Nội san

Vài nét về hoạt động Karaoke trên địa bàn huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

28 Tháng Giêng 2016

Vũ Thị Lan Hương[*]

 

            Sơn Dương là huyện nằm ở phía Nam tỉnh Tuyên Quang. Đây là vùng đất chuyển tiếp giữa trung du và miền núi, rừng núi chiếm 3/4 diện tích đất tự nhiên, chia thành 2 vùng: Vùng phía Bắc huyện có địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, xen lẫn núi đá vôi; vùng phía Nam có địa hình đồi núi bát úp, có độ dốc thấp, thoải dần. Sơn Dương có diện tích tuy không lớn, nhưng là vùng đất giàu truyền thống Cách mạng, có đủ cả bốn lĩnh vực văn hóa: Văn hóa tài nguyên (văn hóa vật chất), văn hóa kỹ thuật, văn hóa thân tộc (còn gọi là văn hóa cơ chế) và văn hóa tư tưởng (văn hóa tâm thức).

Trong những năm gần đây, hoạt động karaoke trên địa bàn huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang ngày càng phát triển phức tạp. Do chính lợi nhuận từ loại hình dịch vụ karaoke nên một số chủ cơ sở kinh doanh đã biến tướng ra nhiều hình thức, bất chấp cả vi phạm pháp luật để thu lợi nhuận.

Karaoke bắt nguồn từ sự kết hợp của chữ KARA có nghĩa là “không” cũng như trong loại hình karate có nghĩa là tay không với chữ OKE (viết tắt của chữ Okesutora) có nghĩa là dàn nhạc.

Thông qua cách giải thích trên, nguồn gốc của karaoke có xuất xứ từ Nhật Bản. Khi nói đến nước Nhật không thể không nói đến các quán Bar; chơi đàn Ghita hoặc chơi đàn Piano truyền thống, vốn là địa bàn giải trí chủ yếu của các doanh nhân Nhật từ nhiều năm trở về trước. Trong các quán Bar, khán giả được mời hoặc tình nguyện hát với nhạc đệm của Piano. Từ đó, karaoke bắt đầu hình thành tại thành phố Kore của nước Nhật vào những năm 1970.

Hoạt động karaoke là hoạt động văn hóa được du nhập vào Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, dịch vụ này đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho quần chúng nhân dân.

 Qua công tác thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Dương, hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn huyện Sơn Dương tính đến tháng 3 năm 2015 tại huyện Sơn Dương có 49 cơ sở hoạt động dịch vụ karaoke. Trong đó: Hoạt động có quy mô lớn (số lượng từ 3 phòng trở lên) có 5 điểm; Hoat động có quy mô vừa và nhỏ (từ 01 đến 02 phòng) có 44 điểm; Tổng số phòng hát có 89 phòng/49 điểm; Nhân viên phục vụ có 35/89 phòng.

Dịch vụ karaoke tập trung chủ yếu ở thị trấn Sơn Dương (15 điểm), xã Sơn Nam (8 điểm) và phân bố rải rác ở xã Tân Trào (4 điểm); xã Kháng Nhật, Sầm Dương, Vân Sơn, Đồng Quý chưa có dịch vụ karaoke. Trong tổng số 89 phòng đang hoạt động, hiện tại có 11 phòng hát không đảm bảo diện tích theo quy định chiếm khoảng 13%. Hầu hết các điểm kinh doanh đều đảm bảo khoảng cách theo quy định tại khoản 1 điều 38 Nghị định 11/2006/NĐ-CP, ngày 18/01/2006 của Chính phủ. Các điều kiện khác như: Ánh sáng, diện tích, hệ thống phòng chống cháy nổ… ở hầu hết các điểm chưa đảm bảo tiêu chuẩn. Trong tổng số 49 điểm karaoke có 45 điểm có giấy phép hoạt động của  Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và đăng ký kinh doanh của huyện, số còn lại chưa được cấp nhưng vẫn hoạt động và cam kết với chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, một số cơ sở các danh mục bài hát và đĩa nhạc chưa được các cấp có thẩm quyền kiểm duyệt nhưng vẫn sử dụng.

Cùng với xu hướng phát triển chung của cả nước, karaoke bắt đầu xuất hiện trên địa bàn huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang từ những năm 2008 (đã có 10 quán) hoạt động ở dạng tự phát, thường gắn với các quán cà phê, giải khát... tập trung chủ yếu ở thị trấn.  Từ năm 2010 đến năm 2013 không có phòng hát tập thể, nhưng những năm gần đây dịch vụ kinh doanh karaoke phòng kín trên địa bàn huyện giảm dần. Năm 2013 số lượng quán giảm nhưng mức độ đầu tư được chú trọng hơn với một căn phòng lớn hoặc nhỏ (chủ yếu bằng vách ván) cùng với vài kiểu trang trí đơn sơ, kê vài bộ bàn ghế và trang bị dàn máy karaoke... khiến thu nhập tăng khá cao từ hoạt động này.

Về hình thức tổ chức hoạt động và kinh doanh dịch vụ karaoke, huyện có 49 cơ sở tổ chức hoạt động kinh doanh theo hình thức lành mạnh, không có tiếp viên nữ, tập trung ở những hộ cá thể. Nhân viên phục vụ tại các quán nhỏ thường là lao động gia đình, hoặc các lao động không có nghề ổn định. Qua thống kê và tổng hợp số liệu báo cáo của chính quyền địa phương, đa số các cơ sở kinh doanh hoạt động gia đình đều có ý thức chấp hành tốt các quy định của nhà nước về hoạt động karaoke (giấy phép, điều kiện hoạt động, an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ, hợp đồng lao động…). Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở không vi phạm về tệ nạn xã hội, nhưng có vi phạm về các điều kiện hoạt động (độ ồn, ánh sáng, hoạt động quá giờ...). Cá biệt có vài trường hợp do chủ cơ sở thiếu kiểm tra sinh hoạt của khách trong phòng karaoke, nên khi lực lượng kiểm tra đến phát hiện có xảy ra trường hợp thanh niên lợi dụng vào đây hút, hít chất kích thích hoặc trai gái quan hệ thiếu lành mạnh.

Tình trạng “nghiện” karaoke là một vấn đề đang rất bức xúc đối với trẻ mới lớn lớn và lứa tuổi vị thành niên trên địa bàn huyện. Sau những buổi tiệc, họp lớp các em học sinh cũng như thanh niên tổ chức đi hát karaoke như là một sự giải trí, thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình, tuy nhiên sau nhiều lần đi trở nên thói quen và không còn môi trường nào khác lại là quán karaoke, khiến cho bản thân trở nên “nghiện” hát, điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe, mất đi thời gian học tập và tham gia các hoạt động xã hội khác.

Karaoke là một loại hình văn hoá khá nhạy cảm nên có thể dễ dàng biến tướng từ trạng thái có văn hoá sang phi văn hoá. Với những hình thức hoạt động tinh vi, thêm vào sự dung túng, bao che từ một bộ phận số cán bộ quản lý. Công tác quản lý hoạt động karaoke trên địa bàn huyện Sơn Dương trong một thời gian dài bị buông lỏng, tổ chức kinh doanh hoạt động karaoke trá hình diễn ra hết sức phức tạp mà dư luận lên án, phản đối, xã hội không đồng tình đó là nỗi trăn trở của của cấp chính quyền và các cơ quan chức năng trước những ảnh hưởng và tác hại có tính dây chuyền của các loại hình dịch vụ đầy nhạy cảm này. Uỷ ban nhân dân huyện Sơn Dương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý đối với hoạt động karaoke. Tiến hành rà soát, kiểm tra, xử lý, ký hàng ngàn quyết định xử phạt vi phạm; tịch thu, tiêu hủy nhiều tang vật của các điểm kinh doanh dịch vụ văn hoá... Tuy nhiên, những quy định mang tính máy móc như: Quản lý số phòng karaoke, diện tích, độ sáng tối thiểu, âm thanh, quy định tiếp viên nữ phải có hợp đồng lao động, không được ăn mặc hở hang khêu gợi, không được hoạt động sau 23 giờ và biện pháp chế tài, dường như chỉ mang tính hình thức tại các vũ trường, quán bar, karaoke hiện nay. Bên cạnh đó, gia đình, tổ chức xã hội, đoàn thể cũng không chú ý việc giáo dục hay đấu tranh với các hoạt động này.

Trước thực trạng trên để nâng cao công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động karaoke cần nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở trong việc quản lý các hoạt động văn hóa công cộng; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể quần chúng trong việc giám sát, đấu tranh phòng ngừa các hoạt động lợi dụng cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa để tổ chức các hoạt động không lành mạnh bằng một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, định hướng nhận thức trong xã hội đối với hoạt động dịch vụ karaoke

Tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước về các Chỉ thị, nghị định, nghị quyết, thông tư… cùng các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về những quy định trong lĩnh vực hoạt động karaoke đến các đơn vị, tổ chức và nhân dân để họ nhận thức đúng, đầy đủ nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương lành mạnh hóa trong kinh doanh hoạt động karaoke.

Thứ hai, quy định về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hoạt động văn hóa karaoke

 Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn huyện Sơn Dương đảm bảo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với nhu cầu lợi ích xã hội, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức quản lý và tổ chức kinh doanh đạt hiệu quả, hạn chế thấp nhất tệ nạn xã hội len lỏi trong hoạt động kinh doanh karaoke làm ảnh hưởng đến môi trường văn hóa chung của thành phố. Cần xây dựng quy định điều kiện hoạt động karaoke đảm bảo các yêu cầu như sau: Tiêu chuẩn hóa phòng karaoke, tiêu chuẩn hóa về thiết bị âm thanh, tiêu chuẩn hóa đội ngũ nhân viên phục vụ.

Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh karaoke

 Đẩy mạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kế hoạch hoạt động theo chế độ định kỳ, bất thường, thường xuyên liên tục. Quy định trách nhiệm của từng thành viên trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, đồng thời phát huy tính dân chủ và cùng nhau giám sát công việc. Kế hoạch tổ chức kiểm tra phải bảo mật, không thông báo trước nhằm đảm bảo yếu tố nghiêm túc; xây dựng quy chế phối kết hợp giữa các lực lượng thanh, kiểm tra trên địa bàn huyện; đề ra phương án kiểm tra chéo giữa các địa bàn phường, xã nhằm phát huy tính tích cực và nâng cao hiệu quả trong công tác thanh, kiểm tra.

Thứ tư, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý văn hóa

 Tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý văn hóa về hoạt động karaoke. Phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận biết rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quản lý nhà nước đối với hoạt động này; quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn của Đảng về hoạt động văn hóa nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác cán bộ đáp ứng những yêu cầu mới đang đặt ra. đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục có hiệu quả những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ quản lý văn hóa. Cải thiện môi trường làm việc để tạo động lực cống hiến, phấn đấu vươn lên của cán bộ. Nâng cao chất lượng công tác đánh giá, quản lý cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; hoàn thiện cơ chế, chính sách cán bộ. đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.

Karaoke là loại hình khá nhạy cảm và dễ phát sinh, biến tướng trên địa bàn huyện Sơn Dương. Trước thực trạng đó, trong định hướng phát triển cần tăng cường công tác quản lý thanh, kiểm tra; đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực trong hoạt động karaoke. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh karaoke phát triển ổn định, lâu dài theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đảm bảo lợi ích của từng cá nhân, tập thể và của toàn xã hội là nhiệm vụ tất yếu mang tính khách quan. Bằng nhiều giải pháp cụ thể hi vọng rằng trong thời gian tới hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn huyện Sơn Dương sẽ đi vào hoạt động quy củ và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần không thể thiếu của nhân dân trên địa bàn huyện.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Doan (1996), Các học thuyết quản lý, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Phạm Duy Đức (2011), Phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Xu hướng và giải pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Phạm Minh Hạc - Nguyễn Khoa Điềm (2003), Về phát triển văn hóa và xây dựng con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2009), Giáo trình quản lý hành chính nhà nước, tập 1, Nxb Hà Nội.

5. Thủ tướng Chính phủ (2005), Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường.

6. Thủ tướng Chính phủ (2009), Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về ban hành quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng. Có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, Hà Nội.

7. Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang (2010), Quyết định số 470/QĐ-UBND ngày 31/12/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về Phê duyệt Quy hoạch nhà hàng karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

8. Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương (2010), Quy hoạch số 14/QH-PVH ngày 20/3/2010 Quy hoạch Dịch vụ nhà hàng Karaoke, Vũ trường trên địa bàn huyện Sơn Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 470/QĐ-UBND ngày 31/12/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang.

___________________

 

[*] Lớp Cao học k1 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa