Nội san

Phát huy giá trị văn hóa nghề gốm của người Thái đen ở Sơn La

09 Tháng Tám 2017

                                               Lê Văn Minh [*]

 

"Xã Mường Chanh thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cách trung tâm huyện 50km, cách trung tâm thành phố Sơn La 22km, là nơi cư trú của đồng bào Thái. Tại đây, người Thái có nền nông nghiệp khá phát triển, đặc biệt là nghề thủ công làm gốm, đáp ứng nhu cầu tại địa phương và là sản phẩm không thể thiếu được trong các nghi lễ đậm chất nông nghiệp, nhân văn của người Thái như: xên bản, xên mường, lễ hội cầu mưa, cúng rừng cầu may, cúng ma…

1. Vài nét về lịch sử hình thành nghề gốm Mường Chanh

Trong cuốn "Táy pú sấc" (kể ông cha chinh chiến) của đồng bào Thái cho thấy khi thiên di xuống phía Nam theo sông Mê Kông, sông Hồng thì những đồ dùng theo có các chum, vại gốm. Từ đó cho thấy, trước khi vào nước ta người Thái đã biết sử dụng đồ gốm từ rất sớm.

Sang thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV dưới thời Tạo Lò, sau khi xây dựng và chinh phục được ba trung tâm Thái Mường Muổi (Thuận Châu), Mường Sang (Mộc Châu), Mường Lay (Điện Biên) thống nhất Tây Bắc đã tạo ra một thời kỳ mới trong lịch sử xã hội cộng đồng dân tộc Thái. Từ thế kỷ XIV người Thái mới định cư theo bản, làng. Kinh tế nông nghiệp dần hình thành và phát triển, đời sống nhân dân ngày càng no đủ. Cùng với sự khởi sắc của các nghề thủ công như nghề dệt, đan lát,... thì nghề gốm cũng phát triển lên.

Theo sử thi "Quan tô mương" (kể chuyện bản mường) của các vùng Mường Muổi (Thuận Châu), Mường Sang (Mộc Châu), Mường Mụa (Mai Sơn),... cho thấy vùng Mường Chanh, Mường Sang đã biết dùng đất sét nặn các vật dụng như, vò, chum rượu, các vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày... Tác giả Trương Minh Hằng trong công trình nghiên cứu của mình có nêu ....“Những đồ gốm ở đây còn thô, rất gần với các loại gốm tối cổ được các nhà khảo cổ phát hiện và nổi tiếng với các địa danh Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Bến Ngự (Thanh Hóa), Mường Tranh (Sơn La), Thổ Hà (Bắc Giang)”…[2, tr.11].

Sự ra đời của nghề gốm Mường Chanh vào khoảng thế kỷ XIII là kết quả giao lưu văn hóa kết hợp giữa người Thái và cư dân bản địa tức là người Xinh Mun, Khơ Mú.

2. Giá trị nghề gốm ở xã Mường Chanh

 Nguyên liệu đất

 Đất làm gốm ở Mường Chanh là loại đất dẻo, chủ yếu là đất sét màu trắng nhạt, xanh đen, vàng, đỏ rất mịn và dẻo không phải qua công đoạn xử lý hoặc pha trộn thêm cao lanh đất sét có chất lượng tốt - một giá trị quyết định tồn tại của nghề gốm thủ công tại đây. Trong các loại đất thì chất đất có tính kết dính cao nhất là đất màu hanh đỏ, nhưng hiện nay loại đất này đã mất dần mà chỉ còn lại màu vàng nhạt. Gốm Mường Chanh được nhân dân đánh giá cao và rất ưa chuộng bởi là chất đất tạo nên vẻ đẹp của sản phẩm gốm.

 Họa tiết văn trên sản phẩm gốm

             Tùy theo từng loại sản phẩm mà trang trí một loại hoa văn tương ứng, môtíp, với những đường nét nhỏ gọn, tinh tế nhưng không thiếu sự mạch lạc, khỏe khoắn... "hoa văn trang trí mặt phà (mặt cái chăn) những đường gấp khúc đơn, đường gấp khúc kép, đường gấp khúc hình răng cưa... và một số sản phẩm gốm sử dụng mô típ hình chữ V "có thể chia mô típ hình chữ V thành 2 dạng: dạng chữ V rời và chữ V nối liền nhau. Dạng chữ V rời là những chữ V đứng tách riêng từng chữ hay xếp lồng vào nhau. Dạng chữ V nối liền tạo thành đường văn hình răng cưa,..." [3, tr. 28,29]. Ngoài ra còn có gờ đắp nổi, hình kỷ hà kết hợp trên cùng một sản phẩm.

 Nghệ nhân làm gốm

             Hiện nay, chỉ còn gia đình anh Lò Văn Mẳn ở bản Đen và đặc biệt là vợ chồng ông Hoàng Văn Nam ở bản Noong Ten. Ông Nam được tiếp xúc với nghề từ khi 20 tuổi. Lúc đó, ông phụ giúp cha mẹ những công việc đơn giản như vận chuyển, xếp gốm vào lò nung… cứ như vậy, công việc ngày càng thuần thục và phần lớn kinh nghiệm tích lũy của ông có được đều do truyền dạy trong gia đình.

Với lòng đam mê và tâm huyết, người thợ gốm chứng kiến những thăng trầm của nghề truyền thống này. Tuy vậy, đến nay, nghề thủ công lâu đời nhất của địa phương đã mai một dần. Làm nghề thủ công đòi hỏi có kinh nghiệm, tình yêu nghề, yêu văn hóa của chính tộc người Thái mới có thể theo đuổi đến cùng. Tuy nhiên, cốt lõi nghề gốm đi xuống như hiện nay là vì thiếu đi những người truyền nghề dày dặn kinh nghiệm.

 Giá trị về kinh tế du lịch và trải nghiệm văn hóa

Du lịch đến Mường Chanh nhằm khai thác những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các sản phẩm gốm do các nghệ nhân tạo ra, như là một đối tượng tài nguyên du lịch phục vụ cho việc tìm hiểu văn hóa, tham quan, trải nghiệm, vui chơi, giải trí. Khách du lịch có thể trực tiếp xem và tham gia vào một số công đoạn sản xuất sản phẩm đặc trưng của nghề gốm tại địa phương. Du lịch cần được khai thác bài bản, chuyên nghiệp sẽ là phương tiện giao lưu quảng bá văn hóa, vùng đất và con người Mường Chanh một cách sâu rộng và có hiệu quả, góp phần tôn vinh, bảo tồn và giới thiệu rộng rãi các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Thái vùng đất Mường Chanh.

Gốm Mường Chanh so với rất nhiều thương hiệu gốm ở Việt Nam thì gốm vẫn còn rất mới mẻ và ít người biết đến hơn. Tuy nhiên, qua thời gian với những nỗ lực không ngừng, gốm đã sớm khẳng định được thương hiệu bởi nét độc đáo, giản dị, chân chất, mộc mạc nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc đã tạo nên phong cách riêng đã được nhiều người quan tâm, ưa thích. Gốm luôn có hai màu sắc đặc trưng là màu xám và xanh đen. Khác với các dòng gốm ở dưới xuôi, gốm Mường Chanh được trang trí bằng hoạ tiết hoa văn đắp nổi - vẽ trực tiếp bằng công cụ thô sơ thể hiện sinh động trên chất liệu gốm rất đặc trưng do chính bàn tay các nghệ nhân gốm tạo nên.

Điểm ấn tượng trong các sản phẩm đa dạng, phong phú phục vụ đời sống sinh hoạt cộng đồng của gốm Mường Chanh đều mang đậm dấu ấn của văn hóa Thái. Đó có thể là những chum, vại, hũ, lọ, bát dùng trong cuộc sống thường ngày với hoạ tiết, hoa văn quen thuộc và dân dã như hình sóng nước, hình chữ V gấp khúc hoặc chạy dài, lá lúa, hoạ tiết thổ cẩm… Sản phẩm gốm Mường Chanh khoác trên mình văn hoá dân gian tộc người rất đặc sắc, nhưng gốm cũng tạo ra cho mọi người cái lạ, cái ngộ nghĩnh. Nhiều người khi xem những sản phẩm gốm bị cuốn hút bởi nét mộc mạc, dân dã, gần gũi nhưng vô cùng độc đáo ở hoạ tiết trang trí. Gốm Mường Chanh là sự kết tinh bởi sự đam mê nghệ thuật, sự cần mẫn cùng tình yêu bản, mường, dân tộc, yêu nền văn hoá của cộng đồng cùng đôi bàn tay tài ba, kinh nghiệm và đầy sáng tạo.

3. Giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị nghề gốm Mường Chanh

 Hoàn thiện cơ chế chính sách

Ngày 24/11/2000 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; tiếp đó là Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/7/2006 về phát triển ngành nghề nông thôn với các chính sách, chủ trương quan trọng nhằm khuyến khích ngành nghề nông thôn, các doanh nghiệp, làng nghề phát triển. Căn cứ vào đó địa phương xây dựng, ban hành các quyết định, có các hình thức đổi mới về thể chế, chính sách, lập các kế hoạch, sau đó lên các phương án giải quyết về nguồn vốn, về thị trường tiêu thụ, về các ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, nâng cao năng lực quản lý, có các chính sách thỏa đáng cho nghệ nhân, các chính sách bồi dưỡng nguồn nhân lực, khắc phục và bảo vệ môi trường.

Quy hoạch nguồn nguyên liệu đất

Hiện nay nghề gốm còn ít người làm nên nguồn đất bị khai thác bừa bãi không tái tạo làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trước đây đất ở Mường Chanh rất đa dạng, phong phú có nhiều loại đất tốt rất thuận lợi cho việc khai thác và đưa vào sử dụng làm gốm, nhưng hiện nay, mốt số loại đất đã không còn, chất đất còn lại bị tạp chất pha trộn, mặt khác lấy đất để dựng nhà cửa, làm ao cá,... Vì vây, cần sự can thiệp của chính quyền có những kế hoạch, khoa học giữ nguồn đất quý báu của xã, từ đó kêu gọi, đánh thức tiềm năng giá trị nguồn đất để nghề gốm có cơ hội phát triển hơn nữa.

Phát triển thị trường  

 Mở các phiên chợ định kỳ, cố định tại địa phương để cung ứng và quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ hướng tới một chợ gốm truyền thống tại Mường Chanh; vận chuyển gốm tới các hội chợ hoặc chuyển tới các phiên chợ ở nhiều địa phương khác nhau để tiêu thụ. Việc tìm thị trường tiêu thụ đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ sản xuất và mở rộng thị trường là nhân tố quan trọng để đảm bảo việc nhân rộng nghề thủ công truyền thống đạt hiệu quả cao.

Tôn vinh nghệ nhân và vấn đề truyền nghề

 Cần có các biện pháp tôn vinh và gìn giữ các nghệ nhân như những báu vật của tỉnh, của xã, như giữ những giá trị văn hóa dân tộc đang tồn tại trên từng sản phẩm của nghề. Các chế độ ưu đãi tốt, những chính sách mới đối với các nghệ nhân lớn tuổi không chỉ là nguồn động lực, có thêm điều kiện để sáng tạo và lao động cống hiến với nghề mà còn giúp cho các thế hệ nghệ nhân tiếp theo đã được trưởng thành qua môi trường lao động tại các gia đình sản xuất gốm.

Tổ chức các khóa đào tạo truyền dạy nghề, những kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, bí quyết công nghệ cho lớp trẻ. Phát triển nguồn nhân lực là một trong những vấn đề cơ bản là một khâu đột phá chiến lược. Phát triển nguồn nhân lực là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách cần được quan tâm thực hiện một cahs khoa học, đồng bộ.

 Nâng cao giá trị nghệ thuật của sản phẩm

Hoa văn trên gốm Mường Chanh rõ ràng, khỏe mạnh, dứt khoát và nhẹ nhàng tinh tế đan xen lẫn nhau, song không vì thế mà có sự giảm dần tính thẩm mỹ vốn đã là đặc trưng của gốm. Giữ lại những các mô típ trang trí, quy trình sản xuất mang đặc trưng của gốm Mường Chanh tạo ra sự cân bằng phát triển giữa truyền thống và kết hợp với mẫu mã mới trong cộng đồng và xã hội thế hiện đại, đồng thời kết hợp với truyền thống tạo sự mới mẻ nhưng vẫn mang đặc trưng là vấn đề cót lõi cho giá trị nghệ thuật của sản phẩm hiện nay.

 Gắn nghề gốm với phát triển du lịch

Hỗ trợ cải tạo cảnh quan, đường xá, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, văn nghệ, tập quán sản xuất, tín ngưỡng trong cộng đồng, nhà ở, tuyên truyền quảng bá tới các công ty lữ hành nhằm thu hút khách tham quan... Mở tour đến Mường Chanh, hình thành tuyến du lịch Nhà ngục Sơn La - Bản Mòng - Mường Chanh.  Xây dựng các trạm dừng chân, thưởng thức các đặc sản địa phương, cần có các biển báo, biển chỉ dẫn, … các khu vui chơi giải trí cho du khách mang phong cách truyền thống của người Thái.

Phát huy vai trò của cộng đồng

Phát huy vai trò của cộng đồng bằng cách khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghệ nhân nghiên cứu, truyền dạy nghề bằng những kỹ năng, sự kết hợp giữa bí quyết nghề mang tính truyền thống tới đông đảo bà con trong thôn bản. 

 Khơi dậy sức sáng tạo, chủ động trong nhân dân, trong đời sống cộng đồng với mục đích đáp ứng được nhu cầu hoạt động văn hóa, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình trong thời kỳ hiện nay để từ đó không làm cho những giá trị văn hóa cha ông để lại bị mai một hay thất truyền.

 4. Kết luận

Là dòng gốm dân gian, gia dụng nên sản phẩm gốm Mường Chanh khá phong phú, đa dạng, có độ bền cao, quy trình sản xuất có từ lâu đời, sản phẩm phù hợp với tập tính sử dụng, đáp ứng các nhu cầu hàng ngày cũng như điều kiện sống của người Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc Sơn La nói chung. Tuy nhiên hiện nay việc làm gốm đang tồn tại một số nhược điểm, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Vì thế cần có những kế hoạch, định hướng chiến lược cụ thể lâu dài của chính quyền các cấp cũng như sự quan tâm của mọi tầng lớp xã hội, nhằm mục đích khôi phục nghề gốm Mường Chanh trở thành một làng nghề thủ công truyền thống, trở thành địa chỉ thu hút du khách đến với nghề, đến với vùng đất Mường Chanh. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy, phát triển nghề gốm, đưa nghề gốm về với giá trị văn hóa của nó trong quá khứ. Nếu những giải pháp nêu trên được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ sẽ có tác dụng thúc đẩy kinh tế - xã hội đem lại thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân bởi gốm Mường Chanh được đánh giá cao và rất được ưa chuộng.

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Đảng bộ huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, Ban chấp hành đảng bộ xã Mường Chanh (2014), Lịch sử đảng bộ xã Mường Chanh (1954 - 2010) Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2. Trương Minh Hằng (2011), Gốm sành nâu ở Phù Lãng, Nxb Lao động, Hà Nội.

3. Hoàng Lương (2003), Hoa văn Thái, Nxb Lao động, Hà Nội

4. Phạm Văn Lực (2011), Một số vấn đề về lịch sử và văn hóa Tây Bắc, Nxb Đại  học Sư phạm, Hà Nội

5.  Nguyễn Kim Loan (2013), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa -  Thông tin, Hà Nội

6. Chu Thái Sơn - Cầm Trọng (2005), Người Thái, Nxb Trẻ, TP.HCM

7. La Công Ý, (2002), "Nghề làm gốm của người Thái ở Mường Chanh", Tạp chí Dân tộc học (số 6).

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa