Nội san

Vai trò và ý nghĩa dạy học đàn phím điện tử cho sinh viên ngành Quản lý văn hóa hiện nay

08 Tháng Chín 2017

                                                                   Phạm Thị Thúy [*]

                                                                          

1. Vai trò đàn phím điện tử trong đào tạo ngành Quản lý văn hóa tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

Ngành Quản lý văn hóa (QLVH) thuộc khoa Văn hóa Nghệ thuật (VHNT), được hình thành và phát triển từ 2007 đến nay đã chứng minh quan điểm đúng đắn về đa dạng hóa loại hình đào tạo của trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

Với tổng lượng 04 tín chỉ (60 tiết), Môn Đàn phím điện tử (Keyboard) cung cấp cho sinh viên (SV) ngành QLVH hệ thống kiến thức gồm kỹ năng sử dụng tính năng Đàn phím điện tử, những dạng kỹ thuật cùng tác phẩm để SV nắm vững lối chơi, diễn tấu đàn phím điện tử vào nhiều mục đích khác nhau trong hoạt động nghệ thuật không chuyên. Dạy học môn Đàn phím điện tử  cho SV ngành QLVH nhằm giúp sinh viên sau khi ra trường có thể  biểu diễn tác phẩm, đệm hát và tham gia tổ chức dàn dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp (không chuyên nghiệp); có thể phối nhạc cho múa, là thành viên ban nhạc điện tử từ cấp tỉnh đến quận, huyện, thị xã tại các địa phương; hoặc có thể dạy Đàn phím điện tử  tại các trung tâm văn hóa ở địa phương - tùy theo khả năng, trình độ từng SV.

Hiện nay, Đàn phím điện tử nhận được sự quan tâm rất lớn ở Việt Nam. Có nhiều công trình, sách, tài liệu của những nhà sư phạm nổi tiếng ở Việt Nam dùng để giảng dạy Đàn phím điện tử như: PGS.NSUT. Xuân Tứ, Lưu Minh, Xuân Trung và nhiều tác giả khác.

Về khái niệm, Đàn phím điện tử được hiểu là nhạc khí sử dụng điện và kỹ thuật số để tích hợp (hoặc mô phỏng) lại âm sắc các loại nhạc khí cùng hệ thống tiết tấu (style), âm thanh, tiếng động tự nhiên tạo những âm hưởng khác nhau từ dàn nhạc đến một nhạc khí nào đó một cách trung thực nhất.

Với cách dẫn giải Đàn phím điện tử  là loại nhạc khí sử dụng điện và kỹ thuật số để tích hợp (hoặc mô phỏng) lại âm sắc các loại nhạc khí cho thấy tính ứng dụng, phổ biến của loại nhạc đàn này rất thích hợp với hoạt động nghệ thuật đại chúng, trong đó SV ngành QLVH sau khi ra trường sẽ là người chuyên tổ chức, xây dựng nghiệp vụ VHNT đại chúng. Do đó, học đàn Keyboar đem lại những hiệu quả, ứng dụng to lớn vào thực tiễn, môi trường văn hóa của người dân trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy cần xác định đặc điểm học Đàn phím điện tử  của SV ngành QLVH khác với SV ngành sư phạm âm nhạc (SPAN), thanh nhạc, Piano...trong trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

Để đánh giá khách quan trình độ SV ngành QLVH về khả năng cảm thụ âm nhạc, giờ lên lớp được giảng viên bổ sung những kiến thức âm nhạc như: lý thuyết, xướng âm, tiết tấu, hòa thanh. Do SV ngành QLVH không có các môn âm nhạc hỗ trợ cho học Đàn phím điện tử . Từ đó, SV có thể tự học, luyện tập Đàn phím điện tử  một cách chủ động hơn. Trong chương trình dạy học Đàn phím điện tử  cho SV ngành QLVH nêu các thủ pháp phát triển cách ngẫu hứng tạo câu, tiết nhạc, mục đích hướng dẫn SV hiểu thủ pháp và ứng dụng vào bài đệm hát. Trong đó, những bài kỹ thuật, tác phẩm trong dạy học Đàn phím điện tử  gồm: gam, bài luyện kỹ thuật, tác phẩm Việt Nam, tác phẩm nước ngoài giúp SV thành thạo thế tay, di chuyển ngón tay trên bàn phím. Tất cả hình thành các tổ hợp động tác ngón tay linh hoạt, nhạy bén khi diễn tấu Đàn phím điện tử .

2. Tính chủ động và tự học đàn phím điện tử của sinh viên ngành QLVH

Cùng với môn Thanh nhạc, môn Đàn phím điện tử  tạo sự tiếp cận trực tiếp của SV ngành QLVH đối với âm nhạc (nói chung) và nhạc đàn (nói riêng). Xuất phát từ tính đặc thù, đòi hỏi SV ngành QLVH có những hiểu biết ban đầu về âm nhạc (cụ thể là lý thuyết, xướng âm), dẫn đến đối tượng tham gia, đăng ký học đàn phím điện tử  không nhiều như Thanh nhạc. Tuy vậy, thực tế chỉ rõ, học đàn phím điện tử  giúp SV hiểu hơn về những tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới từ giao hưởng đến nhạc đàn, đây là một lợi thế, điểm mạnh để SV nâng cao kiến thức âm nhạc. Do đó, học đàn phím điện tử là quá trình nhận thức về âm nhạc (không lời), di sản đồ sộ của nhân loại qua những hiểu biết sau:

- Qua tự học, SV hiểu được cách thể hiện giai điệu âm nhạc bằng các âm sắc (voice) khác nhau trên đàn, điều này tạo liên tưởng rõ ràng âm hưởng của một dàn nhạc đang vang lên.

- Âm nhạc gắn liền với tình cảm của con người. Tự học để biết thể hiện rõ ràng, chính xác cảm xúc bằng ngôn ngữ âm nhạc. Do đó luôn tỉnh táo điều tiết sự vận động sắc thái để miêu tả lại những cung bậc: buồn, vui, êm ái, dịu dàng, mãnh liệt...

-  Luyện tập đàn phím điện tử  tạo cho SV tự ý thức, đánh giá rõ năng lực bản thân, tìm cách khắc phục những nhược điểm, lỗi, tật để phát triển và hoàn thiện tư duy nhận thức.

- Học đàn phím điện tử  nâng cao trình độ hiểu biết về âm nhạc thế giới và Việt Nam, từ đó nhìn nhận đúng đắn về vai trò của âm nhạc trong đời sống, văn hóa, xã hội.

- Góp phần tăng cường bản lĩnh cá nhân qua biểu diễn đàn phím điện tử , khắc phục được tâm lý thiếu tự tin trước đám đông, vững vàng trước nhiều thử thách trong cuộc sống.

- Tăng cường sự nhạy cảm trong ứng xử, giao tiếp, nhìn nhận vấn đề khách quan, trung thực. Bởi tự học đàn phím điện tử  là quá trình phát hiện bản thân với ý thức trở nên tốt hơn, có ích hơn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

- Hiểu được vai trò đàn phím điện tử  để làm việc trong môi trường tổ chức văn hóa đại chúng.

- Tự học Đàn phím điện tử  nhằm tích lũy kiến thức âm nhạc, sau khi ra trường có thể đánh giá, nêu ý kiến các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp đang diễn ra ở Việt Nam.

- Khi quá trình tự học Đàn phím điện tử  trở thành nề nếp, tạo sự phát triển tốt sẽ thúc đẩy niềm say mê, hứng thú với Đàn phím điện tử . Điều kiện hình thành tài năng chơi đàn trong tương lai.

- Tự học là một quá trình nhận thức, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại.

Như vậy, tự học và luyện tập Đàn phím điện tử  đem lại nhiều giá trị khác nhau đối với SVngành QLVH, trong đó quan niệm âm nhạc được xác định đúng đắn, cụ thể. Đây là loại nhạc đàn duy nhất trong các môn học ngành QLVH biểu hiện rõ ngôn ngữ nhạc không lời, điều này là tiền đề xây dựng nhận thức âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc Việt Nam, một nội dung cần thiết đối với SV ngành QLVH.

3. Tổ chức dạy học đàn phím điện tử trong hoạt động văn hóa

Để nâng cao hơn nữa các biện pháp dạy học Đàn phím điện tử cho SV ngành QLVH trước hết cần tập trung vào quá trình rèn luyện phương pháp tự học của SV, một nội dung quan trọng gồm những kỹ năng: tập nhiều lần từng câu, tiết nhạc, rèn luyện cách di chuyển ngón tay ở nhiều loại tốc độ khác nhau, đặc biệt giảng viên luôn yêu cầu SV phải tập ở tốc độ chậm tạo cho ngón tay vững chắc, chủ động và linh hoạt. Qua đó, SV rèn luyện khả năng ghi nhớ, thuộc lòng một tác phẩm âm nhạc để trình diễn/biểu diễn đàn phím điện tử  điêu luyện. Điều này liên quan, gắn bó chặt chẽ đến ý thức, phân bổ thời gian tự học của SV một cách hợp lý, khoa học nhằm phát triển nhanh ngón tay, tư duy xử lý tác phẩm với hiệu quả cao. Trong dạy học đàn phím điện tử  cho SV ngành QLVH yêu cầu SV nắm vững sử dụng tính năng đàn phím điện tử  rất quan trọng như: bộ đệm tự động tay trái, các âm sắc, tiếng động bổ sung (mưa rơi, ngựa hý, chim hót, suối chảy, sóng biển vỗ vào bờ)... thường được bố trí bên phải mặt đàn. Tùy theo hệ đàn có các loại tiếng động: mưa rơi, ngựa hý, chim hót, suối chảy, sóng biển vỗ vào bờ... bổ sung và mô tả tiếng động tự nhiên. Tất cả những nội dung trên đều tập trung vào ứng dụng đệm hát trên Đàn phím điện tử  qua các thành phần một bài đệm: mở đầu (intro): còn gọi là dạo đầu, dạo giữa (interlude), kết (ending). Dạy học đàn phím điện tử  cho SV ngành QLVH có những đặc điểm riêng trong thời gian hiện nay, yêu cầu đổi mới dạy học đàn phím điện tử  ngành QLVH đang đặt ra những thách thức, xuất phát từ biến đổi và nhu cầu của xã hội, dạy học theo nhóm bằng các phương pháp như: phân loại nhóm, dạy theo năng lực cá nhân, trong đó nổi lên phương thức SV cùng tham gia kiểm tra, đánh giá trong giờ lên lớp giữa các nhóm với nhau đã tạo nên cách học mới, khuyến khích khả năng sáng tạo, chủ động tích cực hơn nữa trong học đàn phím điện tử  của SV, từ đó góp phần vào nâng cao hiệu quả giờ luyện tập, phát triển nhanh kỹ thuật, kỹ năng đàn phím điện tử . Từ dạy học, rèn luyện đến khả năng biểu diễn của SV ngành QLVH đòi hỏi quá trình chuẩn bị tâm lý, ý thức của bản thân như: xây dựng, rèn luyện tâm lý vững vàng, ổn định bằng cách khuyến khích biểu diễn thường xuyên trong lớp, nâng cao năng lực tập trung tinh thần khi biểu diễn, để SV trả bài trước toàn thể lớp, định hướng cho SV các kỹ năng đánh đàn ở tốc độ chậm, tạo sự chắc chắn và bao quát toàn bộ bài, tác phẩm. Đây là quá trình rèn luyện lâu dài, có phương pháp, tất cả diễn ra tự nhiên, không căng cứng, gò bó. Quá trình dạy đàn phím điện tử cho SV ngành QLVH luôn gắn liền với thực tiễn, môi trường xã hội là phương pháp kiểm chứng đúng đắn, giúp việc học của SV đi đôi với hành. Qua đó, SV tăng cường nhận thức, hiểu được vai trò đàn phím điện tử  trong đời sống hiện nay ở Việt Nam.

Qua phần phân tích trên có thể khẳng định đàn phím điện tử  đóng vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo cử nhân trình độ đại học ngành QLVH tại khoa VHNT- Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

4. Kết luận

Dạy học môn Đàn phím điện tử  cho sinh viên ngành Quản lý văn hóa tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW xuất phát từ nhiệm vụ, mục đích đào tạo cử nhân trình độ đại học ngành QLVH. Từ việc phân tích vai trò của dạy học đàn phím điện tử, đánh giá thực trạng việc học đàn phím điện tử  của SV ngành QLVH, tác giả đã nêu một số biện pháp dạy học môn Đàn phím điện tử với mục đích nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học đàn phím điện tử để đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng đúng thực tiễn đang đặt ra theo tinh thần nghị quyết TW 5, Khóa VIII của BCHTW Đảng CSVN: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Việt Thanh (1996), Những tác phẩm chọn lọc cho đàn Organ Keyboard, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

2. Nguyễn Hữu Tuấn (1998), Tuyển tập tác phẩm Việt Nam cho đàn Piano, tập 1,2, Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội.

3. Nguyễn Xuân Tứ (2002), Hướng dẫn dạy và học đàn Organ, tập 1, 2 (tài liệu lưu hành nội bộ), trường CĐSP Nhạc họa TW, Hà Nội.

4. Lê Vũ (1996), Độc tấu trên Đàn phím điện tử , Nxb Trẻ, Tp.HCM.

5. Lê Vũ, Quang Đạt (2006), Phương pháp học đàn Organ Keyboard - Tập 1, 2, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Phạm Viết Vượng (2007), Giáo dục học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội (in lần thứ 2), Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4– Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc