Nội san

Phương pháp nâng cao chất lượng dạy học hát cho sinh viên tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ thuật Lào

22 Tháng Chín 2017

 Amonelath Santyvong [*]

 

Chúng ta có thể hiểu phương pháp dạy học hát là cách thức, con đường chuyển tải những kiến thức về khoa học thanh nhạc; hình thành, phát triển các kĩ năng nhận thức và hoạt động hát cho người học là một hệ thống những hành động có mục đích của giáo viên nhằm tổ chức hoạt động nhận thức và thực hành kỹ năng hát của sinh viên như tư thế, khẩu hình, hơi thở, các kỹ thuật hát legato, staccato, hát to, nhỏ… nhằm đạt được mục tiêu dạy học.

Đối với cơ sở đào tạo giáo viên âm nhạc tại trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ thuật Lào, mục đích đào tạo bộ môn Hát trong ngành Sư phạm âm nhạc là giúp cho sinh viên có thể thể hiện được các bài hát trong chương trình môn học và sau này có khả năng đảm nhiệm được việc dạy hát trong nhà trường phổ thông.

Qua tìm hiểu thực tế tại một số trường phổ thông trên địa bàn đất nước Lào, chúng tôi thấy rằng, giáo dục âm nhạc nói chung và ca hát nói riêng đóng vai trò quan trọng trong nhà trường phổ thông, giúp học sinh phát triển toàn diện, nâng cao năng lực thẩm mỹ, bồi đắp nhân cách, đạo đức, trí tuệ…

Giáo dục âm nhạc trong nhà trường phổ thông được thể hiện thông qua nhiều môn học như hát, tập đọc nhạc, thường thức âm nhạc… thì trong đó, hát là một hoạt động chủ yếu vì hát được học sinh dễ dàng thực hiện nhất, dễ tiếp thu nhất và yêu thích nhất.

Trong tuyển sinh, hàng năm các thí sinh tham gia thi vào hệ Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc, đối tượng dự thi là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (18 tuổi trở lên). Ở độ tuổi này các em phát triển tương đối toàn diện thể chất, tâm sinh lý, trí tuệ, đặc biệt là bộ máy phát âm (miệng, vòm họng, mũi, thanh quản), điều kiện thuận lợi cho học nghệ thuật nói chung, môn Hát nói riêng. Thí sinh phải thi về năng khiếu hát và múa (thí sinh phải hát một ca khúc tự chọn và múa lăm vông). Điều này thuận lợi cho việc đào tạo môn Hát và Múa sau này vì các em có khả năng về múa và hát mới trúng tuyển.

Do tuyển sinh như vậy nên nhìn chung, các sinh viên có giọng hát, đáp ứng được yêu cầu đào tạo của môn Hát trong chương trình CĐSP Âm nhạc. Tuy nhiên, là người trực tiếp giảng dạy môn Hát tại khoa SPAN, tôi nhận thấy còn có một số hạn chế sau trong khả năng hát của sinh viên CĐSP Âm nhạc:

Trong nội dung thi không có môn Thẩm âm - tiết tấu nên có một số em có giọng hát nhưng khả năng thẩm âm yếu, khó khăn trong học xướng âm và phần nào trong việc hát chính xác học giai điệu của bài hát.

  Qua quan sát giờ dạy của giảng viên, tôi nhận thấy còn có một số bất cập và tồn tại trong tiết học, điều đó thể hiện ở việc vận dụng phương pháp trong dạy bài hát. Phương pháp trực quan trong dạy hát chính là cho sinh viên được nghe bài hát nhằm giúp sinh viên có cảm nhận về âm nhạc, bước đầu các em được tiếp xúc, làm quen với giai điệu, lời ca của bài hát. Giảng viên mới chỉ làm mẫu bằng cách đàn giai điệu bài và hát bài hát cho học sinh nghe chưa khai thác làm mẫu từ băng, đĩa nhạc bài hát. Trong khi dạy hát từng câu theo lối móc xích, giảng viên yêu cầu cả lớp hát từng câu nhiều lần như vậy làm cho một số em tỏ ra mệt mỏi... Vấn đề này lẽ ra phải yêu cầu SV về nhà học bài trước, đến lớp chủ yếu luyện hát đúng kỹ thuật, hát hay và đồng đều. Với bài hát Đen heng it sa la (Đất nước tự do) có một số em còn hát không đúng câu, đúng nhịp, hát sai giai điệu và không chú ý hơi thở.. Trong việc đánh giá, giảng viên ít để sinh viên tự nhận xét, ít nói lên ý kiến về cảm nhận của mình...

Việc dạy học môn Hát với số lượng rất đông thực sự rất bất cập, GV hết sức vất vả, SV khó khăn trong tiếp cận kỹ thuật nên thường chỉ đạt được mục tiêu hát đúng bài, đúng các bè và xử lý tác phẩm ở mức vừa phải, không đạt tới tính nghệ thuật cao bởi chất giọng của SV không được qua một quá trình rèn giũa thanh nhạc đích thực. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, chúng tôi đề xuất các phương pháp dạy học môn Hát tại trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ thuật Lào như sau:

Một là, lựa chọn một số bài hát bổ sung vào nội dung chương trình

            Bổ sung quy định về các bài hát (dân ca, ca khúc phổ thông, ca khúc thiếu nhi, bài hát nước ngoài…) được sử dụng vào nội dung chương trình. Để phù hợp với hát tập thể cần có một số tiêu chí lựa chọn như sau:

- Có nội dung mang tính giáo dục

      - Có chất lượng nghệ thuật

- Kỹ thuật không quá khó và có đủ những kỹ thuật cần thiết: legato, staccato, hát nhấn, luyến, láy, ngân dài, sắc thái to-nhỏ…

- Có nhịp điệu rõ ràng, dễ hát, ít đảo phách, ít ngâm ngợi.

- Giai điệu không quá khó, âm vực trong phạm vi quãng 10-12.

- Đa dạng về thể loại: Dân ca Lào, ca khúc phổ thông, ca khúc nước ngoài, ca khúc thiếu nhi…

- Đa dạng về tính chất: trữ tình, vui hoạt, mạnh mẽ, ngợi ca… 

            Hai là, lựa chọn các bài hát Lào

Chúng tôi dự kiến trong nội dung chương trình mỗi học kỳ phải học được ít nhất 02 bài dân ca Lào. Cần quy định một số bài để có thể lựa chọn như Hoa Chăm Pa,  Sai lôm dên(xem phụ lục 1, bài số 1-2; tr.92-93) cho học phần I và bài Đok bua thong, Lào đuang đươn (xem phụ lục 1, bài số 3; tr.94) cho học phần II. Đây là những bài có giai điệu đẹp, nội dung có ý nghĩa, tầm cữ phù hợp với SV CĐSP Âm nhạc, kỹ thuật hát không khó và có thể dùng hát tập thể cũng như đơn ca, sau này có thể dạy cho học sinh phổ thông.

Trong các ca khúc Lào có những bài mang âm hưởng dân ca. Đây là những ca khúc có sự kết hợp phong cách âm nhạc cổ điển phương Tây với chất liệu âm nhạc dân gian Lào.

Để phù hợp với hát tập thể không nên chọn những bài có kỹ thuật khó mà chọn những bài có nhịp điệu dễ hát, ít đảo phách, ít ngâm ngợi, rõ tiết tấu, giai điệu không quá khó, âm vực trong phạm vi quãng 10-12. Cần quy định mỗi học phần hát từ 4-5 bài ca khúc Lào.

Trong chương trình môn Hát có ca khúc thiếu nhi nhưng nội dung chương trình không quy định là những bài nào. Cần quy định mỗi học phần hát từ 2-3 ca khúc thiếu nhi và lựa chọn một số bài hát thiếu nhi phổ biến của nước Lào, có chất lượng nghệ thuật và thường được các trường phổ thông ở Lào có dạy âm nhạc đưa vào dạy hát cho học sinh.

Bên cạnh những bài hát Lào thì trong chương trình cần có một số bài hát của nước ngoài nhằm phát triển giọng hát và mở rộng vốn kiến thức cho SV. Nên lựa chọn các bài phù hợp với khả năng của SV và phù hợp với hát tập thể để có thể hát đều, lưu ý khi lựa chọn ca khúc nghệ thuật chỉ nên lựa chọn những ca khúc có độ khó vừa phải, hình thức không quá lớn. Cần quy định mỗi học phần hát khoảng 2 ca khúc nước ngoài.

Ba là,  rèn luyện một số kỹ thuật hát

Rèn luyện kỹ thuật hát rất quan trọng, trên thế giới rất hiếm có giọng hát hay bẩm sinh mà không cần rèn luyện. Các kỹ thuật hát về hơi thở, khẩu hình, cộng minh, hát liền giọng (legato), nảy âm (staccato), ngắt âm (non legato), hát nhanh, hát luyến, ngân dài, to-nhỏ… đều cần phải được rèn luyện, đặc biệt đối với người học hát chuyên nghiệp thì việc rèn luyện này còn hết sức khắt khe, kiên trì, thường xuyên. Với sinh viên sư phạm âm nhạc ra trường trở thành giáo viên dạy hát ở phổ thông thì yêu cầu rèn luyện các kỹ thuật hát không cao như chuyên nghiệp nhưng cũng đều phải được học hầu hết các kỹ thuật nêu trên. Tuy vậy, dạy môn Hát cho hệ CĐSP Âm nhạc ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ thuật Lào chỉ thực hiện trong 1 năm, phương thức là học tập thể nhiều SV nên các kỹ thuật chỉ nên học một cách vừa phải không sâu như chuyên nghiệp và chỉ học những kỹ thuật cơ bản nhất như tư thế, khẩu hình, vị trí âm thanh, hát legato, staccato, thể hiện to-nhỏ, luyến láy…

Bốn là,  tư thế hát

Đối với sinh viên sư phạm âm nhạc, việc chú ý đến tư thế khi hát không chỉ là yêu cầu trong quá trình luyện tập để hát đúng, hát hay mà còn để sau này áp dụng vào thực tiễn giảng dạy ở phổ thông.

Có rất nhiều tư thế hát: đứng, ngồi, hai trường hợp này thường sử dụng trong học hát hoặc hát tập thể, hát hợp xướng…; trong biểu diễn có hát kết hợp đi lại, hát kết hợp nhảy múa; trong opera còn có nhiều tư thế hơn như quỳ hát, nằm hát, vừa bò vừa hát… Trong dạy học môn Hát cho SV CĐSP Âm nhạc Cao đẳng Sư phạm dục Nghệ thuật Lào, ở luận văn này chúng tôi chủ yếu bàn đến tư thế đứng hát với mục đích phục vụ cho việc luyện kỹ thuật. 

Rèn luyện tư thế khi hát là một trong những điều kiện cần thiết để tạo ra nền tảng ban đầu cho quá trình luyện thanh đối với mỗi sinh viên. Đây được coi là bài học đầu tiên để có thể nâng cao kỹ thuật và phát triển giọng hát.

Năm là, khẩu hình

Khẩu hình đúng ảnh hưởng đến độ vang, tròn hay bẹt của âm thanh. Khẩu hình ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn miệng của người hát. Khẩu hình mở hẹp, bí khiến người xem cảm giác bị sít vào nhau, khẩu hình mở to quá cũng không đẹp, khiến môi và má hoạt động liên tục một cách thái quá cũng tạo sự phản cảm. Khẩu hình đẹp là mở tròn, rộng vừa phải, thoải mái, mềm mại, tươi tắn.

Trong vấn đề khẩu hình không chỉ có hoạt động của khuôn miệng, của môi, cằm (đó là khẩu hình ngoài) mà còn liên quan đến nhiều bộ phận khác như lưỡi, răng, hàm ếch… (là khẩu hình trong). Khẩu hình ngoài và trong phải có sự phối hợp nhịp nhàng mới tạo được sự thuận lợi, thoải mái khi hát.  

Việc rèn luyện khẩu hình nên được áp dụng ngay từ những năm đầu tiên của việc học hát bởi vì rèn luyện khẩu hình sẽ tạo cho sinh viên thói quen mở khẩu hình đúng và mềm mại khi hát. Điều này không chỉ giúp cho việc luyện tập hát nâng cao giọng hát mà còn giúp sinh viên có khẩu hình đẹp, thẩm mỹ khi hát.

Sáu là,  hơi thở

            Hơi thở là yếu tố quan trọng trong ca hát, có thành công hay không một phần rất lớn là do hơi thở. Người học hát cần phải thường xuyên, kiên trì luyện tập để có thể khống chế và điều tiết hơi thở khi hát. Hơi thở sâu sẽ làm âm thanh dễ đạt đến đầy đặn; hơi thở nông, âm thanh dễ bị yếu, mỏng; đẩy hơi nhiều quá, âm thanh dễ bị chênh cao lên; đẩy hơi thiếu, âm thanh dễ bị thấp hơn độ cao cần thiết. Kỹ thuật hơi thở liên quan đến việc khống chế và điều tiết hơi cho câu hát dài hay ngắn, mạnh hay nhẹ… để phù hợp với tình cảm của bài hát.

Khác với việc luyện tập tư thế khi hát thì việc rèn luyện hơi thở khi hát khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều, cần phải được luyện tập một cách kiên trì và đúng phương pháp. Với học hát tập thể cũng không đòi hỏi cao về luyện tập hơi thở như thanh nhạc chuyên nghiệp, tuy nhiên, những kiến thức cơ bản nhất vẫn phải được rèn luyện cho SV và GV cần chú ý đến cách diễn giải làm sao cho SV hiểu vì hơi thở khá trừu tượng, không rõ, không nhìn trực tiếp được như tư thế và khẩu hình.  

Thanh nhạc nói chung và phân môn Hát nói riêng đều là một môn nghệ thuật vô cùng phong phú, thú vị nhưng cũng không hề đơn giản như nhiều người nghĩ. Nếu chỉ có giọng hát tốt thôi thì không bao giờ có thể trở thành những ca sỹ, những người hát chuyên nghiệp. Cần phải rèn luyện kỹ thuật thanh nhạc một cách cẩn thận và lâu dài. Tuy nhiên, có giọng hát, có kỹ thuật tốt vẫn chưa đủ làm nên cái hay của âm nhạc. Cái hay của âm nhạc đó chính là cảm xúc mà người hát mang lại cho người nghe, đó là sự biểu hiện nội dung tình cảm của tác phẩm mà người hát truyền đến được cho người nghe. Chính vì những yêu cầu này của thanh nhạc nên cần phải đào tạo được một đội ngũ cán bộ giảng dạy âm nhạc giỏi chuyên môn, có kỹ thuật thanh nhạc tốt nhưng đồng thời cũng là những người có phương pháp sư phạm đúng đắn. Việc đào tạo đội ngũ giáo viên âm nhạc như vậy sẽ nâng cao hơn nữa trình độ văn hóa thường thức và biểu diễn âm nhạc của xã hội.

 

                                    TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Nguyễn Chí Công (2014), Nâng cao chất lượng giảng dạy thanh nhạc cho      hệ đại học sư phạm âm nhạc trường Đại học sư phạm nghệ thuật Trung            ương, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành LL&PPDHAN.

2.    Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Bộ văn          hóa Thông tin, Nhạc Viện Hà Nội, Viện Âm nhạc.

3.    Nguyễn Trung Kiên (2001), Giáo trình giảng dạy thanh nhạc hệ Trung Cấp, Bộ Văn hóa Thông tin, Nhạc Viện Hà Nội, Viện Âm nhạc.

4.    Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy Thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách   khoa, Hà Nội.

5.    Phạm Viết Vượng (1998), Giáo dục học, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k5– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa