Nội san

Vai trò của việc sử dụng công nghệ IPTV trong hoạt động truyền thông di sản Unesco tại Việt Nam

08 Tháng Giêng 2016

  Vũ Ngọc Trinh[*]

 

Gìn giữ và phát huy giá trị của những di sản thế giới ở Việt Nam là nhiệm vụ thường xuyên và có ý nghĩa rất quan trọng của tất cả chúng ta. Trong đó hoạt động truyền thông, quảng bá di sản không chỉ nhằm mục đích thu hút khách du lịch, mà còn để người dân và cộng đồng hiểu hơn về giá trị của di sản.

Văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng luôn có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống con người. Văn hóa còn là nền tảng tinh thần, là đặc trưng tạo nên sự khác biệt, nét đặc thù của mỗi dân tộc.

Việt Nam là đất nước giàu bản sắc văn hóa được kết tinh từ 54 dân tộc anh em. Với hệ thống hàng nghìn các di sản trong đó có 22 di sản văn hóa được UNESCO công nhận (gồm 02 di sản thiên nhiên, 05 di sản văn hóa vật thể, 10 di sản văn hóa phi vật thể, 4 di sản tư liệu, 01 di sản hỗn hợp). Con số này dự kiến sẽ còn tăng thêm bởi tiềm năng của Việt Nam vô cùng lớn. Tuy nhiên, để công chúng trong nước và bạn bè quốc tế biết đến kho tàng di sản vô giá ấy cần có sự hỗ trợ không nhỏ từ các phương tiện truyền thông.

Truyền thông là hoạt động xúc tiến, giới thiệu các điều kiện, tiềm năng đến nhà đầu tư, tiếp thị các sản phẩm văn hóa, du lịch đến với du khách nhằm thu hút vốn đầu tư cũng như khách du lịch. Chính vì vậy tăng cường công tác truyền thông để mọi người hiểu rõ từng điểm du lịch, từng vùng miền di sản hay văn hóa của cả một dân tộc có vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong phát triển du lịch nói riêng mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước đây, công tác truyền thông nói chung và truyền thông các di sản Unesco nói riêng tại Việt Nam được thực hiện chủ yếu bởi hệ thống các cơ quan báo chí và đài truyền hình từ trung ương đến địa phương. Hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước đa phần được thực hiện và quản lý bởi các Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch. Tuy nhiên phương thức thường bị hạn chế bởi kinh phí đầu tư, chiến lược, các hoạt động còn dập khuôn, chưa có sức sáng tạo bởi công tác thực hiện đa phần chỉ đăng tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài truyền hình, báo chí, tạp chí…), in đĩa, in tờ rơi, áp phích quảng cáo hay trực tiếp tham gia sự kiện, hội chợ, triển lãm để quảng bá…

Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu tìm hiểu thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp và công chúng là rất lớn, nhiều người có xu hướng tìm hiểu thông tin trên mọi kênh, mọi thời điểm và đặc biệt trên môi trường mạng Internet. Công nghệ IPTV ra đời đã kịp thời đáp ứng đòi hỏi đó.

IPTV - dịch vụ truyền hình Internet (Internet Protocol - based Television) là một cơ chế để truyền tải luồng nội dung truyền hình dựa trên nền tảng là một mạng sử dụng giao thức IP với tính năng vượt trội cùng với giá thành chi phí thấp đã mang lại cho con người những cảm nhận mới về truyền hình so với các công nghệ truyền hình hiện tại.

Trên thế giới, truyền thông sử dụng bằng công nghệ IPTV đã có từ lâu nhưng tại Việt Nam thì công nghệ này hiện còn khá mới và ít được sử dụng rộng rãi.  Điều đó đòi hỏi những bước đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ IPTV nhằm gia tăng hiệu quả truyền thông trong thời đại CNTT phát triển như vũ bão. Những hình ảnh đất nước, con người Việt Nam chuyển tải đến nhiều hơn, nhanh hơn với bạn bè thế giới bằng việc áp dụng công nghệ này nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động truyền thông nói chung và đặc biệt là truyền thông các Di sản Unesco tại Việt Nam nói riêng.

Như vậy, qua đây chúng ta có thể nhận thấy IPTV có những vai trò quan trọng đối với hoạt động truyền thông di sản UNESCO tại Việt Nam.

Thứ nhất, IPTV kết nối và truyền tải thông tin về các di sản thế giới tại Việt Nam. IPTV là đỉnh cao của công nghệ, là phương pháp truyền tải thông tin kết hợp giữa truyền hình và truyền thông. IPTV là cơ hội lớn cho các nhà khai thác viễn thông, cho các nhà cung cấp nội dung và cũng là thị trường tiềm năng cho các nhà cung cấp giải pháp truyền thông. Với nhiều dịch vụ đa phương tiện như truyền hình, hình ảnh, video, đồ họa, có thể nói rằng IPTV là xa lộ thông tin siêu tốc, vô hạn định. Nhờ vậy mà nó trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc kết nối trên khắp hành tinh, giúp mọi người chia sẻ, trao đổi với nhau những vấn đề quốc gia, khu vực hay toàn cầu một cách nhanh  chóng. Nhờ tính năng này, các thông tin hình ảnh, dữ liệu liên quan đến các di sản văn hóa ở Việt Nam sẽ được chia sẻ một cách rộng rãi, không chỉ trong phạm vi trong nước mà còn lan rộng ra toàn thế giới. Nhờ đó, các thông tin về di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam với sự chia sẻ đúng cách, đúng mục đích sẽ mang đến những lợi ích to lớn trong việc tuyên truyền và quảng bá hình ảnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Thứ hai, IPTV cung cấp nguồn dữ liệu cần thiết về di sản văn hóa. Nhờ khả năng liên kết cho phép tạo ra nhiều tầng thông tin không giới hạn, IPTV chính là một nguồn tài nguyên vô giá giúp người dùng có thể khai thác, tìm hiểu mọi dữ liệu tin tức từ đơn giản đến phức tạp. Ngoài ra, nhờ tính năng tương tác cao, IPTV đã trở thành công cụ giúp việc truyền đạt trao đổi thông tin, hợp tác, giao lưu giữa mọi cá nhân, tổ chức và quốc gia trên toàn thế giới điễn ra nhanh chóng và rất tiện ích. Thông qua IPTV và các công cụ của nó, người dùng có thể đưa ra những quan điểm, đánh giá cá nhân về các di sản văn hóa hay các vấn đề liên quan tới di sản văn hóa. Chính việc tương tác đó đã giúp cho hình ảnh của các di sản văn hóa ngày càng được công chúng quan tâm đến và tìm hiểu. Hơn thế nữa, với đặc điểm là một công cụ truyền thông đa phương tiện, IPTV sẽ cung cấp cho người dùng các sản phẩm công nghệ hấp dẫn có khả năng lôi kéo đông đảo người xem, như các clip, phóng sự về di sản văn hóa, những hình ảnh minh chứng sinh động về di sản.

Thứ ba, IPTV là công cụ truyền thông hữu hiệu trong công tác tuyên truyền và quảng bá hình di sản văn hóa Việt Nam. Có thể nói, ngày nay công nghệ IPTV đã trở thành phương tiện truyền thông rất quan trọng và thậm chí từng bước áp đảo các phương tiện truyền thông truyền thống như: báo, tạp chí. Đó cũng là một lợi thế nhất định trong công tác quảng bá di sản văn hóa. So với các công cụ công nghệ cung cấp video qua internet khác, IPTV có ưu điểm vượt trội là rất dễ sử dụng, thể hiện trên tivi một cách rõ nét, nhà cung cấp dịch vụ dễ quản lý khách hàng. Người dùng có thể lựa chọn  xem phim, gọi điện thoại IP thấy hình, tra cứu thông tin trên mạng qua màn hình tivi. Nhờ có IPTV, việc truyền tải hình ảnh, quảng bá di sản cũng trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết.

Trong công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá đối với các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam, truyền thông bằng giao thức IPTV cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường di sản, đặc biệt đề cập đến nội dung bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời phê phán, lên án mạnh mẽ những hành vi xâm hại đến di sản văn hóa như: việc đưa các đồ thờ cúng không có nguồn gốc, đưa các linh vật ngoại lai vào không gian di sản...

 

Ảnh: Hoàng thành Thăng Long Hà Nội (Nguồn: st)

 

IPTV hiện đã và đang có những đóng góp quan trọng vào việc quảng bá và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc. Thông qua dịch vụ tuyên truyền, giới thiệu bằng giao thức IPTV, bạn bè khắp năm châu đã thấy được những đóng góp to lớn của nền văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa nhân loại, từ đó khẳng định vị thế của văn hóa nước ta trong giao lưu, hội nhập với các quốc gia trên thế giới. Không những vậy, truyền thông quảng bá bằng giao thức IPTV sẽ góp phần hiệu quả hơn trong phản ánh việc xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp kinh phí, công sức để tu bổ, tôn tạo, gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc.

Sự sống và tương lai của các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam đặt ra nhiệm vụ quan trọng đối với toàn xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng. Bởi di sản có thể tồn tại theo đúng nghĩa hay không chính là nhờ có sự chăm lo và ủng hộ của cộng đồng. Mà điều có tác động mạnh mẽ, tức thời, liên tục và rộng khắp tới cộng đồng lại chính là truyền thông. Các yếu tố này có quan hệ tương hỗ, mật thiết với nhau. Vì vậy, trong những nỗ lực lớn lao của mình, xã hội cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của báo chí và các hoạt động truyền thông, đặc biệt là truyền thông mới bằng giao thức IPTV trong việc chuyển tải thông tin và giáo dục công chúng, giúp công chúng hiểu biết và tham gia bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường di sản.

Có thể nói rằng, đối với lĩnh vực văn hóa, IPTV chính là công cụ phục vụ đắc lực và hiệu quả trong việc giới thiệu hình ảnh, bản sắc Việt đến gần hơn với đông đảo công chúng trong nước và bạn bè quốc tế, đặc biệt là trong việc quảng bá các di sản thế giới tại Việt Nam. Với những tính năng và đặc điểm ưu việt, IPTV đã góp phần mang hình ảnh các di sản vươn xa tới mọi miền Tổ quốc, mọi tầng lớp nhân dân. Chúng ta cần có những kế hoạch và chiến lược cụ thể để khai thác và tận dụng tối đa những ưu điểm đó để hình ảnh các di sản thế giới tại Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung được quảng bá rộng rãi trên thế giới.

Việc sử dụng công nghệ IPTV trong truyền thông, quảng bá các Di sản Unesco tại Việt Nam vẫn còn đang bàn thảo. Tăng cường hiệu quả cũng như xây dựng mạng lưới sử dụng IPTV ngày càng lớn mạnh không chỉ là nhiệm vụ ngày một ngày hai mà cần có chiến lược lâu dài, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng: đưa những giá trị Di sản Văn hóa Việt Nam vươn xa và tỏa sáng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.         Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa VIII (1998), Nghị quyết lần thứ 5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóaViệt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

2.         Lê Thanh Bình (2008), Truyền thông đại chúng và phát triển xã hội, Nxb Chính trị Quốc gia.

3.         Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2009), Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020.

4.         Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2013), Dự án kênh Truyền hình IPTV của Trung tâm Công nghệ Thông tin.

5.         Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2013), Ứng dụng công nghệ IPTV trong quảng bá văn hóa, thể thao, du lịch.

 

___________________

 

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa