Nội san

Gắn nghệ thuật chèo Cạn với âm nhạc trung học cơ sở

09 Tháng Tám 2017

 Nguyễn Thị Tố Nga [*]

 

Nghệ thuật hát Chèo cạn là hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của người dân vùng biển Cảnh Dương tỉnh Quảng Bình, nhằm cầu cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vận dụng nhiều lối ca hát dân gian kèm theo các động tác mang tính cách điệu mô phỏng lại các cảnh sinh hoạt gần gũi cuộc sống đời thường như kéo lưới, bắt cá… Cũng có thể nói, hát chèo cạn chính là hình thức diễn xướng dân gian, bởi nó không chỉ có hát, mà còn kèm theo động tác mô phỏng đơn giản đời sống, sinh hoạt của cư dân miền biển. Vì vậy, từ bao đời nay, nó đã trở thành một phần rất quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân Cảnh Dương nói riêng và Quảng Bình nói chung.

Mặc dù các làn điệu dân ca và phương thức trình diễn của Chèo cạn ở Cảnh Dương vẫn được dân làng ưa thích, gìn giữ và phát huy. Song thế hệ trẻ ngày nay ít người có hứng thú với hát Chèo cạn, hay chính xác hơn là họ không thuộc các làn điệu Chèo cạn, không hào hứng với nghệ thuật dân gian đã gắn bó với quê hương như các hình thức nghệ thuật biểu diễn khác, đặc biệt là ca múa nhạc nhẹ. Nếu chỉ xuất hiện thoảng hoặc trong các lễ hội, thì Chèo cạn có nguy cơ bị mai một và thất truyền. Chèo cạn là dân ca nghi lễ, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân Cảnh Dương, với ý nghĩa cầu an thông qua sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng Chèo cạn người dân Cảnh Dương thể hiện lòng biết ơn thành kính của mình đối với các vị thần và cầu mong sự che chở của các vị thần linh.Qua các làn điệu chèo cạn thể hiện ước muốn của người dân nơi đây về một cuộc sống an lành, ấm no hạnh phúc. Nội dung tín ngưỡng Chèo cạn phần lớn mang tính nhân văn, nhân bản, biết ơn các vị anh hùng, mẹ sinh ra, tình yêu con người, nghề nghiệp cho cuộc sống no đủ. Chèo cạn mang ý nghĩa môi sinh, ứng xử của con người với thiên nhiên (là vùng biển, nơi đây có truyền thống lâu đời với nghề đánh bắt cá), ý nghĩa giải phóng tinh thần (ca hát thờ thần, hát đối đáp…), thể hiện tinh thần đoàn kết trong sinh hoạt cộng đồng của cư dân Cảnh Dương. Diễn xướng Chèo cạn có nét riêng độc đáo, ở các nơi khác đều thờ các đức thánh nhưng ở đây miếu, đền coi như là cội nguồn, trung tâm của mọi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Chèo cạn ngày nay được tổ chức thường xuyên, mỗi năm một lần lànhờ có lòng thành kính, ước nguyện, nỗ lực của nhân dân Cảnh Dương và sự giúp đỡ của các ban ngành đoàn thể, hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Chèo cạn đã “hồi sinh” và được nhiều thế hệ người dân nơi đây đón nhận.

Hội đồng năng khiếu ( HĐNK) với vai trò bổ sung kiến thức, hỗ trợ giáo dục chính khóa, giáo dục học sinh trong các hoạt động tập thể, các phong trào đoàn, đội nói chung và HĐNK âm nhạc nói riêng hiện nay tại trường THCS Cảnh Dương được duy trì. Các hoạt động âm nhạc này được tổ chức theo các chủ điểm nhưng vẫn còn hạn chế về nội dung. HĐNK trong Nhà trường chỉ được thực hiện trong các ngày lễ như (Khai giảng năm học mới, ngày thành lập Đoàn 26-3, ngày Nhà giáo Việt Nam, Tổng kết năm học...). Các hoạt động này chưa thu hút được đông đảo các em tham gia, đối tượng tham gia làm một số học sinh có lòng nhiệt tình, thích hoạt động tập thể và được giáo viên chọn vào đội văn nghệ của trường.

1. Phương pháp tổ chức các hoạt động ngoại khóa

            HĐNK âm nhạc được tổ chức theo kế hoạch, nội dung hoạt động phong phú, được giáo viên xây dựng theo mục tiêu giáo dục, nội dung và không gian hoạt động được mở rộng (tìm hiểu về nguồn gốc, các giá trị của Chèo cạn, tìm hiểu về các thể loại dân ca khác...), hình thức và thòi gian hoạt động đa dạng. Trong HĐNK âm nhạc giáo viên phụ trách chuyên môn đóng vai trò chủ đạo, hướng dẫn, định hướng học sinh phát huy lòng đam mê, năng khiếu, năng lực sáng tạo của mình, bên cạnh đó khuyến khích tinh thần làm việc theo nhóm. Hoạt động này chỉ có thể tạo hứng thú say mê cho các em khi có sự tranh đua, thi giữa các lớp, các nhóm nhưng giáo viên phụ trách cần phải khéo léo trong việc đánh giá, cần tạo không khí thi đua lành mạnh tránh sự đố kị trong tập thể học sinh. Trước tiên, để các hoạt động âm nhạc ngoại khóa trong các trường THCS được tốt, người giáo viên âm nhạc phải có kế hoạch và biết lập kế hoạch chi tiết cho từng hoạt động. Tổ chức các chương trình biểu diễn văn nghệ là một hoạt động rất quan trọng và cần thiết trong các trường THCS, đòi hỏi người giáo viên âm nhạc phải hội tụ đầy đủ các kiến thức, kỹ năng thực hành cá nhân đã học để vận dụng cho việc tổ chức hoạt động này. Đây cũng là một trong những hoạt động để đánh giá khả năng và năng lực của người giáo viên âm nhạc. Trong các trường học nói chung, các trường THCS nói riêng, các ngày lễ, ngày hội, ngày khai giảng, bế giảng năm học... không thể thiếu được một chương trình văn nghệ. Vì vậy, yêu cầu của một chương trình văn nghệ phải đảm bảo: tính phong trào, tính nghệ thuật, tính giáo dục.

2. Lựa chọn làn điệu

Khi dạy làn điệu Hò hụi này cho học sinh, giáo viên ngoài việc hát mẫu, dạy có tính chất truyền khẩu (vì các làn điệu trong âm nhạc dân gian không thể ký âm chuẩn xác, nên đòi hỏi giáo viên phải thị phạm cho học sinh hát theo từng câu, chữ, luyến, láy, sắc thái, nhịp độ),thì phải phân tích cho học sinh phân biệt được đâu là lời thơ, đâu là tiếng đệm, thang âm trong bài là thang 5 âm. Giai điệu của bài có sự giao giữa hai điệu thức Sol huỳnh: G-A- H-D- E và Sol bắc: G-A- C-D- E. Nhịp của bài là 2/4, hát ở tốc độ vừa phải, sắc thái vui vẻ, mạnh mẽ, dứt khoát…Ngoài ra còn có một số làn điệu có tiết tấu đảo phách, để giảng dạy cho học sinh chúng tôi chọn những làn điệu có tiết tấu đơn giản, đều đặn, nhịp nhàng. Các làn điệu có những câu luyến nhiều nốt có thể chọn nhưng đòi hỏi giáo viên nghiên cứu kỹ để giảng dạy cho học sinh thực hiện được tốt, qua đó tạo hứng thú cho học sinh khi tham gia học Chèo cạn. Với thực tế ở lứa tuổi học sinh bậc THCS, thì giai đoạn này cơ thể các em đã có sự phát triển và phân biệt rõ ràng về giới tính, các em nam có hiện tượng ‘vỡ tiếng”, nên việc lựa chọn dựa vào đặc điểm của học sinh để chọn các làn điệu có tầm cữ giọng phù hợp, chọn những làn điệu có âm vực trong khoảng quãng 5 đến quãng 9.

3. Về biểu diễn

Chèo cạn xưa kia chỉ được trình diễn ở Ngư Linh miếu trong các ngày hội và phục vụ cho tế lễ, nên động tác chủ yếu phục vụ cho các lễ nghi tế thần, động tác trong các làn điệu được kết hợp với đạo cụ (quạt giấy, túi múi cam, khăn), thường mô phỏng lại những cử chỉ, động tác trong lao động sản xuất, cuộc sống và trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, ngợi ca công lao của đức ông Đức bà

Ngày nay, việc đưa Chèo cạn vào HĐNK âm nhạc với đối tượng là học sinh THCS Cảnh Dương thì không giancần được linh hoạt hơn, sinh hoạt trong CLB, tham gia học hát Chèo cạn tại nhà nghệ nhân, tại lớp học, có thể trình diễn trên sân khấu... Động tác mang tính ước lệ mô phỏng các lời thơ, ngoài các động tác theo lối diễn xướng gần với cổ truyền, chúng tôi lựa chọn các động tác mô phỏng theo lời mớicó nội dung ca ngợi tình yêu đối với ông bà, cha mẹ, tình bạn, thầy cô, mái trường, ca ngợi Đảng, Bác Hồ... Các làn điệu hát trong đền phục vụ cho tế lễ chúng tôi lựa chọn để đặt lời mới có nội dung ca ngợi về Bác Hồ và tổ chức cho các em diễn xướng trong buổi báo công với Bác.

4. Về đạo cụ

Hát Chèo cạn dùng trong HĐNK âm nhạc, ngoài các đạo cụ theo lối diễn xướng cổ xưa như mái chèo, con thuyền cách điệu, tượng trưng, chúng tôi lựa chọn các vật dụng gần gũi với học sinh như: Sách vở, bút, cặp sách, chổi, áo, nón, mũ, khăn, quạt,... để minh họa các động tác gần gũi với cuộc sống, sinh hoạt thực tế của học  sinh, từ đó hấp dẫn các em tham gia (sử dụng chổi để mô phỏng động tác trong buổi lao động tại trường, với nội dung ca từ phù hợp, sử dụng cặp sách để mô phỏng những động tác hồn nhiên, vui tươi của các em trong những buổi cắp sách đến trường, tung tăng cùng bè bạn...).

Về nhạc cụ: Trong hát Chèo cạn, theo lối truyền thống là sênh, nhưng nay ngoài sênh chúng tôi chọn hình thức như: vỗ tay, thước kẻ, mõ,vỏ dừa... Nhưng phải phát ra âm thanh, có tính nghệ thuật.

5. Về trang phục

Trang phục trong Chèo cạn phù hợp với cuộc sống đời thường. Xưa kia, trang phục của người dân nữ thường mặc là áo tứ thân, đẩu vấn khăn, để tóc đuôi gà trong mặc yếm đỏ, giữa mặc áo xanh hoặc màu mỡ gà, ngoà imặc áo the đen, chân đi dép cong, cổ đeo chuỗi hạt vòng, quạt giấy,tay cầm khăn đỏ, túi múi cam nhiều màu sặc sỡ, nam đầu đội khăn xếp đen mặc áo the thâm, quần lụa trắng, chân đi guốc mộc. Để đảm bảo tính truyền thống,tôn trọng truyền thống chúng tôi vẫn lựa chọn trang phục, đạo cụ theo lốicổ xưa phục vụ trong các buổi diễn xướng tại Ngư Linh miếu tại trường và khi biểu diễn trên sân khấu với mục đích tuyên truyền bảo tồn giá trị Chèo cạn. Ngoài ra, chúng tôi lựa chọn các trang phục đời thường hoặc có thể cách điệu một chút, những kiểu tóc hàng ngày của các em để tạo sự giản dị, không cầu kỳ phức tạp và một phần bớt được tốn kém kinh phí và thờigian... Cho học sinh đáp ứng nhu cầu thiết thực là giáo dục trực quan, sinh độngvà thực tế nhất.

6. Tổng hợp và lựa chọn

Dựa vào đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng cảm thụ âm nhạc của học sinh, căn cứ vào các tiêu chí lựa chọn nêu trên, chúng tôi xây dựng danh sách các làn điệu Chèo cạn được dùng trong HĐNK âm nhạc, trong quá trình áp dụng giáo viên nên tham khảo và sáng tác các động tác múa phụ họa cho phù hợp với lứa tuổi. Các làn điệu Chèo cạn được sử dụng trong HĐNK âm nhạc gồm có các làn điệu Hát trong đền, Hát ngoài đền và hát trên bãi biển. Ngoài ra trong HĐNK âm nhạc, chúng tôi chọn lựa một số làn điệu Chèo cạn do Câu lạc bộ Chèo cạn Cảnh Dương đặt lời mới để cho học sinh tậpluyện.

Hát Chèo cạn (hay diễn xướng Chèo Cạn, Hò Chèo cạn) là một hìnhthức sinh hoạt tín ngưỡng mang tính cộng đồng, gắn liền với tín ngưỡng thờ Ngư Ông và có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng đối với cộng đồng ngư dân Cảnh Dương ngày nay. Nội dung Chèo cạn không những phản ánh nhận thức của người dân nơi đây về thiên nhiên và cả những mơ ước một cuộc sống ấm no hạnh phúc, nó còn thể hiện tính trữ tình về tình yêu đôi lứa, về hạnh phúc gia đình và cả lễ giáo thời phon kiến. Qua những lời ca trong Chèo cạn, nhân dân Cảnh Dương thể hiện sự tôn kính và biết ơn đối với vị thánh, các anh hùng trong lịch sử dân tộc, sự khẩn nguyện của cộng đồng cư dân nông nghiệp mong ước có được một cuộc sống an lành, thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, con cháu đông đúc, thăng quan, phát tài... Chèo cạn với những ca từ và điệu múa tín ngưỡng sơ khai, cách thể hiện nội dung bằng ngôn ngữ trang trọng, mang tính chất nghi lễ, tín ngưỡng, có thể nói hát Chèo cạn rất độc đáo. Trong quá trình tồn tại, với bao thăng trầm do ảnh hưởng của các yếu tố tâm linh tín ngưỡng, sự tàn phá của chiến tranh cùng sự nghèo đói lạc hậu của địa phương xã Cảnh Dương, Chèo cạn đã có một thời gian dài dường như bị chìm sâu trong tâm thức người dân, nhưng với sức sống mãnh liệt, cùng với những nỗ lực của các cá nhân, tập thể trong và ngoài xã Cảnh Dương đã đưa Chèo cạn “hồi sinh” và ở lại với người dân, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Chèo cạn hiện nay đã có những đổi thay nhất định và người có công lớn nhất để giữ chèo cạn ở lại với quần chúng nhân dân chính là cố nghệ nhân Phạm Ngọc Thức. Chèo cạn giờ đây không chỉ là điệu hát thờ linh thiêng chỉ được hát Ngư Linh miếu vào mỗi dịp lễ cầu ngư của bà con ngư dân mà ngày nay đã trở nên gần gũi với quần chúng nhân dân, được câu lạc bộ biểu diễn trước công chúng trong và ngoài nước.

 

                                              Tài liệu tham khảo

1.            Trần Hoàng (1991), Hát chèo cạn Cảnh Dương, Tạp chí Văn hóa Dân gian, Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian, Trung tâm KHXHNVQG.

2.            Hồ Nguyên Kha (2010), Chèo cạn làng Mai, Tạp chí Cửa Việt.

3.            Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo (1997) Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

4.            Nguyễn Thị Thanh Phương (2017), Diễn xướng âm nhạc Chèo - truyền thống và biến đổi, Nxb Sân khấu, Hà Nội.

5.            Kiều Trung Sơn (2012), Nhìn lại khái niệm diễn xướng, Tạp chí Văn hóa Dân gian,

____________________________

[*] Lớp Cao học k5– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc