Nội san

Dạy học piano cho trẻ em hiện nay tại Hà Nội

08 Tháng Tám 2017

                                                                                           Phạm Quang Vinh [*]

 

            Piano là một môn học mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển toàn diện với trẻ em. Với những đặc thù riêng biệt, Piano luôn là một bộ môn mà bản thân nó đã có sức thu hút, gây được sự hứng thú, tò mò với trẻ em khi mới lần đầu tiếp xúc. Tuy nhiên, việc duy trì sự yêu thích với bộ môn này là một việc không dễ dàng và đòi hỏi phải kết hợp được nhiều yếu tố; từ giai đoạn mới tiếp xúc với đàn qua những bài học cơ bản, cho đến khi các em có thể tự vỡ bài, chơi tác phẩm một cách độc lập, tự tin là cả một quãng thời gian đòi hỏi ở mỗi đứa trẻ rất nhiều tính kiên nhẫn, chăm chỉ và niềm yêu thích.

            Hiện nay, nhu cầu học Piano không chuyên nói chung, với trẻ em nói riêng tăng cao, đặc biệt mạnh mẽ ở các tỉnh thành lớn trên cả nước như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh,.. Các bậc phụ huynh thường truyền tai nhau về tác dụng của bộ môn nghệ thuật này trong phát triển trí tuệ, tính kiên nhẫn, giải trí, phát triển toàn diện của trẻ mà quên đi việc tìm hiểu cặn kẽ những yêu cầu, đòi hỏi ngược lại của Piano đối với mỗi đứa trẻ. Rất nhiều những câu hỏi thiếu hiểu biết của một bộ phận các bậc phụ huynh khi đưa con em mình theo học tại các lớp Piano không chuyên, dành cho trẻ em, như: “Con học bao lâu thì đánh được nhuần nhuyễn, thành thạo?”, “Tại sao hai bạn cùng đi học một thời gian mà bạn này đánh tốt hơn, bạn kia đánh kém hơn?”, “Một khóa học Piano kéo dài mấy tháng?”,... Ngược lại, có những phụ huynh không quan tâm đến việc học của con mình.

Trên thực tế, bộ môn Piano hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội phát triển dưới nhiều hình thức như: các trung tâm âm nhạc, các trường học, nhà văn hóa, hoặc hình thức dạy học gia sư. Mỗi một hình thức kể trên đều tồn tại những ưu, nhược điểm nhất định.

1. Các trung tâm âm nhạc

            Các trung tâm âm nhạc hiện nay được mở ra rất đa dạng, với nhiều quy mô và hình thức khác nhau, ví dụ như: Các lớp Đồ Rê Mí, Cảm thụ Âm nhạc, Creative (sáng tạo), Piano, Violin, Guitar, Trống, Thanh nhạc, Hợp xướng, Vẽ,… Tuy nhiên, hầu hết các trung tâm đều hướng đến đầu tư và phát triển cho bộ môn Piano là nhiều hơn cả với các hình thức dạy học như: Lớp cá nhân, lớp đôi, lớp nhóm (3 - 4 học sinh), lớp tập thể (5 học sinh trở lên, tối đa là 15) tùy nhu cầu và điều kiện theo học của gia đình học sinh.

            Mỗi trung tâm âm nhạc mở ra đều có mục tiêu giáo dục khác nhau. Từ những mục tiêu này mà họ đưa ra những phương pháp, chương trình, giáo trình giảng dạy khác nhau và hướng đến nhiều đối tượng theo học không phân biệt độ tuổi, ngành nghề, trình độ. Tuy nhiên, đối tượng tiềm năng nhất mà các trung tâm Âm nhạc hướng đến đều là trẻ em từ độ tuổi Mầm non (4 - 5 tuổi) đến hết Trung học Cơ sở.

            Ở Hà Nội, một trong những trung tâm âm nhạc có uy tín cần kể đến là Magic Music – một trung tâm từng trực thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – với đội ngũ giáo viên có trình độ, hiện đang giảng dạy tại trường hoặc các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành chính quy tại trường. Mô hình giảng dạy trung tâm đặc biệt chú trọng và phát triển là hình thức giảng dạy tập thể từ 10 – 15 học sinh/1,5 giờ. Giáo trình giảng dạy tại đây là giáo trình bản quyền được GS. TS. Trần Thu Hà biên soạn. Có nhiều cấp độ được chia theo năm học và cấp độ như:  Pink (4 - 6 tuổi), Green (6 - 8 tuổi), Blue (8 – 10 tuổi), Planet (từ năm thứ 7 trở đi),… Với mức thu học phí vừa phải cho một lớp tập thể, chương trình dạy học hay và trình độ giáo viên cao, Magic Music đã thu hút được nhiều đối tượng theo học và gắn bó lâu dài, giúp trung tâm có những uy tín nhất định trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, với chương trình học không đổi mới và kéo dài, không linh hoạt trong hình thức tổ chức lớp và phương pháp giảng dạy, đồng thời chiến lược quảng bá thu hút học viên không tốt như nhiều trung tâm mới, khiến sức cạnh tranh của Magic Music chỉ dừng lại ở mức độ uy tín mà không có nhiều đột phá kể từ khi thành lập đến nay. Trong khi đó, nhiều trung tâm vừa có thể đáp ứng được nhu cầu học tập của phụ huynh học sinh, vừa đảm bảo được chất lượng giảng dạy, có thể kể đến các trung tâm như: Hoàng cung, Sol Art, Polaris, Music Talent,… Đang dần chiếm được cảm tình, kỳ vọng của nhiều đối tượng theo học.

            Chương trình và phương pháp giảng dạy tại các trung tâm âm nhạc khá đa dạng, hầu hết tại các trung tâm đều có sử dụng các bộ giáo trình có thể tự biên soạn hoặc mua bản quyền từ nước ngoài, hoặc các giáo trình phổ thông được sử dụng phổ biến tại nhiều nơi. Mỗi một giáo trình đều có những ưu, nhược điểm riêng, có hướng tiếp cận khác nhau với mỗi đối tượng học sinh. Giáo viên dạy tại các trung tâm thường linh hoạt trong việc sử dụng giáo trình và phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với từng lứa tuổi cụ thể, mức độ yêu thích, tự giác học tập nơi các em để đảm bảo tính vừa sức với từng em.

2.  Các trường trên địa bàn Hà Nội

            Bộ môn Piano còn được một số các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT đưa vào giảng dạy trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua các câu lạc bộ, các tiết học âm nhạc dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ như: Trường liên cấp song ngữ Wellspring – phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội  đã đưa hẳn phân môn Piano vào giảng dạy thay cho chương trình âm nhạc của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho khối Tiểu học và THCS với giáo trình giảng dạy bản quyền quốc tế; trường Mầm non Happy Smile – đường Thành Thái, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội - cũng đưa bộ môn Piano vào giảng dạy trong giờ học chính khóa với bộ giáo trình Kawai Music (mua bản quyền của Nhật Bản) dành cho trẻ từ 3 - 5 tuổi, cụ thể là tập giáo trình Hello Music dành cho lớp tập thể;… Chưa kể đến, hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội đều đã đưa bộ môn Piano hoặc Organ vào hoạt động tại các câu lạc bộ, trở thành môn học tự nguyện với các em có niềm yêu thích, một hoạt động bổ ích sau những giờ học chính khóa căng thẳng.

            Đây là một tín hiệu đáng mừng khi các trường học có uy tín trên địa bàn Hà Nội, dần nhận thấy được tầm quan trọng của bộ môn Piano trong việc giáo dục toàn diện cho trẻ. Tuy nhiên, cũng giống như chương trình âm nhạc của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở các trường phổ thông, thì Piano cũng không tránh khỏi tâm lý là một môn học “phụ”, vì thế sự quan tâm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất,…của Ban giám hiệu nhà trường vẫn chưa đúng mức. Rất ít trường có đủ điều kiện và mạnh dạn để đầu tư một phòng đàn Piano riêng, mà hầu hết chỉ dùng đàn Keyboard (đàn phím) để thay thế cho Piano. Đây thực sự là một vấn đề đáng quan ngại và sai bản chất với một bộ môn đòi hỏi nhiều kỹ năng như Piano.

3.  Các nhà văn hóa trực thuộc quận, phường.

            Một số Nhà văn hóa trực thuộc phường, quận, huyện cũng thường xuyên mở lớp chiêu sinh các bộ môn nghệ thuật, như: Múa, Vẽ,Võ,…trong đó có Piano nhằm mục đích tạo nơi sinh hoạt tập thể cho các con nằm trong khu vực quản lý hành chính của mình, đồng thời tạo tiền đề cho việc gắn kết các gia đình tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng nơi mình sinh sống. Đây có thể là do các trung tâm âm nhạc, các giáo viên có liên kết với nhà văn hóa mở lớp, cũng có thể do ban lãnh đạo nhà văn hóa tự tổ chức dưới sự nhất trí của ban chấp hành và cộng đồng dân cư quận, phường tại nơi đó.

            Ưu điểm của hình thức giảng dạy này là huy động được hầu hết con em trong độ tuổi đi học được tham gia hoạt dộng học tập bổ ích với chi phí thấp. Đồng thời, tạo được nơi sinh hoạt tập thể cho các con và các gia đình sau một ngày làm việc và học tập mệt mỏi.

            Vì được coi là một trong những môn học mang tính sinh hoạt cộng đồng nên việc thuê giáo viên, quản lý chương trình, chất lượng giảng dạy tại các lớp học Piano dưới hình thức này ko được đảm bảo. Cũng giống như hình thức dạy tại trường, các câu lạc bộ tại nhà văn hóa trực thuộc quận, phường,…ít nơi có có đầu tư trang thiết bị, đàn học đầy đủ, khiến bộ môn Piano dưới hình thức học này chỉ hoạt động cầm chừng, không hiệu quả.

4. Hình thức dạy tư

            Ngoài các trung tâm âm nhạc, các trường học, câu lạc bộ, nhà văn hóa giảng dạy Piano tràn lan, hình thức dạy tư, thuê giáo viên dạy tại nhà cũng phát triển khá phổ biến tại các thành phố lớn. Vì dạy tư nên các giáo viên thường tự chủ động lựa chọn chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy, trình độ giáo viên không được kiểm soát kỹ lưỡng, có sinh viên năm nhất, năm hai chưa có kinh nghiệm cũng như trình độ, nhưng vì kiếm thêm thu nhập cũng đi dạy học với vốn kiến thức ít ỏi của mình. Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhận thức cũng như kiến thức truyền đạt đến trẻ em, nếu người giáo viên chưa đủ trình độ, kiến thức nhất định thì trẻ em cũng sẽ tiếp nhận được khối kiến thức chưa hoàn thiện đó, khiến chúng có thể hiểu sai, hiểu nhầm, dẫn đến những hậu quả mang tính tiêu cực về lâu dài.

            Kết luận

            Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống của con người. Với trẻ em, âm nhạc còn đóng vai trò cả trực tiếp lẫn gián tiếp trong việc giáo dục toàn diện. Mang nhiều ý nghĩa và vai trò, bộ môn Âm nhạc nói chung, Piano nói riêng dần được sự quan tâm của xã hội và trở thành một trong những tiêu chí lựa chon hàng đầu ngoài những môn học văn hóa cho con em của các bậc phụ huynh, đặc biệt ở các thành phố lớn trong thời gian gần đây. Nhưng dạy và học Piano thế nào đang là câu hỏi lớn cho mỗi cá nhân phụ huynh, bản thân mỗi giáo viên và lớn hơn là mỗi cơ sở đào tạo âm nhạc. Bởi thực trạng cho thấy, việc dạy và học Piano tràn lan, không kiểm soát, dưới nhiều hình thức khác nhau,chương trình giáo trình đa dạng, chất lượng giáo viên không đồng đều, phương pháp giảng dạy cảm tính đã tạo nên nhưng hiệu quả tiêu cực, mà đối tượng trực tiếp tiếp nhận là trẻ em.

            Chính vì thế, mỗi người thầy cần luôn phải biết cách biến bài học Piano thành một nơi mà âm nhạc gần gũi với đứa trẻ nhất, nhiệm vụ của người thầy là dẫn dắt học sinh chủ động tiếp cận với cây đàn Piano, khuyến khích trẻ luyện tập và giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên nhất. Muốn làm được điều đó thì phương pháp dạy học là vô cùng quan trọng, mỗi một phương pháp mà người thầy sử dụng trong quá trình dạy học Piano cho trẻ đều cần phải đảm bảo tính hệ thống, vừa sức với học sinh, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh và quan trọng nhất là phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi cũng như kết hợp được nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành trên đàn.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thái Thị Liên (chủ biên) (2004), Phương pháp học đàn piano, Nxb Âm   nhạc, Hà Nội.

2. Hoàng Long - Hoàng Lân (2005), Âm nhạc và phương pháp dạy học Âm           nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Vũ Thị Phương Mai (2003), Một số vấn đề trong việc giảng dạy học sinh Piano nhỏ tuổi ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ; Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

4. Lê Nam (2014), Nghiên cứu và phân tích một số giáo trình Piano cơ bản cho trẻ nhỏ, Luận văn thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc; Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

5. Phạm Tuyên (1999), Âm nhạc với trẻ em, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

6. Trần Thị Thu Trang (2014), Dạy đàn phím điện tử cho trẻ Mẫu giáo lớn (5-6 tuổi) ở thành phố Hà Nội, Luận văn thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc; Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

 

     ____________________________

[*] Lớp Cao học k5– Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc.