Nội san

Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa Cơtu ở Quảng Nam

08 Tháng Tám 2017

                                                                                               Nguyễn Thị Thu Ba [*]

                                                                                          

Quảng Nam nằm ở miền Trung của Việt Nam, hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù về điều kiện vị trí: có núi, có sông, có đường biên giới giáp với nước bạn Lào và có bờ biển đẹp, kết nối với TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, là một trong những huyết mạch giao thông quan trọng của cả nước. Không chỉ thế, Quảng Nam còn nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh như đô thị cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn và còn có hàng trăm di tích lịch sử khác...

1. Thực trạng nghệ thuật múa Cơtu hiện nay

Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam từ lâu luôn được xem là niềm tự hào chung của cộng đồng các tộc người với những nét đẹp tinh túy, hội tụ nhiều yếu tố độc đáo của đồng bào vùng cao. Đối với người dân Cơtu thì trong tất cả các lễ hội không thể thiếu điệu múa này bởi lẽ nó gắn liền với đời sống tinh thần của người dân. Có thể nói, múa Cơtu là một điệu múa đẹp, thu hút được nhiều người tham gia. Họ trân trọng và ý thức việc gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình.

Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Cơtu thì nghệ thuật múa chiếm một vị trí rất quan trọng trong mọi sinh hoạt lễ nghi. Với đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ đã tạo nên một vẽ đẹp rất huyền bí với những nét đặc trưng rất riêng, bắt nguồn từ những động tác dâng lễ vật lên cho trời với vẽ đẹp thiêng liêng ấy mang đậm đà bản sắc của tộc người Cơtu.

Tuy nhiên, trên thực tế đó thì cũng có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào đang rơi vào tình trạng dần bị mai một như Vũ điệu Tung tung Da dá dần bị sân khấu hóa trên các chương trình của lễ hội hiện đại như hiện nay, các nhà biên đạo trẻ đã phát triển động tác quá mức làm cho nghệ thuật múa Cơtu có cái nhìn lệch lạc. Điều đó đem đến những cơ hội và thách thức gay gắt cho số phận những di sản văn hóa vốn sinh ra và tồn tại gắn bó chặt chẽ với những điều kiện của xã hội cũ. Các tinh hoa di sản văn hóa, hoặc được giữ gìn và phát huy với ý nghĩa là giá trị của truyền thống, hoặc là phải biến đổi để thích ứng với xã hội đương đại.

  Sự phát triển của nền kinh tế thị trường và công nghệ truyền thông đại chúng như hiện nay đã ảnh hưởng đến sự thờ ơ của giới trẻ đối với di sản văn hóa truyền thống. Với việc bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay thì sự pha tạp, du nhập những luồng văn hóa mới đã làm cho giới trẻ cuồng với những bản nhạc rok, thích múa hiện đại hơn là múa truyền thống.

Trước những thực trạng nêu trên cho chúng ta thấy nguy cơ dẫn đến sự đánh mất giá trị truyền thống của cộng đồng dân tộc Cơtu là rất lớn. Vì vậy chúng ta cần có những giải  pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa Cơtu ở tỉnh Quảng Nam hiện nay.

            Thứ nhất, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao dân trí, nhận thức của người dân; thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước, góp phần chống lại những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân hiểu được nội dung giá trị văn hóa, giá trị tư tưởng, thẫm mỹ của múa Cơtu trong đời sống xã hội hiện nay. Đối với người dân địa phương cần tuyên truyền rộng rãi để họ hiểu và biết được giá trị của múa Cơtu trong đời sống thông qua các hình thức tổ chức hội thảo hay các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng…thành lập các câu lạc bộ yêu thích múa là công việc rất có ý nghĩa để hướng người dân chủ động tìm tòi, sưu tầm và bảo tồn loại hình nghệ thuật này.

            Thứ hai, kiện toàn chính sách bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa, khuyến khích các nhân tố có năng khiếu, ôm hiểu về nghệ thuật múa Cơtu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật múa Cơtu gắn liền với công tác phát triển du lịch của địa phương. Đồng thời, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan tăng cường đầu tư, cấp kinh phí, hỗ trợ các nguồn nhân lực để phát huy giá trị nghệ thuật múa Cơtu trong xã hội hiện đại.

Các cấp chính quyền cần xây dựng, ban hành các văn bản liên quan đến cơ chế hỗ trợ, chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân múa Cơtu vì hiện nay hầu hết các nghệ nhân truyền dạy đã lớn tuổi mà họ lại thành phần chính trong công tác tham gia truyền dạy múa Cơtu cho người dân địa phương nên nếu có chính sách ưu đãi động viên về tài chính thì sẽ phần nào giúp họ cải thiện được cuộc sống yên tâm mà giảng dạy cũng như tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia. Có chính sách ưu tiên đối với cộng đồng để bảo tồn, lưu giữ các giá trị nghệ thuật múa Cơtu.

Thứ ba, đầu tư kinh phí đào tạo cho cán bộ quản lý văn hóa tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm trong việc quản lý, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể với định hướng lâu dài mang tính bền vững; tạo điều kiện để cán bộ địa phương học tập, nâng cao kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ cũng như trong công tác quản lý. UBND tỉnh Quảng Nam cần tăng cường phân cấp cho địa phương để gia tăng trách nhiệm quản lý ở cấp cơ sở, xác định rõ những lĩnh vực cần can thiệp hoặc không cần can thiệp để cán bộ cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo qui định của pháp luật; có biện pháp xử lý các hành vi gây ảnh hưởng tới yếu tố thuần phong mĩ tục, bản sắc văn hóa của địc phương; cương quyết loại bỏ các cán bộ yếu năng lực, thiếu thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn.

Hàng năm nên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa - xã hội thuộc phòng Văn hóa cấp huyện và cán bộ văn hóa ở các xã tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với sự cộng tác của các chuyên gia và nhà nghiên cứu.

Thứ tư, việc sưu tầm, ghi chép và xuất bản tài liệu chính là cơ sở đầu tiên, quan trọng nhất tạo tiền đề phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nghệ thuật múa Cơtu.

Công tác  nghiên cứu, sưu tầm các điệu múa truyền thống của người dân Cơtu nên cần có sự phối hợp đồng bộ với cơ quan quản lý địa phương với chính người dân Cơtu. Chính sự kết hợp đó nhằm phát huy chức năng của từng cơ quan vào mục tiêu chung là nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê các điệu múa truyền thông nơi đây. Để củng cố việc tổ chức thực hiện nghiên cứu, sưu tầm điệu múa của người dân Cơtu có thể xác định một quy trình gồm các công đoạn cụ thể như: Cần thực hiện việc tập hợp các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở. Song song với công việc trên cần phải tiến hành lập kế hoạch cho từng giai đoạn, thời gian, việc lập kế hoạch này thuộc trách nhiệm của cơ quan chủ quản được giao để điều hành công tác nghiên cứu, sưu tầm. Kế hoạch lập ra phải đảm bảo được yêu cầu như phải phù hợp với tình hình địa phương, phù hợp với đội ngũ các bộ chuyên môn, phụ thuộc vào nguồn kinh phí chi trả, điều quan trọng là yêu cầu kế hoạch phải có tính khả thi và đạt hiểu quả khi tiến hành.

            Thứ năm, phát triển du lịch cộng đồng là khai thác các giá trị của di sản cả vật thể và phi vật thể nhưng vẫn bảo vệ được nó. Vấn đề ở đây là làm sao phải tổ chức khai thác tốt, đòi hỏi một chính sách đồng bộ và sự quan tâm thỏa đáng về hỗ trợ tài chính, hình thức tổ chức, quảng bá, giới thiệu qua các phương tiện thông tin truyền thông…của các cơ quan chức năng. Từ đó góp phần làm thay đổi diện mạo của tộc người Cơtu theo hướng tích cực, vừa bảo vệ giá trị văn hóa, vừa góp phần phát triển kinh tế của họ. Xây dựng các tuyến điểm du lịch cộng đồng tại các xã tiêu biểu của các huyện. Thông qua hình thức du lịch cộng đồng sẽ trực tiếp đưa nghệ thuật múa Cơtu vào phục vụ du khách nhờ vậy sẽ giúp cho múa Cơtu quảng bá rộng rãi hơn thông qua con đường du lịch.

Vấn đề quan trọng và có tính quyết định nhất ở đây là ý thức của người dân trước sự thay đổi ấy, cần phải làm như thế nào để người dân Cơtu thấy được vai trò của mình và nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của di sản từ đó ý thức bảo vệ di sản sẽ được nâng cao; khuyến khích sự tham gia vào du lịch cộng đồng và phát triển du lịch văn hóa, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tóm lại, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa Cơtu ở Quảng Nam trong đời sống hôm nay không còn là nhiệm vụ riêng của tộc người Cơtu, mà là vấn đề đặt ra cho các cấp chính quyền liên quan, từ trung ương đến địa phương cũng như người dân phải có nhận thức đúng đắn, có trách nhiệm và hành động thiết thực đối với việc bảo tồn và phát huy loại hình di sản văn hóa này để nét đẹp văn hóa mãi được lưu truyền.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Ngọc Canh (2002), Đại cương nghệ thuật múa, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

2. Nguyễn Ngọc Hòa, “Xây dựng đời sống văn hoá của người Cơ Tu ở Quản Nam, Tuyên giáo, (số 4).

3. Ngân Quý (2007),  Những vấn đề kế thừa và phát huy múa dân gian Việt Nam, Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam

4. Trần Tấn Vịnh (2013), Bức tranh văn hóa Cơ Tu, Nxb Thời Đại

5. Lê Trung Việt, Vũ điệu dâng trời- Khát vọng trầm mặt dưới chân Trường Sơn, Báo Quảng Nam số Xuân năm 2003.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa