Nội san

Điểm hẹn văn hóa - Lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

08 Tháng Tám 2017

Đào Tiến Trọng [*]

 

Lễ hội là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam và là một loại hình có tính chất tổng hợp chứa đựng trong nó cả tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, diễn xướng dân gian và văn nghệ dân gian. Lễ hội cũng chính là dịp để con người giao lưu, gặp gỡ, là nơi kết nối cộng đồng, nơi con người thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn. Lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là một trong những lễ hội lớn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Đây là một lễ hội văn hóa truyền thống tưởng nhớ công ơn của bà chúa Liễu Hạnh đối với nhân dân trong vùng và ở đây cũng là cội nguồn của tín ngưỡng Thờ Mẫu.

Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Quảng Cung đã được đón nhận Bằng bảo trợ di sản của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam vào ngày 06/4/2011,  là một quần thể Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng ngày 11/4/2013. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Quảng Cung hiện nay bao gồm: Phủ chính thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại thôn Tiến Thắng (xưa gọi là Quảng Nạp) và khu quần thể di tích Đền Đáy tại thôn Nam Đồng thuộc địa phận xã Yên Đồng, Ý Yên, tỉnh Nam Định. Lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung được tổ chức từ ngày mùng 01 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch.

Di tích Phủ Quảng Cung là trung tâm của Đạo Mẫu Việt Nam, thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất.  Mẫu Liễu Hạnh là một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng Việt Nam, một nhân vật văn hóa, vừa là thần như sắc phong, vừa là Thánh như dân gian phong, lại là Phật là Tiên như trong sự tích. Bà tên là Phạm Tiên Nga, không lấy chồng mà ở vậy phụng dưỡng cha mẹ. Sau đó cha mẹ lần lượt qua đời, bà lập chùa đi tu, có công tu sửa chùa Chương Sơn (Ý Yên - Nam Định), chùa Long Sơn (Duy Tiên - Hà Nam), chùa Thiện Thành (Bình Lục - Hà Nam).  Năm 40 tuổi, bà qua đời, trở về trời. Dân làng Vỉ Nhuế lập phủ thờ phụng bà.

Theo Vân Hương Thánh Mẫu tam thế giáng sinh sự tích thì“Thánh Mẫu Liễu Hạnh” giáng sinh lần thứ nhất vào đêm mùng 6 tháng 3 năm Giáp Dần (1434) thời Lê Thái Tông, hoá thân đêm mùng 2 tháng 3 năm Quý Tỵ (1473) thời Hồng Đức thứ tư tại ấp Quảng Nạp, tổng Vỉ Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, (Nam Định).Bà giáng sinh lần thứ hai vào năm Đinh Tỵ (1557) và hoá ngày mùng 3 tháng 3 năm Đinh Sửu (1577) tại thôn Vân Cát, xã An Thái, huyện Thiên Bản (nay là xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định). Nhân dân lập đền thờ Thánh Mẫu tại đây gọi là Phủ Giầy. Lần thứ ba, bà giáng sinh vào ngày 10 tháng 10 Kỷ Sửu (1609) tại đất Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá và hoá ngày 23 tháng chạp năm Bính Ngọ (1626), nhân dân lập đền thờ Thánh Mẫu tại phủ Sòng Sơn-Thanh Hoá, nay là Đền Sòng Sơn, Bỉm Sơn, Thanh Hoá.

Phủ Quảng Cung nay còn gọi là Phủ Nấp thuộc thôn Tiến Thắng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên (Nam Định) được xây dựng trên nền nhà sinh ra Thánh Mẫu Liễu Hạnh ngay sau khi bà mất. Phủ được tu sửa nhiều lần, đến năm Duy Tân thứ năm (1911) được tôn tạo to đẹp và trang nghiêm. Trong Phủ vẫn còn đôi câu đối ghi lại dấu ấn này: “Hồng Đức tứ niên sơ lập miếu/ Duy Tân ngũ tuế sửa linh từ”. Do tác động của thiên nhiên, giặc dã và chiến tranh, Phủ bị xuống cấp. Năm 1994, Phủ Quảng Cung được phục dựng lại trên nền đất phủ xưa bằng nguồn kinh phí của tỉnh, huyện, xã và sự tri ân công đức của nhân dân địa phương cùng quý khách thập phương.

Hiện nay, trong phủ còn giữ lại được nhiều đồ tế tự tiêu biểu: Tượng Mẫu Phạm Thị Tiên Nga bằng đồng với tư thế ngồi thiền trên toà sen, bát hương bằng đồng, thân chạm lưỡng long chầu nguyệt mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và khắc chữ Hán Quảng Cung linh từ; 34 bản khắc gỗ có nội dung của 64 quẻ thẻ, một hiện vật quý hiếm và một số bia đá, sắc phong hoành phi, câu đối ghi dấu sự tích và ca ngợi công đức của Mẫu từ lâu đời. Hằng năm, vào đầu tháng 3 âm lịch, năm thôn Vỉ Nhuế (Nấp, Tràn, Vọng, Gon, Nhuế ), Đồi, và La Ngạn tổ chức lễ hội. Theo “Quảng Cung linh từ phả kí” do tiến sĩ Vũ Quang Trác phụng soạn năm 1781 thì từ năm 1740 cứ đến ngày kị của bà thì quan phủ Nghĩa Hưng dâng lên bề trên đã về tế lễ ở Phủ Quảng Cung.

Đặc biệt, Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) có pho tượng Mẫu bằng đồng đẹp vào loại độc nhất vô nhị củaViệt Nam được đúc năm 1761 cách đây 235 năm là pho tượng đồng đẹp nhất của đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Mẫu ngồi khoan thai xếp bằng, tay ấn quyết thể hiện một người thôn nữ dân dã đầu không đội vương miện mà thợ tạc một chiếc khăn gài mái tóc nhưng đã mang đầy đủ tinh thần cơ bản của Phật giáo, Lão giáo, và Nho giáo. Đây là một hình ảnh người mẹ mẫu mực Mẫu nghi thiên hạ công dung ngôn hạnh., biểu hiện triết lý âm dương ngũ hành, tính minh triết chính, vì thế mà từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng lập đền thờ Mẫu, và đã đi vào tâm thức dân gian Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ.

Phủ Quảng Cung đã bảo lưu được hình thức hầu bóng cổ với một nội dung phong phú 90 bài hát văn thuộc 14 làn điệu. Phủ Quảng Cung bảo tồn được 64 quẻ thẻ bằng chữ Hán, khắc bằng gỗ thị nói lên đặc điểm văn hóa dân gian là văn hóa phi vật thể người Việt.

Cũng từ năm 2010, Phủ Quảng Cung hằng năm vào ngày 4 tháng 3 khi rước Mẫu xuống Phủ Thoải, trên dòng sông Đáy; Nhà đền, Ban quản lý di tích và khách thập phương cũng tổ chức 10 thuyền lớn thỉnh kinh rước nước và tổ chức lễ hội tại dòng sông Đáy với kiệu, cờ hoa biểu ngữ bên bờ sông tạo nên quang cảnh sầm uất và trang nghiêm.

Do lễ hội có lễ rước nước từ sông Đáy nên công các chuẩn bị thuyền bè, trang trí khánh tiết, công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế, cứu hộ, cứu nạn,... cũng phải được lên phương án chẩn bị hoàn tất để sẵn sáng phục vụ lễ hội. Tất cả các công việc chuẩn bị xong thì Ban tổ chức kiểm tra, rà xoát, tổng hợp báo cáo kỹ lưỡng, xong trước khi lễ hội diễn ra đảm bảo cho quá trình tổ chức lễ hội được diễn ra thuận lợi, an toàn, tiết kiệm.

Ngày 01 tháng 3 âm lịch hằng năm là ngày Ban tổ chức và nhà Đền mở của Phủ để mở hội. Công tác khánh tiết đã hoàn thành và ban nhạc lễ và đội tế Đồng Quan Nam năm thôn Vỉ Nhuế về tế Mẫu, đây được gọi là lễ tế nhập tịch.Đây là nghi lễ có ý nghĩa thể hiện lòng thành kính, hoan hỷ của nhân dân Yên Đồng rước Mẫu về Phủ dự hội.

Ngày mồng 02 và mồng 03 tháng 3 đội tế các nơi về tế Mẫu thể hiện sự tri ân công đức. Chiều mồng 02hằng năm là nhà Đền đón kiệu Mẫu của chùa Nhế lên thăm và thỉnh nước thiêng. Đồng thời, từ ngày mùng 02 nhà Đền bắt đầu đón các đoàn biểu diễn nghệ thuật về phục vụ lễ hội và đoàn hát Chầu văn và các “con nhang đệ tử” về với Mẫu và diễn ra nghi thức hầu đồng. Trong nghi lễ hầu đồng có rất nhiều giá, có thể tới 36 giá. Nhưng tùy theo nghi lễ nhập đồng có thể nhiều hoặc ít giá đồng, không tuân theo một nguyên tắc nhất định.

 Ngày 04 tháng 03 là ngày rước Mẫu. Từ 7 giờ làm lễ khai mạc, cơ quan các cấp chính quyền từ xã, huyện, tỉnh về dự. Khi lễ khai mạc xong thì Ban tổ chức tiến hành rước lễ. Đi đầu là đội cờ tổ quốc, tiếp đến là hàng cờ thần, cờ tổ quốc đỏ chói sao vàng lấp lánh thể hiện khí thế hào hùng của dân tộc, cờ thần rực rỡ tung bay trên nên trời xanh thẳm thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.

Tiếp theo là đội Thanh đao, Bát biểu, đội Sư tử, đội trống và các đội tế trang phục đẹp lộng lẫy. Tiếp đến là kiệu thần, kiệu võng, kiệu bát cống của năm thôn. Tiếp theo là các thanh đồng, đoàn cô tiên gồm 200 em nam, nữ ăn mặc áo cô, áo cậu đội nón vác gậy đi theo hàng lối. Đội rước Mẫu dài hơn 1 ki lô mét rước đi các di tích. Đến 12 giờ trưa, đoàn rước về Mẫu Thoải ven sông Đáy để lấy nước thỉnh kinh gồm 10 thuyền các cô thanh đồng, cô tiên phụ tá cho đoàn lấy nước. Khi lấy nước xong là tổ chức tế lễ ở giữa sông cầu mong mùa màng tốt tươi, tế tạ. Đến khoảng 14h thì đoàn rước tiếp tục đưa Thánh Mẫu thăm quan 5 thôn Vỉ Nhuế vàđến khoảng 18h thì kiệu Mẫu và kiệu Thần về tới Phủ đóng giá, kết thúc một ngày hội rước Mẫu đông vui, rộn ràng và đầy khí thế của ngày hội.

Từ ngày 05 đến ngày10, chương trình đại lễ và dâng hương của các đoàn từ khắp các vùng trong và ngoài địa phương tới dâng hương. Ngày mùng 09 thì hội tế Đồng Quan Nam của năm thôn Vỉ Nhuế tập trung tại sân Phủ và thực hiện nghi lễ tế tạ.Đồng thời các trò chơi dân gian như đấu cờ, kéo co, cướp cờ, tổ tôm được tổ chức.

Lễ hội truyền thồng Phủ Quảng Cung là lễ hội văn hóa tâm linh mang bản sắc dân tộc, tôn vinh đạo lí uống nước nhớ nguồn,ăn quả nhớ ơn người trồng cây, mang đậm nét cư dân nông nghiệp.Lễ hội ghi nhớ công ơn của ông cha ta xưa đã có công bảo quốc hộ dân đem lại thái bình cho non sông gấm vóc, mong muốn mùa màng tốt tươi. Lễ hội cũng chính là sự giáo dục cho con em tự hào về quê hương đất nước để các em phấn đấu học tập và bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc.

Chính vì ý nghĩa đó, Ban di tích lịch sử văn hóa Phủ Quảng Cung và bà thủ nhang Trần Thị Vân cùng với nhân dân xã Yên Đồng quyết tâm xây dựng và mở rộng Phủ Quảng Cung thành khu du lịch tâm linh xứng đáng với tầm cỡ quốc gia là nơi khởi nguồn của đạo Mẫu Việt Nam.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Nguyễn Văn Bắc (2004), Góp phần tìm hiểu lịch sử Phủ Quảng Cung thôn Vì Nhuế - xã Yên Đồng - huyện Ý Yên - tỉnh Nam Định, Khóa luận tốt nghiệp Đại học Chuyên ngành Lịch sử Văn hóa, khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.

2.   Ngô Đức Thịnh (2010), Thánh Mẫu Liễu Hạnh vị thần chủ của đạo Mẫu tam phủ, tứ phủ, Chương trình hội thảo khoa học Di tích văn hóa Phủ Quảng Cung, Nam Định.

3.   Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, UBND huyện Ý Yên – tỉnh Nam Định (2010), Phủ Quảng Cung trong hệ thống Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

4.   Phan Văn Tú (2015), Sự hình thành tục thờ Mẫu ở phủ Nấp xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật Trường ĐHSP NT TW số: 15 – 2015 (22 - 25).

5.   UBND, Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định (2003), Địa chí Nam Định, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6.   UBND, HĐND xã Yên Đồng (2005), Lịch sử Đảng bộ xã Yên Đồng, Nxb Cty cổ phần in Nam Định, Nam Định.

7.   Nguyễn Thị Yên (2010), Không gian văn hóa xã hội với việc hình thành tục thờ Mẫu ở Phủ Nấp, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, trích Chương trình Hội thảo khoa học Di tích lịch sử văn hóa phủ Quảng Cung, Nam Định.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa