Nội san

Giải pháp nâng cao công tác quản lý cụm di tích núi Trường Lệ, Sầm Sơn

08 Tháng Giêng 2016

Nguyễn Đức Tiện[*]

 

Cụm di tích núiTrường Lệ toạ lạc trên dãy núi Trường Lệ thuộc phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn. Cụm di tích là trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hoá nói chung. Ngày 28/4/1962, cụm di tích đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia.Tuy nhiên, trước sự tác động của không gian và thời gian, đặc biệt là trong thời kỳ hiện nay công tác quản lý bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định.

 1.  Những hạn chế trong công tác quản lý cụm di tích núi Trường Lệ

Công tác nghiên cứu để xếp hạng di tích đã chỉ ra những giá trị lịch sử văn hóa của mỗi di tích. Song các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo của thị xã vẫn chưa nhận thức hết được giá trị, ý nghĩa của từng di tích mà chính địa phương mình đang sở hữu để ban hành đồng bộ những chính sách quản lý cho phù hợp tạo nên những điểm du lịch hấp dẫn du khách, mà mới chỉ quan tâm đến cụm di tích núi Trường Lệ (đền Độc Cước, đền Cô Tiên).

Hạn chế trong quản lý và sử dụng nguồn tiền công đức chưa tuân theo nguyên tắc tiền di tích phải phục vụ cho di tích. Việc thu chi chưa đảm bảo theo nguyên tắc thu chi hiện hành của nhà nước. Điển hình là tại di tích đền Độc Cước, đền Cô Tiên, Ban quản lý di tích chưa thực hiện theo đúng qui định thu chi trong hoạt động di tích. Lấy tiền công đức chi cho hoạt động tiếp khách của ban quản lý di tích là chưa hợp lý, tại đền Tô Hiến Thành, thủ từ và UBND phường lấy tiền công đức, tự ý tu sửa đền không xin phép Ban quản lý di tích danh thắng thị xã Sầm Sơn. Do vậy việc phục hồi đền thờ danh tướng Tô Hiến Thành đã thực hiện chưa đúng nguyên tắc phục hồi di tích theo thông tư 18 của Bộ Văn hóa Thể thao &Du lịch qui định.

Công tác tổ chức lễ hội ở di tích đền Độc Cước còn chưa thực hiện theo nghi thức truyền thống, các nghi thức trong phần lễ, phần hội nhiều khi bị hiện đại hóa, giản ước hoá, điển hình là lễ vật tế thần ngày trước như: Tam sinh, chàm trâu, chàm lợn, rước thủ trâu tế thần nay không còn nưa mà thay vào đó là giò, chả, xôi, nem…Được chế biến sẵn, nào là bánh kẹo, chè, thuốc lá, rượu bia …, đặc biệt còn thêm những lễ vật mới lạ như tiền, đô la âm phủ, nhà lầu, xe hơi, điện thoại, complê, rồi cành vành lá ngọc sặc sở màu sắc thay cho hoa dây thần. Đến các hội thi nấu xôi và giã bánh dày trong lễ hội bánh chưng bánh dày, các trò diễn dân gian,…Cũng đều giản ước hoá nên nhiều khi nhân dân chưa hài lòng.

Quản lý hoạt động kinh doanh trong và ngoài di tích hiện nay còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng chặn xe thu tiền, bán vé vào đền. Tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan như xem tướng số, xem bói, lên đồng gọi cốt... Lợi dụng niềm tin của khách hành hương để bán sớ, cúng thuê với giá đắt, chèo kéo khách du lịch bán vàng hương đồ lễ. Xây dựng hàng quán dịch vụ trái phép tại di tích đền Độc Cước, di tích đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành, điển hình là  năm 2003 công ty “Biển nhớ” xây dựng dự án “Huyền thoại Độc Cước” bằng bê tông cốt thép, án ngữ đền Độc Cước, cũng tại nơi nay dựng lên nhà hàng quán án, điểm trọ…ô dù hàng  quán xếp chồng lên nhau, nhạc nhẽo gây náo loạn làm mất đi không gian vốn bao đời linh thiêng, trầm mặc của nó. Tại hòn Trống Mái các thợ ảnh Sầm Sơn đã không cho khách du lịch chụp ảnh lưu niệm hay ghi hình bằng máy cá nhân của khách, đây là việc làm trái với qui định trong hoạt động du lịch, gây ảnh hưởng không nhỏ trong lòng du khách.

Nguồn nhân lực quản lý di tích và khai thác phát huy giá trị tại các di tích thuộc cụm di tích núi Trường Lệ chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ quản lý di tích, nghiệp vụ bảo tồn di tích, nghiệp vụ hoạt động du lịch.

2.  Nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác quản lý cụm di tích núi Trường Lệ

Vai trò của Ban quản lý di tích danh thắng thị xã Sầm Sơn chưa thực sự được phát huy. Việc quản lý di tích và phát huy giá trị cụm di tích núi Trường Lệ với phát triển du lịch Sầm Sơn còn chưa được nhận thức đủ, chưa thấy được giá trị hấp dẫn khách du lịch của cụm di tích núi Trường Lệ. Người dân mới chỉ quan tâm đến khai thác giá trị tâm linh của các di tích đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền thờ danh tướng Tô Hiến Thành, mà chưa quan tâm đến khai thác cụm di tích này thành sản phẩm du lịch.

Trình độ chuyên môn về quản lý di tích, quản lý du lịch của cán bộ trong ban quản lý di tích Sầm Sơn chưa cao, thiếu kinh nghiệm thực tiễn dẫn đến yếu kém trong quản lý, trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hoạt động quản lý tiền công đức, hoạt động kinh doanh trong và ngoài khu vực di tích núi Trường Lệ.

Công tác truyên truyền chưa sâu rộng để nhân dân nhận thức thấy rõ về giá trị văn hóa, giá trị tâm linh, giá trị du lịch và vai trò điểm đến hấp dẫn của cụm di tích núi Trường Lệ với phát triển du lịch nên ý thức trách nhiệm của người dân chưa cao trong việc quản lý, bảo tồn và khai thác phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch.

Do không gian của các di tích đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành nhỏ hẹp, số người đến chiêm bãi vãn cảnh, thưởng ngoạn lại đông, nhất là vào dịp lễ hội hay chính mùa du lịch Sầm Sơn, đã dẫn đến tình trạng quá tải rất khó khăn cho việc quản lý bảo vệ và đáp ứng nhu cầu du khách khi đến thưởng lãm, chiêm bái các di tích trên núi Trường Lệ.

Ý thức của một số không nhỏ khách du lịch, khách hành hương khi đến chiêm bái, thưởng ngoạn các di tích núi Trường Lệ chưa đầy đủ, chưa cao nên dẫn đến hành vi thái quá. Một bộ phận khách hành hương lại cho rằng mục đích của họ đến các di tích đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền thờ danh tướng Tô Hiến Thành cầu danh, cầu lợi nên đã thực hiện nhiều nghi lễ, phẩm vật xa lạ với các vị thần được thờ trong cụm di tích núi Trường Lệ. Việc đốt quá nhiều hương vàng đã ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến khách hành hương khác, tạo nên những phản cảm mà ban quản lý đền nhắc nhở thì lại bị cho là ban quản lý vi phạm quyền tín ngưỡng của họ.

Cụm di tích lịch sử văn hoá núi Trường Lệ được xây dựng trên đỉnh các ngọn núi, của dãy núi Trường Lệ có cảnh quan tự nhiên rất đẹp, nhưng cũng thường xuyên bị ảnh hưởng của các cơn bão đổ bộ vào Thanh Hóa, hàng năm sau mỗi cơn bão đã làm hỏng nhiều hạng mục di tích do vậy việc tu bổ, cụm di tích núi Trường Lệ là một hoạt động thường xuyên nếu không được cơ quan chuyên môn hướng dẫn sẽ dễ dàng làm cho di tích bị biến dạng do tu sửa mỗi năm.

3.  Giải pháp nâng cao công tác quản lý cụm di tích núi Trường Lệ

Thứ nhất,  nâng cao nhận thức

Một khi di tích bị huỷ hoại thì không có bất kỳ một khoản tài chính nào, cho dù lớn đến bao nhiêu có thể làm lại được. Ngày nay với khoa học công nghệ phát triển, tiềm năng kinh tế của đất nước ngày một lớn mạnh, người ta có thể xây dựng nhiều khu cao ốc chọc trời, to lớn bằng hàng trăm, hàng ngàn ngôi đình cộng lại, nhưng người ta không thể tạo lại một ngôi đình của cuối thế kỷ XV khi nó bị mất đi. Chính vì vậy cần tăng cường nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các phường xã, đặc biệt là phường Trường Sơn và các cơ quan đóng trên khu vực núi Trường Lệ, nhận thức đúng về tiềm năng lợi thế và giá trị lịch sử văn hóa của cụm di tích núi Trường Lệ. Thực hiện tốt các nhiệm vụ khoa học về quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc biệt của hệ thống di tích đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành, hòn Trống Mái, để khai thác những giá trị của cụm di tích núi Trường Lệ phục vụ phát triển du lịch của thị xã Sầm Sơn.

Nâng cao nhận thức của người dân, sự thành công của công tác khai thác và bảo tồn di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch, phụ thuộc vào chính nhận thức của người dân trên địa bàn có di tích, nhận thức của chính du khách về trách nhiệm cá nhân của họ. Chỉ khi người dân có hiểu biết tích cực về vai trò của họ trong hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa thì họ mới tích cực tự giác thực hiện có hiệu quả. Nếu họ không có sự hiểu biết thì sẽ không có ý thức giữ gìn và khi đó có thể họ sẽ góp phần làm sự biến dạng, thậm chí là làm biến mất vĩnh viễn các giá trị văn hóa của các di tích.

Thứ hai,  tăng cường đầu tư của nhà nước

Do đặc thù của công tác bảo tồn, tôn tạo di tích đòi hỏi phải có nguồn kinh phí rất lớn, vì vậy ngoài nguồn kinh phí từ công đức, đèn dầu, cung tiến của các tổ chức cá nhân, xã hội thì cần phải có sự đầu tư trực tiếp của nhà nước. Thực tế cho thấy những công trình không có đầu tư của nhà nước mà kinh phí do dân đóng góp thì trong quá trình sử dụng nếu di tích bị hư hỏng, xuống cấp thì nhân dân tu sửa bằng cách “hỏng đâu sửa đấy, có gì sửa nấy”. Như vậy di tích sẽ bị chắp vá trong kết cấu không gian thờ tự hoặc có khi sửa chữa lại làm mất đi giá trị lịch sử văn hoá vốn có của nó.

Thứ ba, gắn kết quản lý bảo tồn cụm di tích với phát triển du lịch

Du lịch văn hóa - sinh thái, văn hóa - tâm linh đang là một trào lưu, nhu cầu của xã hội, nó không thể không được quan tâm, vì những tác động tích cực của nó đối với cả lĩnh vực kinh tế và văn hóa vì vậy lãnh đạo uỷ ban nhân dân thị xã Sầm Sơn cần tăng cường quy hoạc tổng thể, đánh thức tiềm năng du lịch Sầm Sơn, gắn kết chặt chẽ công tác bảo tồn với phát triển du lịch, đưa thương hiệu du lịch Sầm Sơn trở thành địa chỉ an toàn, hiện đại và tin cậy.

Thứ tư, tăng cường vận động tuyên truyền

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình nhằm tuyên truyền, Luật Di sản văn hoá, quảng bá các giá trị của di tích lịch sử văn hoá núi Trường Lệ, đến với công chúng.

Tăng cường mở rộng giao lưu quốc tế, tổ chức các hoạt động Festival, xúc tiến du lịch thương mạng, đưa các sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh, nhằm quảng bá thương hiệu du lịch Sầm Sơn đến với bạn bè quốc tế.

Thứ năm, tăng cương đào tạo nguồn nhân lực

Xây dựng đội ngũ những người làm công tác quản lý và chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn và khai thác phát huy giá trị di tích  là một đòi hỏi cấp bách hiện nay. Chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ có ý nghĩa quyết định trực tiếp tới việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa núi Trường Lệ.

Trước tiên cần làm tốt khâu thi tuyển, tuyển dụng cán bộ, mở rộng các lớp tập huấn  cho cán bộ quản lý, thuyết minh, hướng dẫn viên, các thủ từ nhằm nâng cao nghiệp vụ, trình độ chuyên môn trong quản lý di tích.

Thứ sáu,  tăng cường công tác thanh kiểm tra

Tổ chức các đợt thanh kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, xây dựng mạng lướt cộng đồng kịp thời phản ánh tình hình và có các hình thức xử phạt thích đáng nhằm chấm dứt, chấn chỉnh những hiện tượng, hành vi gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tại khu di tích. Thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị 27/CT-TW, ngày 12/1/1998 của Bộ chính trị (khoá VIII) và Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg, ngày 25/11/2005 của thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Nghị định số 11/2006/NĐ-CP, ngày 18/1/2006 ban hành kèm theo quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng của Chính phủ.Phòng Văn hóa, Trung tâm Văn hóa Sầm Sơn, Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa thị xã Sầm Sơn, nâng cao tính chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò quản lý nhà nước trong việc thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích, cũng như việc ngăn chặn, giải quyết vi phạm di tích, vi phạm trong hoạt động kinh doanh trong và ngoài các di tích thuộc cụm di tích lịch sử văn hóa núi Trường Lệ.

Tổ chức lễ hội phải được thực hiện đúng quy định của nhà nước, tổ chức lễ hội trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc,không để sảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, nạn ăn xin, nài ép, bắt chẹt khách, đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau lễ hội.

Tổ chức công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý rác thải của khách du lịch và các hộ kinh doanh trong và ngoài cụm di tích. Kiểm tra rà soát vệ sinh an toàn thực phẩm, các loại thực phẩm hàng ăn uống được bán tại di tích, đảm bảo không để sảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bùng phát bệnh dịch.

Có thế nói cụm di tích núi Trường Lệ sau 100 năm khai thác du lịch Sầm Sơn, từ năm 1907, thực dân Pháp xây dựng Sầm Sơn trở thành khu nghỉ dưỡng phục vụ người Pháp và vua quan triều Nguyễn thì hiện nay cụm di tích núi Trường Lệ hàng năm đón hàng triệu lượt khách về đây hành hương, chiêm bái, nghỉ dưỡng, đã và đang trở thành điểm điến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.        Di tích danh thắng cảnh Thanh Hoá, Nxb Ty Văn hoá Thanh Hoá, 1976.

2.        Lịch sử Đảng bộ, thị xã Sầm Sơn (2005), giai đoạn 1947 – 2004, Nxb Thanh Hoá.

3.        Luật Di sản văn hoá năm 2001 sửa đổi bổ sung năm 2009 và văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

4.        Hoàng Anh Nhân (2006), Lễ tục, lễ hội truyền thốngxứ Thanh, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

5.        Thanh Hoá di tích, danh thắng, Nxb Thanh Hoá, 2004, Ban quản lý di tích và danh thắng Thanh Hoá.

6.        Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa (2005), Địa chí Thanh Hóa, tập II Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.

 

___________________

 

[*] Lớp Cao học k1 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa