Nội san

Đổi mới phương pháp dạy học môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn

27 Tháng Bảy 2015

                                                                                                Ngô Hải Huấn

                                             

        Đổi mới  phương pháp dạy học, tích cực hóa hoạt động nhận thức của sinh viên là vấn đề được toàn ngành giáo dục và toàn xã hội rất quan tâm. Vấn đề này vẫn đang được thảo luận sôi nổi, mạnh mẽ tại các diễn đàn giáo dục, các tạp chí khoa học – giáo dục, các hội thảo, hội nghị về giáo dục – đào tạo, các lớp tập huấn về phương pháp dạy học tích cực. Hiện nay toàn ngành giáo dục đang khẩn trương, quyết liệt triển khai Nghị quyết số 88/22/ QH13 “ Đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông”.      Đối với các trường sư phạm, việc đổi mới phương pháp dạy học là một bước đón đầu, đi trước và song hành với đổi mới dạy học ở phổ thông. Các môn học nói chung và môn Âm nhạc nói riêng với mục tiêu là: nâng cao chất lượng học tập cho sinh viên, hình thành những kỹ năng cần thiết cho sinh viên. 

     Trong xu thế hội nhập hiện nay, giáo dục Việt Nam đang đứng trước thách thức mới. Việc nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước là một tất yếu khách quan. Chúng ta đang quyết tâm thực hiện chiến lược đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng đội ngũ  giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo trong các nhà trường sư phạm, vì: “ Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục”. Nghị quyết số 29 NQ – TW, BCH Trung ương Đảng khóa VI đã nêu rõ: “ Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học”. Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo nước ta còn có những hạn chế về chất lượng và hiệu quả. Điều đó đã được nêu rõ trong báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng khóa VI và những vấn đề đặt ra cho giáo dục.

   1. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

   Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đảm bảo thành công tiến trình thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt nam theo nghị quyết số 29 – NQTW Trung ương Đảng trong hội nghị lần thứ VIII, BCH Trung ương Đảng khóa VI. Trên tinh thần đó, để nâng cao chất lượng dạy học môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản tại trường Cao đẳng cộng đồng Bắc Kạn (CĐCĐ) cần phải đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập một cách hợp lý.

      Chất lượng giáo dục là vấn đề bức xúc nhất trong giáo dục nước ta hiện nay. Chất lượng giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên nhìn chung còn thấp so với mục tiêu giáo dục, với yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội… Các trường sư phạm nói chung chưa được tạo điều kiện tham gia tích cực vào đổi mới giáo dục phổ thông. Nhiều sinh viên ra trường khả năng vận dụng kiến thức vào cuộc sống còn hạn chế, chưa có khả năng thích ứng với những biến đổi nhanh chóng trong ngành nghề và công nghệ.

     Hoạt động nhận thức của sinh viên (SV) là một vấn đề rất quan trọng, trong đó nhiệm vụ của giảng viên (GV) là khơi gợi, thúc đẩy, tích cực hóa hoạt động nhận thức cho SV. Mặc dù nâng cao chất lượng dạy học đã trở thành khẩu hiệu được tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau trong các nhà trường sư phạm nhưng kết quả đạt được chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Một bộ phận không nhỏ giảng viên vẫn sử dụng phương pháp dạy học truyền thống theo lối truyền thụ một chiều chủ yếu là: Thuyết trình, thậm chí đọc chép. Nếu có sử dụng phương pháp dạy học mới thì chưa đồng bộ, chưa thường xuyên nên cũng chưa trở thành nhu cầu của cả người dạy và người học. Điều này dẫn đến SV thụ động tiếp thu kiến thức, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo trong quá trình học tập của mình. Mặt khác, giữa GV và SV chưa có sự tương tác qua lại cho nên GV không nhận được sự phản hồi từ phía SV nên GV không biết tự điều chỉnh giờ dạy của mình ở chỗ nào còn chưa tốt.

      Qua khảo sát tại trường CĐCĐ Bắc Kạn cho thấy: Chất lượng học tập các môn chung trong đó có môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản còn chưa cao . Phần đa SV chưa thực sự hứng thú học tập nên cũng chưa phát huy được tính tích cực, tính sáng tạo của mình. Do vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo, phát huy được tính tích cực, sáng tạo của người học trong quá trình học tập, đáp ứng được yêu cầu mới của giáo dục – đào tạo, cần thiết phải: “Đổi mới phương pháp dạy học môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản tại trường Cao Đẳng Cộng Đồng Bắc Kạn”.

      2. Sử dụng phương pháp dạy học mới

Việc sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới nhằm phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của SV là hết sức cần thiết trước nhu cầu nâng cao chất lượng dạy, học của nhà trường. Ngoài những phương pháp giảng dạy phổ biến mà một số GV đang sử dụng của trường CĐCĐ Bắc Kạn, thì GV cần áp dụng một số phương pháp giảng dạy mới theo các hướng mới như: lấy  người học là trung tâm, phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của SV trong quá trình chiếm lĩnh nội dung dạy học, phát triển khả năng tự học của SV, tăng cường khả năng thực hành của SV...

Sau đây là một số phương pháp được sử dụng trong giảng dạy môn Lý thuyết Âm nhạc cơ bản:

 Thứ nhất là, phương pháp đàm thoại gợi mở

Cũng như Phương pháp dạy học (PPDH) thuyết trình, vấn đáp truyền thống nhưng ở phương pháp dạy học này, SV không tiếp thu bài một cách thụ động mà SV đã được phát huy tính tích cực, sáng tạo trong việc xây dựng bài học. PPDH gợi mở là GV đưa ra câu hỏi liên quan đến nội dung bài học, SV lần lượt trả lời và trao đổi với GV. Ở phương pháp này, hệ thống câu hỏi đóng vai trò chủ đạo. Nội dung câu hỏi với mục đích làm sáng tỏ kiến thức cần học nhưng không chỉ trả lời bằng nội dung được ghi chép trong giáo trình mà là những câu mang tính gợi mở để SV tư duy trả lời theo suy nghĩ riêng của mình. Đối với những câu hỏi có nội dung hoàn toàn mới trong nhận thức của SV thì không nhất thiết phải buộc SV trả lời mà đôi khi chỉ là cái cớ để đánh động tư duy của SV, GV sẽ trả lời sau một thời gian ngắn mà SV đang suy nghĩ.

 

 

Ví dụ: Giọng hát nam và giọng hát nữ khác nhau như thế nào? Phân tích  đặc điểm của 2 loại giọng hát đó theo cách hiểu của mình.

Với câu hỏi này SV sẽ nêu ra nhiều khía cạnh của vấn đề. Nhưng dù câu trả lời sai hay đúng thì cũng là cách khởi động tư duy cho SV . Hệ thống các câu hỏi được diễn ra tuần tự, hợp lí bám sát nội dung bài học thì đó chính là kết quả của sự phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của SV.

Thứ hai là, phương pháp nghiên cứu tài liệu

Đây là phương pháp thông qua việc tự đọc, tự nghiên cứu tài liệu để có cơ sở lí luận nhằm giải thích những vấn đề mà người học chưa biết. Đối với môn Lí thuyết âm nhạc cơ bản (LTANCB), việc nghiên cứu tài liệu được thực hiện bằng cách cho SV nghe hoặc xem tác phẩm âm nhạc mà GV đã chuẩn bị từ trước, chỉ ra một số đoạn hoặc một câu nhạc cần tìm hiểu trong tác phẩm. Dưới sự gợi mở của GV, SV phải tự nghiên cứu tài liệu để phát hiện vấn đề, giải thích và đưa ra kết quả đúng nhất. Tùy từng nội dung bài học mà quá trình tiến hành phương pháp nghiên cứu tài liệu có thể đảo ngược lại trình tự học tập. Có nghĩa là SV nêu ra vấn đề nghiên cứu tác phẩm âm nhạc sau khi được học lý thuyết. Phương pháp này nhằm nâng cao nhận thức vấn đề lý thuyết của SV và đảm bảo được nguyên tắc giảng dạy, đi từ lý thuyết đến thực tiễn, tạo điều kiện cho SV biết vận dụng kiến thức lý giải các vấn đề thực tiễn thông qua những tác phẩm âm nhạc.

Ví dụ: GV cho SV nghe một đoạn nhạc, sau đó yêu cầu SV nghiên cứu tài liệu về tính chất của điệu thức có trong đoạn nhạc xác định được điệu thức 7 âm và tính chất trưởng hay tính chất thứ…

Tùy từng nội dung bài học mà quá trình tiến hành phương pháp nghiên cứu tài liệu được áp dụng linh hoạt, sáng tạo.

Ngoài những phương pháp đặc trưng cho bộ môn Lý thuyết Âm nhạc cơ bản, GV có thể vận dụng một số phương pháp sau đây để nâng cao chất lượng dạy học như:

-   Phương pháp tổ chức mô hình chỗ ngồi thúc đẩy học tập tích cực:

Một giờ dạy tốt là tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó việc bố trí mô hình chỗ ngồi hợp lí sẽ tạo điều kiện thuận lợi để GV và SV phát huy tối đa năng lực của mình. Ngoài mô hình bố trí chỗ ngồi truyền thống còn có nhiều cách bố trí khác tùy điều kiện giảng dạy, cơ sở vật chất và đặc điểm môn học. Mỗi mô hình đều có ưu điểm và nhược điểm riêng.

Xuất phát từ đặc thù của học phần Lý thuyết Âm nhạc cơ bản tại trường CĐCĐ Bắc Kạn, chúng tôi đề xuất bố trí chỗ ngồi như sau:

Sơ đồ 2.2 : Bố trí chỗ ngồi theo nhóm.

 

Bảng viết

Màn hình

 

Đàn piano

 

Bàn GV

­­­

 

 

 

 

 

 

 

VỊ TRÍ

CHỖ NGỒI SV

 

 

 

 

 

 

 

CHIA

THÀNH TỔ

 

 

 

 

 

 

 

HƯỚNG

VÀO NHAU

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Với sơ đồ chỗ ngồi được bố trí theo nhóm SV sẽ mang lại hiệu quả trong việc chia nhóm thảo luận. Từng SV trong nhóm có vai trò bình đẳng cùng ngồi đối diện nhau, mọi công việc đều được dàn trải, ai cũng có nhiệm vụ xây dựng bài, giảm bớt tình trạng ngồi ngoài cuộc thiếu trách nhiệm.

Dưới đây là sơ đồ bố trí theo hình chữ “U”.

Sơ đồ 2.3: Bố trí theo hình thức hình chữ “U”

 

Bảng viết

Màn hình

 

Đàn piano

 

Bàn GV

 

 

 

KHU VỰC CỦA  GV HOẶC NHÓM SV TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG

 

 

 

 

                           VỊ TRÍ NGỒI CỦA SV

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                   

 

- Phương pháp kết hợp học đi đôi với hành là nguyên tắc có từ lâu đời nên không bao giờ cũ với thời đại mới. Theo cách truyền thống thì GV thường giảng dạy theo trình tự chuyển tải hết nội dung lý thuyết rồi mới bắt đầu phần thực hành, điều này chưa mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, quá trình giảng dạy cần đảm bảo cho SV thực hành ngay sau giờ lý thuyết. Biện pháp dạy là song song hai nội dung dạy lý thuyết âm nhạc và thực hành làm bài tập ngay sau phần lý thuyết. Lý thuyết chính là cơ sở để ứng dụng làm bài tập thực hành.

Ví dụ: Sau khi GV giảng xong phần nhịp, các loại nhịp thì cho SV bài tập về xác định loại nhịp và kết nhóm trường độ. Như vậy SV sẽ tư duy tính toán về số chỉ nhịp, các phách có trong ô nhịp... để đưa ra kết quả đúng điều này giúp SV sẽ ghi nhớ bài tốt hơn và hiểu rõ bản chất của khái niệm.

-    Phương pháp tổ chức nhóm dạy học theo kỹ thuật bể cá: với cách bố trí chỗ ngồi hình chữ “U”, GV chia lớp thành hai nhóm: nhóm cá và nhóm quan sát. Nhóm cá hoạt động ở giữa lớp theo yêu cầu của GV (GV đưa ra một nội dung liên quan đến lý thuyết âm nhạc, nhóm cá có nhiệm vụ tìm hiểu,minh họa trực quan nội dung hoặc trình bày cho cả lớp nghe). Nhóm quan sát theo dõi hoạt động, ghi chép trao đổi. Phương pháp này giúp GV đánh giá được năng lực của SV, đồng thời giúp SV phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng truyền thông và kỹ năng điều hành lớp.

-   Phương pháp thực hành theo nhóm nhỏ: GV chia nhóm từ 4 đến 8 SV cùng nhau làm bài tập môn Lý thuyết Âm nhạc cơ bản dưới sự theo dõi, giám sát của GV. Qua hình thức kiểm tra cá nhân hoặc theo nhóm, kết quả thực hiện sẽ được đánh giá bằng điểm chung cho cả nhóm. Do đó để được điểm cao thì SV giỏi sẽ phải hỗ trợ cho SV yếu. Đây là hoạt động nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cùng học tốt, hạn chế tình trạng ỷ lại, trốn tránhcông việc của bản thân.

-   Phương pháp tổ chức nhận xét, đánh giá: Với những nhiệm vụ được giao tại lớp hoặc nhiệm vụ được giao từ giờ học trước, SV trình bày kết quả trong một thời gian nhất định. Sau đó GV tổ chức từng nhóm thảo luận, nhận xét, đánh giá phần trình bày Lý thuyết Âm nhạc cơ bản của nhóm theo một hệ thống chấm điểm của GV quy định từ trước. GV tổng hợp, phân tích phần nhân xét, đánh giá của từng nhóm và đưa ra quyết định cuối cùng. Phương pháp này giúp SV hình thành kỹ năng phân tích và đánh giá.

Tóm lại, có rất nhiều phương pháp để GV lựa chọn. Không có một phương pháp nào là vạn năng, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp để vận dụng, phối hợp một cách linh hoạt, khéo léo vào từng điều kiện cụ thể sao cho những ưu điểm của phương pháp này khắc phục được những nhược điểm của phương pháp kia, làm nên một tiết dạy thật sự chặt chẽ khoa học và đạt được chất lượng cao nhất. việc vận dụng các phương pháp mới đã làm thay đổi thực trạng theo hướng tích cực tại Trường CĐCĐ Bắc Kạn. Điều này đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy học môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản tại Trường

 

                                                      TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Như An (1991), Phát huy tính tích cực và độc lập nhận thức của sinh viên trong quá trình dạy học và giáo dục, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.

2. Nguyễn Hoàng Anh (2007), chủ nhiệm đề tài:Khai thác giáo trình mới nhằm nâng cao chất lượng Đọc - Ghi nhạc hệ Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc tại Trường CĐSP Hà Nội.

3. Phan Trần Bảng (2011) Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông (tái bản lần 1), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Nguyễn Bách (2011), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Thanh niên, Tp HCM.

5. Nguyễn Bách (2002), Giúp trí nhớ Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Hà Nội, Tp HCM.

6. Lê Khánh Bằng (1989), Một vấn đề nâng cao hiệu quả của quá trình dạy học ở Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp, tập 1, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.

7. Nguyễn Ngọc Bảo, Ngô Hiệu (1995), Tổ chức quá trình dạy học ở trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

8. Nguyễn Ngọc Bảo (1995), Phát huy tính tích cực, tính tự lực của học sinh trong quá trình dạy học.

9. Phó Đức Hòa (2010), Phương pháp dạy học và giáo dục Tiểu học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

10. Trần Bá Hoành (2007), Đổi mới phương pháp dạy học, chương trình và sách giáo khoa, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

11. Lê Ngọc Hải (2006), chủ nhiệm đề tài Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn Nhạc lý cơ bản cho giáo sinh Cao đẳng Sư phạm Sư phạm trường ĐHSP Hà Nội.