Nội san

Dạng thức bố cục cơ bản của dòng tranh dân gian Đông Hồ

14 Tháng Chín 2017

Nguyễn Xuân Tám

 Giảng viên Khoa Thiết kế Đồ họa

 

Trong một tác phẩm nghệ thuật tạo hình, bố cục luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng để đảm bảo tác phẩm ấy đẹp về hình thức, phản ánh được giá trị nội dung. Những người sáng tạo nghệ thuật phải là những người làm chủ các phương tiện tạo hình, trong đó đặc biệt phải nắm chắc cách xây dựng bố cục. Với tranh Đông Hồ, yếu tố bố cục luôn rất được coi trọng, các dạng thức bố cục cơ bản, tương đối phong phú, đa dạng và đặc biệt luôn phù hợp với nội dung đề tài.

Tranh dân gian Đông Hồ là dòng tranh đã được khẳng định giá trị nghệ thuật qua nhiều đánh giá của các nhà nghiên cứu. Tranh đã đi vào đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước bởi nội dung sâu sắc, hình thức hấp dẫn, kỹ thuật thể hiện độc đáo. Nội dung và hình thức luôn có tính thống nhất, yếu tố bố cục đã được phân dạng và tổng hợp trong các đề tài theo các dạng thức có một giá trị nhất định, mỗi dạng thức bố cục có thế mạnh riêng để phản ánh hiệu quả nhất nội dung tương ứng.

1. Bố cục hình tròn, hình e-líp

            Hình tròn thường tạo liên tưởng đến sự vận động tuần hoàn của vũ trụ, những yếu tố động, xoay tròn, chuyển động… có trong quy luật tự nhiên. Bố cục dạng tròn là dạng bố cục có trọng tâm, gây cảm giác tập trung, quy tụ tạo ra sự đồng nhất và thường gây cảm giác chặt chẽ, trọn vẹn. Hình e-líp cũng có nhiều điểm chung với quy luật của hình tròn tuy nhiên nó gợi sức chuyển động theo chiều dài, ý nghĩa khái quát của hình cần hiểu thêm về sự biến thiên của quy luật đời sống.

            Dạng thức bố cục hình tròn được thể hiện rất rõ qua bức tranh Bịt mắt bắt dê  (Hình 1). Toàn bộ khung cảnh vui chơi của trò chơi dân gian bịt mắt bắt dê hiện lên ở trung tâm bức tranh quây thành một vòng tròn. Đôi trai gái đang hào hứng đuổi bắt con dê, chàng trai bị bịt mắt đang rất chủ động và hăng hái, hứng khởi nhập cuộc được sắp đặt ở gần chính giữa như một điểm bắt đầu dẫn mắt người xem vào những tình tiết tiếp theo của trò chơi. Cùng tham gia trực tiếp vào trò chơi là cô gái và con dê, cô gái như quên đi những bó buộc tâm lý đời thường, cô vung chân, tung váy rất thoải mái. Phía dưới, góc phải tranh là hình ảnh con dê dược thể hiện ở tư thế đang chạy dưới sự đuổi bắt của người chơi và được chặn lại bởi tấm liếp như khóa chặt bố cục bức tranh. Cả ba nhân vật chính trong trò chơi được thể hiện sinh động với các động tác hấp dẫn, mảng hình phong phú, nhịp điệu uyển chuyển. Phía sau chàng trai và cô gái là khán giả, những người cổ vũ cho trò chơi với nét mặt rất chăm chú cho thấy trò chơi hấp dẫn đến mức nào. Xét về mặt tình tiết câu chuyện ta thấy toàn bộ hình ảnh được dẫn dắt rất lôi cuốn, có trình tự. Có thể bắt đầu từ hình ảnh chàng trai đuổi bắt dê, hình ảnh con dê, cô gái, khán giả phía sau và kết thúc ở hình ảnh đôi nam nữ bên góc tranh tạo thành một vòng tròn liên kết và điểm kết thúc lại như chuẩn bị cho một điểm khởi đầu mới của vòng tròn tiếp theo, trò chơi sẽ còn tiếp diễn như hòa với không khí tưng bừng của mùa xuân. Màu trong tranh được khái quát bởi nâu, lục, trắng, nét đen và màu nền của giấy điệp nhưng vẫn đủ tạo ra sự hài hòa cần thiết. Đường nét sinh động, phóng khoáng vừa khái quát được hình vừa hỗ trợ cho các mảng màu. Các nét thẳng, cong, uốn lượn được sử dụng nhịp nhàng trong một tổng thể thống nhất. Mảng hình lôi cuốn được kết hợp lúc đặc, lúc thoáng, mảng dài, mảng ngắn phong phú tạo ra các khoảng trống sinh động gợi được không gian trong tranh mang tính chất ước lệ.

 

Hình 1: Tranh “Bịt mắt bắt dê” 

 

            Dạng bố cục tròn, e-líp còn được thể hiện trong rất nhiều bức tranh thuộc đề tài chúc tụng như Vinh hoa, Phú quý, Bé ôm tôm, Bé ôm cá… Các nhân vật thường được thể hiện đan xen thành một khối thống nhất cả về hình mảng, đường nét tạo thành một mảng lớn có xu hướng của hình e-líp trên nền giấy điệp. Với bố cục trên rất thuận lợi cho việc liên tưởng đến các yếu tố về sự thống nhất, khăng khít hay tròn trịa, đầy đặn… làm toát lên tư tưởng ẩn sau đề tài.

2. Bố cục hình tam giác, hình thang

            Bố cục dạng hình tam giác với đáy thường nằm song song hoặc hơi chếch so với đáy tranh tạo cảm giác vững chắc, khỏe khoắn, tin tưởng hoặc trường tồn. Dạng bố cục này thường được sử dụng để phản ánh các nội dung thuộc đề tài sinh hoạt, lịch sử, tạo ra kết cấu vững chãi, dễ quy mảng trong những tranh đông người để tránh sự hỗn loạn hay lộn xộn. Với các tranh có nội dung cần nhấn mạnh yếu tố vững vàng hoặc có xu hướng liên quan đến sự phát triển lên trên thì dạng thức bố cục hình tam giác, hình thang là lựa chọn tối ưu để tác giả thể hiện. Điều này được thấy rõ trong các tranh Đông Hồ như: Hứng dừa, Hiếu học, Thượng võ, Đấu vật, Bà Triệu…

            Nằm trong mảng đề tài vẽ về lễ hội và mùa xuân được thể hiện nhiều trong tranh dân gian Đông Hồ, bức tranh Đấu vật (Hình 2) là một trong những bức tranh tiêu biểu diễn tả hoạt động đấu vật trong các lễ hội của vùng Kinh Bắc xưa. Toàn bộ không gian tranh được thể hiện theo lối ước lệ, hình ảnh chính hiện lên ở trung tâm là ba cặp đô vật được sắp xếp trong một hình tam giác lớn với các tư thế, động tác khác nhau. Hai đô vật ngồi chờ ở hai bên và được hỗ trợ bởi hình ảnh của bánh pháo hết sức cô đọng nhưng cũng đủ nói lên toàn bộ không khí của lễ hội, gợi được không gian và thời gian khá cụ thể. Đấu vật là một môn võ cổ truyền có từ thời dựng nước để luyện quân và được tổ chức thi đấu rất nhiều trong các lễ hội truyền thống của dân tộc. Tính đối kháng giữa sức mạnh của các đô vật được các nghệ nhân Đông Hồ thể hiện một cách cô đọng và mang tính tượng trưng cao. Ba cặp đấu vật đóng khố theo phong tục truyền thống để lộ thân hình vạm vỡ, tráng kiện vừa cân tài vừa cân sức. Yếu tố cân sức cân tài còn được thể hiện ở việc nghệ nhân sắp xếp thành các cặp đôi trong những hình học vững chãi. Cặp đôi bên trái tạo thành một hình thang cân, cặp bên phải nằm trong hình bán nguyệt, cặp ở giữa nằm trong hình tam giác cân. Cả ba hình đều có đáy lớn nằm phía dưới vững chãi cùng với cách diễn tả hình ảnh, động tác tạo ra cảm giác khó thiên lệch về sức mạnh. Khi kết hợp cả ba đôi vật lại ta lại thấy toàn bộ hình ảnh nằm trong một hình tam giác cân. Yếu tố cân bằng không phân thắng thua càng được tăng thêm khi tác giả bố trí hai nhân vật ngồi chờ hai bên cánh gà có vóc dáng tương đồng. Hai bánh pháo thể hiện không khí của mùa xuân và lễ hội tưng bừng. Chỉ bằng những thủ pháp nghệ thuật tượng trưng mà các nghệ nhân Đông Hồ đã diễn tả được những giá trị cốt lõi của bức tranh khiến người xem cảm thấy thú vị.

 

Hình 2: Tranh “Đấu vật”

 

3. Bố cục theo hình vuông, hình chữ nhật

            Nếu như hình tròn là hình vô hướng, biểu hiện yếu tố vận động tuần hoàn của vũ trụ thì hình vuông lại mang các đặc điểm biểu hiện sự định hướng của con người trong cái hữu hạn tương đối của không gian. Hình vuông chứa đựng các yếu tố ngang bằng xổ thẳng, bốn phương tám hướng tạo cảm giác cân bằng, vuông vức và ổn định.  Bố cục dạng hình vuông, hình chữ nhật phù hợp với các đề tài thể hiện tính quy củ, có tổ chức hoặc tạo sự cân bằng có trên dưới, có trật tự trước sau. Tranh dân gian Đông Hồ có nhiều tác phẩm thể hiện theo lối bố cục dạng hình vuông, chữ nhật. Các mảng hình trong tranh thường được kết hợp sinh động liên kết tạo thành một kết cấu chặt chẽ trong các khuôn hình chữ nhật lúc ngang, lúc dọc theo đặc điểm của khổ tranh và theo từng nội dung cụ thể. Điều này được thấy trong các tranh như: Hạnh phúc, Lợn đàn, Gà đàn, Bé ôm phật thủ…

Trong bức tranh Lợn đàn (Hình 3) một bức tranh rất nổi tiếng vẽ con vật trong mười hai con giáp. Hình ảnh đàn lợn nổi bật trên nền tranh đông đúc được sắp đặt tài tình. Lợn mẹ được thể hiện ở góc nhìn ngang đã phô diễn toàn bộ sự béo tốt và những đặc điểm về hình dáng của con vật. Ở tư thế này toàn bộ đường cong trên thân con vật được kết hợp hết sức hài hòa tạo cảm giác uyển chuyển mềm mại. Trên thân lợn có hai xoáy âm - dương vừa tạo ra vẻ đẹp hữu hình vừa ẩn chứa quan niệm về ngũ hành. Bên cạnh là đàn lợn con đang quây quần bên lợn mẹ, mỗi con mỗi dáng vẻ, con muốn trèo lên lưng, con muốn chui xuống bụng, con mải mê đùa nghịch rất sinh động. Các hình ảnh giàu tính trang trí được kết hợp nhịp nhàng tạo thành một hình chữ nhật chặt chẽ mà không hề khô cứng làm toát lên vẻ đông đúc, đầm ấm phù hợp với mong ước về cuộc sống ấm no hạnh phúc, năm mới tăng gia sản xuất sung túc, đời sống đủ đầy.

 

Hình 3: Tranh “Lợn đàn”

 

Dạng bố cục hình chữ nhật cũng được thấy trong hai bức tranh khổ dọc Bé ôm phật thủ Bé cầm trái đào. Đây là hai trong số rất nhiều bức tranh của dòng tranh dân gian Đông Hồ có bố cục tranh dọc cùng thể hiện nột đề tài chúc tụng. Nhân vật chính thường là một cậu bé mũm mĩm, tươi tắn ngồi ôm những vật có ý nghĩa may mắn, hạnh phúc để chuyển tải cho từng nội dung. Trong bức tranh Bé ôm phật thủ (Hình 4), cậu bé ngồi ở tư thế như nửa quỳ, cẳng chân trái dựng đứng song song với cạnh dọc của bức tranh, chân phải co gập làm điểm ngồi và vuông góc với hướng của chân trái. Một tay đỡ quả phật thủ, một tay cầm cuống giơ cao ngang mặt. Khuôn mặt tròn phúc hậu được thể hiện với góc gần như chính diện và hơi hướng về phía quả. Toàn bộ cơ thể cậu bé, các bộ phận được sắp xếp theo các chiều hướng sinh động, lôi cuốn kết hợp với quả phật thủ tạo ra một kết cấu chặt chẽ trong khuôn hình chữ nhật đứng. Cái hay là ở chỗ sự đông đặc thường thấy trong khi sắp xếp theo hình chữ nhật đã được nghệ nhân giải quyết bằng tỉ lệ các mảng hình to nhỏ, khoảng trống tinh tế, chiều hướng phong phú, đậm nhạt hài hòa và nét vẽ mềm mại để tạo nên một không gian ước lệ đầy thú vị. Bức tranh Bé cầm trái đào (Hình 5) thường được treo theo cặp với bức Bé ôm phật thủ có nhiều điểm tương đồng trong cách giải quyết bố cục. Vẫn là cậu bé nhưng tư thế, động tác có nhiều thay đổi, nghệ nhân vẫn cho thấy sự khéo léo và tài tình đối với dạng bố cục này. Khi ghép hai bức tranh ở gần nhau thành một cặp ta lại thấy chúng dường như đăng đối nhau về nhiều mặt nhưng lại giữ được sự ăn nhập hài hòa hỗ trợ lẫn nhau, tôn nhau lên trong một tổng thể vừa tương phản vừa tương đồng tránh được sự nhàm chán.

 

Hình 4: Tranh “Bé ôm phật thủ”

 

Hình 5: Tranh “Bé cầm trái đào”

 

4. Bố cục theo nhịp điệu hình sin

            Nhịp điệu là một trong những nét đẹp điển hình của tự nhiên. Trong quy luật của vũ trụ, cuộc sống đã bao hàm nhiều yếu tố mang tính nhịp điệu như sóng nước, mây trôi hay những vận động mang tính quy luật được lặp đi lặp lại như ngày, đêm, sáng, tối. Đối với bố cục theo nhịp điệu hình sin, các họa sĩ đề cao yếu tố chuyển động, mềm mại và được lặp lại có tính toán để tạo ra hiệu quả thẩm mỹ. Điều đó cũng đã được các nghệ nhân Đông Hồ thể hiện rất thành công trong nhiều tác phẩm như Gà thư hùng, Công, Trạng chuột vinh quy, Đám cưới chuột, Đánh đu, Đấu mộc, Tố nữ, Tố nữ ngồi, Tố nữ đứng, Trê cóc kiện nhau, Phù Đổng Thiên Vương đại phá giặc Ân… Trong tranh Gà thư hùng (Hình 6) mô tả một gia đình nhà gà gồm gà trống, gà mái và đàn con quấn quýt, một hình ảnh thường thấy trong các tranh vẽ về các con vật thuộc 12 con giáp hoặc những con vật gần gũi với con người có những đức tính tốt để thể hiện những ý nghĩa ẩn dụ và hàm ý chúc tụng cho những điều mong ước của con người trong cuộc sống, gợi không khí đầm ấm, hạnh phúc gia đình với dòng chữ: “Lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông”. Hình ảnh uyển chuyển bắt đầu tính từ hình của mảng chữ nối sang đầu gà trống, lưng, đuôi, bụng, ngực nối sang hai chú gà con trên lưng vòng sang đuôi, cánh gà mái chạy xuống toàn bộ đàn con phía dưới đáy tranh từ phải sang trái tạo thành một đường lượn hoàn hảo có nhịp chuyển động lúc dài, lúc ngắn, quãng chuyển tiếp nhẹ nhàng, quãng lại đột ngột gấp khúc khiến ta khó mà rời mắt. Các mảng hình sinh động, phong phú về kích cỡ, màu sắc được nhắc lại nhịp nhàng có tính toán vừa tạo được sự cân bằng vừa dẫn dắt mắt người xem theo những trình tự của sự vật. Hình ảnh gà trống tượng trưng cho nhân vật trụ cột gia đình với tư thế đầu ngẩng cao rất oai hùng, gà mái mẹ cúi đầu sát đất che chở đàn con với hình vẽ theo xu hướng xoay tròn có vẻ nũng nịu. Đàn gà con mỗi chú mỗi vẻ đều như rất mãn nguyện hưởng thụ cuộc sống no đủ, hạnh phúc, bình an bên sự che chở của cha mẹ. Tranh mang giá trị thẩm mỹ cao, được nhân dân ưa thích và thường treo trang trí trong nhà với mong ước một cuộc sống hạnh phúc viên mãn.

 

Hình 6: Tranh “Gà thư hùng”

 

Yếu tố nhịp điệu cũng được thể hiện rõ trong tranh Đấu mộc (Hình 7). Toàn bộ các nhân vật trong tranh hiện lên theo hình sin chuyển động từ trái sang phải như nhịp của sóng nước tạo nên yếu tố động để phản ánh một phần nội dung cần diễn giải. Bức tranh vẽ về hoạt động đấu mộc, một trong những môn võ để rèn sức khỏe cho trai tráng trong các hoạt động luyện quân và được duy trì trong các làng xóm xưa kia. Hình ảnh các nhân vật, người ngồi nghỉ đợi đến lượt, người vung dao, người co chân… tạo ra một nhịp liên hoàn có tính thống nhất. Màu sắc tối giản, đậm nhạt được xử lý cô đọng, hình ảnh các đấu sĩ với tay cầm mác, tay cầm lá chắn, cởi trần đóng khố được lặp lại trên mặt tranh mà chỉ thay đổi tư thế, động tác và một vài chi tiết càng làm cho tính nhịp điệu được tăng lên.

Hình 7: Tranh “Đấu mộc”

Một tác phẩm tạo hình muốn chuyển tải được nội dung tư tưởng đến với người xem, trước tiên cần thông qua ngôn ngữ của hình mảng, đậm nhạt, đường nét, màu sắc... Điều cốt lõi để các yếu tố thuộc ngôn ngữ của nghệ thuật trở nên có giá trị về thẩm mỹ thì việc tổ chức, sắp xếp các yếu tố tạo hình đó được gọi là nghệ thuật bố cục. Bố cục đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong một tác phẩm nghệ thuật, nó có thể được hình thành trong công đoạn người nghệ sĩ xây dựng tác phẩm nhằm thỏa mãn ý tưởng về nội dung, và được kiểm soát trong suốt quá trình sáng tạo và hoàn thiện tác phẩm. Tranh dân gian Đông Hồ mang đầy đủ những yếu tố đặc trưng của một dòng tranh riêng biệt, chất liệu độc đáo, bố cục đa dạng tạo được ý vị thẩm mỹ riêng. Bên cạnh giá trị nội dung, tranh dân gian Đông Hồ đã đạt đến giá trị nghệ thuật cao trong xử lý bố cục, cách điệu hình, màu sắc độc đáo hấp dẫn, nét vẽ sinh động./.