Nội san

Đánh giá công cụ kiểm tra năng lực thực hành tiếng Anh của sinh viên không chuyên ngữ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

27 Tháng Bảy 2015

                                                                   ThS. Đinh Thị Phương Hoa [1]

 

            Bài viết đã đưa một số đánh giá về công cụ kiểm tra năng lực thực hành tiếng Anh hiện hành cho sinh viên không chuyên ngữ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đồng thời cũng đưa ra một số chỉ số chỉ báo/ tiêu chí để làm cơ sở góp phần xây dựng hệ thống chuẩn – những kiến thức kỹ năng cùng bộ công cụ kiểm tra đánh giá môn Tiếng Anh cho hiệu quả và phù hợp với đối tượng đặc thù là sinh viên khối nghệ thuật tại Trường.

1.         Đặt vấn đề

Gần đây, Hội nghị thế giới về giáo dục đại học, tổ chức từ ngày 05 đến 08/7/2009 tại UNESCO Paris, nhận định rằng giáo dục đại học đang chuyển động dưới tác động của những động lực mới. Đó là: sự gia tăng nhu cầu nhập học, việc đa dạng hoá các loại trường và nguồn cung ứng, hợp tác giữa các nhà truờng và liên kết mạng, nhu cầu học tập suốt đời, tác động của công nghệ thông tin và truyền thông, trách nhiệm xã hội của các trường đại học, sự thay đổi trong vai trò của chính phủ. Về cơ bản các động lực trên là biểu hiện cụ thể của một thế giới toàn cầu hoá trong giáo dục đại học. Theo cách nói của T. Friedman, đó là một thế giới phẳng trong đó các rào cản về địa lý, kinh tế và chính trị đang dần dần được dỡ bỏ. Thế giới phẳng này cũng đang làm “phẳng hoá” giáo dục nghĩa là tạo ra một sân chơi giáo dục bằng phẳng, liên kết mạng, nơi mọi người đều có thể học hỏi, trau dồi kiến thức, phát triển kỹ năng, và mọi quốc gia, tổ chức đều có thể tham gia cung ứng giáo dục, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh bình đẳng. Vì thế, hợp tác quốc tế về giáo dục đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, cao hơn và phức tạp hơn. Đó là hội nhập quốc tế về giáo dục. Các thách thức và cơ hội của tiến trình hội nhập quốc tế về giáo dục đã được phân tích nhiều trong các diễn đàn, hội thảo và tài liệu nghiên cứu, quốc tế cũng như trong nước. Vấn đề là từ những phân tích đó, mỗi quốc gia cần tìm ra cho mình các chính sách và chiến lược cần thiết để giáo dục đại học thực hiện được tốt nhất sứ mệnh của mình trong việc sản sinh, truyền bá và áp dụng tri thức, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (Nhật Tiến, 2012, trang 1).

            Trong bối cảnh đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy đại học tại Việt Nam hiện nay đang là một vấn đề cấp bách đang được Đảng, Nhà nước và xã hội hết sức quan tâm. Một trong những khía cạnh còn ít được nghiên cứu của đổi mới phương pháp giảng dạy đại học tại Việt Nam  là kiểm tra đánh giá. Bài viết này được tự đề xuất trên cơ sở thực tế cũng như phần nào đáp ứng một cách thiết thực nhu cầu cấp thiết về công tác kiểm tra đành giá năng lực thực hành tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Trên cơ sở kết quả đánh giá về công cụ kiểm tra năng lực thực hành tiếng Anh hiện hành cho sinh viên không chuyên ngữ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương; trong bài báo này, chúng tôi cũng đưa ra một số chỉ số chỉ báo/ tiêu chí để làm cơ sở góp phần xây dựng hệ thống chuẩn – những kiến thức kỹ năng cùng bộ công cụ kiểm tra đánh giá môn Tiếng Anh cho hiệu quả và phù hợp với đối tượng đặc thù là sinh viên khối nghệ thuật tại cơ sở đào tạo này.

  1. Đánh giá về công cụ kiểm tra năng lực thực hành tiếng Anh hiện hành cho sinh viên không chuyên ngữ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

            Công cuộc nghiên cứu thiết kế cấu trúc đề thi tiếng Anh cùng với các bảng đặc tính kỹ thuật để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cũng như quá trình dạy và học tiếng Anh đã được thực hiện từ nhiều năm nay ở hầu hết các trường đại học trên toàn thế giới như: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Vương quốc Anh,... Những nước này đều có những cơ quan chuyên nghiên cứu thiết kế và phát triển các bộ đề thi tiếng Anh chuẩn quốc tế như Cơ quan Kiểm tra Giáo dục (ETS) của Mỹ với bộ đề thi TOEFL, Hội đồng Anh và Trường Cambridge của Anh với các bộ đề thi IELTS, Cambridge, v.v. Tại Australia, Trung tâm nghiên cứu lượng giá, một trong những tổ chức hàng đầu về thiết kế đề thi bao gồm cả hệ thống đền thi IELTS (trong đó có đa dạng các đề thi tiếng Anh khác), đã thường xuyên tiến hành nghiên cứu thiết kế các bộ đề thi với các bảng đặc tính kỹ thuật cho các nước như Australia, Vuong quốc Anh, HongKong, Singapore, và cả Việt Nam, v.v. Tuy nhiên,  những nghiên cứu đó nhằm phục vụ các đối tượng khác với sinh viên đối tượng đặc thù là sinh viên khối nghệ thuật tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, do vậy cần có những nghiên cứu riêng cho đối tượng  này. Ngoài ra, việc nghiên cứu xây dựng quy trình đánh giá thường xuyên cho đối tượng này cũng rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Trường hiện đang đi đầu trong khối Văn hóa – Nghệ thuật trong việc tiến hành đào tạo theo hệ thống tín chỉ lại càng cần thiết hơn.

            Các nước tiên tiến trên thế giới quan niệm rằng: bất cứ một chương trình giáo dục, đào tạo nào cũng cần phải xây dựng cho mình một hệ thống chuẩn những kiến thức và kỹ năng mà người học phải đạt được như là kết quả tất yếu của toàn bộ quá trình đào tạo đó. Hệ thống đó chính là cơ sở, căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, để cả người dạy và người học đều biết được cái đích mà họ cần đạt tới, đồng thời cũng là nguồn thông tin cần thiết để cho toàn thể xã hội có thể đánh giá đúng thực trạng giáo dục. Ở Việt Nam, năm năm trở lại đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai mạnh mẽ công tác xác định chuẩn cho các môn ở các cấp học và bước đầu các chuyên gia đã đề xuất bộ chuẩn cho các môn học trong đó có chuẩn cho ngoại ngữ.

            Trong Giáo dục đại học thì chuẩn cho các môn học, ngành học là do các cơ sở đào tạo tự xây dựng dựa trên mục đích, yêu cầu và điều kiện đào tạo cũng như nhu cầu của xã hội. Công tác xây dựng chuẩn cho chương trình đào tạo tiếng Anh ở Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chưa được thực hiện một cách hệ thống, đồng bộ và khoa học. Trên thực tế thì chuẩn các môn học chỉ được xác định một cách chung chung, chưa thể hiện rõ đặc thù môn tiếng Anh cũng như mức độ kiến thức và kỹ năng người học cần đạt được sau từng giai đoạn học tập. Do đó, việc xác định chuẩn cho toàn bộ chương trình đào tạo và từng năm học và một công việc hết sức cấp thiết hiện nay. Chuẩn đánh giá khoa học và phù hợp sẽ giúp điều chỉnh chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy để đạt được mục đích của chương trình đào tạo. Bên cạnh đó chuẩn đánh giá cũng góp phần xây dựng hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp và hiệu quả. Và hơn thế nữa, chuẩn cùng công cụ đánh giá như các đề thi và qui trình đánh giá thường xuyên cũng giúp cho việc hội nhập với khu vực và thế giới dễ dàng hơn [2,130 – 131].

            Học tiếng Anh đối với sinh viên của khối nghệ thuật thường được xem là “gian nan” và đối với sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương thì quan niệm về môn tiếng Anh luôn được phần lớn các sinh viên cho là “khó”. Với thực tế như vậy thì để xác định được chuẩn năng lực thực hành tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ của Trường thì những vấn đề lý luận và kết quả nghiên cứu thực nghiệm của đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh cũng như công tác đo lường đánh giá với quá trình dạy và học tiếng Anh phải được tiến hành có hệ thống và toàn diện nhằm mục đích xây dựng được bộ công cụ kiểm tra, đánh giá năng lực ngôn ngữ bao gồm các bước trong xây dựng một bài kiểm tra, các thành tố tong quy trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên, các đặc điểm của một bài kiểm tra tốt, các điểm mạnh và điểm yếu của đo lường đánh giá tỏng dạy ngoại ngữ và ứng dụng một cách hiệu quả vào năng lực thực hành tiếng cho sinh viên khối nghệ thuật. Về cơ bản, việc kiểm tra đánh giá phải đảm bảp nguyên tắc: tiến hành thường xuyên và tức thời; thống nhất giữa mục đích học tập và mục đích kiểm tra, đánh giá; kết hợp nhiều kiểu bài kiểm tra khác nhau; đa dạng hóa các hình thức kiểm tra; đảm bảo tính khách quan. Hơn thế nữa, do quá trình dạy - học và kiểm tra đánh giá có mối quan hệ gắn bó, tác động qua lại lẫn nhau nên đổi mới phương pháp giảng dạy càng cần phải gắn liền với đổi mới kiểm tra đánh giá. Đó là đổi mới kiểm tra đánh giá qua việc xác định mục tiêu đào tạo thông qua hệ thống chuẩn của năng lực thực hành tiếng, chuẩn hóa cấu trúc đề thi, qui trình đánh giá thường xuyên tạo đột phá để phương pháp dạy và học phải thay đổi theo [2,145]. Tuy nhiên, nhiều năm nay công tác đo lường, đánh giá cũng như bộ công cụ kiểm tra năng lực thực hành tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chưa thực sự phát huy hết được năng lực tiềm ẩn của chính mình vì nhiều nguyên nhân khác nhau dưới đây:

       2.1.  Đội ngũ giảng viên

Tổng số giảng viên biên chế của bộ phận giảng dạy tiếng Anh của Trung tâm Ngoại ngữ của Trường có 11, trong đó trình độ Tiến sĩ là 01, Thạc sĩ là 10. Nhìn chung tuổi đời của các giảng viên đều rất trẻ, 80 % số giảng viên có độ tuổi trung bình từ 29 đến 33 và đều đã ổn định gia đình cho nên họ hoàn toàn chuyên tâm với công tác giảng dạy của mình. Các giảng viên đều có đầy đủ sức khoẻ, nhiệt tình giảng dạy. Tất cả các giảng viên đều có năng lực chuyên môn, 80% đã từng là chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt các giảng viên rất hiểu tâm lý sinh viên của Trường vì họ đã có thâm niên nhiều năm giảng dạy tại Trường, có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên đặc thù khối nghệ thuật, nhiệt tình, yêu nghề. Tuy nhiên, do bối cảnh chung ở Việt Nam là khoa học đo lường và kiểm tra đánh giá chưa phát triển nên phần lớn giảng viên đều chưa được đào tạo bài bản về kiểm tra đánh giá và lý thuyết làm đề thi. Chính vì vậy, khi được phân công làm đề thi, các giáo viên thường sử dụng phương pháp lựa chọn một số phần của các đề thi khác nhau sẵn có trên thị trường rồi tổng hợp lại thành một đề thi. Việc làm này đôi khi dẫn đến kết quả chưa cao là các đề thi mà giảng viên sử dụng là những đề kiểm tra độ thông thạo tiếng Anh, trong khi đề cần soạn là để kiểm tra thành tựu học tập, năng lực thực hành tiếng để đánh giá xem sinh viên nắm bài giảng đến mức nào nhằm giúp giảng viên điều chỉnh cách dạy và người học điều chỉnh cách học cho thích hợp.

2.2.  Cấu trúc chương trình đào tạo

- Chương trình tiếng Anh của Trường được xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD&ĐT, gồm 03 học phần có tổng thời lượng là 09 tín chỉ.

+ Tài liệu tham khảo chính : Global (tác giả Pickering, K., MacAway, J. , nhà xuất bản Macmillan, năm 2012) tiêu chuẩn Khung Châu Âu.

- Mục đích của môn học :

+ Kiến thức : cung cấp cho sinh viên kiến thức ngữ pháp căn bản, vốn từ vựng cùng những mẫu câu giao tiếp cơ bản giúp sinh viên sau khóa học có khả năng giao tiếp ở cấp độ sơ cấp.

+ Kỹ năng : Phát triển đồng thời các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho sinh viên.

+ Thái độ : Giúp sinh viên có nhận thức đúng đắn với môn tiếng Anh, làm cho sinh viên thấy yêu thích môn tiếng Anh để học tập môn học này đạt kết quả cao.

a) Ưu điểm của giáo trình :

Đây là giáo trình tiếng Anh tổng quát và hiện được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Giáo trình này có ưu điểm là được phân bổ đều các kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết, phát âm, ngữ pháp và từ vựng. Các phần bài học được phân chia rất rõ ràng và có nội dung cụ thể, tương ứng với mỗi bài học đều có bài tập thực hành. Mỗi một bài học đều có một chủ đề và đề cập đến thực tế cuộc sống như : Daily life (cuộc sống hàng ngày), Travel (du lịch), Work and Play (làm việc và giải trí)…

b) Nhược điểm :

Giáo trình này mang tính chất tổng quát cho nên các kĩ năng : nghe, nói, đọc, viết, phát âm, ngữ pháp và từ vựng đều có đầy đủ nhưng mỗi kĩ năng chỉ chiếm một phần trong một bài học. Do đó không chuyên sâu vào một kĩ năng nào cả, giáo trình này đòi hỏi người học phải có khả năng và thời gian để tiếp nhận. Hơn nữa, do đặc thù của giáo trình không chuyên sâu mà là tiếng Anh tổng quát (General English) mang tính chất giới thiệu tổng quát các kĩ năng cơ bản nên người học phải có tính chủ động và tự giác rất cao trong việc học tiếng Anh mới có thể đạt được mức sơ cấp và nửa trung cấp theo yêu cầu của giáo trình. Phần bài tập của giáo trình này cũng mang tính lướt qua chứ không chuyên sâu, cho nên nếu chỉ làm bài tập trong giáo trình này thì chưa chắc người học đã có thể thành thạo tiếng Anh theo yêu cầu của chương trình khung. Ngoài ra, do thời lượng học chỉ có 09 tín chỉ và số lượng biên chế cho các lớp từ 49 đến trên 80 sinh viên nên trên lớp giảng viên không thể bao quát hết toàn bộ, do đó những sinh viên học ở mức trung bình và yếu ít có cơ hội luyện tập tại chỗ để theo kịp những sinh viên khác khá hơn.

Theo số liệu khảo sát về khả năng tiếp thu kiến thức trong giáo trình Global của sinh viên, 85% sinh viên và 100% giảng viên thấy rằng nội dung kiến thức trong giáo trình phân bố tương đối đồng đều các kỹ năng và thành tố ngôn ngữ, tuy nhiên một số phần lý thuyết có thể do thời lượng học ít nên sinh viên khó tiếp thu, thêm nữa bài tập thực hành ít nên có thể sinh viên sẽ không có cơ hội thực hành nhiều.

2.3.        Kiểm tra, đánh giá đối với môn tiếng Anh

            Phương thức đánh giá tổng hợp trong đó kết hợp nhiều hình thức đánh giá đã được thực hiện ở trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương từ nhiều năm nay. Kết quả cuối cùng của sinh viên bao gồm kết quả đánh giá quá trình học tập trên lớp (chuyên cần và tham gia xây dựng bài) chiếm 10%, kết quả bài kiểm tra dưới hình thức viết hoặc trình bày trên lớp, hoặc thi giữa kì chiếm 40% và bài kiểm tra cuối kì chiếm 50%.

            Việc tham gia xây dựng bài trên lớp của sinh viên được đánh giá qua số lần và chất lượng tham gia xây dựng bài. Ngoài ra, độ nhanh nhạy, tác phong khi tham gia xây dựng bài cũng được đánh giá.

            Bài kiểm tra dưới hình thức viết hoặc vấn đáp (trình bày) trên lớp là yêu cầu sinh viên lựa chọn một chủ đề nhất định, tìm thông tin và ngữ liệu để viết hoặc trình bày miệng trước lớp về đề tài đó. Bài tập này yêu cầu sinh viên phải biết cách tìm tài liệu học tập, đọc hiểu và tóm tắt được các tài liệu đó sau đó biết cách tổ chức các ý hoặc kiến thức tìm được và biết cách trình bày thông qua nói hoặc viết.

            Các bài kiểm tra định kỳ, giữa kỳ hoặc kết thúc học phần cho sinh viên thường được áp dụng hình thức thi viết và nội dung đề thi được soạn thảo từ các nguồn là các bài luyện thi hoặc các đề thi trong ngân hàng câu hỏi mà giảng viên tự soạn. Các đề thi này đều được biên tập lại cho phù hợp với trình độ sinh viên, mục tiêu đào tạo và chương trình dạy. Tiêu chí lựa chọn các mẫu đề thi là các chủ đề của bài đã học, các loại hình bài tập, các tiểu kĩ năng được đánh giá. Độ dài, số lượng các câu hỏi và một số yêu cầu khác của bài tập không phù hợp với mục đích kiểm tra thường được điều chỉnh lại. Kết quả các kì kiểm tra và sự đánh giá đề thi của các thành viên trong Trung tâm Ngoại ngữ cho thấy chất lượng các đề thi không đồng đều. Vẫn còn tình trạng giữa các đề thi của các học phần và các năm không nhất quán, có đề quá dễ, có đề quá khó đối với sinh viên; đôi khi vẫn có tình trạng các phần trong đề thi không đánh giá được hết các kiến thức và kỹ năng cần đánh giá. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: do nguồn đề thi cũng như kiến thức và trình độ của người ra đề còn hạn chế. Một nguyên nhân quan trọng khác là do chương trình đào tạo chưa có được một hệ thống chuẩn chính thức, đầy đủ và khoa học để làm căn cứ cho việc xây dựng chương trình đào tạo cũng như các tiêu chí kiểm tra đánh giá.

2.4 . Kết quả kiểm tra, đánh giá

            Một năm trước tính từ năm học 2014 – 2015 thì Trung tâm Ngoại ngữ vẫn áp dụng bộ câu hỏi mà đã được sử dụng cho học chế niên chế. Bộ câu hỏi này được giảng viên soạn sẵn trên cơ sở các bài học trên lớp để phù hợp với trình độ sinh viên không chuyên ngữ của Trường. Trước các kỳ thi kết thúc học phần thì sinh viên được sử dụng Bộ câu hỏi này để ôn tập. Kết quả của các kỳ thi này là 86.89% sinh viên đạt từ 5 điểm trở lên, trong đó có 23.78% đạt điểm khá giỏi. Kết quả này chưa thực sự phản ánh đầy đủ năng lực thực hành tiếng Anh của sinh viên phần vì sinh viên đã được ôn tập trước, phần vì bài thi chỉ đạt được một kỹ năng thực hành duy nhất là năng lực viết.

Sang năm học 2014 – 2015, để thay đổi chất lượng dạy - học, nhóm giảng viên dạy tiếng Anh đã thay đổi kết cấu đề thi chuẩn theo khung tham chiếu Châu Âu, đồng thời thay đổi nội dung đề thi nhưng chia làm hai hình thức thi, đặc biệt là không phát Bộ câu hỏi thi như các năm học trước đó. Một là hình thức thi viết (trắc nghiệm) dành cho sinh viên có học lực bình thường và kém hơn. Hai là hình thức thi viết + vấn đáp (thi 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết) dành cho sinh viên khá và giỏi, nếu sinh viên nào đăng ký thi theo hình thức này và đạt điểm theo yêu cầu sẽ được đặc cách không phải học học phần đó. Tuy nhiên, chỉ có 49/1143 sinh viên (chiếm tỷ lệ 0.04%) đăng ký dự thi hình thức thi thứ hai. Kết quả là do số sinh viên đăng ký hình thức thi thứ 2 quá ít so với quy chế nên không thể tổ chức kỳ thi này được. Số sinh viên còn lại tham dự kỳ thi kết thúc học phần theo hình thức thi thứ nhất thì kết quả thay đổi hoàn toàn: 48.53% dưới điểm đạt (điểm đạt là 4). Chỉ có khoảng 9.82% trong tổng số sinh viên còn lại (đạt từ điểm 4 trở lên) là đạt điểm khá, giỏi. Kết quả này cũng không phản ánh được một cách đầy đủ năng lực thực hành tiếng Anh của sinh viên không chuyên ngữ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

3.         Kết luận        

            Như vậy, từ thực tế các kết quả trên đây cho thấy rõ nếu bộ công cụ kiểm tra đánh giá năng lực thực hành tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chưa thực sự đạt chuẩn và phát huy hiệu quả. Nếu bộ công cụ kiểm tra đánh giá được thiết kế linh hoạt theo chuẩn công cụ đánh giá Việt Nam trên cơ sở kết hợp các hệ thống chuẩn công cụ đánh giá quốc tế và có thể tương đương với những chuẩn quốc tế nhất định, đặc biệt phù hợp với đối tượng sinh viên đặc thù khối nghệ thuật thì có thể sẽ góp phần vào việc:Dùng làm căn cứ và định hướng để xây dựng hoặc điều chỉnh chương trình đào tạo ngoại ngữ không chuyên, ngoại ngữ tăng cường cho sinh viên không chuyên ngữ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Các giảng viên xây dựng chương trình sẽ theo đó mà lựa chọn nội dung phù hợp, sắp xếp các nội dung đó theo một trình tự hợp lý, đề xuất được những phương pháp giảng dạy hiệu quả, đồng thời xây dựng phương thức kiểm tra đánh giá phù hợp, xác định được các tiêu chí đánh giá cụ thể.

            Tạo sự linh hoạt cho giảng viên trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng mở như: các giáo viên có thể áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau và thậm chí có thể lựa chọn các tài nguồn học liệu khác nhau cho từng đối tượng sinh viên, sao cho những phương pháp và tài liệu học tập đó phù hợp và hiệu quả nhất đối với sinh viên của mình nhằm mục đích sinh viên đạt được những mức chuẩn đầu ra tiếng Anh đã đề ra sau khi kết thúc khóa học.

            Đo lường, kiểm tra đánh giá quá trình dạy - học tiếng Anh: Chuẩn đầu ra tiếng Anh cùng với bộ công cụ đánh giá phù hợp đối tượng sẽ giúp cho các nhà quản lý cũng như những người tham gia giảng dạy trực tiếp đo lường đánh giá được hiệu quả của quá trình giảng dạy, nhận ra được những điểm mạnh, những điểm yếu trong quá trình giảng dạy để từ đó điều chỉnh, bổ sung nội dung và phương pháp giảng dạy cho phù hợp.

 

                                                        

                                         Tài liệu tham khảo

 

1. Phạm Đỗ Nhật Tiến. (2012). Việt nam trước yêu cầu hội nhập giáo dục: một chiến lược hai kịch bản.

2.TS. Tô Thị Thu Hương. (2007). Nghiên cứu xây dựng cấu trúc để thi đánh giá môn thực hành tiếng cho sinh viên Khoa Anh ĐHNN – ĐHQG Hà Nội.

3. Pickering, K., MacAway, J. (2012). Global - Beginner. Macmillan.

4. Pickering, K., MacAway, J. (2012). Global - Elementary. Macmillan.

5 .Pickering, K., MacAway, J. (2012). Global – Pre - Inter. Macmillan.

 



[1] Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương