Nội san

Phát triển đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo khối văn hoá, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông

27 Tháng Bảy 2015

Nguyễn Thị Thu Hằng

Khoa Tại chức & ĐTLK

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

 

            Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh phổ thông là một trong các mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông trong giai đoạn hiện nay. Chất lượng giáo dục toàn diện học sinh phổ thông phụ thuộc một phần vào chất lượng đội ngũ giáo viên dạy các môn nghệ thuật. Một trong các chức năng và nhiệm vụ của các trường khối văn hoá nghệ thuật là đào tạo đội ngũ giáo viên âm nhạc và mỹ thuật cho các trường phổ thông. Bài viết này tập trung vào vấn đề phát triển đội ngũ giảng viên các trường khối văn hoá, nghệ thuật để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn văn hoá, nghệ thuật cho các trường phổ thông.

1. Mục tiêu phát triển toàn diện học sinh trong giáo dục phổ thông và các yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo khối văn hóa nghệ thuật.

            Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đề ra mục tiêu “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn”[1]. Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 đã đề ra một trong những mục tiêu phát triển giáo dục phổ thông là “Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, đặc biệt chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ, tin học”[2]. Để đạt được các mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông, ngoài đổi mới một cách mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục phổ thông, cần tập trung vào các hoạt động đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, trong đó có đội ngũ giáo viên nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật).

            Đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn âm nhạc và mỹ thuật ở các trường phổ thông chủ yếu được đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học (trường đại học hoăc trường cao đẳng) khối văn hoá, nghệ thuật. Như vậy, chất lượng của đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn âm nhạc và mỹ thuật ở trường phổ thông phụ thuộc phần nhiều vào chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo khối văn hoá nghệ thuật. Tuy rằng chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên âm nhạc và mỹ thuật cho các trường phổ thông tại các cơ sở đào tạo khối văn hoá, nghệ thuật tuy phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp và hình thức tổ chức, điều kiện và phương tiện đào tạo; nhưng không thể không phụ thuộc vào một yếu tố mang tính quyết định là chất lượng của đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo đó.

            Chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo khối văn hoá nghệ thuật được cấu thành bởi các yếu tố cơ bản là phẩm chất và năng lực của từng cả nhân và của cả đội ngũ này. Phẩm chất và năng lực của đội ngũ giảng viên đó được tích hợp và hoà quyện nhờ vào các yếu tố như số lượng, cơ cấu về độ tuổi, chuyên ngành đào tạo và cơ cấu về trình độ đào tạo để tạo nên các năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm.

            Như vậy, vấn đề đặt ra đối với các trường khối văn hoá, nghệ thuật là phải nâng cao chất lượng đào tạo. Để giải quyết vấn đề này, thì các yêu cầu cơ bản đối với các cơ sở đào tạo khối văn hoá, nghệ thuật là cần phải có một đội ngũ giảng viên đáp ứng được các hoạt động nằm nâng cao chất lượng đào tạo. Cụ thể, đội ngũ đó phải đáp ứng các tiêu chí:

            -  Đủ số lượng cần thiết để đảm bảo được tỉ lệ giảng viên trên đầu sinh viên (các giáo viên tương lai sẽ giảng dạy âm nhạc và mỹ thuật tại các trường phổ thông);

            - Có cơ cấu phù hợp, trong đó:

                        +  Độ tuổi thích hợp để vừa phát triển huy được sự sáng tạo và sự nhạy bén trong tiếp thu và truyền bá cái mới về văn hoá, nghệ thuật cho người học; vừa kế thừa được những kinh nghiệm quý báu của các giảng viên có kinh nghiệm và tay nghề cao.

                        + Cơ cấu về giới phù hợp để thích ứng với cơ cấu giới của đội ngũ giáo viên phổ thông (số giáo viên ân nhạc và mỹ thuật ở các trường phổ thông phần nhiều là nữ).

                        +  Cơ cấu phù hợp về chuyên ngành đào tạo, để đảm bảo tốt cho việc giảng dạy các chuyên ngành tại mỗi cơ sở đào tạo.

                        + Cơ cấu phù hợp về trình độ đào tạo để đảm bảo được tỉ lệ giữa các giảng viên có học hàm và học vị với sinh viên.

            - Có đủ phẩm chất đạo đức như quy định về đạo đức nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định.

            - Có đủ năng lực để giảng dạy và nâng cao chất lượng dạy học của mình; trong đó phải có các năng lực tối thiểu và nghiệp vụ sư phạm trong quá trình dạy học …

2. Khái quát về thực trạng đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo khối văn hoá, nghệ thuật

             Về số lượng, nhìn chung là thiếu, nhiều cơ sở đào tạo tại các địa phương đã coi hình thức thỉnh giảng là hình thức tổ chức chủ yếu do thiếu giảng viên.

            Về cơ cấu, tỉ lệ về số lượng giảng viên có độ tuổi trẻ và giảng viên nữ so với giảng viên cao tuổi và giảng viên nam hiện đang mất cân đối: số lượng giảng viên trẻ và giảng viên nữ quá thấp so với giảng viên cao tuổi và giảng viên nam. Bên cạnh đó, cơ cấu về chuyên ngành đào tạo cũng khá mất cân đối giữa các chuyên ngành về nhạc, hoạ, và các chuyên ngành rộng hơn (văn hoá, nghệ thuật nói chung). Đặc biệt là cơ cấu về trình độ đào tạo, học hàm và học vị rất mất cân đối. Hiện nay, tỉ lệ giảng viên có học hàm, học vị tại các cơ sở đào tạo khối văn hoá nghệ thuật rất thấp so với các cơ sở đào tạo thuộc các khối khác.

             Về phẩm chất, nhìn chung mọi giảng viên đạt được các yêu cầu quy định về đạo đức nhà giáo do Bộ GD&ĐT ban hành; tuy nhiên do đặc trưng về nghề nghiệp, một số rất ít giảng viên còn có các hạn chế có thể thay đổi được về “tác phong, lối sống nghệ thuật”.

            Về năng lực, nhìn chung nhiều giảng viên giảng dạy các môn văn hoá, nghệ thuật tại các cơ sở đào tạo này có năng khiếu, có con mắt thẩm mỹ; tuy nhiên vẫn có các hạn chế ở khâu truyền đạt cho sinh viên những hiểu biết của mình. Lý do chủ yếu là đội ngũ này chưa được đào tạo trong các trường sư phạm; họ chỉ được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm ở một số lớp, khoá bồi dưỡng ngắn hạn.

            Với các phân tích trên, đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo khối văn hoá, nghệ thuật chưa thể đáp ứng ở mức cao yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường này; từ đó càng chưa thể nâng cao được chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn âm nhạc và mỹ thuật tại các trường phổ thông. Chính vì vậy, phải có các biện pháp quản lý nhằm phát triển đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo khối văn hoá, nghệ thuật đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo và có phẩm chất và năng lực theo như các yêu cầu nêu tại mục trên.

3. Những hoạt động quản lý nhằm phát triển đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo khối văn hoá, nghệ thuật để góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh phổ thông.

            Trong giai đoạn hiện nay, để góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh phổ thông; các nhà quản lý của các cơ sở đào tạo khối văn hoá, nghệ thuật cần có các hoạt động quản lý nhằm phát triển đội ngũ giảng viên về các lĩnh vực hoạt động chủ yếu dưới đây.

            Thứ nhất, điều chỉnh quy hoạch phát triển đội ngũ giảng viên bằng các hoạt động như nắm bắt nhu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật ở các trường phổ thông, để đổi mới mục tiêu, nội dung và chương trình, phương pháp và hình thức tổ chức đào tạo. Từ đó có được các dự báo về số lượng, cơ cấu, trình độ đào tạo, phẩm chất và năng lực của đội ngũ này. Trên cơ sở các kết quả dự báo mà lựa chọn các biện pháp về tuyển chọn, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng viên.

            Thứ hai, thiết lập chuẩn giảng viên cho các cơ sở đào tạo khối văn hoá, nghệ thuật, phù hợp với các tiêu chuẩn đội ngũ giảng viên các cơ sở giáo dục đại học.

            Thứ ba, thực hiện đổi mới việc tuyển chọn đội ngũ giảng viên theo các tiêu chuẩn trong chuẩn giảng viên đã xây dựng; đồng thời đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng và tự bồi dưỡng đội ngũ này theo hướng đạt chuẩn.

            Thứ tư, tăng cường hoạt động đánh giá đội ngũ giảng viên theo hai hướng: đánh giá chất lượng của từng giảng viên theo chuẩn và đánh giá chất lượng của đội ngũ giảng viên theo các tiêu chí về số lượng, cơ cấu, trình độ đào tạo, phẩm chất và năng lực (được tích hợp từ phẩm chất và năng lực của từng giảng viên). Từ đó có các quyết định quản lý nhằm phát huy các mặt mạnh, điều chỉnh các điểm còn yếu để có được đội ngũ giảng viện đạt chuẩn quy định.

            Thứ năm, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ đó phát triển, trong đó chú ý đến các các lĩnh vực như tạo động lực về tinh thần (tuyên dương, khen thưởng, tạo các điều kiện để giảng viên thăng tiến, ...); đồng thời xây dựng các chính sách về vật chất (lương, thưởng và các chế độ khác, ...) cho đội ngũ giảng viên của các trường để họ cùng tham gia vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bản thân và phát triển cả đội ngũ giảng viên.

 

 

                                             TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

2. Chính phủ (2011), Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, NXB Chính trị quốc gia.

3. Hersey Paul & Blanchard  Ken (1995), Quản lý nguồn nhân lực, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Leonard Nadler "Developing Human Resource”. American Society for Training and Development 1980.