Nội san

Dạy học nhạc Jazz trên đàn phím điện tử cho sinh viên SPAN tại trường ĐHSP nghệ thuật TW

17 Tháng Tám 2017

                                                                                                 Hà Tân Mùi [*]

 

1. Vai trò quan trọng của nhạc Jazz trong dạy đàn phím điện tử cho sinh viên ĐHSPAN, trường ĐHSP Nghệ thuật TW

Việt Nam đang trên đường hòa nhập với thế giới trên mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa, nghệ thuật. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI, làn sóng khoa học công nghệ từ các nước phát triển đã tràn vào Việt Nam, được giới trẻ đón nhận với nhu cầu học hỏi, tiếp thu kiến thức tiên tiến, hiện đại. Trong nghệ thuật âm nhạc, hàng loạt nhạc khí có những cách tân nhằm phù hợp với xu thế thời đại. Điều này là cơ sở hình thành nên các cây đàn vừa giữ thiết kế, cấu tạo truyền thống nhưng đã đổi mới, tích hợp những âm thanh điện tử mới như: Piano điện tử, Violin điện tử, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong nghệ thuật biểu diễn trên thế giới và Việt Nam.

Đàn phím điện tử (ngắn gọn là đàn Keyboard) là sự kết hợp giữa bàn phím Piano với hệ thống âm sắc dàn nhạc đã tạo dấu ấn trong đời sống âm nhạc. Một phong trào học đàn Keyboard với nhiều mục đích khác nhau: tại gia đình, trong câu lạc bộ, các trường văn hóa nghệ thuật tại các địa phương khắp cả nước. Nhưng đặc biệt hơn, đàn Keyboard đi vào chương trình học tập tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chính thống như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (HVANQGVN), Học viện Âm nhạc Huế (HVAN Huế), Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh (NVTP.HCM). Sự công nhận đàn Keyboard tại học viện, nhạc viện âm nhạc uy tín ở Việt Nam với tư cách là nhạc khí hiện đại góp phần thay đổi tư duy trong đào tạo, biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp, đồng thời, chương trình giảng dạy tập trung vào nhạc Jazz, một thể loại âm nhạc phổ biến tại các nước Âu, Mỹ. Tính ngẫu hứng, phóng khoáng của nhạc Jazz đến từ nhịp điệu, cách trình diễn đề cao kỹ thuật cá nhân, tạo sự tương tác hứng khởi giữa người biểu diễn và khán giả. Kiểu âm nhạc đường phố gần gũi công chúng của nhạc Jazz được thế hệ trẻ Việt Nam đón nhận như một phong cách âm nhạc mới.

Tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW (ĐHSPNTTW), đàn Keyboard từ lâu được đưa vào giảng dạy chính khóa, là nhạc khí chủ lực trong đào tạo giáo viên âm nhạc phổ thông. Cho đến thời điểm hiện nay, vai trò đàn Keyboard vẫn không thay đổi trong đào tạo đại học Sư phạm Âm nhạc (ĐHSPAN). Do đó, tính cấp thiết đặt ra yêu cầu phải đổi mới, xây dựng chương trình môn học đàn Keyboard nhằm phù hợp với biến đổi xã hội và nhu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên âm nhạc chất lượng chuyên môn cao. Đã đến lúc cần đưa nhạc Jazz vào dạy học đàn Keyboard ở trường ĐHSP Nghệ thuật TW, giúp sinh viên tiếp cận nhiều hơn với nhu cầu thẩm mỹ của xã hội Việt Nam đương đại, nhất là các thể loại, phong cách âm nhạc Âu, Mỹ đang phổ biến rộng rãi, trong đó nhạc Jazz bổ sung, tăng cường cho sinh viên ĐHSPAN lối chơi ngẫu hứng, áp dụng vào đệm hát, yếu tố quan trọng khi sử dụng đàn Keyboard sau khi ra trường. 

Nhạc Jazz, một biểu tượng điển hình của âm nhạc Mỹ da đen cách đây trên 100 năm. Ngay từ đầu thế kỷ XX, nhạc Jazz sớm tạo nên vị thế riêng biệt, trở thành hiện tượng âm nhạc độc đáo của âm nhạc đường phố, quán bar. Khi thâm nhập vào Việt Nam, rất nhanh chóng nhạc Jazz được nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp đưa vào chương trình giảng dạy chuyên ngành nhạc cụ, tiêu biểu là Piano và Keyboard. Học nhạc Jazz trở thành trào lưu đối với tầng lớp thanh thiếu niên. Tính ứng dụng nhạc Jazz rất lớn bởi đề cao tài năng cá nhân trong diễn tấu đơn (solo) hoặc cùng ban nhạc, dàn nhạc nhẹ.

2. Xây dựng ý thức học nhạc Jazz cho sinh viên ĐHSPAN

Hiện nay, trường ĐHSP Nghệ thuật TW quy định dạy học môn đàn Keyboard theo học chế tín chỉ: 2 sinh viên/1giờ/tuần. Trong 1 tiết tín chỉ (50 phút), giảng viên dạy đồng thời 2 sinh viên, như vậy mỗi sinh viên có 25 phút trả bài (lần lượt). Hoặc 2 sinh viên cùng trả bài, giảng viên nghe từng người, hướng dẫn trực tiếp trên sinh viên đàn.

Do đó, sinh viên học đàn Keyboard ngành ĐHSPAN rất cần xây dựng ý thức và tạo động cơ học tập đúng đắn về nhạc Jazz trên đàn Keyboard.

 Học đàn Keyboard để hình thành nghề nghiệp tương lai rất quan trọng đối với SVĐHSPAN, bởi sau khi ra trường các trường phổ thông luôn quan tâm đến biết thành thạo chơi đàn và hát. Câu hỏi đầu tiên đối với người tuyển dụng vào vị trí giáo viên âm nhạc phổ thông là có biết đàn và hát không? Do đó, phấn đấu học tốt môn đàn là mục đích, nhiệm vụ thực hiện đối với từng sinh viên.

 Học đàn đồng nghĩa với nghệ thuật biểu diễn, một chức năng quan trọng để SV hoàn thiện bản thân, rèn luyện tính tự chủ, độc lập trong xử lý các tình huống khác nhau trong cuộc sống.

Tuy vậy, ý thức học đàn Keyboard không nhất quán, liên tục bởi có nhiều tác động khách quan, chủ quan như: dễ chán nản khi tâm lý bị xáo trộn như không thuộc bài, chưa biết phương pháp tự học, luyện tập không kết quả về kỹ năng chơi đàn; Bị lôi kéo vào các cuộc sinh hoạt như sinh nhật, bạn bè rủ đi chơi. Điều này làm sao nhãng tập luyện, không hoàn thành bài, tác phẩm; Hay bị khớp tâm lý, chưa tự tin vào bản thân, đánh đàn trước đám đông mất bình tĩnh, run, hồi hộp; Luôn có cảm giác bài học nhiều, tự gây căng thẳng, mất ngủ, làm giảm động cơ học tập.

Để giải quyết triệt để, giảng viên luôn động viên, khuyến khích và tìm hiểu nguyên nhân sâu xa về tâm lý, khả năng phát triển của từng sinh viên trong quá trình lên lớp. Mặt khác, giao những bài phù hợp, đúng với khả năng, tăng hứng thú và quyết tâm rèn luyện kỹ thuật đàn Keyboard.

Xuất phát từ thực tiễn giảng dạy, ngay sau khi hình thành lớp, công việc đầu tiên là phân loại trình độ kỹ thuật, đặc điểm ngón tay, tư duy âm nhạc từng sinh viên để lập giáo án chính xác, giúp sinh viên hoàn thiện các lỗi, tật khi chơi đàn. Với sinh viên, rèn luyện kỹ thuật đóng vai trò then chốt gồm: gam (trưởng, thứ), hợp âm, hợp âm rải, bài luyện ngón tay Hanon và các Etude. Tất cả tạo nên tổ hợp kỹ thuật, trong đó cách phân biệt legato (liền tiếng), staccato (nảy tiếng), non legato (rời tiếng) theo độ bấm phím (sâu, nông) là những dạng kỹ thuật cơ bản của đàn Keyboard.

Qua các giờ lên lớp, có thể đánh giá tư duy âm nhạc của SVĐHSPAN:

Nói chung, sinh viên chưa hình thành những khái niệm về phong cách sáng tác riêng (các tác giả từ tiền cổ điển đến hiện đại), ít hiểu biết nội dung phản ánh từng tác phẩm.

Ngôn ngữ âm nhạc biểu hiện qua đường nét giai điệu (theo chiều ngang, dọc) bên tay phải và trái. Mỗi tác giả, thời kỳ có phương pháp diễn tả âm nhạc riêng, hầu hết sinh viên chưa cảm nhận sự khác biệt trong cấu trúc, thủ pháp âm nhạc trong tác phẩm. Điều này ảnh hưởng lớn đến tư duy âm nhạc, lối chơi, kiến thức âm nhạc để tìm ra cách xử lý hiệu quả. 

Những ký hiệu trên bản nhạc như: to, nhỏ, nhanh, chậm đặc biệt quan trọng, là yếu tố không thể thiếu trong mỗi tác phẩm. Đại đa số sinh viên chỉ tập trung vào kỹ thuật phối hợp hai tay, do đó tiếng đàn nghe đều đều (monotone), không tạo xúc cảm.

Tư duy, nhận thức âm nhạc luôn là vấn đề cốt lõi, cơ sở tạo nên những phong cách biểu diễn âm nhạc khác nhau. Mỗi thời kỳ, giai đoạn đều có trường phái, trào lưu thể hiện. Trong từng tác phẩm, sinh viên cần được rèn luyện khả năng chơi đàn đúng, chính xác về sắc thái của tác phẩm. Đây là nội dung quan trọng nhất để sinh viên có thể hiểu, nắm vững tính chất âm nhạc trong tác phẩm. Giảng viên cần trình bày, giới thiệu kỹ phong cách tác giả, trường phái âm nhạc giúp sinh viên biết xử lý sắc thái âm nhạc hiệu quả. 

3. Rèn luyện kỹ thuật, xử lý tác phẩm và ngẫu hứng nhạc Jazz

Để thực hiện mục tiêu: đệm hát, hòa tấu cho trong trình đào tạo ĐHSPAN, nhạc Jazz là loại nhạc phù hợp. Học và rèn luyện kỹ thuật, tác phẩm nhạc Jazz, sinh viên tiếp nhận phong cách mới, phù hợp soạn đệm, mở rộng khả năng sáng tạo.

Hệ thống nhạc Jazz gồm:

- Gam với 7 hàng âm đầy đủ tên gọi hàng âm, cấu tạo hợp âm.

- Jazz Hanon: gồm các bài luyện ngón tay một cách chủ động.

- Etude Jazz: gồm các bài kỹ thuật theo cấu tạo hợp âm nhạc Jazz.

- Tác phẩm nhạc Jazz do nhạc sĩ trong và ngoài nước sáng tác.

Nhạc Jazz là loại hình âm nhạc gắn bó với tiết tấu nhạc nhẹ, qua nhịp điệu, nhạc Jazz trở thành một phong cách âm nhạc gần gũi, hòa đồng với âm nhạc dân gian Việt Nam.    

Những bài kỹ thuật Jazz, còn gọi là Etude Jazz tập trung vào luyện ngón qua các hợp âm rải 7, 9 theo nhiều vòng công năng khác nhau. Qua đó, sinh viên nắm vững cấu trúc vòng hòa âm nhạc Jazz, luyện tập kỹ năng tay trái (walking bass/di chuyển bè bass). Trong tác phẩm nhạc Jazz, đặc điểm quan trọng nhất đó là những phong cách được định hình qua từng thời kỳ lịch sử như: Ragtime, blue, boogie woogie. Cùng với phong cách là thể loại của tác phẩm nổi bật nhất có nguồn gốc, xuất xứ từ những nhóm, ban nhạc người Mỹ gốc Phi. Cách dạy nhạc Jazz xác định xử lý đảo phách, nghịch phách là yếu tố quan trọng, điều này xuất phát từ  đặc điểm trong lối chơi nhạc Jazz như Ragtime, blue, swing, boogie woogie.

Từ tính năng đàn Keyboard, sinh viên học nhạc Jazz được yêu cầu phối hợp lối chơi hai tay trên bộ đệm tự động gồm hai kiểu: fingers (các ngón tay trái) và full fingers (toàn bộ bàn phím) cùng với các fill (chèn, lấp đầy) có ký hiệu theo thứ tự: fill A, B, C, D, G, H...nhằm thành thạo bấm các hợp âm tương đối phức tạp trong nhạc Jazz.

Cùng phương pháp dạy nhạc Jazz là cách rèn luyện, tự học của sinh viên qua cách tập theo câu, tiết nhạc với các nguyên tắc: tập chậm, tập riêng từng tay, ghép hai tay ở tốc độ chậm. Tất cả giúp sinh viên tăng cường khả năng ghi nhớ, nhanh chóng thuộc lòng bài, tác phẩm nhạc Jazz. Từ quá trình tự rèn luyện đến khả năng biểu diễn nhạc Jazz là bước chuyển tiếp tất yếu.

Dạy học nhạc Jazz trên đàn Keyboard được hiểu là học phương pháp ngẫu hứng, đặc điểm cốt lõi của nhạc Jazz. Ngẫu hứng nhạc Jazz biểu hiện trong nội dung: sử dụng các hợp âm rải 7, 9 trên các vòng hòa âm, trong đó khai thác các gam Jazz, blue là yếu tố chủ đạo. Đồng thời, ngẫu hứng đề cập đến thủ pháp biến tấu với hai cách: biến tấu ngẫu hứng trên nền hòa âm cố định và biến tấu ngẫu hứng theo chủ đề. Là phương pháp trọng tâm trong nhạc Jazz, biến tấu ngẫu hứng tăng cường và đa dạng hóa lối chơi, phát huy khả năng sáng tạo của người học đàn Keyboard.

3. Kết luận

Dạy học nhạc Jazz trên đàn Keyboard cho sinh viên ĐHSPAN tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW nhằm đáp ứng nhiều tiêu chí trong nghệ thuật biểu diễn đàn Keyboard, loại nhạc khí phổ biến, đóng vai trò chủ đạo trong dạy nhạc phổ thông. Để giải quyết, cần bổ sung, tăng hàm lượng, khối lượng học đàn Keyboard về nhạc Jazz. Đây là hướng đi cần thiết trong đào tạo giáo viên ĐHSPAN, mục đích sau khi ra trường có thể đệm hát linh hoạt, chủ động. Đồng thời tham gia hòa tấu ban nhạc, nhóm nhạc nhẹ trong đời sống xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XXI.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Bách, Thy Nhất Giang (1997), Hòa âm, Nxb Trẻ.

2. Nguyễn Bách, Huyền Trâm (2003), Jazz organ piano cho mọi người, Nxb âm nhạc, Hà Nội.

3. Nguyễn Tiến Mạnh (2016), Nghệ thuật Piano Jazz chuyên nghiệp Việt Nam, Luận án tiến sĩ Âm nhạc học, HVANQGVN, Hà Nội.

4. Lưu Quang Minh, Đỗ Xuân Tùng (1997), Sách học đàn phím điện tử dành cho dưới 7 tuổi, Trung tâm đào tạo bồi dưỡng âm nhạc Nhạc viện Hà Nội.

5. Barrie Nettles, Richard Graf (1997), The Chord scale theory & Jazz harmony, Nxb Advance Music (United States of America).   

6. Billy Taylor (1982), Jazz Piano a Jazz History, xuất bản Wm. C. Brown Company.

____________________________

[*] Lớp Cao học k5– Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc.