Nội san

Từ tổng phổ đến hiệu quả âm thanh ban nhạc đệm cho ca khúc nhạc nhẹ Việt Nam

16 Tháng Bảy 2018

Bùi Duy Anh [*]

Hiện nay, khi ban nhạc đệm cho ca khúc Việt Nam thì tổng phổ và phân phổ là điều kiện bắt buộc phải có, qua đó mỗi thành viên trong ban nhạc hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ và tham gia tích cực, chủ động tạo hiệu quả chung phần đệm. Để đạt tới sự thống nhất cao đòi hỏi ban nhạc phải tìm ra cách xử lý âm hình, nhịp điệu, tạo cho phần đệm đa dạng cách giải quyết. Trong bài này, người viết tập trung vào hiệu quả âm nhạc khi ban nhạc sử dụng tổng phổ để tạo thành bài đệm cho ca khúc nhạc nhẹ Việt Nam.

1. Tổng ph

Để ban nhạc hoạt động, trước hết phải có tổng phổ và phân bè cho các nhạc cụ, người hát. Đây là nhiệm vụ cần đến kiến thức âm nhạc toàn diện như: hòa âm, phối khí, chuyển soạn của các thành viên trong ban nhạc đệm, đặc biệt phải có người chuyên soạn đệm với kinh nghiệm thực tiễn, có quá trình lâu dài, đầy đủ uy tín, kiến thức về hòa tấu ban nhạc như: viết tổng phổ, phân bè.

Những tổng phổ chi tiết, đầy đủ, ghi từng nốt nhạc thường dùng cho ban nhạc có số lượng đông, tiếng Anh gọi là Big band với cách hiểu gần tương đương với một dàn nhạc trung bình, qua đó người soạn đệm có thể viết thành nhiều bè, tạo âm hưởng đặc sắc, độc đáo.

Với thành viên tối thiểu (4 đàn), các ban nhạc đệm thường dùng cách soạn rút gọn/short score. Đây là thủ pháp phổ biến thu gọn các tổng phổ dàn nhạc cho đàn Piano diễn tấu ở các nước Âu, Mỹ.

Xuất phát từ thực tế hiện nay, trong nhiều chương trình biểu diễn lớn, bản phổ rút gọn là phương pháp thực hiện chủ yếu đối với người soạn phần đệm, các ban nhạc chuyên nghiệp chỉ cần thống nhất hòa âm, nhịp điệu, những chỗ chuyển, nối giữa các đoạn trong ca khúc để tạo nên phần đệm. Khi đã tập luyện và có quy ước cụ thể, phần đệm của ban nhạc diễn ra mượt mà, trôi chảy, sạch sẽ. Đồng thời khai thác được tài năng cá nhân ở những phần solo với nhiều câu ngẫu hứng đầy sáng tạo. Bản phổ rút gọn được nhạc công ban nhạc thích sử dụng do tiện lợi, theo dõi được tuyến giai điệu, lời ca của ca khúc để ứng biến tại chỗ. Ngoài ra những quy ước quay đi quay lại trong bản phổ, giọng điệu/tone, chuyển điệu, ly điệu, solo có sự thống nhất trong tập luyện.

2. Nhạc Pop trong hòa tấu ban nhạc đệm ca khúc

Để ban nhạc hòa tấu đệm cho ca khúc nhạc nhẹ như trên, hiệu quả âm nhạc luôn là tiêu chí quan trọng nhất. Thực tiễn cho thấy, ngoài trình độ kỹ thuật, khả năng thể hiện phần đệm thì ban nhạc được bổ sung nhiều kỹ xảo điện tử, một xu hướng đang phát triển nhanh ở Việt Nam. Trong dạy học hòa tấu ban nhạc đệm cho ca khúc nhạc nhẹ tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, do điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại cần liên tục phải nâng cấp, tốn nhiều kinh phí, nên chủ yếu dạy học hòa tấu ban nhạc tập trung các nội dung: xác định rõ ca khúc thuộc thể loại nào (Pop, Pop Rock, Ballad, Rock Ballad hoặc Ballad Country), từ đó giảng viên soạn phần đệm cho ban nhạc từ 4 - 6 nhạc cụ.

2.1. Hòa tấu ban nhạc đệm cho ca khúc theo thể loại Dance Pop

Như tên gọi, Dance Pop có nhiều loại tiết tấu xuất xứ từ nhịp khiêu vũ, nổi bật trong đó là Disco, Techno, ngoài ra còn nhiều tiết tấu khác được phát triển từ nhạc nhảy Âu, Mỹ. Ở góc độ hòa tấu, khi soạn bài đệm thì âm hình, tiết tấu và hòa âm luôn đóng vai trò quan trọng, mang tính kết nối tất cả âm sắc nhạc cụ trong ban nhạc. Trong cuốn sách Những vấn đề của nghệ thuật phối dàn nhạc [4], ngay phần Vào đề nêu rõ: “Những yếu tố cơ bản của hình thức, tiết tấu, giai điệu, hòa âm... khi vào dàn nhạc sẽ có thêm những sắc thái bổ sung, sẽ được giàu thêm những chất lượng mới do số lượng và âm sắc đầy đủ của nhạc cụ trong dàn nhạc” [4; tr.8]. Các loại nhạc cụ trong dàn nhạc và ban nhạc đều có ngôn ngữ riêng, chỉ khi phát huy đúng sở trường, điểm mạnh, lúc đó âm thanh hòa trộn cùng nhau sẽ tạo âm hưởng hiệu quả chung toàn bộ ban nhạc. Việc soạn bài đệm cho ban nhạc không chỉ đưa ra cách giải quyết ca khúc nhạc mà còn tạo điều kiện từng loại nhạc cụ kết hợp hài hòa, bổ sung cho nhau.

2.2. Ban nhạc đệm ca khúc Pop Rock

Trong quá trình lên lớp, người viết nhận thấy, hướng dẫn học viên chơi nhạc Pop Rock gặp khó khăn hơn nhiều so với phong cách Pop. Bởi âm sắc Pop Rock luôn dựa vào những thiết bị điện tử, âm thanh kỹ thuật số hiện đại qua các cục Fuzz hoặc Effect pedal. Để có thiết bị đúng yêu cầu, chơi đúng chất nhạc Pop Rock phải đầu tư số tiền lớn. Trong đó, mỗi năm lại có những thiết bị mới, tiên tiến, chất lượng âm thanh cao hơn. Điều này thường vượt quá khả năng đầu tư của học viên, đây là hiện tượng phổ biến đối với nhạc đàn nói chung. Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng môn hòa tấu ban nhạc đệm theo thể loại Pop Rock luôn là phần bắt buộc trong chương trình học chuyên ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây hệ tại chức, đại học.

2.3. Thủ pháp đệm ca khúc Ballad

Trong cuốn sách Thể loại âm nhạc [3], PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung nêu quá trình hình thành Ballad trong nhạc hát: “nguồn gốc của Ballad từ âm nhạc dân gian, đó là những ca khúc kể chuyện có tính sử thi” [3; tr.33]. Sự phát triển những bài hát Ballad (Nguyễn Thị Nhung gọi là Ballad thanh nhạc) gắn liền với từng giai đoạn lịch sử âm nhạc, trong đó phải nhắc đến các nhạc sĩ F. Schubert và R. Schumann.

Về thủ pháp đệm cho ca khúc Ballad, hòa tấu ban nhạc tập trung vào vị trí của từng nhạc cụ trong ban nhạc. Khi soạn bài đệm ca khúc Ballad để lên lớp, người viết sử dụng thủ pháp: xếp lớp, phối hợp màu sắc âm thanh các nhóm nhạc cụ. Xây dựng các vòng công năng có sử dụng hợp âm 4, 5 nốt như hợp âm 7, 9 nhằm liên kết, tổ chức các nhạc cụ phát huy cao nhất khả năng diễn đạt, mở rộng mối quan hệ giữa các hợp âm tạo phần nền đa sắc, kết hợp giữa độ dày và mỏng.

3. Xếp lớp và vòng công năng hòa âm trong ban nhạc

3.1. Xếp lớp

Việc xếp lớp, tạo nhóm nhạc cụ đóng vai trò quan trọng, Marin Golemirop viết trong cuốn sách Những vấn đề của nghệ thuật phối dàn nhạc: “bằng cách giao giai điệu cho nhiều người biểu diễn thuộc một bộ nào đó trong dàn nhạc, cũng trên nền hòa âm và bè trầm (di động hoặc trên một hay nhiều quãng 8 khác nhau). Trong trường hợp này, giai điệu nằm trên 1 lớp (plan) trong khi hòa âm và bè trầm nằm trên một lớp khác” [4; tr.3]. Đồng thời Marin Golemirop giải thích chi tiết, ý nghĩa các lớp khác nhau trong phối khí.

Khi dạy hòa tấu ban nhạc đệm cho ca khúc Ballad, việc xếp lớp/plan tuân thủ theo quy luật phối khí dàn nhạc giúp cho học viên hiểu bè và kết hợp tập luyện rất hiệu quả, bởi tính tương cận trong một lớp/plan. Ví dụ: Piano và Keyboard xếp vào một lớp, hai nhạc cụ kết hợp chặt chẽ nếu âm sắc Piano cùng tiếng dàn dây/strings do âm sắc đàn Keyboard tạo nên, hòa cùng nhau nghe đầy đặn.

Như vậy, việc xếp lớp giúp cho giảng viên định hình cụ thể nhóm đàn, từ đó soạn tổng phổ bài đệm cũng như tiến hành công tác giảng dạy dễ dàng. Hiệu quả xếp lớp tạo cho các nhạc cụ trong ban nhạc phối hợp chặt chẽ, hiểu ý và đúng phương pháp, quy trình dạy học hòa tấu.

3.2. Xây dựng vòng công năng hòa âm

Cùng với giai điệu của ca khúc, các nhạc cụ trong ban nhạc sử dụng hợp âm và tiến hành vòng hòa âm là chủ yếu. Những hợp âm khi vang lên ở từng nhạc cụ sẽ có sự khác nhau rõ rệt, đặc biệt đối với ca khúc Ballad. Cùng hợp âm Bm7, đàn Piano sẽ có thế bấm ở hai tay (10 - 11 nốt), nhưng ở đàn Guitar, hợp âm vang tối đa chỉ có 6 âm, do đàn Guitar cấu tạo 6 dây. Thực tế, các hợp âm khi vận chuyển cùng tiết tấu sẽ tạo nên những biến đổi riêng biệt. Bởi hợp âm 7, 9 trong quan niệm âm nhạc Âu, Mỹ, đặc biệt là nhạc Jazz, Blue, R&B là những hợp âm 3 bổ sung nốt 7 và nốt 9. Do đó trong lối chơi nhạc nhẹ sử dụng phổ biến các dạng hợp âm này. 

Khi dạy hòa tấu ban nhạc đệm ca khúc Ballad, lớp Guitar, Keyboard luôn đồng nhất hợp âm và tiết tấu, đây là thế mạnh của hai loại nhạc cụ này. Từ đó triển khai lối chơi hợp âm cùng tiết tấu Ballad và những biến thể khác nhau, nghe sinh động. Khi cùng với Bass và Drum, vòng công năng hòa âm được tô đậm, âm hưởng có chiều sâu.

4. Tăng dần số lượng âm sắc nhạc cụ trong ban nhạc

Đây là một trong thủ pháp phổ biến được ứng dụng đa dạng nhất trong lối chơi ban nhạc đệm cho ca khúc nhạc nhẹ nói chung, Ballad nói riêng. Dựa theo bố cục các đoạn nhạc trong bài đệm quay đi quay lại nhiều lần, sự gia tăng âm lượng được coi là thủ pháp phối khí sáng tạo. Điển hình là nhạc sĩ Maurice Ravel với tác phẩm Bolero. Cách bổ sung dần âm sắc nhạc cụ được khai thác triệt để nhằm phát huy từng vai trò cá nhân trong ban nhạc, đồng thời tạo hiệu quả về âm lượng, giải quyết các đoạn cao trào trong bài hát khi toàn bộ ban nhạc tham gia.

Trong dạy học hòa tấu ban nhạc đệm ca khúc Ballad, người viết đã áp dụng thủ pháp này nhiều lần và đạt hiệu quả âm thanh tương đối tốt. Để thực hiện, giảng viên dạy hòa tấu luôn nghiên cứu kỹ bố cục toàn bộ ca khúc trong môi trường biểu diễn thực.

5. Kết luận

Khi nêu thủ pháp: xếp lớp, tạo nhóm; xây dựng vòng công năng bằng hợp âm 4, 5 nốt kết hợp mở rộng mối quan hệ hợp âm, tổng phổ bài đệm sẽ hình thành ở dạng cơ bản nhất. Quá trình dạy học hòa tấu ban nhạc đệm, tính năng nhạc cụ được khai thác qua thủ pháp tăng dần âm lượng, bổ sung dần âm sắc từ 1 đến toàn bộ ban nhạc sẽ tạo nên những hiệu quả mới hơn nữa.

Nhìn chung, học viên chuyên ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội có tính tự giác, đam mê học tập, đây là nguồn động viên rất lớn đối với giảng viên. Tuy vậy, để đạt tới sự nhuần nhuyễn, lối chơi tự nhiên cần nhiều thời gian ăng- xăm/ensemble. Các giờ lên lớp chủ yếu là giờ chính khóa nên trong 4 tiết, giảng viên chủ yếu nghe và hướng dẫn cách phối hợp, còn từ kỹ thuật đến xử lý bè đệm phụ thuộc rất lớn vào khả năng, sự chăm chỉ tập luyện của học viên.

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Minh Khang (2005), Giáo trình hòa thanh (dành cho bậc đại học), Nhạc viện Hà Nội.

2. Nguyễn Mai Kiên (2003), Hòa thanh nhạc nhẹ (giáo trình bậc đại học), Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

3. Nguyễn Thị Nhung (1996), Thể loại âm nhạc, Nxb Âm nhạc.

4. Marin Golemirop (1972) (dịch: Tô Hải), Những vấn đề của nghệ thuật phối dàn nhạc, tập I, Nxb Mỹ thuật - Âm nhạc.

  -----------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc