo ra được sự chuyển biến về nhận thức trong cấp uỷ đảng chính quyền và các cấp, các ngành, từ trong các cơ quan nhà nước đến ngoài xã hội, từng cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hoá và nhân tố con người đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong lục tập quán tốt đẹp của quê hương, loại bỏ dần cái lỗi thời, lạc hậu, hình thành dần những tập quán mới văn minh, sống và làm việc theo pháp luật. Huy động được nhiều nguồn lực của toàn xã hội tham gia các hoạt động sáng tạo và xây dựng đời sống văn hoá, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hoá của thành phố Hải Dương ngày càng phát triển, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều kết quả to lớn, toàn diện và sâu sắc. Thông qua phong trào cụ thể như: Xây dựng gia đình, làng, khu dân cư văn hóa; Phong trào người tốt việc tốt,  noi gương Bác Hồ; xây dựng nếp sống văn minh… Đến nay toàn thành phố thành phố có 51.956/53.052 hộ gia đình của thành phố đăng ký xây dựng gia đình văn hóa (đạt 97,9%) qua bình xét cuối năm thành phố có 49.586 hộ gia đình đạt GĐVH, chiếm trên 93,4%, trong đó có 20% là GĐVH tiêu biểu cùng hàng trăm nghìn lượt gia đình 3 thế hệ tiêu biểu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền.  201/231 làng, khu phố được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt tỉ lệ 70%; trên 230.000 gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”, đạt tỉ lệ khoảng 90%. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa  được triển khai có bài bản việc tổ chức thực hiện với một quy trình khoa học, từ năm 2011 - 2015 trên địa bàn toàn thành phố đã có 384 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Kết quả có 370 lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký được công nhận đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa chiếm 87%.

Việc thực hiện lành mạnh hóa việc cưới, việc tang, lễ hội được đông đảo nhân dân các làng, khu dân cư văn hóa hưởng ứng và duy trì tốt; Phong trào văn nghệ quần chúng của thành phố Hải Dương phát triển mạnh mẽ, các khu dân cư đều có sân thể thao, phường có sân vận động; 100% làng, khu dân cư có tủ sách đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân; Thiết chế văn hóa cơ sở phát triển, phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, lập nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai cho đến nay.  Hình thành nếp sống văn minh đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, giữ vững ổn định.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu và kết quả đạt được trong công tác quản lý hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở thành phố Hải Dương vẫn còn đó những hạn chế tồn tại như:

Công tác chỉ đạo hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà văn hóa còn lại một Khu dân cư chưa xác định rõ ý nghĩa và tính thiết thực của nhà văn hóa thôn, Khu dân cư chưa đặt quyền lợi về nhu cầu sinh hoạt của nhân dân cho nên không hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà văn hoá (khu dân cư số 16 phường Quang Trung);

Công tác rà soát, điều chỉnh bổ sung nội dung quy ước làng, khu dân cư văn hoá còn chưa được làm thường xuyên;

 Một số quy ước làng, khu dân cư còn chưa phù hợp, một số thực hiện việc phê duyệt và bổ sung chưa đúng quy trình;

Công tác duy trì làng, khu dân cư văn hoá nhiều đơn vị còn chạy theo thành tích, chủ quan, trông chờ và ỷ lại sự quan tâm của cấp trên. Sau khi được công nhận danh hiệu làng, khu dân cư văn hoá, các cơ sở chưa đầu tư cho phong trào và duy trì thường xuyên nên một số làng, khu dân cư văn hoá đã để phát sinh một số vấn đề về tệ nạn xã hội, con thứ 3, chưa thực sự chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường cũng như việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Việc xây cất mồ mả tự phát, mê tín dị đoan, đốt vàng mã, dải giấy tiền ngoài đường, mở loa đài quá to, trong đám tang, đám cưới và các biểu hiện thiếu văn hoá nơi công cộng vẫn diễn ra. Hình thức, nội dung sinh hoạt văn hoá, TDTT và vui chơi giải trí ở một số cộng đồng dân cư còn nghèo nàn.

Việc thực hiện quy hoạch phát triển thiết chế văn hoá ở một số địa phương, cơ sở còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc hoặc có nhưng chưa phát huy hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, hoạt động sáng tạo văn hoá của nhân dân.

Công tác triển khai tổ chức thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa có sự chuyển biến đồng đều, nhiều nơi còn bị coi nhẹ, chưa đề ra kế hoạch

Để Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Thành phố Hải Dương tiếp tục phát triển, đồng thời để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới, bài viết đưa ra một số giải pháp cụ thể nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Thành phố Hải Dương ”  như sau:

            1. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa ở thành phố Hải Dương

Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa có một vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ở địa phương, các cấp, các ngành còn chưa đặc biệt quan tâm và coi trọng nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Nói tới vấn đề này hầu hết ở địa phương chỉ mới coi trọng các biện pháp xây dựng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng. Còn về chất lượng hoạt động văn hóa và môi trường văn hóa ở mỗi địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đó là các vấn đề: xây dựng các mối quan hệ sản xuất mới, xây dựng các chuẩn mực, quy tắc hiện đại trong hành vi, lối sống, lẽ sống trong giao tiếp, ứng xử...

            2. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, đào tạo và bồi dưỡng hạt nhân cho phong trào cơ sở

* Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở:

Để củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở trong tình hình mới việc đầu tiên cần quan tâm là phải xây dựng được tiêu chuẩn chức danh cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở trên một số cương vị công tác cụ thể. Ví dụ tiêu chuẩn trưởng ban văn hóa xã, phường, tiêu chuẩn cán bộ thư viện xã, thôn, tiêu chuẩn cán bộ ở đội thông tin tuyên truyền. Các tiêu chuẩn đưa ra mỗi chức danh ngoài tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị cần nhấn mạnh tiêu chuẩn tối thiểu về độ tuổi, về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ văn hóa.

* Đào tạo và bồi dưỡng hạt nhân cho phong trào cơ sở

Những hạt nhân là yếu tố quan trọng trong việc hoạt động văn hóa ở cơ sở. Vì thế UBND thành phố Hải Dương, UBND các cấp phường, xã, các cấp ủy Đảng chính quyền cần có những chính sách đào tạo bồi dưỡng theo định kỳ cho họ. Có chính sách khuyến khích bằng vật chất cho tác giả, tác phẩm nghệ thuật có giá trị về nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao. Các diễn viên, nhạc công, vận động viên... có chính sách đãi ngộ khi tập luyện và khen thưởng bằng vật chất cũng như tinh thần khi tham gia thi đấu, hội thao, hội diễn đạt thành tích.

            3. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Trong những năm qua phong trào “TDĐKXDĐSVH” đã có nhiều tác động thiết thực đến các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội ở thành phố Hải Dương. Phong trào đã có tác dụng lớn vào ý thức của người dân để thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Đồng thời phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp, làm sáng tạo và phong phú cho các hoạt động văn hóa trong mỗi tổ chức, đoàn thể và cá nhân hình thành nên những chuẩn mực văn hóa để chống lại các quan điểm sai trái và tệ nạn xã hội. Vì vậy trong những năm tiếp theo thành phố Hải Dương phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào này.

            4. Hoàn thiện và phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa trên địa bàn cơ sở

Thiết chế văn hóa là một tổ chức văn hóa có kết cấu chặt chẽ. Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa của Đảng đã nhận định: “một trọng những thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, CLB, bảo tàng, thư viện...) gần đây đã có những phương thức mới hoạt động có hiệu quả”. Thực tiễn những năm đổi mới cho thấy việc xây dựng các thiết chế văn hóa là một nhu cầu tự nhiên của nhân dản. Bởi vì thiết chế văn hóa trước hết là để phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu văn hóa tại chỗ của nhân dân. Sau nữa là thông qua thiết chế văn hóa chính quyền cơ sở đưa các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước tới nhân dân. Nhờ có thiết chế văn hóa của nhà nước, của tập thể sẽ tạo điều kiện, cơ hội cho người dân đến tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.

5. Xã hội hóa sự nghiệp văn hóa - thông tin cơ sở

Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị ở địa phương cần nhận thức đúng đắn, tập trung trí tuệ để từng bước phát huy nhân tài, vật lực của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Nhằm thực hiện tốt việc xã hội hóa xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã nhấn mạnh tới vấn đề: chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa nhằm động viên nhân lực, tài lực của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa…

          Tóm lại có thể khẳng định, Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở thành phố Hải Dương đã phát huy nhân tố con người, tinh thần yêu quê hương, đất nước được nhân lên, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề về chính sách an sinh xã hội. Tin tưởng trong giai đoạn mới, phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"  thành phố Hải Dương tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được của giai đoạn trước, triển khai, tổ chức thực hiện phong trào với nhiều hình thức, phong phú, đa dạng đạt hiệu quả./.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Sở VHTT và DL tỉnh Hải Dương (2015), Báo cáo tổng kết 15 thực hiện phong trào ”Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ” tỉnh Hải Dương (2000 – 2015).

2. Tỉnh ủy Hải Dương (2014), Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóa XIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

3. Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Hải Dương (2015), Báo cáo tổng kết 15năm  thực hiện phong trào ”Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ” thành phố Hải Dương (2000 – 2015).

4. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương (2010), Báo cáo tổng kết Chỉ thị 11-CT/TU ngày 26/11/206 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ nay đến năm 2015.

5. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương (2010), Báo cáo tổng kết phong trào xây dựng Gia đình văn hóa giai đoạn (2010 – 2015).

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa