Nội san

Độc đáo các trò diễn tại lễ hội Trò Trám

31 Tháng Bảy 2017

 Trần Trung Kiên [*]

 

            Lễ hội Trò Trám thuộc xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mang bản sắc riêng biệt của một làng quê vùng đất tổ về nét văn hóa đặc sắc mang tính phồn thực.

 

Theo các tài liệu viết về lễ hội Trò Trám cho rằng: xóm Trám xưa kia là rừng Trám cây cối rậm rạp. Thời đó người Việt Cổ sinh sống tự do, có ông Ngô Quang Điện dụ dân về đây lập ấp. Con gái ông là bà Ngô Thị Thanh Thanh từng truyền dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, bắt tôm cá để sinh sống. Để động viên mọi người phấn khởi hăng say lao động sản xuất, thu nhiều của cải và cầu mong cho người dân luôn sinh sôi nảy nở, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, hàng năm, cứ vào dịp mùa xuân, bà lại cùng nhân dân trong làng mở tiệc múa hát mừng xuân, từ thời đó cứ vào ngày 11 và 12 tháng Giêng hàng năm người dân xã Tứ Xã lại tổ chức lễ hội ngay tại ngôi miếu Trám, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài xã đến tham dự.

Mở đầu của lễ hội là lễ tế và tuyên đọc sự tích đình Xa Lộc, ngôi đình thờ Lân Hổ Hầu Đô thống Đại Vương - tướng thời nhà Trần; Sau đó, cụ thủ từ miếu Trò thắp hương và rước "nõ - nường" - hai vật linh tượng trưng cho giới tính nam và nữ (được làm bằng gỗ, sơn màu đỏ) thờ trong miếu Trò và trao cho đôi nam nữ đã được chọn từ trước. Tiếp đó, nhân vật Nam đóng khố, cởi trần, đầu chít khăn đỏ, cầm "nõ"; nhân vật Nữ  mặc yếm đỏ, váy thâm, đầu vấn khăn, cầm "nường". Sau khi làm lễ khấn thần miếu xong, cụ thủ từ hô ba lần khẩu lệnh "Linh tinh tình phộc!". Lúc này, tất cả đèn, nến đều tắt. Sau mỗi câu "Linh tinh tình phộc", đôi nam nữ chạm mạnh "nõ nường" vào nhau. Người xưa quan niệm, nếu cả 3 lần, hai vật này chạm đúng vào nhau thì năm đó dân làng sẽ gặp nhiều may mắn, sản xuất, chăn nuôi... thu được nhiều thắng lợi.  Các cụ già xóm Trám kể lại: Xưa kia, sau 3 câu khẩu lệnh “Linh tinh tình phộc”, cụ thủ từ sẽ hô to "Tháo khoán”, mọi người dự lễ và các nam nữ sẽ hò reo và đuổi bắt nhau. Và đêm ấy được coi là đêm của tình yêu khi thanh niên nam nữ làng trên, xóm dưới  được tự do tìm hiểu, yêu đương... Còn những đứa trẻ sinh ra từ đêm “Linh tinh tình phộc” được làng trọng thưởng. Ngày nay, không còn tục “Tháo khoán”, chỉ là hò reo vui vẻ nhưng tín ngưỡng phồn thực vẫn được tôn vinh và trở thành linh thiêng, chứa đựng ý niệm tốt đẹp, nguyện vọng tha thiết nghìn đời của cư dân nông nghiệp. Đặc điểm nổi bật của Lễ hội Trò Trám là "lễ mật", diễn ra vào giờ "lành" lúc nửa đêm. Đó là phút "khởi nguyên" sự sống cho một vòng đời, mong cho mọi người được đông đúc, xã hội ngày càng phát triển phồn thịnh.

Sáng ngày 12, tất cả dân làng, đội Trò ra điếm Trám chuẩn bị chuẩn bị nghi lễ rước lúa thần, một nghi lễ mang tính chất cầu cho mùa màng tươi tốt và ca ngợi tổ tiên đã tìm ra lúa, dạy dân trồng lúa nước.

Lễ vật quan trọng nhất trong nghi lễ là cụm lúa thần được cắm vào lộc bình đặt trên kiệu bát cống cùng hương, hoa, quả, trầu, cau. Vào giờ Thìn (8h sáng) bắt đầu lễ rước lúa thần. Đi đầu đám rước là đội Trò hóa trang trong các vai diễn “trò”, mang dụng cụ trình nghề vừa đi vừa biểu diễn gây cười (người cầm loa gọi loa, dẹp đường đi, người cầm biển, người đi cày đi phía sau con voi, người đi câu, thợ mộc, thợ xẻ, mấy cô kéo sợi, thầy đồ cùng học trò, cô gái bán xuân); tiếp theo là trống cái do hai người khênh bằng dóng, một hiệu trống tay cầm dùi trống, phường bát âm với trống, kèn, nhị... đi sát bên kiệu; đội cờ thần (các chân cờ đầu thắt vải đỏ, mặc quần áo chân cờ); tiếp là các chấp kích vác đồ lễ bộ bằng gỗ sơn son thếp vàng; tiếp là kiệu bát cống rước bát hương đang tỏa khói hương nghi ngút, ngũ quả, trầu cau, cụm lúa thần, bên trên có tán đỏ che tôn nghiêm; sau long kiệu là hàng bô lão chậm rãi bước đi trong bộ lễ phục tế (chủ tế mặc áo thụng đỏ, đội mũ y quan, quần ống sớ trắng, chân đi hia...) và áo the đen, quần ống sớ trắng, khăn xếp; tiếp là đại biểu lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã Tứ Xã; dân làng đủ mọi lứa tuổi, trẻ con đi theo đám rước, chen chúc nhau, reo vui, cười đùa, tạo nên không khí hồn nhiên, sảng khoái... thỉnh thoảng lại reo hò và hú: “Hù hù hê! Hù hù hê! ...” náo động khắp xóm trong, ngõ ngoài. Trên đường đi, khi đến các ngã ba, đám rước dừng lại cho đội Trò biểu diễn trò “Tứ dân chi nghiệp” như một sân khấu ngay trên đường đi. Lễ rước lúa thần đi từ điếm Trám vòng quanh làng, qua hồ Trám, trở về miếu Trám.

Đám rước về tới sân miếu Trám, một hồi trống, chiêng gióng lên trình thánh. Cụm lúa thần và các lễ vật được ông từ trịnh trọng dâng lên ban thờ một cách trang trọng, rồi ra cho lệnh nổi trống, chiêng "gọi trò". Trên sân miếu Trám, trò trình nghề “Tứ dân chi nghiệp” đặc sắc của Lễ hội Trò Trám bắt đầu, dân làng và người dự hội vây quanh thành một vòng rộng để một khoảng trống ở giữa. Khoảng trống đó chính là sân khấu để trình diễn trò “Tứ dân chi nghiệp”. Các vai diễn “trò” đứng ở một góc sân lẫn với người xem.

Trò diễn “Tứ dân chi nghiệp” hay trò Trám là hình thức biểu diễn mô phỏng các nghề của địa phương trong xã hội phong kiến với 4 nghề cơ bản là Sĩ, nông, công, thương, vì vậy còn được gọi là trò “Bách nghệ khôi hài” bởi tính hài hước, độc đáo của trò diễn thể hiện trong lời ca và lối trình diễn hài hước chọc cười. Trong nghệ thuật trình nghề của trò Trám, vai chính hát trước, các vai diễn cùng hát đế theo, nhắc lại câu hát.

Sau khi tiếng trống gọi ‘trò” nổi lên, đội Trò bắt đầu trình trò “Tứ dân chi nghiệp”. Thường là các vai “trò” ra trình diễn theo trình tự bao gồm: người gọi loa, người cầm biểu, người gẩy đàn tranh, người đi cày, nhóm các cô thợ cấy, nhóm thợ mộc và thợ xẻ, người đi câu, người đánh lờ, thầy đồ dạy học, người đi bán xuân, nhóm quay tơ, kéo sợi và cung bông.

Mỗi vai trình diễn nghề của mình bằng lời ca, đạo cụ động tác tương tự. Cũng có năm, trình tự ra “trò” có thể thay đổi, vai sĩ (thầy đồ và học trò) được đưa lên đầu.

Trong khi đang diễn ra các trò diễn, người đóng vai gọi loa là vai giáo đầu trong trình diễn Trò Trám, mở màn trò diễn là một người nam giới đóng vai hề nữ, mặc áo tứ thân luộm thuộm, vừa cầm loa, vừa gọi loa nhắc đi nhắc lại và đi quanh mấy vòng để dãn mọi người xem, mở rộng "sân khấu" và giữ trật tự:“Loa! Loa! Loa! Mời bà con hàng xứ dãn ra, dãn ra, cho phường ta trình trò”.

Từ lúc mở đầu cuộc diễn tới cuối trò, người cầm loa vừa làm nhiệm vụ trật tự vừa gọi các vai trò ra trình diễn. Theo sự điều khiển của loa, các vai trò lần lượt ra trò theo thứ tự. Đặc biệt, suốt trong cuộc diễn trò, vai hề nữ luôn xuất hiện trong tất cả các lớp diễn.

Tiếng gọi loa vừa dứt, người cầm biểu bước vào vòng diễn. Người cầm biểu trò ra đầu tiên với nhiệm vụ giải thích từng nghề : Sĩ, công, nông, thương một cách hóm hỉnh. Người gẩy đàn tay cầm đàn giằng xay, làm điệu bộ lên dây đàn, dạo đàn bằng miệng và lời hát. Trước kia lớp diễn này có người đi cày và con trâu do 2 người đóng. Sau này, con trâu thay bằng con voi, vì thế màn đi cày này còn có tên gọi là: “Vua Thuấn cày voi”. Người đi cày là một người cao tuổi, đóng vai vua Thuấn, mặc áo long bào, đầu đội cánh chuồn, tay phải cầm cày buộc bằng hai đoạn dây chạc vào con voi đi nặng nề, ngật ngà, ngật ngưỡng. Đi bên cạnh voi có người cầm roi điều khiển, dẫn đường. Nhóm các cô thợ cấy có từ 8 đến 10 người, đầu vấn khăn, váy đen, áo nâu, gánh mạ hay lúa con, bước ra múa mô phỏng động tác nhổ mạ, cấy lúa và hát ví với nhau  về công việc của mình. Các vai thợ mộc, thợ xẻ, người gẩy đàn cùng vào hát với các cô thợ cấy. Nhóm thợ mộc và thợ xẻ có khoảng từ 3 đến 4 người, một người trên vai gánh hòm đựng đồ nghề, thợ cả tay cầm đục và bào liên tục làm động tác đục, bào gỗ, 2 người thợ xẻ cầm cưa và làm động tác kéo cưa, xẻ gỗ. Người đi câu bên sườn trái đeo cái giỏ quét sơn đỏ, tay cầm chiếc cần câu dài làm động tác dứ câu vào các cô gái xem trò và hát chòng ghẹo sau khi đã hát về mình. Người đánh lờ là một người hóa trang thành ông già có râu dài, tóc bạc, còng lưng gánh những chiếc lờ bắt cá làm điệu bộ ngất ngưởng vừa đi vừa hát những lời hát ẩn ý, đầy tinh nghịch, thỉnh thoảng vờ ngã dúi vào mấy cô gái đứng xem. Lớp diễn vai “sĩ” thể hiện cảnh thầy đồ dạy học, màn đối đáp gây cười và sự tinh nghịch của đám học trò càng làm cho không khí đám hội sôi nổi hấp dẫn. Lúc này người mua xuân, bán xuân thể hiện những người buôn bán nhỏ đầu làng, cuối xóm. Vai này là một cô gánh 2 chiếc biển, vừa đi nhún nhảy, vừa rao to. Tiếp đó nhóm các cô quay tơ, kéo sợi khoảng từ 8 đến 10 người thể hiện các động tác quay tơ, kéo sợi một nghề rất nổi tiếng ở làng Tứ Xã khi xưa. Các cô gái mặc áo tứ thân, váy đen, 1 cô kéo tơ bằng chiếc guồng xa (vật thật), các cô còn lại vừa múa, vừa hát những lời tự châm biếm. Vai cung bông là một người nam giới, tay cầm bật bông, đi vào giữa các cô quay tơ, kéo sợi vừa múa vừa hát.

Nhìn chung, trong trò “Tứ dân chi nghiệp” nội dung phồn thực xuyên suốt các lớp diễn, được thể hiện mộc mạc và hóm hỉnh với các vai diễn đều nhún nhảy điệu nghệ mang dáng vẻ hài hước của lễ hội phồn thực. Mỗi người mỗi vai đều tự giới thiệu, độc thoại hoặc đối thoại với nhau giữa các vai. Có cả lớp hát ví trêu nhau. Các vai đều vừa thoại vừa làm động tác nghề nghiệp và đều giống nhau ở phong cách: Hài hước, cố gây cười bằng các câu hát quấy, luyến ái, trêu ghẹo gái làng. Cuộc vui tưởng như không bao giờ chấm dứt.

Ngay khi trò diễn “Tứ dân chi nghiệp” kết thúc, người dân trong xóm Trám cùng cộng đồng và du khách gần xa cùng vào hưởng lộc trên mâm lá chuối ngay trên sân miếu Trám.

Ngoài các trò diễn trong lễ hội Trò Trám còn diễn ra các trò chơi dân gian, đem lại niềm vui sảng khoái cho nhân dân trong vùng và du khách khi về với  hội làng. Trò chơi chọi gà được diễn ra trong khu vực miếu Trám, dân làng quây một vòng tròn đường kính khoảng 4 mét để làm sới chọi. Khi tiếng trống lệnh vang lên là lúc hai chú gà lao vào trận đấu. Người xem đứng vây xung quanh vòng tròn để theo dõi, họ trầm trồ trước những miếng đánh của các chú gà chọi. Chủ gà là những người hồi hộp hơn cả, họ di chuyển theo các bước đá của gà để cổ vũ, khi có được miếng đánh hiểm họ reo lên vì sung sướng. Kết thúc cuộc chơi, sẽ chọn ra ba chú gà để trao giải nhất, nhì, ba.

Cờ bỏi cũng là một hình thức đánh cờ tướng, nhưng bàn cờ được kẻ ô trên sân phía trước miếu Trám, các quân cờ được ghi lên trên giấy và dán vào 4 mặt của khối gỗ vuông, gắn vào chân cờ bằng sắt dài chừng 1 mét, có đế, được đặt lên các vị trí trên bàn cờ trên sân. Người đánh phải tự nhấc quân cờ để đi, trước khi đi quân, phải có hiệu lệnh bằng trống bỏi. Từng đôi một vào thi đấu ở sân cờ. Thực chất đây là một bàn cờ lớn và nhiều người có thể cùng xem được.

Bên cạnh đó, một số trò chơi thể thao hiện đại cũng được đưa vào lễ hội như bóng chuyền, bóng đá… Lồng ghép vào phần hội còn có các tiết mục văn nghệ của các khu dân cư tham gia. Tất cả làm cho Lễ hội Trò Trám thêm phong phú, hấp dẫn. 

Có thể thấy lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao ngoài phần lễ mật, một trong những nghi lễ độc đáo mang tính phồn thực với những nét riêng biệt của vùng quê đất Tổ còn có những trò diễn có tính khôi hài, tái hiện lại các hoạt động đặc trưng của người dân địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Toan Ánh (2000), Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua hội hè đình đám, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

2.   Chử Đức Bách, Đội trưởng đội Trò tại lễ  hội năm 2017 ghi chép, các  vai diễn theo kịch bản Trò Trám.

3.  Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2015), Chỉ thị 41-CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

4.   Nguyễn Chí Bền (Chủ biên) (2000), Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc.

5.   Nguyễn Quang Lê (Chủ biên) (2001), Khảo sát thực trạng văn hóa, lễ hội truyền thống của người Việt ở Đồng bằng Bắc bộ, Nxb Khoa học Xã hội.

6.   Hoàng Lương (2011), Lễ hội truyền thống dân tộc Việt Nam các tỉnh phía Bắc, Nxb Thông tin Truyền thông phát hành.

7.  Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Vĩnh Phú (1986), Địa chí Vĩnh Phú văn hóa dân gian vùng đất Tổ.

8.  Dương Văn Thâm, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (Sưu tầm và ghi chéo năm 1975 về lễ hội Trò Trám năm Mậu Thìn - 1928), Một tấn Trò Trám trước cách mạng tháng Tám năm 1945.

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa