Nội san

Văn hóa làng chài với môi trường, không gian mới

30 Tháng Giêng 2016

       Nguyễn Thị Hằng[*]

                                                                  

Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới đã hai lần được tổ chức UNESCO công nhận bởi giá trị cảnh quan  năm 1994  và giá trị địa chất địa mạo  năm 2000, không chỉ dừng lại ở đó năm 2009 vịnh Hạ Long được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Năm 2011, vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Vịnh Hạ Long không chỉ hấp dẫn, nổi tiếng với cảnh đẹp thiên nhiên huyền bí mà nơi đây còn được tổ tiên trao gửi cả một bề dày lịch sử văn hóa vô giá. Cộng đồng ngư dân làng chài ngày nay chính là hậu duệ của người Hạ Long thời tiền sử  và là  chủ nhân của di sản. Đã từ lâu những hình ảnh con thuyền, nhà bè nổi, món ăn ẩm thực, câu hò điệu hát Giao Duyên, Hò Biển đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với du khách đến vịnh Hạ Long.

Hầu hết các làng chài trên vịnh Hạ Long là hệ thống làng nổi trên biển. Cuộc sống sinh hoạt của cả làng chỉ trên bè, trên thuyền. Trước kia các gia đình chủ yếu sinh sống trên thuyền, họ tập trung vào cái vụng, chòm nhỏ để tránh gió bão. Lâu dần thành làng, qua thời gian họ dựng những ngôi nhà nổi tạm bằng gỗ, tre, lá. Rồi sau này họ đã thay bè mái lá, vách gỗ bằng bè mái bằng, mái úp. Hiện đại hơn các gia đình có điều kiện đã lợp mái tôn, mái lá bộc lưới cũ lên chống gió. Dân cư của các làng chài trên vịnh Hạ Long chiếm 93 % là dân gốc từ dân làng Giang Võng và Trúc Võng và Hà Nam (Yên Hưng – Quảng Ninh); còn lại là 7% các hộ dân từ vùng khác đến sinh cơ lập nghiệp như, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương.

 

Vịnh Hạ Long (Nguồn:st)

 

Đã từng tồn tại 07 làng chài trên vịnh Hạ Long như Ba Hang, Hoa Cương, Cửa Vạn, Ba Hầm, Cống Tàu, Cống Đầm, Vung Viêng, họ là ngư dân có xuất xứ, nguồn gốc khác nhau nhưng có những phong tục tập quán, đời sống văn hóa của ngư dân làng chài thủy cư có tính tương đồng, họ đều có chung nhu cầu cuộc sống và có cùng chung một nghề đánh bắt hải sản truyền thống.

Cư dân làng chài không có ruộng đất trên bờ, sống nay đây mai đó. Bộ máy quản lý hành chính làng chài thủy cư truyền thống trên vịnh Hạ Long cũng không có gì khác so với làng nông nghiệp truyền thống Bắc Bộ, bao gồm hai thiết chế: kỳ mục và lý dịch. Có một điều khác biệt số người có phẩm hàm không nhiều do vậy hội đồng kỳ mục không phải là họ, mà chủ yếu là những người từng làm việc trong hội đồng chức dịch. Hội đồng lý dịch bao gồm các chức danh lý trưởng, phó lý cùng các chân giúp việc như xã đoàn, hộ lại, thủ quỹ, thư ký song không có trưởng bạ vì làng hầu hết như không có ruộng đất phải chịu thuế. Tuy nhiên điều khác biệt ở đây là tại các làng chài có đăng ký sổ thuyền. Mỗi gia đình có thuyền đều có một quyển sổ, sổ này ghi rõ họ tên chủ thuyền, những người trong gia đình, loại thuyền to hay nhỏ. Mỗi năm phải đổi sổ một lần vào cuối năm dương lịch. Nếu đăng ký thuyền mới thì phải nộp lệ phí. Lý trưởng phải có sổ theo dõi thuyền trong xã mình quản lý.

Do đặc thù cuộc sống mưu sinh nên các gia đình ngư dân thường lênh đênh nay đây mai đó, cứ chỗ nào nhiều cá thì họ giong thuyền tới đánh bắt trên biển. Cuộc sống các ngư dân đã có nhiều thay đổi từ khi vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, ngoài nghề đánh bắt truyền thống bà con ngư dân có điều kiện đa dạng hóa các loại hình kinh tế như nghề nuôi trồng thủy sản mà điển hình là nuôi cá lồng bè, nuôi hàu, nuôi tu hài, sò, ngán và một số loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao phục vụ nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước. Thực tế chứng minh rằng hình thức nuôi trồng thủy hải sản, nuôi cá lồng bè đã mang lại hiệu quả cao, đem lại 80% tổng doanh thu của bà con.

Khác với cư dân trên đất liền, để thích nghi với môi trường biển đầy bất trắc và nguy hiểm, ngư dân làng chài trên vịnh Hạ Long đã quần tụ thành những xóm thuyền trong các chòm vụng xưa. Nơi lý tưởng được lựa chọn để neo đậu thường có mực nước nông, kín gió, bao bọc bởi các ngọn núi xung quanh. Thông thường có vài ba gia đình quần tự bên nhau, sự cấu kết này tạo nên sự gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên trong cộng đồng, đảm bảo an ninh trật tự, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, cảm thông chia sẻ về mặt tình cảm, tinh thần cũng như hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt.

Với tính chất của nghề chài lưới, trước đây mỗi gia đình ngư dân đều có ít nhất một con thuyền vừa là công cụ sản xuất vừa là phương tiện đi lại đồng thời cũng là nhà ở, với mỗi hoạt động, người ta lại có cách bố trí, sử dụng con thuyền khác nhau. Khi đánh bắt cá, thuyền là phương tiện sản xuất, khi nghỉ ngơi sinh hoạt, con thuyền lại là mái nhà ấm cúng, thân thương. Sau này khi điều kiện xã hội phát triển, ngư dân làng chài có việc làm, tăng thêm thu nhập, đời sống sinh hoạt của bà con dần được cải thiện, ngoài việc các hộ gia đình có thuyền đi đánh bắt truyền thống họ đã xây dựng nhà bè kiên cố để ở, để nuôi trồng hải sản và kinh doanh hải sản. Đời sống văn hóa tinh thần có nhiều thay đổi đáng kể như các làng chài trên vịnh Hạ Long đã có Ti vi, máy nổ phát điển, có quán karaoke…khắp làng tưng bừng dưới ánh điện, tiếng đài, ti vi, tiếng hát trẻ em, thanh niên…Ngoài việc quan tâm đến cái ăn cái mặc, con tôm, con cá hàng ngày bà con nơi đây đã dần biết đến tình hình thời sự trong nước và quốc tế, các hoạt động văn hóa văn nghệ, đua thuyền, thi hát làn điệu dân ca truyền thống thường xuyên được tổ chức giữa các làng với nhau vào những dịp lễ hội đầu năm. Trẻ em được quan tâm, hầu hết các em trong độ tuổi đi học được tham gia lớp phổ cập giáo dục, xóa nạn mù chữ cho con em dân chài.

Từ khi du lịch phát triển, du khách đến vịnh Hạ Long ngày càng đông đã tạo thêm nhiều nguồn thu nhập cho bà con ngư dân làng chài.  Vẫn tiếp nối truyền thống bà con ngư dân đã phát huy sự sáng tạo trong việc sử dụng ngư cụ truyền thống để đánh bắt đem lại hiệu quả cao. Thuyền và nhà bè vẫn được sử dụng chủ yếu trong cuộc sống sinh hoạt và phương tiện đánh bắt của bà con ngư dân. Bên cạnh đó các chị em phụ nữ người già còn sử dụng thuyền để làm dịch vụ chèo đò, buôn bán hải sản, bán hàng phục vụ khách du lịch. Đây là một nghề khá mới mẻ và tạo công ăn việc làm cho bà con ngư dân để tăng thêm thu nhập với mức thu nhập bình quân mỗi gia đình từ 3 – 5 triệu đồng. Được sự quan tâm chính quyền địa phương nhiều hộ nhà bè đã khá thành công trong việc vay vốn để nuôi trồng thủy sản, đời sống ngư dân làng chài có nhiều thay đổi tích cực.

Việc tồn tại một cộng đồng dân cư trên biển với trên 3000 hộ dân, 650 nhà bè đã tạo áp lực không nhỏ đối với môi trường, cảnh quan di sản thế giới vịnh Hạ Long. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội đã kéo sự gia tăng dân số cơ học, nhiều nhà bè neo đậu trái nơi quy định đã ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự, môi trường kinh doanh du lịch. Với mong muốn tạo môi trường di sản đảm bảo đời sống an sinh xã hội tốt hơn cho cộng đồng ngư dân chài Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đã lên phương án di dời dân cư nhà bè ngay từ năm 2012 và đến tháng 6/ 2014 đã thực diện di dời toàn bộ ngư dân làng chài lên bờ sinh sống.

Có thể thấy rằng, với cuộc sống sôi động, nhộn nhịp, đánh bắt hải sản cùng với những  nét văn hóa đặc sắc của ngư dân làng chài đã tạo nên sản phẩm du lịch trải nghiệm không thể thiếu được với nhiều du khách khi đến thăm quan vịnh Hạ Long. Cộng đồng ngư dân chính là chủ thể văn hóa, là những người đang gìn giữ, lưu truyền kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu tiên tổ để lại, đó là những kinh nghiệm, cách thức truyền dạy, bí quyết nghề nghiệp trong lao động sản xuất, đánh bắt thủy hải sản, đóng thuyền làm ngư cụ, đời sống văn hóa, tâm linh, hát Giao Duyên, Hò Biển, lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực... những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đó luôn là tiểm năng to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, với quan điểm tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với việc phát triển văn hóa. Do việc thay đổi không gian sống, một số gia đình gặp khó khăn trong việc chuyển đổi cách sinh hoạt, phương thức kiếm sống. Nếu như trước kia ở dưới biển họ chỉ thả lưới cũng bắt được vài con tôm, con cá ăn qua ngày, chị em phụ nữ có thể đi đánh hà, chèo thuyền, buôn bán tạp hóa hoa quả, rau củ cũng kiếm được vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn để nuôi sống gia đình. Nhưng bây giờ lên bờ cái gì họ cũng phải mua, phải trả tiền trong khi họ chưa biết làm gì để tăng thêm thu nhập cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Qua quan sát thực tế thu nhập của ngư dân làng chài lên bờ đã giảm đi nhiều, thậm chí gặp khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Nhiều người dân đang trong độ tuổi lao động từ 25 - 50 tuổi không kiếm được việc làm, do trình độ dân trí thấp, chưa thích nghi cuộc sống trên bờ nên gia đình họ gặp nhiều bất cập trong cuộc sống. Có nhiều gia đình khi thực hiện chủ trương chính sách của Tỉnh Quảng Ninh di dân lên bờ họ cảm thấy nuối tiếc những kỷ niệm, những tập tục, những nếp sống vốn tồn tại trong tâm thức của họ từ bao đời nay. Khi di chuyển lên bờ họ vẫn giữ lại chiếc thuyền của mình vừa làm vật làm kỷ niệm vừa làm phương tiện kiếm sống khi lên bờ không biết gì để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt sau này. Quan niệm của họ là cho dù có đưa gia đình lên bờ sinh sống nhưng họ vẫn bám biển, bám thuyền, bám lấy những kinh nghiệm tri thức cha ông truyền dạy để tiếp tục đánh bắt, duy trì truyền thống tốt đẹp của ngư dân làng chài. Họ vốn là người sinh ra và lớn lên dưới biển nên họ hiểu biển hơn ai hết và biển giúp họ có tiền, có thu nhập nuôi sống gia đình bằng nghề đánh bắt truyền thống. Việc thay đổi không gian sống từ dưới biển lên bờ đã làm cho người dân chài Hạ Long đang mất dần đi những tập tục, tín ngưỡng dân gian, nét văn hóa truyền thống lâu đời. Vì vậy, việc tăng cường công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa làng chài là một yêu cầu cần thiết trong việc góp phần định hướng, xây dựng chiến lược quản lý toàn diện, hiệu quả đối với cộng đồng ngư dân tại thành phố Hạ Long trong tình hình hiện nay.

Dù trên vịnh Hạ Long không còn tồn tại các làng chài thủy cư như trước đây nữa nhưng đến với Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn chúng ta thấy được những không gian, phương tiện đánh bắt, những tập tục, những làn điệu dân ca giao duyên, Hò Biển vẫn được duy trì, bảo tồn tại nơi đây. Du khách đến đây như phần nào được sống lại không gian văn hóa của ngư dân làng chài. Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn là một hướng nghiên cứu rất mới được áp dụng trong ngành văn hóa. Đây là một phương pháp giới thiệu văn hóa đương đại. Những gì mà hôm nay chúng ta ghi chép, nghiên cứu thì có thể vài năm, vài chục năm và trăm năm sau nó là tài liệu lịch sử quý báu. Với việc chuyển đổi mô hình sống hiện nay đang cần nhiều sự quan tâm hơn nữa của các cấp các ngành địa phương. Dân cư lên bờ mất đi không gian sống đồng nghĩa với việc mai một nét văn hóa truyền thống ngày càng gia tăng. Việc quản lý bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long nói chung, giá trị văn hóa làng chài nói riêng cần có chính sách, chiến lược quy hoạch lâu dài và bền vững. Đứng trước sự đổi thay của cộng đồng ngư dân làng chài chúng ta cần chung tay bảo vệ để cộng đồng hòa nhập hơn, tham gia nhiều hoạt động du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm mang lợi ích từ hoạt động du lịch trong tương lai. Việc chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp chúng ta cần một thời gian dài, cần sự quan tâm của nhiều hơn nữa của các cơ quan, ban ngành chức năng và bằng chính sự hưởng ứng, cộng tác của các bà con ngư dân. Một di sản văn hóa sẽ không được được bảo tồn và phát huy tốt nếu như không có sự tham gia của chính cộng đồng ngư dân. Muốn phát triển du lịch như thế nào đi chăng nữa thì chúng ta phải dựa vào công sức ngư dân làng chài và phải đem lại lợi ích cho chính họ từ hoạt động du lịch. Chúng ta dễ dàng thấy được du lịch bền vững là du lịch giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường thiên nhiên và cộng đồng địa phương, và có thể được thực hiện lâu dài nhưng không ảnh hưởng xấu đến nguồn sinh thái mà du lịch.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Đặng Văn Bài - Nguyễn Hữu Toàn, Bảo tàng di sản văn hóa làng, Bộ văn hóa – Thông tin, Cục Di sản văn hóa, Hà Nội năm 2006

2.      Cao Đức Bình – Hoàng          Quốc Thái, Di sản văn hóa làng chài vịnh Hạ Long , Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh (2010), Quảng Ninh

3.      Diệp Trung Bình (1985), “Vài nét về đời sống của cư dân ven biển các tỉnh phía Bắc - Việt Nam”, Tạp chí Dân tộc học, (số 2, tr.4-9).

4.      Hoàng Thị Hồng Phấn (2013), Văn hóa của ngư dân làng thủy cư Vung Viêng trên vịnh Hạ Long, Luận văn thạc sỹ văn hóa học

5.      Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh (2010), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa làng chài thủy cư phục vụ phát triển du lịch, Hội thảo khoa học.

6.      Tỉnh ủy  Quảng  Ninh, Thông báo số 1046-TB/TU ngày 30/5/2013 về ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về tiến độ công tác triển khai thực hiện phương án di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long, trong đó giao Ban quản lý vịnh Hạ Long “chỉ rõ khu vực được phép phát triển các hoạt động dịch vụ, khu nuôi trồng thủy sản, khu vực biểu diễn nghệ thuật, hướng dẫn xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc riêng có của vịnh Hạ Long, Quảng Ninh….

 

___________________________________________-

 

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa