Nội san

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa Đình Giàn, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm trong giai đoạn hiện nay

12 Tháng Chín 2017

 Trương Hùng Minh [*]

 

Hiện nay, hoạt động quản lý nhà nước về Di sản văn hóa (DSVH) và phát huy các giá trị lịch sử văn hoá của di tích đình Giàn luôn được UBND quận Bắc Từ Liêm và UBND phường Xuân Đỉnh quan tâm. Ban Văn hóa – Thông tin phường Xuân Đỉnh đã  triển khai tích cực và có hiệu quả các hoạt động như: công tác khảo sát, kiểm kê di tích và di vật; hoạt động trùng tu, tôn tạo; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ... Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, Ban Văn hóa – Thông tin phường Xuân Đỉnh vẫn còn một số hạn chế cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình của khu di tích. Do vậy, trong thời gian tới cần phải cónhững giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý di tích đình Giàn.

            1. Nhóm  giải pháp về nhân sự và cơ chế chính sách

            1.1.Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan quản lý

Phòng Văn hóa thông tin (VHTT) quận Bắc Từ Liêm cần tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa các khâu của công tác quản lý DTLSVH; cần hợp tác và chỉ đạo sát sao phường Xuân Đỉnh thực hiện tốt các khâu trong công tác quản lý di tích. Tăng cường việc giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo các di tích tránh để tình trạng xảy ra việc tu bổ, tôn tạo không đúng nguyên gốc và thiết kế đã được phê duyệt; tham mưu cho UBND quận những đề án, dự án nhằm gìn giữ, khai thác, phát huy giá trị của các di sản văn hóa nói chung và DTLSVH đình Giàn nói riêng.

Ban VHTT phường Xuân Đỉnh, Tiểu BQL di tích đình Giàn đóng vai trò chủ đạo trong việc giúp UBND phường Xuân Đỉnh quản lý DTLSVH đình Giàn tích cực hơn trong việc định ra các hình thức và huy động các tổ chức, đoàn thể ở địa phương tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích; chủ động phát hiện và đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết kịp thời những vi phạm về di tích.

Để công tác quản lý DTLSVH đình Giàn được tốt hơn cần có sự tham gia, phối hợp giữa các ban, ngành chức năng của địa phương như Ban Thanh tra cần đẩy mạnh việc thanh tra các công trình xây dựng xung quanh khu vực bảo vệ di tích. Ban Tài chính - Ngân sách cần xây dựng và đề xuất các phương án huy động các nguồn vốn đầu tư cho nâng cấp, tôn tạo  di tích. BQL dự án cần chủ động phối hợp và triển khai các dự án đầu tư, tôn tạo tu bổ di tích một cách có hiệu quả và đảm bảo chất lượng đề ra. Sự phối hợp chặt chẽ cao giữa các cơ quan sẽ tạo cho công tác quản lý DTLSVH đình Giàn đạt hiệu quả tốt nhất.

            1.2. Nâng cao chất lượng bộ máy nhân sự

Để có nguồn nhân lực tốt phục vụ cho công tác quản lý phải mở rộng quy mô đào tạo cán bộ chuyên môn.Cử cán bộ theo học các khóa học quản lý di tích ngắn hạn cũng như dài hạn do các cơ quan chuyên ngành và các trường đại học tổ chức.Tạo điều kiện cho cán bộ tự chủ động và định hướng được vấn đề, giới thiệu những sách báo, tài liệu liên quan đến vấn đề di tích để họ tự nghiên cứu, giới thiệu các chuyên gia đầu ngành, có uy tín, trách nhiệm để giúp họ giải đáp những khó khăn vướng mắc về chuyên môn. Tổ chức kế hoạch thi đua, họp giao ban, hội nghị để cán bộ có cơ hội báo cáo thành tích cá nhân, những vấn đề còn hạn chế và phương pháp giải quyết.

Đối với Ban quản lý trực tiếp cần phải được đào tạo cơ bản kiến thức chung về văn hóa và di tích. Vai trò của người trực tiếp quản lý ở di tích là phải năm bắt được toàn bộ di tích về diện tích đất sử dụng, kiếm trúc của di tích, số lượng di vật, cổ vật trong di tích cũng như hiểu biết về tâm linh trong di tích nhằm phục vụ nhu cầu của người nghiên cứu, tìm hiểu và thăm quan di tích.

            1.3. Tăng cường cơ chế chính sách

Các cơ quan quản lý di tíchcần có một định hướng cụ thể cho công tác quản lý di tích. Cần có quy định, cơ chế, chính sách chủ động bảo tồn, phát huy giá trị của di tích đồng thời cùng nhau trao đổi, học tập kinh nghiêm và cách thức quản lývới những cơ quan quản lý di tích ở các địa phương khác. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hoá tiến bộ, lành mạnh phát triển trong các di tích, chủ động phòng, chống phá hoại di tích. Các ngành hữu quan cần có kế hoạch, biện pháp bảo tồn, giữ gìn các giá trị di tích.

Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm huy động được cao nhất sự tham gia của toàn xã hội; sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả sự đóng góp trí tuệ và vật chất của toàn xã hội cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tạo môi trường và điều kiện tốt nhất để công chúng được trực tiếp tham gia, đồng thời được trực tiếp hưởng thụ kết quả do hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa mang lại như: khuyến khích, huy động đầu tư kinh phí tu bổ di tích...

Cần đa dạng nguồn vốn cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DTLSVH. Đầu tư vốn thích hợp và có trọng tâm, trọng điểm cho các hoạt động bảo vệ, phát huy DTLSVH; đồng thời cần có chính sách thu hút nhiều nguồn vốn cho hoạt động này ngoài nguồn ngân sách như vốn tài trợ, vốn đóng góp của các cá nhân, tập thể...

            2. Nhóm giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị di tích

            2.1. Nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Cần nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích và coi đây là giải pháp cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đó cũng là giải pháp tích cực nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DTLSVH. Chúng ta cần tăng cường tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động thực hiện Luật DSVH để Luật đi vào cuộc sống và có hiệu lực trong thực tế, giúp các tổ chức, cá nhân hiểu được giá trị của di tích để từ đó sẽ có cách ứng xử với di tích tích cực hơn, tránh được tình trạng không hiểu luật mà vi phạm luật, ngăn chặn những hành vi xâm hại tới di tích.

Cần coi trọng giải quyết các mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của các cộng đồng cư­ dân trong toàn bộ các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DTLSVH, vốn là công trình văn hoá, tôn giáo tín ngư­ỡng của do nhân dân xây dựng và giữ gìn để phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Nhân dân không chỉ là những chủ nhân đầu tiên có trách nhiệm giữ gìn DTLSVH mà họ còn cần đ­ược thực sự hưởng lợi từ những hoạt động khai thác, phát huy giá trị di sản văn hoá của cộng đồng. DTLSVH đình Giàn là công trình tôn giáo, tín ngưỡng, nên “tính thiêng” vốn là một thuộc tính quan trọng của các di tích. Cần quan tâm giữ gìn tính thiêng của DTLSVH để bảo vệ và phát huy có hiệu quả giá trị DTLSVH.

            2.2. Tăng cường các hình thức bảo vệ, chống vi phạm tích và tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ, tu bổ tôn tạo

Ban VHTT phường Xuân Đỉnh, cần có kế hoạch phối hợp với các lượng như công an, thanh tra xây dựng...tiến hành kiểm tra, xử lý không để xảy ra các hiện tượng vi phạm về trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai, cảnh quan của di tích. Cần xử lý các trường hợp kinh doanh, buôn bán tại các điểm di tích nhằm hạn chế tối đa hiện tượng lấn chiếm vi phạm trong khu vực bảo vệ của di tích.

Cần đình chỉ các công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ, những công trình ảnh hưởng tới cảnh quan di tích. Đề nghị cơ quan cấp trên không cấp phép cho những công trình nằm trong khu vực bảo vệ của di tích, cũng như các công trình cơi nới thêm của các hộ dân. Động viên, khuyến khích các hộ dân tự nguyện di chuyển, trả lại cảnh quan, không gian cho di tích, đồng thời, thường xuyên kiểm tra có định kỳ nhằm ngăn chặn những vi phạm xảy ra.Tiếp tục đầu tư có trọng điểm trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích.

Kinh phí hoạt động là không thể thiếu đối với công tác quản lý, bảo vệ, tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, đây là vai trò của quản lý nhà nước, quản lý của cộng đồng đối với di tích. Đầu tư kinh phí cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích là một yếu tố quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Thực tế cho thấy trong nhiều năm qua, UBND quận Bắc Từ Liêm nói chung và UBND phường Xuân Đỉnh nói riêng đã rất quan tâm đến vấn đề này và đã dành rất nhiều nguồn kinh phí cho công tác tu bổ. Song việc tu bổ thì cần rất nhiều kinh phí. Nếu không có công tác xã hội hóa thì rất khó cho việc tu bổ. Tình trạng “muối bỏ bể”, kinh phí cấp chỉ đủ để lập hồ sơ là một vấn đề đã xảy ra và cần phải thay đổi. Chính vì vậy cần tăng cường đầu tư kinh phí cần gắn với công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là vai trò giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích.

            2.3. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý di tích

Trong những năm tới, cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của toàn dân trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích đình Giàn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, vận động sức dân là chính”, cần xây dựng các đề án xã hội hóa công tác quản lý DTLSVH. Nội dung xã hội hóa theo từng giai đoạn và bao gồm nhiều vấn đề như: xã hội hóa về bảo vệ di tích nhằm huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào việc giữ gìn, bảo vệ di tích tiến tới xóa bỏ được tình trạng xâm phạm, lấn chiếm di tích; xã hội hóa việc tu bổ, tôn tạo để huy động nhân dân đóng góp ủng hộ công sức, tiền của cho việc tôn tạo di tích; xã hội hóa về tuyên truyền, giới thiệu di tích để người dân thấy rằng việc tuyên truyền về di sản văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của các cấp chính quyền, Ban VHTT phường Xuân Đỉnh, Tiểu BQL di tích đình Giàn mà là trách nhiệm của toàn dân. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến xã hội hóa việc hưởng thụ các giá trị văn hóa, mọi người dân đều được hưởng thụ các giá trị từ di tích đem lại. Cần có cơ chế và chính sách thích đáng, phù hợp khuyến khích về mặt vật chất và tinh thần đối với các cá nhân, tổ chức khi đóng góp nguồn vốn vào tu bổ di tích.

            2.4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về di tích

Cần thực hiện có chất lượng và hiệu quả việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là sự phối hợp liên ngành, trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về DSVH, đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại việc xử lý dây dưa, kéo dài.

Thường xuyên kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất di tích đình Giàn để phát hiện sớm những sai phạm và có biện pháp xử lý kịp thời.Xây dựng mạng lưới cộng đồng, đề cao vai trò của ban thanh tra nhân dân trong việc thanh, kiểm tra các vi phạm về DTLSVH. Bởi vì, trên thực tế các cơ quan quản lý không thể thường xuyên kiểm tra và phát hiện sớm những vi phạm về di tích. Chính cộng đồng mới là lực lượng nòng cốt để theo dõi, giám sát các vi phạm xảy ra tại địa phương, trên cơ sở đó báo cáo các cơ quan chức năng và có biện pháp giải quyết kịp thời.

            2.5. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục

      Trong những năm tới quận Bắc Từ Liêm cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho phường Xuân Đỉnh tiếp tục xuất bản các ấn phẩm như sách, tờ rơi, tờ gấp, bưu ảnh để giới thiệu về cảnh quan DTLSVH đình Giàn. Có thể phát ấn phẩm, tuyên truyền ở các địa điểm thu hút khách tham quan, du lịch để cho du khách hiểu rõ về những giá trị tiềm ẩn trong di tích. Viết bài đăng trên các báo, tạp chí nhằm giới thiệu về giá trị của di tích với đông đảo bạn đọc.Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn sản xuất các thước phim giới thiệu về di tích đình Giàn để lưu trữ, bảo tồn và tôn vinh những giá trị của di tích.

            2.6. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học

            Trong thời gian tới, để công tác tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về DTLSVH phát triển mạnh, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về DTLSVH, chúng ta cần tập trung giải quyết tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau đây:

Tổ chức nghiên cứu xây dựng để sớm hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách và những quy định cụ thể đối với việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành về bảo tồn di tích, bảo tàng, mở các lớp bồi dưỡng chuyên ngành về DTLSVH; đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ và phát huy giá trị DTLSVH.

Xây dựng và triển khai chương trình hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ và và phát huy giá trị DSVH.

Tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, trong đó, về lĩnh vực DTLSVH, cần bổ sung mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ và phát huy giá trị DSVH.

Kết luận

Qua nghiên cứu, khảo sát thực trạng về công tác tổ chức và quản lý  di tích lịch sử văn hóa đình Giàn cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được còn có một số tồn tại cần được khắc phục. Những nhóm giải pháp cụ thể về các mặt như cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý; công tác quản lý nhằm gìn giữ; công tác quản lý nhằm phát huy giá trị di tích đã góp phần giảm đi những mặt còn hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích đình Giàn. Đồng thời, những giải pháp đó sẽ góp phần vào việc phát huy các giá trị của di tích này trong thời gian tới.

                                             Tài liệu tham khảo

1.   Ban Quản lý di tích Đình Giàn (2010), Di tích lịch sử văn hóa và lễ hội Đình Giàn, Hà Nội.

2.      Thành Thu Trang (2009), Di tích và lễ hội Đình Giàn, làng Cáo Đỉnh, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội, luận văn thạc sĩ ngành Văn hóa học, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.

3.          Đặng Văn Tô (2008),  Làng Giàn - Một làng xã cổ truyền Việt Nam, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa