Nội san

Diễn xướng dân ca - phương thức trao truyền dân gian trong bối cảnh hiện nay

20 Tháng Mười 2009

DIỄN XƯỚNG DÂN CA - PHƯƠNG THỨC

TRAO TRUYỀN DÂN GIAN TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

 

TS. Trần Hoàng Tiến

 

1. Dân ca là loại hình nghệ thuật dân gian gồm nhiều lối hát phong phú, đa dạng trải dài từ Bắc vào Nam, di sản phi vật thể của 54 tộc người trong mái nhà chung dân tộc Việt. Thành quả sưu tầm dân ca để lại đến nay một kho tàng lớn hệ thống làn điệu. Những làn điệu chèo lới lơ, con gà rừng mộc mạc, trong sáng, bình dị đậm màu sắc văn hóa làng, không chỉ là sản phẩm của người dân châu thổ sông Hồng thuộc, mà còn theo bước chân người dân thời kinh tế mới lan tỏa vào Tây Nguyên như Đắc Lắc, Kon Tum. Điều này cho thấy sinh hoạt nghệ thuật dân gian tự phát trong đời sống hàng ngày. Đặc biệt ở nông thôn, miền núi, trong nhiều bản làng, làn điệu dân ca luôn cuốn hút mạnh mẽ mọi người, mặc dù bộ phận tầng lớp thanh thiếu niên chịu ảnh hưởng làn sóng ca khúc mới.

 

 

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ đang dạy ca trù

 

Một sự thật hiển nhiên, dân ca được bảo lưu theo phương thức truyền miệng. Sự tác động của toàn thể cộng đồng góp phần hoàn chỉnh, nâng cao nghệ thuật diễn xướng dân ca, hò xa cách Quảng Bình từ lối hò đố hỏi thời trước, bây giờ trở thành kiểu hò mừng đám cưới, do hai họ nhà trai nhà gái bắt miệng tại chỗ thử tài. Đến nay, người Nùng Lạng Sơn vẫn theo tập tục truyền thống, đến tuổi 13 ,14, kết lại thành nhóm nam và nữ, hẹn nhau bên suối, trong rừng, ngoài bản… để hát.

Từ năm 1954 đến 1975, các nhà nghiên cứu âm nhạc đi khắp nơi thu âm, ký âm lại nhiều làn điệu dân gian. Từ đó những vùng hát nổi tiếng được xác định ở Việt Nam như: Quan họ, Xoan Ghẹo, hát Văn, Xẩm xoan, Xẩm chợ, Ca trù vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Vùng Hò, Lý Bắc Trung Bộ, Nam Bộ. Ca bài Chòi phổ biến Trung và Nam Trung Bộ… chưa kể tới nhiều thể hát độc đáo của Tày, Thái, Mường, H’Mông, Dao miền núi phía Bắc cùng lối hát của các tộc người Ba Na, Cơ Ho, Xê Đăng, Cơ Tu, Mạ, M’Nông… đầy âm hưởng gió nắng đại ngàn Tây Nguyên. Tất cả đều mang những đặc điểm diễn xướng riêng, độc đáo trong cấu trúc giai điệu, ngôn ngữ lời ca, hình thức sinh hoạt cộng đồng.

 

Lự phư- nhạc cụ của người H’Mông ở Quản Bạ- Hà Giang

 

Diễn xướng dân ca chính là nội dung chủ yếu trong bài viết này, xác định rõ mục đích, ý nghĩa, vai trò của diễn xướng trong sinh hoạt hát dân gian, nhằm giữ gìn, phát huy vẻ đẹp đầy mỹ cảm do cha ông sáng tạo nên. Đồng thời đặt vấn đề diễn xướng như một phương pháp dạy dân ca trong trường tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS).

2. Trước hết, diễn xướng khác biểu diễn, trình diễn. Cách hiểu: biểu diễn giao hưởng, biểu diễn xiếc, hoặc trình diễn thời trang mang hàm ý định danh các loại hình nghệ thuật phương tây du nhập vào Việt Nam. Cách bố trí thiết kế sân khấu, chỗ ngồi khán giả, âm thanh, ánh sáng, chương trình biểu diễn… theo phong cách châu Âu.

Còn nghệ thuật diễn xướng do người Việt sáng tạo nên, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống. Các trò diễn dân gian, cách thức tổ chức hội làng, đồng dao trẻ em… xuất phát từ quan niệm cộng sinh, cộng cảm, nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần. Diễn xướng là sự liên kết, gắn bó tất cả mọi người tham gia, hình thành nên cộng đồng bền vững với ý thức cùng chung sống. Như vậy, diễn xướng mang tính nguyên hợp không phân tách, gồm hai thành tố cơ bản đặc hữu cùng tham gia theo dẫn giải:

- Diễn: Hành động xảy ra

- Xướng: Hát lên, ca lên.

Với  nội hàm trên, khái niệm diễn xướng có nghĩa sau:

Diễn xướng là tổng thể các phương thức nghệ thuật, cùng thể hiện đồng nhất giữa ca hát và hành động của con người theo chiều thẩm mỹ.   

Dân ca Việt Nam biểu hiện theo lối diễn xướng, điều này lý giải tại sao lời ca biểu đạt giá trị lớn lao về thế giới quan, nhân sinh quan và mang nhiều hàm nghĩa khác nhau. Trong quá trình điền dã, các nhà âm nhạc học đã sưu tầm, ghi âm làn điệu, kiểu hát. Cách thâm nhập sâu, tiếp cận nội dung theo quy trình, trật tự diễn biến cuộc hát chính là phương pháp nghiên cứu diễn xướng dân gian, điển hình như GS-TSKH. Tô Ngọc Thanh, PGS. Tú Ngọc, PGS-TS. Nguyễn Thụy Loan, nhạc sĩ Hồng Thao. Không chỉ ghi chép lại giai điệu, lời ca, hầu hết các nhà sưu tầm đều mô tả chi tiết cách tổ chức canh hát, thời gian, địa điểm hát… nhằm sáng tỏ nguồn cội hình thành và giá trị nghệ thuật dân ca. Một đặc điểm nổi bật đó là lối truyền khẩu, nhập tâm làn điệu trong đời sống dân gian.

Có thể đưa ra rất nhiều ví dụ về diễn xướng dân ca hiện nay. Tại Bắc Ninh, khi truyền dạy quan họ, bà trùm ngồi hát từng câu, người học nhập tâm thật kỹ cách nhả âm, nhả chữ và lặp lại nguyên dạng kiểu hát, tuân thủ chặt chẽ lề lối quan họ. Cách hát theo bản phổ rất xa lạ với lối dạy truyền khẩu. Mặc dù chỉ có lời ca, nhưng người học đều nắm vững lối diễn xướng riêng biệt của quan họ. Quá trình học ca trù, hát chèo còn gian khổ, vất vả hơn, phải luyện giọng từ khi còn bé để không lẫn lộn ca trù, hát chèo với kiểu hát khác. Những quy định khắt khe, khổ luyện là tiêu chí hình thành nên phẩm chất nghệ nhân tài sắc vẹn toàn. 

Cứ như vậy, dân ca được truyền từ đời này sang đời khác. Theo thời gian, làn điệu được cộng đồng điều chỉnh, nâng cao, tạo nên những biến điệu tinh tế, đặc sắc hơn. Như vậy, diễn xướng dân gian làm liền mạch làn điệu dân ca, tổng hòa nhiều thành tố: giai điệu, lời ca, lối hát, môi trường xung quanh và đóng vai trò đồng nhất giữa hát và hành động diễn.

Liền chị Quan họ ngày xuân

 

3. Trong giai đoạn hiện nay, trẻ em là đối tượng trao truyền nghệ thuật hát dân ca trực tiếp và quan trọng nhất. Đây là thế hệ tương lai của dân tộc Việt Nam, được thừa hưởng và có trách nhiệm phải tiếp nối những giá trị tinh thần, giàu bản sắc văn hóa Việt. Trên các phương tiện: truyền hình, đài phát thanh, báo chí, đĩa CD, VCD… hàng ngày phổ cập dân ca, nhưng chỉ mang tính chất nghe-nhìn. Thế hệ trẻ có thể thuộc nhiều làn điệu Bắc – Trung - Nam dưới dạng thông tin đại chúng, nhưng sẽ không đầy đủ nếu như các em chưa biết cách diễn xướng dân ca như thế nào.

Giáo dục âm nhạc bậc TH, THCS đang là giải pháp hữu hiệu để các em học, hiểu giá trị nghệ thuật dân ca. Thực tế giờ học âm nhạc ở TH, THCS có số lượng, chất lượng âm nhạc dân gian chiếm tỷ lệ thấp, điều này cho thấy chức năng mỹ cảm dân ca Việt Nam chưa quan tâm đúng mức, dẫn đến sự thiếu hụt nhận thức (hoặc không đầy đủ) dân ca. Bởi dân ca bắt nguồn từ văn hóa Việt Nam, là giá trị nghệ thuật người Việt kết tinh lại từ hàng ngàn năm qua. Học dân ca chính là giữ gìn, phát huy truyền thống nhân văn, nhân hậu, nhân ái của tâm hồn tư tưởng Việt Nam.

 

Nghệ nhân Hoàng Trọng Kha hát văn tại đền Dâu- Phố Hàng Quạt - Hà Nội

Dạy và học âm nhạc trong TH, THCS đang thực hiện theo hình thức tiết học, lên lớp tập thể (tạm gọi là đồng ca). Rất ít giáo viên sử dụng phương pháp diễn xướng, bởi nghệ thuật diễn xướng đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc thể loại, kiểu hát, lối hát, môi trường hát. Phần lớn giáo viên dạy theo sách giáo khoa, kết quả  dừng lại học thuộc lòng bài hát, làn điệu, làm tiết học nhạc dễ khô cứng, suy giảm hứng thú thẩm mỹ âm nhạc. Trong đó, mục đích phải đạt đến là sử dụng âm nhạc để phát triển khả năng tư duy, hình thành nhân cách con người Việt Nam.

Dân ca Việt Nam như trên đã dẫn giải, gồm nhiều vùng hát từ bắc vào nam, là lối hát quen thuộc của các tộc người. Do đó dạy hát dân ca ở TH, THCS là nội dung cấp thiết. Dân ca tạo sự liên tưởng, gần gũi giữa cuộc sống thực với hình ảnh quê hương bình dị, thân thiết. Dạy dân ca cho trẻ em bằng phương thức diễn xướng chắc chắn tạo nên hiệu quả đặc biệt. Bởi diễn xướng dân ca tiến hành buổi học nhạc linh hoạt, đúng với điều kiện, hoàn cảnh làn điệu dân ca sinh ra, mỗi vùng hát hình thành lối diễn xướng riêng. Do đó, sử dụng diễn xướng dân ca vùng là phương pháp truyền đạt sẽ giúp các em hiểu, yêu thích dân ca, từ đó giáo dục tình yêu đất nước, con người Việt Nam.

 

Hát cha chấp (hát giao duyên) của người Cơ tu ở Nam Đông- Thừa Thiên- Huế

 

Diễn xướng dân ca lưu ý một số đặc điểm:

- Hệ thống âm điệu là dấu ấn đặc trưng quan trọng, tạo nên lối hát riêng từng vùng, miền. Ví dụ điệu hát chèo khác quan họ, không giống lối hát của người Thái, H’Mông.

- Sử dụng băng, đĩa CD,VCD do nghệ nhân địa phương trình bày, nhằm loại trừ những biến thể, dị bản xa rời điệu gốc ban đầu. 

- Lời ca trong dân ca thường sử dụng các câu ca dao, bằng thủ pháp chêm, đệm, chèn, láy…hình thành diện mạo, dáng vẻ riêng ngôn ngữ biểu hiện làn điệu, khi diễn xướng cần phân tích nguyên câu ca dao, giới thiệu giá trị, ý nghĩa của lời ca. Trong đó đặc biệt lưu ý đến nhóm từ địa phương, thổ ngữ, phương ngữ.

- Làn điệu của đồng bào thiểu số thường có phần lời ca tiếng dân tộc và tiếng phổ thông. Cần hát rõ tiếng dân tộc trước, bởi đây là lời ca chủ yếu, gắn liền với làn điệu, còn lời phỏng dịch xuất hiện sau, giải nghĩa nội dung của lời ca chính. 

- Không trình bày làn điệu như một ca khúc, trong dân gian thường xuất hiện theo hình thức hát đối đáp, giao duyên hoặc hát với nhạc cụ. Đồng thời tạo môi trường hát gần với tự nhiên, tạo dựng lại lối hát nhóm trai và gái. Xây dựng phương pháp tình huống theo diễn biến cuộc hát, hoàn cảnh lịch sử, nội dung làn điệu, để chủ động diễn xướng như buổi sinh hoạt dân gian.

- Tạo nguồn tư liệu tranh, ảnh hệ nhạc cụ 54 tộc người, giới thiệu cách sử dụng, diễn tấu, âm hưởng, tính năng…

4. Diễn xướng dân ca là nội dung lớn, cần đến sự tham gia của các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia nghiên cứu cùng đội ngũ giáo viên dạy âm nhạc phổ thông. Phương pháp dạy âm nhạc luôn cần cải tiến, tạo hiệu quả đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội Việt Nam đương đại. Bài viết này đặt vấn đề diễn xướng như một phương pháp dạy dân ca trong TH,THCS, diễn xướng tạo nên cách học dân ca vừa bảo lưu tính truyền thống, vừa tạo giờ học nhạc sinh động, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Tại các thành phố lớn, không có nhiều điều kiện để các em đi sâu tìm hiểu dân ca, vì dân ca hình thành từ nền văn minh lúa nước, những hình ảnh trong lời ca gắn liền đồng lúa, làng quê, lễ hội, trò chơi dân gian trước đây. Diễn xướng dân gian là cách học hiệu quả, do trình bày làn điệu dân ca dễ học, dễ thuộc, dễ nhớ, gần gũi lối truyền khẩu của người Việt, phù hợp nhiều cách học khác nhau. Diễn xướng tái tạo không gian dân dã trong học đường, trẻ em khi tham gia sẽ chủ động tiếp thu, cảm thụ nguyên vẹn vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên của giai điệu và lời ca.

Bằng phương thức diễn xướng, đời sống nghệ thuật dân gian truyền thống tiếp nối không ngừng. Khởi sinh cách đây hàng ngàn năm, dân ca mãi mãi trường tồn, bởi tất cả thế hệ người Việt Nam đều ý thức trao lại cho muôn đời sau những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc văn hóa, tượng trưng cho giá trị tinh thần, tính cách dân tộc Việt Nam. 

 

* Ảnh minh họa: Viện âm nhạc