Nội san

"Hãy để sinh viên làm chủ lớp học"

10 Tháng Mười Hai 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống

 

                                                                                    ThS.Nguyễn Thanh Nga

                                                                                    Khoa Giáo dục đại cương

 

            Hiện nay, trên thế giới và cả ở Việt nam có rất nhiều trường đại học áp dụng các phương pháp dạy học nhằm phát huy tính chủ động và sáng tạo của người học. Trong các buổi học, người học có được các cơ hội để đưa ra câu hỏi, thảo luận các vấn đề, nêu lên quan điểm và được khuyến khích làm việc theo nhóm. Xuất phát từ quan điểm "học thầy không tày học bạn" và lấy người học làm trung tâm, tôi đã sử dụng một số phương pháp dạy học có ưu thế nhằm phát huy tính chủ động, tự giác, độc lập, sáng tạo của người học trong quá trình giảng dạy bộ môn tiếng Anh của mình tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Trong khuôn khổ bài tham luận, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy môn tiếng Anh; đồng thời khẳng định: hiệu quả của bài giảng không chỉ phụ thuộc vào công nghệ hay người thày mà nó còn phụ thuộc rất lớn vào sự sáng tạo, sự chủ động của người học.

            Các phương pháp giảng dạy này (bao gồm phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề, dạy học theo dự án, trò chơi,...) đã đem lại hiệu quả cho quá trình dạy- học và đặc biệt nó gây hứng thú cho người học và người học quen dần với cách làm việc chủ động, tự giác. Quan trọng hơn là với các phương pháp giảng dạy này, người thầy đóng vai trò định hướng và hỗ trợ người học khi cần thiết, người học sẽ hoàn toàn làm chủ trong lớp học bằng cách người học sẽ giảng bài cho nhau, người học tự lựa chọn chủ đề, xác định các nhiệm vụ cụ thể, tự tổ chức, tự giải quyết nhiệm vụ. Do vậy, người học được phát huy tinh thần, ‎ý thức làm việc theo nhóm, qua đó, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong nhóm, trong lớp; phát huy các kỹ năng, động cơ, động lực học tập, tính tự giác và năng lực xã hội; tăng cường hiệu quả học tập.

            Trong thực tế, khi giảng dạy tiếng Anh tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW, tôi đã cố gắng phát huy hiệu quả quá trình dạy-học bằng cách khuyến khích người học được trải nghiệm với phương châm "Giảng dạy cho người khác chính là cách học nhớ lâu nhất, hiệu quả nhất" (Farivar and Webb, 1994).

            Trong học kỳ I năm học 2009-2010, tôi cũng đã áp dụng các phương pháp dạy học này để hướng dẫn cho sinh viên các lớp K3B, K3D ĐHSP Âm nhạc với các kiến thức trong học phần 3 môn tiếng Anh. Để người học thực sự làm chủ lớp học, ngay từ buổi học đầu tiên, tôi đã giới thiệu nội dung chương trình học (chủ đề, chủ điểm) cũng như mục tiêu, yêu cầu môn học. Tôi đã phân chia các em thành các nhóm, mỗi nhóm phụ trách chuẩn bị giảng bài về một mảng kiến thức về ngữ pháp và từ vựng khác nhau nằm trong nội dung của học phần đó. Các em đã rất sáng tạo và công phu khi chuẩn bị bài giảng. Khi giảng bài, sinh viên cũng rất tự tin và hứng thú khi trình bày trên lớp. Một điều thú vị nữa là vì tôi yêu cầu các em sử dụng máy chiếu khi giảng bài nên các em đã có rất nhiều bài giảng với các slide đẹp, sinh động. Tôi cũng đã xin được sử dụng các bài của các em cho các lớp khác của mình. Tôi cũng thấy mình được giải phóng với các thủ tục về tháo, lắp máy tính, máy chiếu vì các em sinh viên hoàn toàn chủ động để chuẩn bị cho bài của mình. Kết thúc học phần, qua khảo sát thái độ và hứng thú, cũng như kết quả học tập của sinh viên, tôi thấy rất tự tin để chia sẻ cùng đồng nghiệp về phương pháp giảng dạy này.

            Với hoạt động khởi động như nghe hát tiếng Anh, trước đây rất nhiều giảng viên tự soạn bài hát cho sinh viên nghe (tìm bài, tìm đĩa, tìm lời bài hát rồi tự thiết kế, phôto bài cho sinh viên, trên lớp giảng viên mở đĩa, hướng dẫn sinh viên nghe và đưa ra đáp án đúng). Giảng viên phải làm rất nhiều mà hiệu quả không được cao, sinh viên cũng không mấy hứng thú với các bài hát mà cô chọn. Chính vì vậy, tôi đã yêu cầu sinh viên làm hoạt động này theo nhóm (việc chia nhóm tùy thuộc vào sĩ số lớp và số buổi học trên lớp), mỗi nhóm có một nhóm trưởng để chịu trách nhiệm chung về công việc của nhóm. Sinh viên tự chọn bài mà các em thích, lên mạng tải lời bài hát để từ đó thiết kế các dạng bài nghe, cũng như chuẩn bị đĩa hay file bài hát. Đến đầu buổi học, đến lượt nhóm nào, nhóm đó lên trình bày (mở đĩa, hướng dẫn các bạn nghe, gọi các bạn khác đưa câu trả lời...). Còn tôi, tôi ngồi ở dưới lớp, tận hưởng bài hát và cùng làm bài tập nghe với sinh viên. Sau khi nhóm đã hoàn thành việc của mình, tôi sẽ góp ‎ý, nhận xét để cho nhóm và các bạn khác cùng rút kinh nghiệm.

            Cũng nằm trong nhóm các hoạt động khởi động sinh viên trên lớp, tôi cũng yêu cầu sinh viên tự sưu tầm, hoặc tự thiết kế các trò chơi tiếng Anh như đố vui, giải ô chữ,... Sinh viên rất sáng tạo và các em biết gắn các hoạt động học và chơi, gắn kết giữa tiếng Anh với chuyên ngành của mình – đây chính là điều mà không phải giảng viên nào cũng làm được.

            Không chỉ với môn tiếng Anh cơ bản, mà với tiếng Anh chuyên ngành, tôi cũng đã yêu cầu sinh viên làm theo các nhóm và yêu cầu các em chuẩn bị bài. Cụ thể, với môn tiếng Anh chuyên ngành Thiết kế thời trang, trong chương trình học có 06 chủ đề: Quần áo, Chất liệu, Phụ trang, Máy may, Nhà tạo mẫu và người mẫu, Xu hướng thời trang. Tôi đã chia lớp K2A TKTT ra làm 06 nhóm, mỗi nhóm đăng kí 01 chủ đề trong 06 chủ đề trên. Các em tự tìm tài liệu về một vấn đề mà các em thích. Đến buổi học nào thuộc chủ đề mà các em phụ trách, các em sẽ lên thuyết trình. Qua hoạt động này, sinh viên không những chủ động trong quá trình dạy học, hiểu bài sâu, bên cạnh đó, các em còn được rèn luyện để phát triển kỹ năng thuyết trình trước lớp.

            Có thể có ai đó nói rằng, cách làm này không phải là mới lắm vì ở một số môn học l‎‎ý thuyết, sinh viên cũng đã được giao những bài về đọc theo nhóm, sau đó lên trình bày trước lớp các ‎‎ý kiến hoặc nội dung theo sự hướng dẫn của giảng viên. Các cách tổ chức lớp học và phương pháp dạy học của tôi đưa ra, cũng xuất phát từ ‎‎ý tưởng đó nhưng nó đã được phát triển ở mức độ cao hơn trong việc phát huy tính chủ động của người học. Nghĩa là, sinh viên hoàn toàn chủ động trong việc chuẩn bị, trình bày, dẫn dắt vấn đề, người thầy sẽ như một cố vấn đưa ra ‎‎ý kiến đúng nếu như cả lớp hiểu sai vấn đề; người thầy sẽ lắng nghe sinh viên tranh luận với nhau trên lớp. Một sự khác biệt nữa chính là ở chỗ từ vấn đề cần được thảo luận, người học có cách tiếp cận, chuẩn bị riêng của mình; thú vị hơn, các bạn trong nhóm khác sẽ được học bài do "các thầy, cô" (bạn mình) dạy. Xét trên góc độ về hiệu quả mang tính giáo dục, cách làm này thực sự khuyến khích người học tìm hiểu, học tập lẫn nhau; sinh viên có cùng mặt bằng kiến thức về vấn đề thảo luận nên họ sẽ hiểu rõ nhất bạn mình cần gì, muốn gì từ bài giảng của mình.

            Tôi tin nếu mọi người áp dụng cho các lớp học của mình bằng cách cho sinh viên chủ động tham gia cùng thầy cô chuẩn bị bài thì hiệu quả quá trình dạy-học sẽ rất cao. Đặc biệt, trong giáo dục đại học, việc phát huy tính tích cực của sự hợp tác, trao đổi, học hỏi lẫn nhau là một trong những vấn đề then chốt. Chính vì vậy, các phương pháp dạy học phát huy tính chủ động của người học đang được các nhà giáo dục, sư phạm chú ‎ý và chắc chắn trong tương lai nó sẽ ngày càng được quan tâm hơn./.