Nội san

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý khu di tích Yên Tử, Thành phố Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh

30 Tháng Giêng 2016

Bùi Thị Kim Thủy[*]

 

                Khu di tích Yên Tử từ xưa đã nổi danh là nơi phúc địa của nước ta. Hơn 700 năm trước, Đức hoàng đế anh hùng Trần Nhân Tông sau hai lần lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thắng lợi đã từ bỏ ngai vàng, lựa chọn nơi đây làm nơi tu hành, sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm, Đạo Phật của Việt Nam. Dòng thiền Phật giáo mang tính chất độc lập- tự chủ- tự cường, có sức sống lâu bền suốt hơn 7 thế kỷ qua.

Khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử trải qua gần một nghìn năm lịch sử với những công trình kiến trúc Chùa, Am, Tháp, điêu khắc, tượng, bia ký là những sản phẩm văn hóa quý giá của các thời đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, giữa một vùng núi non trùng điệp của khu Rừng quốc gia Yên Tử. Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, Yên Tử lưu tích trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam bởi ở đây Di sản cha ông để lại là hàng chục ngôi Chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ quý có thể còn nguyên vẹn hoặc trở thành phế tích nhưng nó đã chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt. Khu Di tích Yên Tử được Nhà nước xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, do vậy việc giữ gìn phát huy giá trị khu di tích Yên Tử là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

                Yên Tử là non thiêng, là danh sơn chiến tích, là bảo tàng văn hóa. Chính nơi đây bản sắc dân tộc Việt Nam, tư tưởng, tâm hồn Việt Nam được thể hiện rõ. Linh sơn Yên Tử đã đi vào tiềm thức, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam và sự ngưỡng mộ của du khách quốc tế. Ngoài việc du khách hành hương về Yên Tử để tỏ lòng thành kính với Đức Vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, cầu cho một năm bình an, hạnh phúc, thì họ còn phải được hưởng trọn không khí trong lành, tĩnh tại của khung cảnh núi rừng nơi đây, sau mỗi chuyến hành trình về Đất Phật, ai cũng có cảm giác như tìm lại chính mình.

 

Chùa Đồng Yên Tử (Nguồn: St)

 

                Lễ hội Yên Tử được khai mạc vào ngày mồng 10 tháng giêng hàng năm và kéo dài trong 3 tháng (từ mồng 10 tháng giêng đến mồng 10 tháng tư âm lịch). Mỗi năm Yên Tử đón trên 2 triệu lượt khách, trong đó 100.000 khách quốc tế. Ngày cao điểm tại Yên Tử đón gần 100.000 khách, trông giữ 15.000 xe máy và trên 4.000 ô tô các loại. Với lễ hội Yên Tử, do thời gian diễn ra dài ngày, quy mô lớn, việc thành lập Ban chỉ đạo, BTC lễ hội, xây dựng kế hoạch tổng thể về tổ chức, quản lý, phục vụ lễ hội đã được thành phố Uông Bí hoàn thiện trước 2 tháng diễn ra lễ hội. BTC lễ hội gồm đầy đủ các cơ quan ban ngành liên quan của thành phố do đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố làm trưởng ban, các ban ngành gồm: Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Ban quản lý Yên Tử, Công an, Quân sự, y tế,  Nội vụ, Đài truyền thanh truyền hình thành phố, Tài nguyên môi trường, Mặt trận tổ quốc, Quản lý thị trường, Kinh tế... Kế hoạch tổ chức hội xuân được phân công cụ thể cho từng thành viên theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành nhằm bảo đảm lễ hội được tổ chức theo đúng quy định trên các lĩnh vực.

                Việc đảm bảo ANTT, an toàn giao thông được giao lực lượng công an thành phố lên kế hoạch chi tiết bố trí lực lượng tại các vị trí trọng điểm, đặc biệt là khu trung tâm lễ hội tại Bến xe Giải Oan. Lực lượng Công an thành phố đã lắp đặt công khai đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh của du khách về tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông. Mỗi mùa lễ hội, Công an thành phố, BCH Quân sự thành phố tăng cường hơn 200 cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo đảm ANTT tại lễ hội và phân luồng giao thông. Hiệp đồng  phối hợp với Ban quản lý Yên Tử xử lý giải quyết những vấn đề nổi cộm như nạn đeo bám khách từ xa, bán hàng giá cao không đúng giá niêm yết, bán hàng rong, mời chào khách thiếu văn minh lịch sự, trộm cắp, móc túi, xe ôm, taxi đậu đỗ không đúng nơi quy định... Các trường hợp du khách trình báo bị mất giấy tờ, tài sản đều được công an thành phố, Ban quản lý Yên Tử tiếp nhận thông tin và gửi trả lại du khách khi được tìm thấy.

                Việc quản lý các hoạt động dịch vụ: Kiên quyết xử lý đối với những nhà hàng vi phạm quy định như:  treo mắc thịt động vật  tươi sống, bày bán thức ăn trước cửa các quán hàng; cho nhân viên của nhà hàng mời chào, chèo kéo khách vào ăn nghỉ, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mất mỹ quan, gây phản cảm; ép giá, bắt chẹt khách du lịch... Để khắc phục tình trạng hiện tượng “chặt chém” hy hữu, BTC yêu cầu các hộ kinh doanh niêm yết giá công khai, đồng thời thành lập Tổ kiểm tra liên ngành tăng cường giám sát đột xuất, hộ kinh doanh  nào vi phạm sẽ bị xử lý, mức độ nặng nhất là đóng cửa. Các trường hợp bán hàng rong, đổi tiền lẻ nếu cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu tiền, hàng hóa, niêm phong kết thúc 3 tháng hội xuân mới giải quyết.

                 Việc thực hiện văn minh lễ hội của du khách:  Ban quản lý đã cho lắp nhiều bảng, biển tuyên truyền, thông báo trên hệ thống loa FM, trên web tại khu di tích vận động du khách không mặc quần ngắn, váy ngắn, dâng lễ mặn vào Chùa, không ăn uống và xả rác ra sân chùa, đặt tiền giọt dầu đúng nơi quy định. Nhà chùa thường xuyên bố trí người hướng dẫn du khách đặt lễ đúng và không thắp hương trong chùa, chỉ thắp hương tại lầu hương trước cửa chùa, không tung muối, gạo ra không gian văn hóa chung mà để vào đúng nơi quy định. Việc đốt đồ mã đã chấm dứt song BTC vẫn bố trí lực lượng chấp tác đứng trước các ban thờ để kịp thời nhắc nhở người dân và du khách nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh.

                Quản lý các hoạt động xe ôm, xe taxi: Thành lập nghiệp đoàn xe ôm Yên Tử trên cơ sở những người hành nghề xe ôm tại khu di tích Yên Tử. Ban quản lý Yên Tử cấp thẻ và đồng phục cho các trường hợp hoạt động dịch vụ xe ôm, xe taxi để quản lý. Những trường hợp được cấp thẻ và đồng phục mới được phép hoạt động dịch vụ trong khu Di tích Yên Tử.  Các xe ôm xe phải lắp kính chắn gió và có bảng niêm yết giá, số điện thoại đường dây nóng ở kính chắn gió. Đậu đỗ phương tiện, đón trả khách đúng nơi quy định và tuần tự, thứ tự đón khách. Trường hợp nào vi phạm sẽ bị thu hồi thẻ, đồng phục và khai trừ ra khỏi nghiệp đoàn xe ôm Yên Tử.

                 Quản lý hoạt động trông giữ phương tiện: Hiện nay tại khu di tích Yên Tử thực hiện việc miễn phí phương tiện đối với các bến gửi xe tại Chùa Trình, Chùa Suối Tắm, Chùa Cầm Thực và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, chỉ thu phí trông giữ tại Bến xe Giải Oan, giá thu phí phương tiện do UBND tỉnh Quảng Ninh quy định tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Ngoài ra đơn vị kinh doanh vận chuyển du khách bằng cáp treo thực hiện việc miễn vé cáp treo và dành lối đi ưu tiên cho các đối tượng: người già trên 70 tuổi, trẻ em cao dưới 1,2m, các nhà sư, người tàn tật, thương binh...

                Để mỗi mùa lễ hội Yên Tử thành công, thực hiện tốt nếp sống văn minh và quản lý tại khu Di tích Yên Tử là một việc làm không dễ cần  sự quan tâm, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành của tỉnh. Công tác trật tự trị an, đảm bảo an ninh, an toàn và giao thông đi lại cho du khách thập phương đã được quan tâm hàng đầu nên đã giảm đáng kể những hiện tượng gây bức xúc cho nhân dân. Việc đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, quy mô tổ chức nội dung, kịch bản lễ hội đã tôn vinh và nâng tầm giá trị ý nghĩa của lễ hội Yên Tử tạo được sự đồng tình, hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân.

                Mặc dù công tác quản lý khu di tích Yên Tử có sự tiến bộ, khắc phục những tồn tại hạn chế qua từng năm, được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đánh giá cao trong công tác tổ chức lễ hội, song trong công tác quản lý khu di tích vẫn còn một số những tồn tại đó là: Công tác QLNN còn lỏng lẻo, chưa tương xứng; năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác quản lý tại khu di tích còn hạn chế; Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức về quản lý, vai trò của di tích cho người dân địa phương trong việc phát triển KT- XH còn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý di tích trong bối cảnh hiện nay; Công tác xúc tiến quảng bá về khu di tích Yên Tử chưa được quan tâm đúng mức; Quản lý hoạt động bảo tồn tôn tạo di tích chưa đảm bảo đúng quy định; Việc nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể chưa tốt; Việc đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại khu di tích phục vụ du khách còn chưa được quan tâm đúng mức; Việc lập quy hoạch bảo tồn vùng di tích tuy đã được xác lập nhưng chỉ tập trung vào các điểm di tích nội vi, chưa bám sát địa hình cảnh quan cần bảo vệ;  Hệ thống dịch vụ còn chưa được quan tâm đầu tư, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, manh mún, đơn điệu, thiếu đặc trưng riêng của Yên Tử; Công tác quản lý tại khu di tích Yên Tử còn chồng chéo; cơ chế, chính sách, pháp luật chung liên quan đến công tác quản lý Di sản có mặt chậm sửa đổi, chưa đồng bộ, thiếu nhất quán và thiếu thông thoáng.

             Do vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý khu di tích Yên Tử  trong những năm tiếp theo cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

                Thứ nhất, xây dựng cơ chế chính sách phối hợp chặt chẽ liên ngành trong công tác quản lý.

Thanh tra, kiểm soát môi trường trong vùng để phát hiện sự cố, những vi phạm Luật di sản văn hóa và công ước Quốc tế, các hoạt động gây ô nhiễm môi trường để có giải pháp xử lý kịp thời.

                Thứ hai, nghiên cứu khoa học để bảo tồn phát huy giá trị khu di tích. Xây dựng cơ chế chính sách về kinh tế, tài chính để tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho công tác bảo tồn và đầu tư xây dựng.

                Thứ ba, xúc tiến các chương trình nâng cao năng lực cán bộ chuyên ngành bảo tồn, cung cấp đủ các điều kiện trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác bảo tồn. Xây dựng các công trình nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Chịu trách nhiệm điều hoà mối quan hệ kinh tế giữa chủ đầu tư với cộng đồng dân cư, giữa cơ quan quản lý Nhà nước với quyền lợi của chủ lãnh thổ và các ban ngành. Thiết lập các dự án đầu tư thành phần, phân loại, phân giai đoạn thực hiện và huy động nguồn vốn. Điều phối việc thực hiện dự án. Thông tin quảng cáo để tìm các đối tác thực hiện. Tiến hành các thủ tục xác định ranh giới vùng bảo tồn được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp để quản lý và lập các quy hoạch chi tiết xây dựng công trình để đảm bảo sự hài hoà giữa xây dựng mới với công trình kiến trúc cổ đã có và cảnh quan thiên nhiên. Bảo vệ vùng đất đã được giao quản lý, không cho phép xây dựng lấn chiếm trái phép, mua bán chuyển nhượng đất, gây khó khăn cho việc quản lý di tích.

Thứ tư, quy định về quản lý hoạt động dịch vụ tại khu di tích Yên Tử như quy định tạm thời về giá các dịch vụ công khai trên cổng thông tin điện tử Thành phố. Có chính sách đối với các hộ kinh doanh là người dân sinh sống trong vùng di tích.

                Thứ năm, xây dựng kế hoạch quản lý và quy định phối hợp đóng góp kinh phí hàng năm thực hiện lập dự án, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác tuyên truyền, quảng bá cho khu di tích của các doanh nghiệp kinh doanh tại Yên Tử.

                Thứ sáu, xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành trong công tác quản lý khu di tích cũng như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch

                Thứ bảy, phát triển toàn diện khu di tích: Phát triển không gian di tích phải tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu cần hướng tới, bao gồm những vấn đề theo thứ tự ưu tiên như: Bảo tồn di tích, phát triển kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, phát triển nguồn tài chính và phát triển thể chế quản lý khu di tích nói riêng và khu du lịch được hình thành trên nền của di sản văn hóa nói chung. Trong đó từng vấn đề cụ thể như sau:

            Bảo tồn di tích trên cơ sở ngăn ngừa tối đa những xâm thực có thể từ môi trường hoạt động kinh tế xã hội. Bảo vệ bền vững môi trường sinh thái tự nhiên của các khu vực vành đai xung quanh nhằm hạn chế những nguy cơ xâm hại đến hệ thống di sản văn hoá. Đồng thời bảo tồn di tích theo quan điểm mở và phát lộ giá trị của di sản vào các mục tiêu nghiên cứu, giáo dục, quảng bá, du lịch… trong cộng đồng dân cư và khách du lịch trong nước và quốc tế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.              Ban chấp hành Thành ủy Uông Bí (2010), Chương trình Hành động của Ban chấp hành Thành uỷ Uông Bí thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khoá XIII- nhiệm kỳ 2010-2015.

2.              Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh (2011), "Di tích lịch sử -        văn hóa và danh thắng Yên Tử", Nxb Khoa học xã hội.

3.              Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử (2012), "Danh sơn Yên Tử - Thiền phái Trúc Lâm", Nxb Giáo dục Việt Nam.

4.              Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử (2014), Báo cáo hoạt  động công tác quản lý Khu di tích Yên Tử  các năm 2010-2014.

5.              Ban quản lý Yên Tử (2013), Đề án phát triển du lịch Yên Tử tới năm 2015, định hướng năm 2020.

6.              Ban quản lý Yên Tử (2014), Báo cáo về môi trường năm 2014.

7.              Ban quản lý Yên Tử (2014), Kết quả phát huy giá trị của Khu Di tích Yên Tử từ năm 2009 đến năm 2014.

8.              Kỷ yếu hội thảo (2013), "Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và công tác quy hoạch, bảo tồn phát huy những giá trị của khu Di tích Yên Tử hiện nay".

9.              Lê Quang (2009), "Yên Tử Di tích lịch sử, danh thắng", Nxb Văn hóa dân tộc.

10.       Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định 1671/QĐ-TTg Về việc thành lập khu rừng quốc gia Yên Tử và dự án đầu tư khu rừng quốc gia Yên Tử.

11.       Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định 1419/QĐ-TTg Về việc xếp hạng di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt.

12.       Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định 334/QĐ-TTg Về việc phê duyệt đề án mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.

13.       Thượng tọa Thích Thông Phương (2010), "Trần Nhân Tông với thiền phái Trúc Lâm", Nxb Văn học.

14. Tỉnh ủy Quảng Ninh, Nghị quyết số 21-NQ/TU của Tỉnh uỷ Quảng Ninh và chương trình hành động của UBND tỉnh về phát triển dịch của tỉnh đến năm 2015.

___________________________________

 

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa