Nội san

Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống đình Lạc Thanh, tỉnh Quảng Ninh

29 Tháng Giêng 2016

Trần Thị Thu Hường[*]

 

Lễ hội đình Lạc Thanh được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 3 âm lịch hàng năm là nhu cầu tinh thần không thể thiếu đối với đa số người dân khu Lạc Thanh, phường Yên Thanh, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội đã in đậm vào trong tâm thức của mỗi người qua bao thế hệ.

Quảng Ninh ngày nay là một vùng đất công nghiệp trù phú với nhịp sống hiện đại hối hả, đằng sau đó là một bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống lâu đời. Quảng Ninh mang vẻ đẹp của nền văn hóa biển mà ở đó các nghệ sỹ dân gian là những người hàng ngày gắn cuộc sống của mình với sóng gió, với vị mặn của biển. Sống trong cơ chế thị trường, nhiều thuần phong mỹ tục ở Quảng Ninh đã dần mất đi. Nếp sống công nghiệp khiến cho truyền thống văn hóa bao đời nay dần bị mai một. Nhưng tại nơi đây vẫn có một vùng đất mang màu sắc văn hóa truyền thống đậm đà, với một kho tàng văn học dân gian độc đáo, nhiều phong tục lạ và lễ hội đặc sắc… Đó chính là Uông Bí – nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam – phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Đến với Uông Bí, người dân như được hòa mình vào không khí linh thiêng nhưng cũng không kém phần sôi động của các lễ hội truyền thống. Góp phần vào kho tàng lễ hội đó không thể không kể đến lễ hội đình Lạc Thanh.

Lễ hội đình Lạc Thanh là nhu cầu tinh thần không thể thiếu đối với đa số người dân khu Lạc Thanh, phường Yên Thanh. Thông qua việc thờ cúng các vị Thành hoàng và thực hiện hàng loạt các nghi lễ tín ngưỡng đã giúp cho dân làng hiểu rõ về nhân vật đang thờ, giáo dục về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình yêu lao động, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lễ hội còn là dịp để bà con dân làng quây quần tụ họp, làm cỗ, tế Thành hoàng, tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống sau bao ngày lao động vất vả và cực nhọc.

Không gian chính diễn ra lễ hội là đình Lạc Thanh. Cùng với đình Đền Công, đình Lạc Thanh là 1 trong 2 ngôi đình cổ còn lại trên địa bàn Tp Uông Bí cho đến ngày nay. Đình Lạc Thanh là ngôi đình cổ có lịch sử khởi dựng từ rất sớm. Năm 2011, Đình - Nghè, Chùa Lạc Thanh được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là Cụm di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhìn một cách tổng thể, đình Lạc Thanh là một khối điêu khắc cổ với nhiều chi tiết tinh tế thể hiện những nét đẹp riêng luôn thu người dân địa phương cũng như khách thập phương về tham quan và dự lễ hội diễn ra hàng năm.

Lễ hội đình Lạc Thanh được thành phố Uông Bí phục dựng sau 67 năm gián đoạn (từ năm 1945 đến năm 2012). Đây là một thành công lớn của chính quyền và nhân dân phường Yên Thanh nói riêng, thành phố Uông Bí nói chung trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nội dung lễ hội được chính quyền địa phương phục dựng, khai thác và phát triển đúng hướng, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo các quy định hiện hành, phù hợp hài hòa với điều kiện thực tiễn và cuộc sống đương đại. Chương trình lễ hội ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, có sức hấp dẫn, được quần chúng nhân dân đón nhận và hưởng ứng.Những giá trị văn hóa mang tính cộng đồng trong lễ hội truyền thống của dân xã Lạc Thanh sẽ là yếu tố góp phần quan trọng trong đời sống văn hóa hiện nay. Việc khôi phục lễ hội trong những năm qua không chỉ khơi dậy sâu đậm truyền thống “uống nước nhớ nguồn” góp phần giáo dục ý thức phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, mà còn xây dựng ý thức bảo lưu chấn hưng nền văn hóa dân tộc. Khôi phục lại lễ hội đình Lạc Thanh chính là trả về cho chúng ta những gì tinh túy của cội nguồn, đó là những giá trị đích thực của lễ hội truyền thống.Tại lễ hội đình Lạc Thanh, vấn đề phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đã được thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học nên đã tạo cho lễ hội một môi trường văn hóa tốt đẹp. Lễ hội được tổ chức trên cơ sở gắn kết với những yếu tố lịch sử, văn hóa đặc trưng tại khu vực và được thực hiện theo đúng với quy chế tổ chức lễ hội truyền thống trong thời hiện đại. Bởi vậy những giá trị văn hóa của lễ hội không những được bảo tồn mà còn phát huy được vai trò của mình trong việc xây dựng một xã hội hiện đại trên nền tảng bản sắc văn hóa của dân tộc.Từ sau khi phục dựng, lễ hội đình Lạc Thanh được tổ chức hàng năm, đó chính là đã tạo điều kiện cho lễ hội phát huy được các vai trò, chức năng cơ bản của nó. Hàng năm, chính quyền địa phương và các đại biểu của tỉnh, thành phố cùng toàn thể nhân dân địa phương cũng như khách thập phương tham dự lễ hội rất phấn khởi hòa cùng không khí chung của ngày hội. Đây là cơ sở để gắn kết lòng tin của nhân dân vào Đảng.

 

 

Ảnh: Lễ hội đình Lạc Thanh (Nguồn: st)

 

Chính quyền, các ngành, các cấp có liên quan đã tích cực tham gia, chỉ đạo công tác tổ chức lễ hội tạo nên sự thành công chung của lễ hội đình Lạc Thanh. Đến nay, lễ hội đình Lạc Thanh đã thành lập Ban tổ chức lễ hội, điều hành theo chương trình đã được xin phép với cơ cấu thành phần theo quy định của Nhà nước. Trong Ban tổ chức lễ hội có sự phân cấp, phân quyền, tạo được sự rạch ròi trong việc quy trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên khi khâu nào đó có sự cố, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết những vấn đề phát sinh trong lễ hội. Nhìn chung, công tác tổ chức và quản lý lễ hội đình Lạc Thanh đảm bảo Quy chế tổ chức lễ hội của Nhà nước, đảm bảo các yếu tố: tôn vinh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tổ chức lễ hội đảm bảo tính trang nghiêm, tiết kiệm, an ninh trật tự - an toàn xã hội, thu hút được nhiều người tham gia hòa mình vào không khí chung của lễ hội, tạo nên động lực tinh thần to lớn và khơi dậy lòng tự hào về quê hương đất nước qua các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ban tổ chức đã tổ chức và quản lý lễ hội đình Lạc Thanh dưới sự hướng dẫn nghiệp vụ của Phòng Văn hóa Thông tin Ủy ban nhân dân thành phố Uông Bí, do đó góp phần đảm bảo phần lễ được tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống, phần hội vui tươi, lành mạnh, trong đó có sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, tạo sự phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài phường tham gia.

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền về các văn bản luật, dưới luật về lễ hội, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ các phòng Văn hóa  -  Thông tin ở phường đã được Ủy ban nhân dânthành phố Uông Bí triển khai sâu rộng bằng các hình thức nội dung phong phú đảm bảo đúng các quy định của Nhà nước, góp phần giáo dục nhân dân địa phương và du khách tham gia lễ hội chấp hành mọi nội quy, quy chế lễ hội; ý thức giữ gìn tôn nghiêm nơi thờ tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự công cộng; đồng thời góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giới thiệu các giá trị của lễ hội.Ngoài ra, Ban tổ chức đã huy động các nguồn kinh phí từ cộng đồng tham gia vào việc tu bổ, tôn  tạo  di  tích  với  phương  châm  “nhà  nước    nhân  dân  cùng  làm”.

Bên cạnh đó đã có những hình thức khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích trong bảo vệ, phát huy giá trị di tích và lễ hội đình Lạc Thanh. Cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong quản lý di tích và lễ hội. Ban tổ chức đã thu hút, huy động được một lượng lớn người dân tham gia vào hoạt động quản lý di tích và lễ hội. Vai trò của cộng đồng còn được thể hiện rõ trong việc đóng góp kinh phí để tu bổ, tôn tạo di tích, phục hồi lễ hội hoặc các nghi lễ diễn ra tại di tích. Nhận thức của nhân dân về thực hiện nếp sống văn hóa khi tham gia lễ hội đã có chuyển biến tích cực trong ý thức và hành động. Các hình thức tự quản của nhân dân ở khu vực tổ chức lễ hội đã đóng góp một phần không nhỏ vào thành công của công tác quản lý lễ hội. Sự kết hợp giữa công tác quản lý nhà nước về lễ hội và ý thức tự quản của nhân dân tham gia lễ hội đã làm thay đổi diện mạo của lễ hội đình Lạc Thanh và đạt được các mục tiêu vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, hạn chế được nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra trong lễ hội.

Ban tổ chức lễ hội đình Lạc Thanh đã xây dựng phương án để quản lý bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội mang lại bầu không khí trong lành, linh thiêng và tôn kính cho không gian lễ hội, đảm bảo an toàn tuyệt đối, hạn chế được những tiêu cực xảy ra tại nơi tổ chức lễ hội.

Công tác an ninh trật tự, an toàn tại lễ hội đình Lạc Thanh đến nay đã được đẩy mạnh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân về người và tài sản khi tham gia lễ hội. Đồng thời, công tác kiểm tra hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa trong lễ hội đã được tăng cường và chặt chẽ hơn, do đó, các hiện tượng tiêu cực đã giảm xuống đáng kể so với những năm về trước, góp phần lành mạnh môi trường văn hóa tại khu vục lễ hội trước, trong và sau thời gian tố chức lễ hội.

Nhìn chung, công tác tổ chức và quản lý lễ hội đình làng Lạc Thanh trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác bảo tồn và phát huy lễ hội đình Lạc Thanh vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như sau:

Sau một thời gian dài, do chiến tranh, lễ hội mất mát, tiêu điều, nay đã được phục dựng lại. Về quy mô có sự thay đổi so với trước, diễn trình lễ hội bị rút ngắn đi, không gian tự nhiên của lễ hội bị thu hẹp. Nếu như ngày xưa, đám rước kiệu từ 10 ngôi nghè về đình Lạc Thanh thì nay do thay đổi địa giới hành chính, đời sống dân sinh phát triển, phạm vi đất của đình Lạc Thanh bị thu hẹp lại, một số ngôi nghè thờ Thành hoàng bị hỏng, chưa tôn tạo đc nên lễ hội được tổ chức ở đình và 5 ngôi nghè gồm: nghè Cụ, nghè Lung Cung, nghè Trung Lang, nghè Cửa Thờ, nghè Bà Chúa. Trong phần hội chưa có sự kết hợp được các trò chơi dân gian và các trò chơi hiện đại nên lễ hội vẫn kém hấp dẫn, thiếu sức lôi cuốn.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện nghiêm túc các quy định về giữ gìn Di tích lịch sử - văn hóa và bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội còn chưa được thường xuyên. Việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn Luật di sản văn hóa cho cộng đồng chưa có kế hoạch cụ thể. Do đó nhận thức của người dân còn hạn chế, nhất là sự hiểu biết về Luật di sản văn hóa còn chưa sâu sắc, dẫn đến việc thiếu ý thức chấp hành pháp luật. Người dân còn chưa thấy hết được giá trị của di tích đình Lạc Thanh trong đời sống của cộng đồng địa phương.

Trong hoạt động du lịch lễ hội, công tác hướng dẫn khách thăm quan tại di tích còn thiếu nên du khách phải tự tìm hiểu. Chưa có tài liệu về truyền thống văn hóa của xã Lạc Thanh xưa, về lễ hội đình Lạc Thanh.

Việc kiểm tra, phát hiện, xử lý để ngăn chặn các vi phạm ngay từ đầu còn chưa thường xuyên, liên tục. Hiện nay vẫn còn nhức nhối vấn đề lợi dụng tín ngưỡng tâm linh để “buôn thần bán thánh”, đặt lễ, bói toán, ... Tệ nạn mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại một cách lén lút. Ban tổ chức lễ hội đã không thể bao quả hết cả một khu vực rộng nên những người hành nghề bói toán vẫn đi mời chào khách xem bói. Nạn chèo kéo khách hàng mua nhang, lễ cúng vẫn tồn tại, gây nên những ấn tượng không tốt đối với người đi lễ hội. Cùng với đó du khách còn bị làm phiền bởi những người bán nhang đèn hay sổ xố. Có thể nói, đối với quần chúng tham gia lễ hội, tâm lý bao trùm vẫn là tâm lý tín ngưỡng. Tuy nhiên ranh giới giữa tín ngưỡng tâm linh thuần túy và yếu tố mê tín dị đoan khá mong manh và khó tách bạch và nó làm ảnh hưởng không ít đến môi trường văn hóa của cộng đồng diễn ra lễ hội.

            Chính vì vậy, trong thời gian tới, để công tác bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội đình Lạc Thanh đạt hiệu quả cao, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính khoa học và thực tiễn như:

Thứ nhất, kiện toàn cơ cấu bộ máy tổ chức và quản lý lễ hội.

Kiện toàn tổ chức bộ máy và cơ cấu nhân sự quản lý văn hóa nói chung, quản lý lễ hội nói riêng ở cấp phường.Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bổ sung kịp thời đội ngũ cán bộ trẻ đủ năng lực để đảm bảo ở mỗi cơ quan quản lý văn hóa dù là cấp phường cũng có một cán bộ quản lý chuyên trách về di tích - lễ hội được đào tạo về chuyên môn và nghiệp vụ, đáp ứng những nhu cầu của công tác tổ chức và quản lý lễ hội trong tình hình mới. Kiện toàn Ban tổ chức lễ hội đình Lạc Thanh. Ban tổ chức lễ hội đóng một vai trò hết sức quan trọng, không thể thiếu trong tổ chức lễ hội, tổ chức lễ hội thành công hay không, hạn chế được những tiêu cực hay không đều phụ thuộc phần lớn ở Ban tổ chức.

Thứ hai, tăng cường quản lý lễ hội bằng các biện pháp tuyền truyền, giáo dục, thông qua dư luận xã hội.

Việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức đối với các thành viên trong cộng đồng xã hội về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như những quy định của pháp luật có liên quan, kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội, làm cho lễ hội ngày càng văn minh, thật sự trở thành ngày hội văn hóa của nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - văn hóa của địa phương. Với ý nghĩa đó, công việc tuyên truyền, quảng bá giá trị của các di tích, lễ hội được xem là một giải pháp quan trọng.

Thứ ba, xây dựng quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đình Lạc Thanh.

Thành phố Uông Bí cần có Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích lịch sử đình - nghè, chùa Lạc Thanh thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng dân gian của nhân dân thành phố Uông Bí. Đồng thời, quy hoạch phát triển đô thị phải đồng bộ với quy hoạch bảo tồn các di sản văn hóa có nghĩa là khi quy hoạch cần phải tính đến việc bảo tồn không gian của đình, phải giữ gìn những nét kiến trúc cổ kính, những nét văn hóa truyền thống của địa phương..

Thứ tư, tăng cường quản lý lễ hội bằng cách hoàn thiện các thể chế luật pháp – chính sách.

Hàng năm ủy ban nhân dân thành phố Uông Bí cần có những chính sách khuyến khích người dân cũng như các tổ chức xã hội trong và ngoài nước tham gia các hoạt động văn hóa, tài trợ cho văn hóa. Tạo hành lang pháp lý, giảm thuế thu nhập cho các cá nhân, các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng, trùng tu di tích và tổ chức lễ hội đình Lạc Thanh.Xây dựng chính sách bảo tồn phát huy giá trị của di tích và lễ hội đình Lạc Thanh gắn liền với chiến lược phát triển của du lịch văn hóa sinh thái, đây chính là động lực cho sự phát triển bền vững trong văn hóa, kinh tế ở thành phố Uông Bí.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý di tích.

 Con người là yếu tố quyết định cho mọi vấn đề thành bại của công tác quản lý. Để công tác quản lý lễ hội đạt hiệu quả, bảo tồn và phát huy được giá trị của lễ hội thì vai trò của nguồn nhân lực có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động trong lĩnh vực quản lý là nhu cầu cần thiết.Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh cần phối hợp với thành phố Uông Bí mở các lớp đào tạo, nâng cao nghiệp vụ về quản lý văn hóa ở cơ sở, trong đó có nội dung quản lý lễ hội truyền thống.

Thứ sáu, tăng cường quản lý lễ hội bằng giám sát, kiểm tra.

Vì vậy, Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội, có hình thức xử lý kịp thời những sai phạm trong hoạt độn tổ chức lễ hội, vi phạm Luật Di sản văn hóa, xâm hại di tích và ảnh hưởng môi trường. Các hình thức xử lý vi phạm phải dựa trên các nghị định, chế tài, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; quy chế, quy định của tỉnh Quảng Ninh, thành phố Uông Bí.

Thứ bảy, tăng cường quản lý dịch vụ, vệ sinh môi trường, trật tự công cộng.

Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, hạn chế đốt vàng mã, thắp nhiều hương, nến. Niêm yết công khai giá hàng hóa, phí dịch vụ phục vụ lễ hội, giải quyết  triệt để hiện tượng tranh giành, đeo bám khách, tăng giá, ép khách; chỉ đạo hướng dẫn các tổ chức cá nhân bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường sạch đẹp trong không gian lễ hội.

Trong  bối  cảnh  phát  triển  hiện  nay,  chính  quyền    nhân  dân  tỉnh  Quảng Ninh cần quan tâm đầu tư tới việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các DSVH đặc biệt là lễ hội đình Lạc Thanh bằng cơ chế, chính sách và nhiều hành động cụ thể. Hoạt động quản lý lễ hội đình Lạc Thanh đạt hiệu quả cao sẽ là cơ sở để tiến hành việc triển khai các dự án phát triển kinh tế -  xã hội của thành phố Uông Bí, đưa lễ hội trở thành một sản phẩm đặc thù thu hút du khách trong và ngoài nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thế Hùng (2013),  Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, Đề tài NCKH cấp Bộ, Cục Di sản văn hóa, Hà Nội.

2. Phạm Thị Thu Hương (2013), Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn di sản văn hóa tại các vùng đang trong quá trình CNH, ĐTH ở đồng bằng sông Hồng, Đề tài NCKH cấp Bộ, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội

3. Phan Khanh (1988), Bảo tàng di tích lễ hội, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

4. Đinh Gia Khánh, Nguyễn Hữu Tầng (1993), Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

5. Vũ Ngọc Khánh (2001), Thành hoàng Việt Nam, Nxb Văn hoá Thôngtin, Hà Nội.

6. Hồ Hoàng Lan (1998), Lễhội, một nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

 

-------------------------------------------------------------

 

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa