Nội san

Phát triển chương trình đào tạo trình độ sau đại học các ngành văn hóa nghệ thuật từ cách tiếp cận phát triển năng lực người học

27 Tháng Bảy 2015

Ths. Nguyễn Thị Thu Hằng

Trường Đại học sư phạm nghệ thuật TW

           

            Thực hiện quan điểm chỉ đạo về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở tất cả các bậc học, ngành học của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Ban chấp hành Trung ương khóa XI; tiếp đến Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 5 năm 2014 kèm theo Quy chế đào tạo trình độ Thạc sĩ. Điểm nổi bật ở thông tư này là những thay đổi đáng kể như việc xây dựng chương trình đào tạo (CTĐT) trình độ sau đại học theo năng lực và chuẩn đầu ra của mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, tư tưởng định hướng ứng dụng (có năng lực làm việc độc lập, sáng tạo...) trong phát triển và thực hiện các CTĐT ở trình độ này vẫn chưa được phát biểu một cách chính thức và tường minh. Xây dựng phát triển CTĐT theo tiếp cận năng lực hay chuẩn năng lực đã và đang hiện hữu như là một xu thế toàn cầu và tất yếu trong nhà trường ở mọi cấp học và nhất là đối với trình độ đào tạo sau đại học. Trong bài viết này, tác giả xin khái quát về lý luận năng lực và những kiến nghị cho việc phát triển chương trình là nhân tố có tính sống còn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tại các trường văn hóa nghệ thuật (VHNT), nhất là phát triển chương trình đào tạo trình độ sau đại học các ngành VHNT theo cách tiếp cận năng lực người học.

            1. Một số khái niệm cốt lõi về năng lực

            Theo quan điểm của những nhà tâm lý học, “năng lực” là tổng hợp các đặc điểm, thuộc tính tâm lý của cá nhân phù hợp với yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định nhằm đảm bảo cho hoạt động đó đạt hiệu quả cao.

            Hiện nay có rất nhiều khái niệm “năng lực” được hiểu nhiều nghĩa khác nhau.

            Theo Chương trình giáo dục Quebec, Canada: Năng lực là tổ hợp các hoạt động dựa trên sự huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn kiến thức khác nhau để giải quyết các vấn đề hay có cách ứng xử phù hợp trong bối cảnh phức tạp của cuộc sống luôn thay đổi.

Song chúng ta có thể hiểu như sau: Năng lực là khả năng các hoạt động dựa trên sự vận dụng sáng tạo các nguồn kiến thức, kỹ năng khác nhau để giải quyết các vấn đề có hiệu quả nhất trong bối cảnh phức tạp của cuộc sống luôn thay đổi. Hay nói cách khác  năng lực là khả năng thực hiện có hiệu quả và có trách nhiệm các hành động, giải quyết các nhiệm vụ, vấn đề thuộc các lĩnh vực nghề nghiệp, xã hội hay cá nhân trong những tình huống khác nhau trên cơ sở vận dụng hiểu biết, kỹ năng, kỹ xảo và kinh nghiệm cũng như sự sẵn sàng hành động. (F.E.WEINERT 2001).

            Từ những khái niệm trên, tác giả xin đưa ra những năng lực người học ngành văn hóa nghệ thuật, từ đó làm thước đo của các phẩm chất năng lực người học như: năng lực sáng tạo, thụ cảm, nhân văn, hài hòa, độc đáo, phong phú đa dạng... Từ những năng lực là cơ sở đó, chúng ta cần xem xét trong bối cảnh và nhu cầu để phát triển chương trình đào tạo theo cách tiếp cận năng lực người học.

            2. Bối cảnh và nhu cầu cần phát triển chương trình đào tạo sau đại học theo cách tiếp cận năng lực người học

            Trước tiên cần hiểu văn hóa nghệ thuật là gì? 

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, văn hóa “là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong một khoảng không gian và thời gian nhất định”. Còn trong Bách khoa toàn thư Việt Nam có viết: “Nghệ thuật là một loạt những hoạt động khác nhau của con người và những sản phẩm do những hoạt động đó sáng tạo ra là những sản phẩm vật thể hoặc phi vật thể, chứa đựng những giá trị lớn về tư tưởng, thẩm mĩ mang tính chất văn hóa làm rung động tư tưởng tình cảm cho người thưởng thức…”

Theo PGS.TS. Tạ Văn Thành - Trường Đại học Dân lập Hùng Vương cho rằng: "VHNT là sự phát triển năng lực nghệ thuật (thụ cảm, nhận thức, sáng tạo nghệ thuật) của con người, thể hiện ra trong hoạt động nghệ thuật) và kết tinh lại ở các giá trị nghệ thuật".

            VHNT bao gồm các giá trị sau: Chủ thể nghệ thuật (nghệ sỹ - công chúng nghệ thuật); Hoạt động nghệ thuật (sáng tạo - thụ cảm các tác phẩm nghệ thuật); Giá trị nghệ thuật (Tác phẩm thuộc các loại hình, loại thể nghệ thuật); Các thiết chế định hướng, quản lý, phổ biến nghệ thuật và giáo dục nghệ thuật.

            Từ khái quát trên về VHNT, tác giả thấy thể hiện sự đặc thù của ngành VHNT với những phong phú đa dạng, bao trùm và có mặt trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Điều đó cho thấy là việc xây dựng chương trình đào tạo trình độ sau đại học ngành VHNT phải được chắt lọc, đúc kết và trải nghiệm qua quá trình sử dụng nguồn nhân lực đặc thù này. Qua thực tế việc sử dụng chương trình đã đào tạo đã một phần đáp ứng mục tiêu chương trình đào tạo nhằm cung cấp cho xã hội đội ngũ quản lí có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực văn hóa, đội ngũ giáo viên giảng dạy âm nhạc có năng lực sư phạm, kiến thức sâu rộng về lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, đội ngũ có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp, trong  đóng góp công sức vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, cán bộ quản lí văn hóa cho cả nước. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo còn một số bất cập như: việc thiết kế chương trình mục tiêu chưa rõ ràng, thể hiện được về năng lực người học còn chung chung (phát huy hết năng khiếu của người học); việc xây dựng kiểm tra, đánh giá cho chương trình đào tạo chưa thể hiện triết lý vì sự tiến bộ người học; coi kiểm tra, đánh giá là bộ phận cấu thành phương pháp dạy học....

            Tiếp đến, trong cuộc cách mạng về đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay, Ban chấp hành TW ban hành Nghị quyết 29 - NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo với những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực phẩm chất người học. Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn... Đổi mới tất cả các bậc học, ngành học…  Đối với giáo dục đại học tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, phát triển phẩm chất năng lực người học”. Thêm nữa là những nội dung cần thiết phải xây dựng CTĐT trình độ sau đại học theo cách tiếp cận năng lựcngười học các ngành VHNT tại các trường VHNT theo thông tư 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chính vì lý do trên cần thiết phải thiết kế chương trình đào tạo theo cách tiếp cận đánh giá năng lực với chuyên ngành đặc thù; từ đó cần phát triển chương trình đào tạo sau đại học theo cách tiếp cận năng lực người học đáp ứng với mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

            3. Mục tiêu về phát triển chương trình đào tạo trình độ sau đại học theo cách tiếp cận năng lực người học

            Trong tiến trình phát triển CTĐT dựa vào năng lực, Johnson & Ratcliff (2004), Linton (2009) và Blaxel & Moore (2012) cho rằng một cách tiếp cận tốt hơn cho nhà trường đó là thực hiện một tiến trình chủ định, có tính chiến lược để nhận diện, xác định và đánh giá hệ thống các năng lực cốt lõi (Core Competency) mà người học nhất thiết phải đạt được trong suốt khóa học. Năng lực cốt lõi là những khả năng (kĩ năng) mà người học vận dụng, giải quyết nảy sinh trong cuộc sống, công việc… Năng lực cốt lõi là kết quả hoặc là giá trị mà người học lĩnh hội được, như là sản phẩm của chương trình giáo dục mà họ đã học, hay nói cách khác năng lực đó phải do người học tự kiến tạo bằng chính kiến thức của mình. Năng lực cốt lõi không chỉ là các kĩ năng (năng lực) mà chương trình chủ định phát triển cho người học, chúng còn là những ưu tiên cao nhất bởi lẽ chúng là những khả năng chủ yếu mang đến thành công và thành đạt trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào. Nói cách khác, năng lực cốt lõi là những năng lực không riêng biệt cho một lĩnh vực chuyên môn nào cả, chúng là những phẩm chất trung tâm cần thiết cho người học để họ sử dụng một cách hiệu quả kiến thức mà họ đã đạt được trong mỗi môn học.

Qua những cơ sở lý luận trên, có thể thấy, những bất cập trong đào tạo trình độ sau đại học theo thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT là dựa vào kết quả học tập. Do đó, năm 2014 Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 5 năm 2014, đã thể hiện tư tưởng tiếp cận năng lực người học. Trong đó, phần mục tiêu đào tạo đã nêu: Đào tạo trình độ thạc sĩ nhằm giúp cho học viên bổ sung, cập nhật và nâng cao kiến thức ngành, chuyên ngành; tăng cường kiến thức liên ngành; có kiến thức chuyên sâu trong một lĩnh vực khoa học chuyên ngành hoặc kỹ năng vận dụng kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn nghề nghiệp; có khả năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc ngành, chuyên ngành được đào tạo”.

            Để đáp ứng với bối cảnh thực tế hiện nay, các trường đào tạo trình độ sau đại học cần thay đổi về chương trình đào tạo, là cơ sở tạo nên chất lượng đào tạo. Mà phát triển chương trình theo tiếp cận năng lực đó phải hướng vào mục tiêu, chuẩn đầu ra, nhu cầu thực tiễn của xã hội năng lực cần có của người học.

            4. Phát triển chương trình đào tạo các ngành Văn hóa Nghệ thuật trình độ sau đại học theo cách tiếp cận năng lực người học

            4.1. Ý nghĩa

 Xây dựng CTĐT các ngành VHNT trình độ sau đại học theo cách tiếp cận năng lực như là xu thế tất yếu của các trường VHNT. Theo triết lý của CTĐT dựa vào chuẩn (Standard-based Education) là niềm tin rằng tất cả người học kể cả thiểu năng đều có thể đạt được các trình độ cao hơn và đạt đến mức cao nhất mà họ có thể nếu: Chuẩn (các mong đợi người học đạt) được xác định rõ ràng; Việc giảng dạy được thiết kế và được cung cấp để hỗ trợ cho thành đạt của mọi người học; Nhà trường tổ chức dạy học - kiểm tra, đánh giá một cách chặt chẽ để người học đạt và thể hiện năng lực của mình.

            Trong bối cảnh GD&ĐT của nước ta hiện nay, phát triển chương trình chuẩn theo cách tiếp cận năng lực người học là chiến lược có ý nghĩa tiền đề trọng yếu cho quá trình đảm bảo chất lượng đào tạo theo hướng liên thông với nền giáo dục đại học quốc tế tiên tiến, hội nhập toàn cầu.            Điều này cho thấy, xây dựng chương trình đào tạo sau đại học các ngành VHNT theo cách tiếp cận năng lực cần căn cứ vào mục tiêu đào tạo phát triển năng lực cho người học. Để người học có thể giải quyết vấn đề trong bối cảnh cuộc sống luôn thay đổi, hay phát huy những năng khiếu của người học khi cuộc sống nảy sinh những yêu cầu về nâng cao chất lượng văn hóa nghệ thuật.

            4.2. Tiến trình phát triển chương trình đào tạo theo năng lực người học

            Do vậy, việc phát triển một CTĐT theo năng lực, theo Albanese et al (2008), nhiều tác giả khác, nhất thiết phải trải qua năm giai đoạn chính: Nhận diện các năng lực cốt lõi xuất phát từ các nhân tố nằm ngoài bản thân chương trình đào tạo, nghĩa là từ nhu cầu của xã hội và cộng đồng; Xác định các mức độ và tiêu chí cho mỗi năng lực sao cho chúng có thể đo lường được, nhờ vậy hướng dẫn việc thiết kế tiến trình đánh giá và nội dung giảng dạy; Liên kết, sắp xếp các năng lực tương thích với chương trình giảng dạy được thiết kế; Thiết kế các tiến trình đánh giá cho mỗi năng lực; Thực hiện việc giảng dạy và các tiến trình đánh giá.

            Quan trọng nhất trong phát triển CTĐT theo năng lực đó là chuẩn cần được hiểu một cách thống nhất là một ngưỡng thực tế, hoặc mức thể hiện năng lực trong một tình huống đánh giá và là mức độ thành đạt cụ thể mà người học có được. Chuẩn gắn bó một cách chặt chẽ với sự phán đoán rằng người học có năng lực, đã đạt đến một mức độ thể hiện có thể chấp nhận về một năng lực đã được xác lập. Nói cách khác, theo cách sử dụng này, chuẩn chỉ thể hiện của người học, nó tương phản việc thường sử dụng chuẩn trong tương quan với “chương trình chuẩn”. Chuẩn nhất thiết phải tương thích với hệ thống theo dõi đánh giá để người học được kiểm tra trên hệ thống chuẩn đã được xác định và họ đã phải được tổ chức học tập thích hợp với các chuẩn ấy.

            4.3. Tính ứng dụng của chương trình đào tạo theo cách tiếp cận năng lực người học

            Nghiên cứu ứng dụng được tiến hành để giải quyết các vấn đề thực tế của thế giới đương đại, không phải chỉ hiểu để mà hiểu (kiến thức vị kiến thức), kết quả của nghiên cứu ứng dụng là để cải thiện những vấn đề đang thực hiện. Chính vì vậy, việc xây dựng CTĐT theo cách tiếp cận năng lực là mục tiêu để người học được tiếp cận, tích lũy và phát huy được khả năng nghiên cứu của mình trong một lĩnh vực cụ thể.

            Với đối tượng tham gia học tập CTĐT trình độ sau đại học rất đa dạng: Học viên đã tốt nghiệp đại học ngành đúng, ngành gần, và một số ngành khác.. Chính vì vậy, CTĐT cần có nhiều môn học tự chọn để phù hợp với đối tượng đào tạo.

Nói đến giáo dục nghệ thuật hiện nay, tác giả xin kể đến trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (ĐHSP Nghệ thuật TW) là cơ sở giáo dục mang tính đặc thù với truyền thống đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật trong 45 năm qua và một số ngành Văn hóa Nghệ thuật. Đặc biệt chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc là chương trình đào tạo đầu tiên và duy nhất trong hệ thống đào tạo sau đại học của nước ta. Trong sự phát triển và lớn mạnh không ngừng; tính từ năm 2006 đến nay, Nhà trường đã ban hành 17 CTĐT cho các hệ đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp hệ chính quy; 11 chương trình cho liên thông hệ chính quy; 2 chương trình cho đào tạo thạc sĩ và 01 chương trình đào tạo tiến sĩ. Ở trình độ đào tạo Sau đại học, Nhà trường đang đào tạo khóa IV chuyên ngành Lý luận & Phương pháp dạy học Âm nhạc (LL&PPDH Âm nhạc); Khóa II chuyên ngành Quản lý văn hóa (QLVH) với mục tiêu CTĐT đảm bảo cho học viên được bổ sung và nâng cao những kiến thức đã học ở trình độ đại học; tăng cường kiến thức liên ngành, có đủ năng lực thực hiện công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học trong ngành của mình.

Để chương trình đào tạo Sau đại học các chuyên ngành VHNT đạt được tính ứng dụng tiếp cận năng lực người học, với chương trình đào tạo sau đại học ở chuyên ngành LL&PPDH Âm nhạc và chuyên ngành QLVH hiện nay, cần phải bổ sung thêm nhiều chuyên đề, môn học tự chọn để học viên lựa chọn với quy định chiếm 30% chương trình đào tạo. Trong 30% ( chiếm khoảng 10 đến 12  tín chỉ) lại cần có số lượng môn học tự chọn gấp 2 đến 3 lần để đáp ứng nhu cầu chọn lựa cho học tập và nghiên cứu của học viên. Đối với chuyên ngành LL&PPDH Âm nhạc cần bổ sung: Phương pháp đạo diễn chương trình nghệ thuật; Quản lý phát triển chương trình giảng dạy âm nhạc; Quản lý tổ chức sự kiện; Quản lý hoạt động nghệ thuật; Lý luận về nghệ thuật trình diễn Thanh nhạc, Nhạc cụ; Phương pháp viết Luận văn… Đối với chuyên ngành QLVH: Lịch sử nghệ thuật thế giới; Quản lí dự án văn hóa; Huy động tài trợ; Phát triển văn hóa cộng đồng,...

 Theo thông tư số 15/2014 của Bộ GD&ĐT thì chương trình theo cách tiếp cận năng lực có thể xây dựng thời gian đào tạo 1,5 năm và trong Điều 23 địa điểm đào tạo có quy định Trong trường hợp cần thiết, đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo cách tiếp cận năng lực, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hoặc quyết định việc tổ chức đào tạo một phần chương trình ở ngoài cơ sở đào tạo, kể cả tại phân hiệu của cơ sở đào tạo (nếu có)”. Điều này thể hiện sự quan tâm đến nhu cầu cấp thiết của người học trong hoàn cảnh địa lí, phù hợp và đảm bảo sự ổn định nhân sự và hoạt động chuyên môn trong các tổ chức có học viên tham gia chương trình học tập nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở đào tạo về mặt tổ chức hoạt động.

            5. Kết luận

            Qua những nghiên cứu trên, cho thấy việc xây dựng phát triển chương trình đào tạo sau đại học các ngành VHNT theo cách tiếp cận năng lực theo Thông tư số 15 /2014/TT-BGDĐT là một cơ hội và thách thức để các trườngVHNT đổi mới và xây dựng phát triển CTĐT theo chuẩn năng lực đã và đang hiện hữu như là một xu thế toàn cầu và tất yếu trong nhà trường ở mọi cấp học. Điều đó cần được xem là một đường lối chiến lược phát triển của Nhà trường trong chương trình đào tạo sau đại học tới đây, tạo điều kiện thuận lợi  nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận đánh giá năng lực người học. Đó cũng chính là việc phát triển hệ thống tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong nhà trường đại học đã chính thức được khẳng định về mặt pháp lý, chính vì vậy  việc xây dựng chương trình đào tạo sau đại học theo cách tiếp cận năng lực là cấp thiết, đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực của người học trong tình hình đổi mới giáo dục & đào tạo hiện nay, góp phần tích cực cùng hội nhập và sự phát triển giáo dục của Việt Nam, sánh vai với các trường đại học uy tín trên thế giới.

 

 

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Bộ Giáo dục và đào tạo (2011),Thông tư 10/2011/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành ngày 28 tháng 02 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Bộ Giáo dục và đào tạo (2014),Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành ngày 15 tháng 05 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Trần Khánh Đức (2010), Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

4. Vũ Ngọc Hải - Đặng Bá Lãm - Trần Khánh Đức (2007), Giáo dục Việt Nam - Đổi mới và phát triển hiện đại hóa, NXB Giáo dục, Hà Nội.

5. Nguyễn Lộc (2011), Vai trò và năng lực người cán bộ quản lý giáo dục, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phát triển nguồn nhân lực quản lý giáo dục trong thế kỷ XXI, Học viện Quản lý giáo dục.

6. The Québec Education Progam (2005): Cross-Curricular Competency - Broad Areas of Learning- Subject-Specific Competencies.