Nội san

Một số vấn đề đặt ra và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di tích Tiên Động

14 Tháng Chín 2017

 

Nguyễn Thị Mai Hương [*]

 

Di tích Tiên Động (xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Nguyễn Quang Bích với phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Di tích Tiên Động giữ một vị trí hết sức quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc; ảnh hưởng to lớn trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân huyện Cẩm Khê nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, là một di sản văn hóa có ý nghĩa và giá trị quan trọng, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế, du lịch của địa phương. Vì vậy vấn đề quản lý di tích lịch sử là vấn đề quan trọng và hết sức cần thiết. Trong quá trình quản lý di tích Tiên Động, các cấp, các ngành của tỉnh Phú Thọ, huyện Cẩm Khê và Ban quản lý đã có nhiều cố gắng để thực hiện tốt nhiệm vụ đối với di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, một số vấn đề đặt ra tại di tích Tiên Động còn hạn chế trong quá trình quản lý. Vì vậy, tác giả mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di tích Tiên Động trong thời gian tới:          

Một là,  giải pháp về chính sách

Hoàn thiện bộ máy quản lý: Tổ chức bộ máy quản lý di tích lịch sử văn hóa (DT LSVH) không chỉ nhằm hạn chế và khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay mà góp phần tạo nên tiền đề cơ sở cho việc thực hiện những kiến nghị về chuyên môn. Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ đã ban hành các văn bản hướng dẫn và tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản có tính chất chỉ đạo các cấp, các ngành, phối hợp thực hiện đảm bảo công tác bảo vệ và phát huy giá trị DT LSVH trên toàn tỉnh nói chung và huyện Cẩm Khê nói riêng.

Hoàn thiện cơ chế chính sách về  bảo tồn DSVH, trong đó có DT LSVH trên cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách sao cho phù hợp với hiện tại và tương tai. Đưa ra các văn bản mới về quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn vốn trong việc bảo vệ phát huy giá trị DSVH nói chung và DT LSVH nói riêng,  nhưng văn bản phải cụ thể về việc khoanh vùng, cắm mốc giới, giải phóng mặt bằng để bảo vệ DT LSVH, đặc biệt là các di tích đã được xếp hạng.

Hoàn thiện cơ chế quản lý DSVH theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của từng lĩnh vực hoạt động. Phân rõ nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, bảo vệ tu bổ trực tiếp di tích với nhiệm vụ của Sở VHTT&DL, Phòng VH&TT. Thực hiện việc quản lý DT LSVH theo hướng chính quyền các cấp, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với DT LSVH, việc quản lý được phân cấp cụ thể như sau:

            - Với cấp tỉnh: Sở VHTT&DL thực hiện việc kiểm kê, phân loại di tích theo các tiêu chí của Luật DSVH; lập hồ sơ di tích trình Bộ VHTT&DL. Phối hợp tổ chức với các ban ngành chức năng thẩm định các quy hoạch, dự án về bảo tồn DSVH; Tổ chức khảo sát tu bổ các công trình DT LSVH bằng nguồn vốn của trung ương, của tỉnh và nguồn xã hội hóa (XHH).

            - Với cấp huyện: đối với UBND huyện Cẩm Khê cần triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn và và phát huy giá trị DT LSVH trên địa bàn huyện. Chỉ đạo Phòng VH&TT huyện khảo sát các DT LSVH có đầy đủ, điều kiện, tiêu chí đề nghị Sở VHTT&DL lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng, ghi nhận di tích, địa điểm cách mạng.

- Với cấp xã/thị trấn: UBND các xã, thị trấn cần củng cố kiện toàn ban quản lý di tích cơ sở, xây dựng quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên, sử dụng kinh phí và tiền công đức minh bạch công khai. Đề nghị UBND huyện chỉ đạo Phòng VH&TT phối hợp cùng BQL DT tổ chức khảo sát lập hồ sơ xếp hạng, ghi nhận các di tích, địa điểm lịch sử văn hóa, cách mạng đủ tiêu chí theo Luật DSVH.

Hoàn thiện chính sách tài chính: Trong công tác quản lý di tích Tiên Động, để phù hợp với công tác quản lý hiện nay, ban quản lý di tích Tiên Động cần tham mưu cho UBND huyện ban hành các quy định:

- Quy định về quản lý di tích, phân định rõ trách nhiệm quản lý cũng như lợi ích kinh tế của mỗi bên nhưng phải đảm bảo yếu tố thống nhất trong quản lý như: Toàn bộ tiền công đức, nguồn xã hội hóa phải do nhà nước quản lý, vì đây là nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân.

Về quản lý trùng tu, tôn tạo di tích phải giao cho cơ quan chuyên môn thực hiện theo Luật Di sản, Nghị định số 70/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/9/2012 và Thông tư số 18/2012/TTBVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ VHTT và DL. Về quản lý tiếp nhận công đức bằng hiện vật như tượng, pháp khí và đồ thờ tự, hoành phi, câu đối... Ban quản lý Tiên Động trực tiếp kiểm tra, chọn lọc và tiếp nhận hiện vật để tránh các hiện vật được công đức không đúng mục đích, ngoại lai đưa vào di tích...

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục: Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức với những thành phần đối tượng khác nhau. Tổ chức tập huấn theo từng nhóm đối tượng, tổ chức thi tìm hiểu về Luật DSVH, phát động thi đua tìm hiểu về các nhân vật lịch sử, sự kiện. Khuyến khích chi bộ Đảng các xã, thị trấn, khu dân cư tổ chức sự kiện quan trọng tại di tích. Tuyên truyền, vận động kêu gọi con em quê hương đang công tác trong và ngoài huyện, khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân và nhân dân tham gia vào hoạt động bảo tồn, chống xuống cấp các di tích. Nâng cao nhận thức pháp luật về DSVH cho toàn thể cộng đồng. Khuyến khích, tới tinh thần tự nguyện, tự giác của nhân dân trong việc thực hiện các dự án bảo tồn di sản văn hóa tại cơ sở.

Đơn vị trường học tổ chức cho các em học sinh tham quan học tập, dã ngoại tâm linh tại di tích trên địa bàn huyện tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của DT LSVH tai địa phương. Triển khai tuyên truyền các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của của di tích Tiên Động vào chương trình giáo dục địa phương tại các trường học. Biên soạn những tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu về những sự tích gắn với di tích, xây dựng phóng sự, tin bài, vi deo giới thiệu các bài hát, hình ảnh con người, các di tích tiêu biểu ở huyện Cẩm Khê đến với du khách và bạn bè huyện ngoài.

Tăng cường nguồn nhân lực: Việc quản lý DT LSVH là một nội dung mang tính khoa học, đảm bảo tính chuyên môn cao. Do đó cần đòi hỏi cần có đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực thực sự mới đủ kh năng để nghiên cứu, bảo vệ , tôn tạo và phát huy giá trị của di tích theo đúng chuyên ngành. Đầu tư hơn trong công tác đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị DT LSVH đang trở thành nhu cầu cấp bách không chỉ ở huyện Cẩm Khê mà  là nhu cầu của toàn ngành VH,TT&DL. Mở rộng quy mô đào tạo càn bộ chuyên môn, từ cấp Sở VHTTDL, phòng VH&TT huyện Cẩm Khê cần thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý DT LSVH ở cơ sở. Ban quản lý DT xã/thị trấn hoạt động kém hiệu quả khiến cho hoạt động của di tích không đúng nội quy, quy chế, không đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Đối với di tích không có nguồn thu, UBND huyện Cẩm Khê cần phải hỗ trợ kinh phí từ ngân sách của huyện để trích một khoản thù lao cho những người trông coi di tích.

Hai là, giải pháp tổ chức và thực hiện

Chú trọng chất lượng công tác tôn tạo, trùng tu di tích: Bảo tồn di tích là nhân tố quan trọng của phát triển bền vững dựa trên cơ sở ngăn ngừa tối đa những xâm thực có thể từ môi trường hoạt động kinh tế xã hội. Phát triển không gian một cách bền vững, trên cơ sở tận dụng khai thác tối đa yếu tố địa hình, địa vật, cảnh quan thiên nhiên. Toàn bộ khu vực trung tâm Tiên Động. Sửa chữa lại tuyến đường hành hương nội vi và ngoại vi của di tích, cải tạo cảnh quan, trồng thêm nhiều cây xanh đặc biệt là Thông, Tùng, Trúc, Mai. Cải tạo lại hệ thống kỹ thuật, cơ sở hạ tầng bố trí mở rộng các bãi đỗ xe...

Phát huy giá trị di tích song song với phát triển du lịch: Ban quản lý phối hợp với các ban, ngành liên quan tiến hành tham mưu với UBND tỉnh Phú Thọ, Thành phố Việt Trì xây dựng chính sách ưu đãi thông thoáng nhằm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực du lịch. Tiên Động là nơi gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, là chốn linh thiêng, hướng về cội nguồn, để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho mọi thế hệ người dân Việt Nam. Phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp Thiền, sử dụng lá tắm, ngâm chân, bằng thuốc nam...Du lịch thể thao: khai thác thế mạnh về đại hình; phát triển các môn thể thao truyền thống; phối hợp với Sở VHTT và DL Phú Thọ. Xúc tiến du lịch Tiên Động: Sản xuất các sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa của vùng trung du miền núi để tạo thương hiệu riêng cho địa bàn khu di tích. Sản xuất các ấn phẩm tuyên truyền quảng bá, như tờ rơi, tập gấp, bản đồ du lịch phục vụ tuyên truyền quảng bá...Tổ chức hội thảo, hội nghị tại các thị trường tiềm năng như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định đặc biệt là các tỉnh miền Trung, Nam Bộ. Tổ chức các đoàn khảo sát cho các công ty lữ hành trong nước và quốc tế tham quan các điểm du lịch của Tiên Động và thành phố Việt Trì.

Phát huy vai trò của cộng đồng: Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DSVH cả nước nói chung và huyện Cẩm Khê nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế đang trên đà phát triển như hiện nay. Đưa di tích gần gũi với cộng đồng hơn nữa, vì cộng đồng không chỉ là chủ thể quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị di tích mà họ còn được hưởng lợi từ những hoạt động khai thác, phát huy giá trị DT LSVH. Di tích được hình thành từ chính cộng đồng, phục vụ cộng đồng và được sự ủng hộ của cộng đồng. Vì vậy, trước tiên giáo dục để nâng cao nhận thức, nhằm thay đổi nhận thức của người dân về giá trị, vai trò của DT LSVH. Trong nhà trường, từ việc giảng dạy, đưa học sinh tham quan di tích để từng bước giáo dục cho các em học sinh về ý thức, trách nhiệm yêu, bảo vệ và giữ gìn DSVH của đất nước, quê hương mình, đây là giải pháp thực hiện thường xuyên và liên tục. Đó là giải pháp tích cực nhằm thực hiện có hiệu quả chủ chương xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DT LSVH. Luôn coi trọng mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DSVH.

Ba là, giải pháp về công tác quản lý

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra: Thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất xây dựng mạng lưới cộng đồng, tận dụng vai trò của ban thanh tra nhân dân và có các hình thức xử phạt thích đáng. Ngoài ra cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thực hiện nghiêm Chỉ thị 27/CT-T.Ư, ngày 12/1/1998 của Bộ chính trị(khóa VIII) và Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Nghị định số 11/2006/NĐ - CP ngày 18/1/2006 của Chính Phủ ban hành kèm theo quy chế hoạt văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Thường xuyên thanh, kiểm tra, đôn đốc, xử lý các hiện tượng vi phạm theo Nghị định 56/2006/CP ngày 6/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin. Sở VHTT và DL Phú Thọ có kế hoạch rút kinh nghiệm và chỉ đạo kịp thời đối với Ban quản lý di tích Tiên Động trong quá trình bảo tồn và phát huy di tích. Tích cực kiểm tra việc trùng tu, tôn tạo di tích. Tổ chức lễ hội, trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, tránh phô trương hình thức, khuyến khích tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng lành mạnh, phong phú.

            Tổ chức kiểm kê và xếp hạng di tích

Tiến hành công tác kiểm kê các loại hình DSVH trên địa bàn, phân loại, xếp hạng chính xác các loại hình di vật, cổ vật.

Kiểm tra hoạt động bảo tồn các khu vực di tích khảo cổ: Tiến hành thăm dò, xác định ranh giới khu vực bảo vệ; lập hồ sơ di tích; lập phương án bảo vệ khu vực; lập dự án khai quật các di khảo cổ dưới lòng đất; lập phương án bảo vệ lâu dài và trưng bày các di vật khảo cổ

Tiến hành các biện pháp chuyên môn để đảm bảo giữ hiện trạng nguyên gốc. Lập dự án bảo tồn chi tiết đối với từng di chỉ khảo cổ. Tổ chức các hội thảo,  trên cơ sở thực tế tiến hành khai quật để trưng bày và phục dựng mô hình trên cơ sở tư liệu đã khai quật được.

Lập bảng tổng điều tra và lập hồ sơ khoa học, nghiên cứu văn hóa phi vật thể để bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản này. Tiến hành phục dựng các nghi lễ, diễn xướng, làng nghề...trên cơ sở kết quả điều tra, nghiên cứu các giá trị văn hóa phi vật thể. Bảo tồn duy trì lễ hội dân gian hàng năm, ghi chép lại bằng hình ảnh, tuyên truyền, quảng cáo dựng phim, xuất bản các ấn phẩm, sách báo, ấn phẩm, tranh ảnh giữ gìn trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư. Xây dựng các chương trình sân khấu với các vở kịch, hát tấu mô phỏng theo truyền thuyết dân gian...

Tăng cường công tác xử lý vi phạm di tích: Phối hợp các ban ngành trong công tác xử lý vi phạm di tích là rất cần thiết và quan trọng. Vì vậy ban quản lý di tích lên kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa Ban quản lý xã/thị trấn, bộ phận trực tiếp trông coi di tích với lực lượng công an xã, có liên lạc kịp thời khi phát hiện vi phạm.

Xây dựng kế hoạch dài hạn về giải tỏa xâm phạm di tích gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn của từng xã/thị trấn và toàn huyện Cẩm Khê. Đưa ra những biện pháp hỗ trợ, di dời những hộ dân sinh sống trong phạm vi khoanh vùng của di tích trên cơ sở có biện pháp đền bù hay di dời những hộ dân ra khỏi vùng di tích. Các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm: quy định tại mục 6, Chương II Nghị định số 75/2010 NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ trong lĩnh vực DSVH với 06 mức xử phạt từ 1 đến 20 triệu đồng. Như vậy hầu như những hành vi vi phạm di tích đều có chế tài xử phạt, mức cao nhất lên đến 40 triệu đồng kèm với hình phạt bổ xung và khắc phục hậu quả.

Thúc đẩy hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích: Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tiên Động luôn được coi là một định hướng đúng đắn trong quá trình hoạt động của Ban quản lý Tiên Động. Do vậy những hoạt động cần thực hiện ngay của Ban quản lý đều có ý nghĩa chiến lược, mang tính chất lâu dài:

Việc bảo tồn các di tích, tuân thủ những nguyên tắc về bảo tồn, tôn tạo di sản mà Bộ VHTT và DL ban hành, trong đó bảo đảm tuyệt đối tính nguyên gốc. Có kế hoạch chi tiết trong ranh giới để làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý đầu tư xây dựng và thực hiện các dự án trung và ngắn hạn, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, bền vững môi trường. Đề phòng ngừa sự cố hỏa hoạn tại các điểm trong khu di tích. Ngăn cấm các hoạt động: chặt phá cây rừng, săn bắt động vật, thay đổi cảnh quan ; làm hư hại các di tích kiến trúc, di tích khảo cổ học; xây dựng công trình, quản lý giám sát các hoạt động du lịch, hoạt động kinh tế để có biện pháp xử lý, điều chỉnh kịp thời những ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên khu vực nhất là nhà ở, lều quán xây dựng tự phát. 

Tóm lại, quản lý di tích là một hoạt động quan trọng của cơ quan quản lý văn hóa. Khi tiến hành nghiên cứu về công tác quản lý, nên nắm được bản chất của đối tượng quản lý để từ đó có những giải pháp thích hợp trong việc triển khai các vấn đề trên hai phương diện lý thuyết và thực tiễn như. Di tích lịch sử văn hóa Tiên Động và DT LSVH nói chung trên địa bàn huyện Cẩm Khê với các giá trị văn hóa phi vật thể nơi đây đã tạo nên bức tranh đa màu sắc trong truyền thống lịch sử văn hóa dân cư của vùng đất Suối Gấm xưa và nay. Chúng có tác dụng to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, truyền thống văn hóa cho người dân. Đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng và sự phát triển văn hóa, kinh tế-xã hội vùng trong thời kỳ CNH, HĐH. Do đó bảo vệ và phát huy giá trị của di tích là nền tảng, động lực cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển địa phương ở hiện tại và tương lai. Quản lý di tích Tiên Động là nhân tố ảnh hưởng đến sự bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, qua đó ảnh hưởng đến mức độ đóng góp của nghành du lịch cũng như sự phát triển chung về KT-XH của tỉnh Phú Thọ nói chung và huyện Cẩm Khê nói riêng.

 

                                          Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Cẩm Khê (2012), Kỷ yếu Đảng bộ huyện Cẩm Khê 65 năm xây dựng và phát triển 1947-2012.

2. Ban chấp hành Đảng bộ xã Tiên Lương (2013), Lịch sử Đảng bộ xã Tiên Lương 1948-2013, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.

3. Tạ Huy Đức (1996), Hồ sơ di tích căn cứ Tiên Động, Tư liệu Phòng VH&TT huyện Cẩm Khê.

4. Hội khoa học lịch sử Việt Nam (2011), Kỷ yếu về danh nhân Nguyễn Quang Bích với phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX.

5. Đinh Xuân Lâm (chủ biên), (2013), Đinh Nguyên Hoàng Giáp, Ngư   Phong Nguyễn Quang Bích, Nxb Văn học, Hà Nội.

6. Ngô Quang Nam (2008), Tiểu thuyết lịch sử Ngư Phong tướng công, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

7. Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Khê (2011), Đề án 1049/ĐA-UBND, Về việc xây dựng và phát triển khu di tích lịch sử Tiên Động thành điểm văn hóa, tín ngưỡng.

8. Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Khê (2012), quyết định số 257/QĐ-UBND, Về việc thành lập Ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia căn cư Tiên Động.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa