Nội san

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý lễ hội Tràng Kênh

27 Tháng Bảy 2018

Lã Thị Thu Thủy [*]

       Lễ hội Tràng Kênh được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tôn vinh nhân vật lịch sử Trần Quốc Bảo, là cháu vua Trần. Khi quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta lần thứ ba (1288), ông được giao trấn thủ miền ven biển và đóng quân tại áng Hồ, áng Lác trong dãy núi Tràng Kênh. Địa điểm diễn ra lễ hội tại đền thờ Trần Quốc Bảo, nằm trong Quần thể di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia Tràng Kênh - Bạch Đằng thuộc thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Lễ hội Tràng Kênh có mối liên kết mật thiết với các lễ hội khác trong vùng, liên quan đến việc thờ phụng Đức vương Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành, Đức Thánh Trần Hưng Đạo cùng các chư tướng với ba trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng.

         Hoạt động lễ hội Tràng Kênh hiện nay

       Ngay từ năm 2015, sau khi có Thông tư 15 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo huyện Thủy Nguyên đã chỉ đạo ngành văn hóa, hướng dẫn ban tổ chức lễ hội Tràng Kênh thực hiện nghiêm túc. Các hoạt động diễn ra theo đúng chương trình đã được cấp phép, đảm bảo không khí trang nghiêm trong phần lễ; vui tươi, lành mạnh trong phần hội. Công tác phục dựng những màn tế lễ, trò diễn trong lễ hội, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc, độc đáo. Chính quyền và ngành văn hóa huyện Thủy Nguyên thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lễ hội góp phần giáo dục ý thức người dân và khách thập phương ý thức gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự công cộng. Thông qua đó quảng bá lễ hội truyền thống Tràng Kênh cùng tiềm năng văn hóa, du lịch vùng đất cửa sông Bạch Đằng tới du khách trong nước và quốc tế. Công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực tham gia được công khai đã tạo sức lan tỏa của lễ hội Tràng Kênh qua từng năm.

       Bên cạnh những mặt tích cực, quản lý lễ hội Tràng Kênh còn tồn tại một số hạn chế như sau: Công tác tổ chức và quản lý lễ hội chưa tương xứng với giá trị và tầm vóc của một di sản văn hóa lịch sử gắn liền với một danh tướng có công trong chiến thắng quân Nguyên - Mông trên sông Bạch Đằng lần thứ ba. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ăn xin và xả rác bừa bãi trong không gian tổ chức lễ hội vẫn còn tái diễn. Chương trình văn nghệ dân gian biểu diễn tại lễ hội Tràng Kênh như ca trù, hát đúm bị biến đổi theo chiều hướng thương mại hóa, không còn giữ được những giá trị riêng đặc sắc của loại hình này. Công tác xã hội hóa hoạt động lễ hội chưa đồng bộ và chuyên nghiệp. Công tác tuyên truyền, quảng bá những giá trị của lễ hội Tràng Kênh còn đơn giản, sơ lược.

       Nguyên nhân: Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh kéo theo lối sống chạy theo giá trị vật chất mà xem nhẹ những giá trị văn hóa, dẫn đến những phong tục tập quán, nếp sống văn hóa dân tộc dần bị lãng quên. Những hình thức diễn xướng dân gian như hát đúm, ca trù trong lễ hội không còn sức hấp dẫn đối với công chúng, nhất là lớp trẻ. Một số cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương do quá chú trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ tầm quan trọng của di sản văn hóa, chưa nhận thức được đầy đủ mối liên hệ giữa phát triển kinh tế và văn hóa sẽ tạo nên sự phát triển bền vững. Cán bộ văn hóa cơ sở kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa toàn tâm, toàn ý trong công tác quản lý lễ hội…

       Giải pháp nâng cao chất lượng quản lý lễ hội Tràng Kênh

       Về cơ chế chính sách

       Hoàn thiện cơ chế quản lý đồng bộ, thống nhất từ thành phố cho tới địa phương, tránh để tình trạng mỗi nơi hiểu và vận dụng hướng dẫn của Thông tư theo cách riêng. Việc hoàn thiện cơ chế cần theo phương châm đẩy mạnh phân cấp, phi tập trung hóa trong quản lý văn hóa. Cơ quan quản lý văn hóa xây dựng cơ chế, chính sách quản lý lễ hội trong những lĩnh vực cần can thiệp hoặc không can thiệp theo hướng nhà nước chỉ quản lý ở tầm vĩ mô, không làm thay công việc của cộng đồng mà lấy cộng đồng sở tại là nòng cốt chính, tạo điều kiện thuận lợi để người dân vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là đối tượng thụ hưởng chính của lễ hội.

       Về tuyên truyền giáo dục

       Cán bộ quản lý văn hóa và người dân trên địa bàn phải nhận thức được đầy đủ mục đích, ý nghĩa và những giá trị văn hóa của lễ hội Tràng Kênh. Thông qua việc tổ chức hội thảo mời các chuyên gia văn hóa trao đổi để làm rõ hơn giá trị của lễ hội Tràng Kênh trong đời sống hiện nay. Thông qua những buổi sinh hoạt ở thôn, cán bộ văn hóa huyện, xã vận động những thành viên trong cộng đồng nhận thức đúng về ý nghĩa các hoạt động trong lễ hội để cho họ tham gia, từ quan sát cho đến tham dự, trải nghiệm trực tiếp; Đưa giáo dục di sản văn hóa vào các trường học trên địa bàn huyện giúp thế hệ trẻ hiểu đúng về những giá trị của di sản văn hóa, từ đó có ý thức trong công tác quản lý, bảo vệ và tham gia các hoạt động tại lễ hội Tràng Kênh; Những câu chuyện lịch sử về đền Trần Quốc Bảo và lễ hội Tràng Kênh có thể được lồng ghép vào chương trình học tập ngoại khóa, giáo dục công dân cho học sinh; Tạo ra một số ấn phẩm, sản phẩm về lễ hội nhằm giáo dục, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của địa phương; Gắn trách nhiệm với lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động trong lễ hội Tràng Kênh. Chỉ khi người dân có nhận thức đúng về những giá trị của lễ hội Tràng Kênh thì mọi khó khăn đều có thể được giải quyết nhanh chóng và có hiệu quả. Người dân sẽ không tiếc công sức, thời gian, thậm chí họ có thể đóng góp tiền bạc, của cải để phục vụ cho các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

       Về công tác quản lý

       Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Tràng Kênh, nhất là khi cụm di tích danh thắng Tràng Kênh đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

       Ban tổ chức lễ hội xây dựng những phương án cụ thể về an ninh trật tự với phương châm an toàn tuyệt đối về người, tài sản của nhà nước và nhân dân, từ điều tiết giao thông tránh ùn tắc cục bộ đến tuần tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong thời gian lễ hội.

       Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho nhân sự của Ban Quản lý di tích - danh thắng thị trấn Minh Đức, cũng như những người trực tiếp trông coi di tích đền Trần Quốc Bảo.

       Tuyển dụng những người có trình độ chuyên môn được đào tạo kiến thức cơ bản về di sản văn hóa vào các vị trí liên quan. Trước mắt đào tạo tại chỗ các cán bộ quản lý văn hóa có trình độ và khả năng quản lý di sản văn hóa.

       Về tổ chức các hoạt động

      Tổ chức các hoạt động trong lễ hội cần tôn trọng tín ngưỡng của cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn thị trấn Minh Đức và những phong tục, tập quán đã lưu truyền từ xa xưa đến ngày nay; Ngành văn hóa quan tâm cho phục dựng lại những nghi lễ, trò diễn xưa; Nghiên cứu tái hiện những chiến công, công tích của tướng quân Trần Quốc Bảo dưới hình thức các tiết mục hát chèo, hát đúm và dân ca lời mới; Phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình thành phố và huyện xây dựng và phát sóng các clip về lễ hội; Tổ chức những trò chơi, trò diễn trong lễ hội mang đặc trưng riêng của một lễ hội tôn vinh và tưởng nhớ một vị tướng quân; Liên kết các lễ hội trong vùng có liên quan đến chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 1288. Từ đó tạo thêm các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến với địa phương.

       Về tăng cường kiểm tra giám sát và thi đua khen thưởng

      Chấn chỉnh những tiêu cực diễn ra trong lễ hội, hướng dẫn người dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội; Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những người được giao nhiệm vụ nhưng không hoàn thành nhiệm vụ trong quản lý và tổ chức lễ hội; Phối hợp với các ngành liên quan trong quá trình kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật; Thực hiện nghiêm công tác quản lý di tích cũng như tổ chức lễ hội Tràng Kênh theo các quy định của Luật Di sản Văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan; Không tiếp nhận công đức bằng hiện vật vào di tích, không cấp phép các trò chơi bạo lực, ngoại lai không có liên quan đến nội dung của lễ hội; Ngành văn hóa huyện cần tham mưu với thành phố tổng kết, rút kinh nghiệm công tác quản lý và tổ chức lễ hội hàng năm, từ đó đề ra các biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém. Trong những nhóm giải pháp đã nêu, chúng tôi xin nhấn mạnh đến đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở để có thể tham mưu, đề xuất phù hợp, đạt hiệu quả cao sao cho mọi hoạt động diễn ra tại lễ hội Tràng Kênh không vi phạm thuần phong, mỹ tục, pháp luật để người dân và du khách đến lễ hội được thật sự thoải mái, an toàn.

Tài liệu tham khảo

1. Cục di sản (2006), Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội.

2. Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam (2012), Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội Việt Nam đương đại, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3. Lê Hoài Đức (2015), Quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hóa quốc gia huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, luận văn thạc sĩ, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.

4. Bùi Hoài Sơn (2007), Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt ở châu thổ Bắc bộ từ năm 1945 đến nay, Luận án tiến sĩ, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội.

5. Huyện ủy Thủy Nguyên (2014), Nghị quyết số 31- NQ/HU về phát triển du lịch huyện Thủy Nguyên đến năm 2020, Hải Phòng.                                                             

----------------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa