Nội san

Đệ tứ chiến khu Đông Triều – Một trang sử tự hào

30 Tháng Giêng 2016

 Vũ Hương Lan[*]

 

Trong cao trào kháng Nhật cứu nước tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 đối với vùng Đông Bắc và duyên hải Bắc Bộ, Chiến khu Đông Triều là một trang sử hào hùng, một bản anh hùng ca vang dội của các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong vùng.

Di tích lịch sử Chiến khu Đông Triều là căn cứ lãnh đạo cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp. Trung tâm căn cứ này được đặt ở chùa Bắc Mã còn có tên chữ là Phúc Chí Tự nghĩa là chùa hướng tới cái phúc. Di tích nằm trong địa phận của thôn Bắc Mã, xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Tên cũ là xã Bắc Mã, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

 Chùa Bắc Mã xưa là một tổng thể không gian kiến trúc quy mô được xây dựng trong một khuôn viên có diện tích tới ba mẫu đất. Theo các văn bia, văn tự Hán còn lưu giữ được cho thấy Phúc Chí Tự có lịch sử trên dưới 600 năm, được xây dựng vào thời nhà Trần, khoảng cuối thế kỷ 14 và đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo vào thời Lê, thời Nguyễn. Đặc biệt vào năm Bảo Đại nguyên niên 1926 chùa được xây lại quy mô hơn, thành một ngôi chùa rộng lớn, đẹp, thiêng liêng. Chùa Bắc Mã nằm trên một không gian thống nhất, tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hòa với làng xóm. Chùa nằm ở phía Bắc của khu di tích với kết cấu chữ Đinh (T), bao gồm 5 gian tiền đường rộng, bề thế và phần chuôi vồ (chính điện) chạy hai gian ra phía sau. Từ khi ra đời trải qua mấy trăm năm lịch sử và qua nhiều lần trùng tu, Chùa Bắc Mã đã kết hợp một cách khéo léo giữa nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc của các thời kỳ Trần, Lê (Hậu Lê), Nguyễn. Những dấu hiệu này cho đến nay còn thể hiện ở một số hiện vật còn sót lại.

Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, Bắc Mã đã đón nhận nhiều nhà sư về đây trụ trì niệm Phật. Năm 1920, nhà sư Võ Giác Viên, trụ trì ở chùa này, một nhà sư yêu nước thương dân, và đã từng đón tiếp nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền ghé thăm, đàm đạo về thế sự, sự nghiệp và con đường yêu nước. Sau đó, vào những năm 1930, kế tục trụ trì là nhà sư Võ Giác Thuyên (sư Nguyệt), là con người tính tình khí khái kiểu anh hùng hảo hán nhưng có tấm lòng yêu nước, thương dân tha thiết và mau chóng trở thành nhân tố mới của cách mạng. Năm 1942, chùa Bắc Mã lại được đón vị khách bí mật, nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt đến thăm và để lại hai câu thơ:

“Chúng sinh quằn quại trong đau đớn

Bồ Tát sao yên cõi niết bàn?”

Với vị trí là một địa bàn chiến lược có tầm quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quân sự với truyền thống đấu tranh oanh liệt trong quá trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước suốt bao thế kỷ, vùng Duyên hải Đông Bắc tới đầu những năm 1940 đã trở thành một trong những cơ sở Đảng CSVN và không ngừng phát triển. Giữa lúc phong trào cách mạng vùng Duyên hải Đông Bắc đang đà phát triển thì ngày 9/3/1945 Phát xít Nhật tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền thực dân Pháp, độc chiếm cai trị toàn Đông Dương. Nhân dân vùng Duyên hải Đông Bắc dưới ách cai trị của phát xít Nhật và bè lũ tay sai ngày càng cùng cực, đói rách. Ở các châu, huyện miền rừng núi, nạn phỉ cướp trỗi dậy hoành hành dữ dội, dân làng sống trong cảnh thường xuyên bị cướp phá, nơm nớp lo sợ. Nhưng nghiêm trọng hơn là nạn đói khủng khiếp do ách áp bức tàn bạo của chính quyền thực dân, phát xít gây ra với đồng bào ta. Tình cảnh này càng làm cho nhân dân thêm sôi sục căm thù quân cướp nước và bè lũ bán nước, hăng hái đấu tranh dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng, của Mặt trận Việt Minh để cứu nước, cứu nhà.

Trước tình hình đó, từ ngày 15/4 đến ngày 20/4/1945, Hội nghị cách mạng quân sự Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì đã thảo luận và quyết định những vấn đề về quân sự, trong đó có vấn đề thành lập “Đệ tứ Chiến khu Đông Triều” - chiến khu của vùng Duyên hải Đông Bắc nhằm tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc.

Quán triệt và triển khai Nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, Tỉnh ủy Hải Dương cử hai đồng chí Trần Cung và Hải Thanh trực tiếp phụ trách việc chuẩn bị thành lập chiến khu. Đồng thời giao cho một số đồng chí trong đó có đồng chí Nguyễn Bình về Hải Phòng mua sắm vũ khí. Do nhận thấy địa thế của Đông Triều và Chí Linh, một vùng rừng núi hiểm trở, có đường nối thông với các khu giải phóng của Trung ương. Đây là địa bàn thuận lợi đối với hoạt động của ta, nhưng lại khó khăn đối với địch, có thể trở thành bàn đạp để xuất phát tiến công cũng như bảo toàn lực lượng khi cần phải phòng ngự. Chùa Bắc Mã là nơi tiếp nhận các cán bộ cách mạng trở về hội họp. Tại ngôi chùa này các cán bộ Việt Minh đã ở lại trong Chùa để thống nhất lực lượng cách mạng của các đầu mối Việt Minh. Sau đó, các cán bộ Việt Minh liên hệ bắt liên lạc với các nhân sĩ yêu nước phụ trách các đồn, làm nội ứng trong lòng địch.

 

Chùa Bắc Mã (Nguồn:st)

 

Cùng với việc gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang, việc phát triển lực lượng chính trị quần chúng cũng được trú trọng. Đông đảo công nhân, nông dân đã hăng hái tham gia các đội cứu quốc và tích cực hưởng ứng phong trào quyên góp, mua sắm vũ khí cho lực lượng vũ trang cách mạng. Thành công nhất là việc vận động đồng bào theo đạo Phật, vận động binh lính địch, vận động các giới chức, quan lại cũ đi theo cách mạng. Vì vậy sau một thời gian ngắn chuẩn bị lực lượng, ngày 06/6/1945 tại làng Đạm Thủy (xã Thủy An, Đông Triều), Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Mặt trận Việt Minh khu vực đã họp, quyết định lãnh đạo lực lượng vũ trang kết hợp với lực lượng cách mạng của quần chúng ở Đông Triều đồng loạt nổi dậy làm chủ được 04 đồn: Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch, Chí Linh, thủ tiêu bộ máy chính quyền bù nhìn tay sai phát xít Nhật.

Với chiến công đó, ngày 08/6/1945 Ban lãnh đạo khởi nghĩa họp và quyết định thành lập Ủy ban quân sự cách mạng gồm 04 đồng chí: Hải Thanh, Nguyễn Hiền, Nguyễn Bình,Trần Cung. Chùa Bắc Mã tiếp tục là trụ sở liên lạc giữa chiến khu với các địa phương khác, là nơi liên lạc và chỉ đạo chính của Ủy ban quân sự cách mạng và rất quan trọng cho Chiến khu mở rộng hoạt động nhằm hướng tới cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám. Sự kiện này cũng đánh dấu sự ra đời chính thức của Đệ tứ Chiến khu Đông Triều, một căn cứ địa cách mạng có ý nghĩa và tầm vóc quan trọng nhiều mặt trong giai đoạn tiền khởi nghĩa và trong cách mạng tháng Tám năm 1945 ở vùng Duyên hải Đông Bắc tổ quốc.

Năm 1947 khi thực dân Pháp quay lại Đông Triều vì chùa Bắc Mã là nơi góp công lớn trong việc hình thành căn cứ cách mạng Chiến khu Đông Triều, nên thực dân Pháp đã phá dỡ, làm hư hỏng hoàn toàn kiến trúc. Cùng với chủ trương tiêu thổ kháng chiến, ngôi chùa đã mất đi để ghi dấu thêm những sự kiện cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước. Sau hòa bình lập lại, nhân dân địa phương đã dựng lại một ngôi chùa bằng gỗ lim làm nơi thờ tự. Đến năm 2005, ngôi chùa cũng hư hỏng và nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đệ tứ chiến khu (6/2005) chùa Bắc Mã được đầu tư xây dựng mới với kinh phí hơn 600 triệu đồng bằng bê tông, cốt thép bề thế hơn.

Năm 1989, UBND huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) đã xây dựng nhà Lưu niệm tại khuôn viên chùa Bắc Mã. Những năm qua nhà Lưu niệm đã được bổ sung thêm hiện vật để ngày càng tiến tới thành nhà bảo tàng Đệ tứ Chiến khu Đông Triều.

Trong những năm qua đã có nhiều cơ quan nghiên cứu lịch sử của Trung ương và địa phương nghiên cứu và bước đầu sơ lược đánh giá về vị trí, vai trò lịch sử của Đệ tứ Chiến khu Đông Triều:

 Đệ tứ Chiến khu Đông Triều không phải mang tầm vóc địa phương nhỏ hẹp và chỉ có vai trò đối với thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945 mà đây là một trong những chiến khu lớn, hoạt động mạnh, có vai trò đặc biệt quan trọng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, đồng thời đã trực tiếp tham gia một cách tích cực vào cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cuộc Cách mạng tháng Tám trên một khu vực rộng lớn và quan trọng của Bắc Bộ.

 Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa trên cả nước đã xuất hiện nhiều chiến khu và căn cứ du kích chống Nhật. Đệ tứ Chiến khu Đông Triều không phải là chiến khu Trung ương như Chiến khu Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái, nhưng nó cũng không phải là chiến khu của riêng một huyện hay một tỉnh nào. Ban đầu Tỉnh ủy Hải Dương cử cán bộ ra thành lập chiến khu, đồng chí Trần Đức Thịnh, Xứ ủy viên Bắc Kỳ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo. Sau này Chiến khu Đông Triều vượt ra khỏi phạm vi một tỉnh, nếu xét về lực lượng tham gia, phạm vi hoạt động cũng như bộ máy tổ chức.

 Lực lượng chiến khu bao gồm các lực lượng cách mạng và yêu nước mà tiêu biểu là các tổ chức của Mặt trận Việt Minh ở Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng. Địa bàn hoạt động của Chiến khu bao gồm toàn bộ vùng Đông Bắc và một phần vùng Duyên hải Bắc Bộ thuộc Hải Dương, Hải Phòng. Bộ máy của Chiến khu do Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo.

 Lực lượng vũ trang của Chiến khu Đông Triều sau khi Cách mạng tháng Tám thành công được tổ chức lại và trở thành lực lượng quan trọng của vùng Duyên hải Bắc Bộ (bao gồm Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Ninh), góp phần đáng kể vào quá trình xây dựng và chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Như vậy, Chiến khu Đông Triều không chỉ đơn thuần là Chiến khu quân sự mà nó đã huy động được sức mạnh tổng hợp của quần chúng, thu hút rất nhiều tầng lớp xã hội khác nhau tham gia như: công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc, học sinh, công chức, tiểu thương, tiểu chủ, tăng ni, thậm chí là cả hào lý, binh lính sỹ quan địch, một số tri huyện, thị trưởng, tỉnh trưởng…để tăng cường sức mạnh và thanh thế cho cách mạng. Thực tế cho thấy, trận tiến công đồn Chí Linh, ta dùng cả lực lượng phỉ kết hợp với công tác tuyên truyền gây ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh. Tiến công đồn Đông Triều, Uông Bí, Trường quân sự Bí Chợ…đều dùng nhân mối trong binh lính địch. Đánh chiếm Mạo Khê chủ yếu là dùng lực lượng công nhân mỏ nổi dậy, kết hợp với việc thuyết phục bọn tư bản chủ mỏ người Pháp. Đánh chiếm tỉnh lỵ Quảng Yên lực lượng vũ trang Chiến khu đã phối hợp chặt chẽ với phong trào chính trị của quần chúng, kết hợp giữa tiến công quân sự với tuyên truyền thuyết phục hàng ngũ quan lại trong chính quyền tay sai.

Rõ ràng thành tích và chiến công vang dội của Chiến khu Đông Triều  trước hết được bắt nguồn từ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và sức mạnh đoàn kết đấu tranh của đông đảo quần chúng cách mạng. 70 năm đã trôi qua kể từ ngày thành lập, nhìn lại chúng ta càng thấy rõ hơn tầm vóc và ý nghĩa to lớn của sự kiện lịch sử này; càng thêm xúc động và tự hào về ý chí kiên cường, gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc trên địa bàn chiến khu.

Có thể nói, cùng với nhiều sự kiện chính trị quan trọng khác, Chiến khu Đông Triều mãi mãi là một chấm son chói lọi trong lịch sử hào hùng chiến tranh giải phóng dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20. Những kinh nghiệm, bài học được rút ra trong quá trình vận động cách mạng ở Chiến khu Đông Triều  vẫn còn mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Ngày 5/9/1994, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) ra quyết định số 2379 - QĐ/BT công nhận chùa Bắc Mã - địa điểm trung tâm Chiến khu Đông Triều là di tích lịch sử cách mạng - văn hóa cấp quốc gia.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đông Triều (2010). Lịch sử Đảng bộ huyện Đông Triều, tập I, Nxb Chính trị Quốc Gia.

2.  Ban Quản lý di tích và thắng cảnh Quảng Ninh (1994), Hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử địa điểm lịch sử trung tâm chiến khu Đông Triều (chùa Bắc Mã).

3. Ban Quản lý di tích và thắng cảnh Quảng Ninh (2002), Di tích
và Danh thắng Quảng Ninh
.

4. Ban chấp hành Đảng bộ xã Bình Dương (2014), Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Bình Dương (1930 - 2010),  Nxb Chính trị Quốc Gia.

5. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đông Triều (1995), Lịch sử huyện Đông Triều

 

-------------------------------------------------------------

 

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa