Nội san

Nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử - văn hóa Từ Lương Xâm, phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng

28 Tháng Bảy 2018

 

Phạm Thị Thu Hà [*]

       ​Hải An là quận ven biển của thành phố Hải Phòng được thành lập từ tháng 5/2003. Trên địa bàn quận Hải An hiện có 57 di tích tín ngưỡng, trong đó có 24 di tích lịch sử văn hóa được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia và thành phố. Nổi bật ở Hải An là di tích lịch sử - văn hóa Từ Lương Xâm thuộc phường Nam Hải - căn cứ đại bản doanh của Ngô Quyền năm 938. Di tích này được dựng từ thời Lê chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu được bảo tồn cho đến ngày nay. Tại đây, lễ hội truyền thống được tổ chức từ ngày 16 - 18 tháng Giêng hàng năm nhằm tưởng nhớ công ơn của Đức Vương Ngô Quyền.

       Trong những năm qua, công tác quản lý tại di tích Từ Lương Xâm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài thành phố đến tham quan. Tuy nhiên di tích Từ Lương Xâm vẫn chưa được quan tâm đầu tư với giá trị và tiềm năng phát triển. Để quản lý di tích Từ Lương Xâm có hiệu quả, phát huy tiềm năng du lịch gắn với bảo vệ, tôn tạo và khai thác hợp lý, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

       Cần có sự phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành từ thành phố đến địa phương theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị, để từ đó xây dựng được những cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp với điều kiện thực tế quản lý di tích, đảm bảo tính thống nhất và đồng thuận cao, sự đồng tình hưởng ứng của cộng đồng tham gia quản lý di tích.

       Ban hành các quy định phân cấp, phân quyền và nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện quản lý di tích Từ Lương Xâm. Xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư và khuyến khích đầu tư, xã hội hóa trong công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa Từ Lương Xâm. Ủy ban nhân dân quận Hải An cần tiếp tục phối hợp, đề xuất với Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng (trực tiếp là phòng Quản lý di sản) hướng dẫn về công tác chuyên môn và cấp nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn, tôn tạo di tích.

       Ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ, trợ cấp cho những người trực tiếp trông coi, quản lý di tích; Tôn vinh, khuyến khích, động viên kịp thời bằng các hình thức khen thưởng cho những người có công bảo tồn, phổ biến tuyên truyền các giá trị di sản văn hóa di tích Từ Lương Xâm cho cộng đồng.

       Ủy ban nhân dân quận Hải An cần tăng biên chế sự nghiệp văn hóa, trong đó có bố trí vị trí việc làm cho cán bộ làm công tác chuyên môn về di tích, hướng dẫn viên du lịch ở quận và phường. Đẩy mạnh công tác xây dựng và đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ trẻ vừa có trình độ chuyên môn, vừa có phẩm chất đạo đức cho các cấp cơ sở địa phương trên địa bàn các phường, cán bộ phòng Văn hóa và Thông tin quận làm nòng cốt trong việc kiểm tra, đánh giá, bảo tồn các di tích trên địa bàn.

       Trước sự phát triển của xã hội ngày một cao, đòi hỏi tổ chức bộ máy quản lý di tích Từ Lương Xâm cần phải củng cố và hoàn thiện bổ sung về số lượng và chất lượng. Để tương xứng với di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cần thay đổi mô hình quản lý của Ban quản lý trực tiếp cấp quận để nâng cao mức độ trách nhiệm. Theo đó, xây dựng nhân sự của Ban quản lý bao gồm 4 thành phần cơ bản sau: Sử dụng công chức chuyên trách theo dõi; sử dụng cán bộ đã nghỉ hưu có trình độ chuyên môn tham gia trong ban quản lý; sử dụng các bậc cao niên, dòng họ tại địa phương tham gia ban khánh tiết, lễ tiết; sử dụng các cựu chiến binh địa phương tham gia công tác bảo vệ, trật tự. Đồng thời, nâng cao vai trò của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn di tích Từ Lương Xâm. Cần phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, của các cá nhân trong cộng đồng được tập hợp vào các nhóm sở thích như: hội người cao tuổi, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hướng họ vào mục tiêu giữ gìn và phát huy các giá trị của lễ hội và di tích.

       Thường xuyên tổ chức tập huấn, thảo luận về công tác quản lý di tích trên địa bàn quận. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị di tích lịch sử - văn hóa Từ Lương Xâm với nhiều hình thức đa dạng, phong phú có chiều sâu và trọng điểm như: tuyên truyền bằng việc in ấn, xuất bản và phát hành các ấn phẩm, tạp chí, tờ rơi; đăng các bài viết giới thiệu về di tích Từ Lương Xâm trên hệ thống website, cổng thông tin điện tử của quận và thành phố; thực hiện chương trình phóng sự, chuyên đề giới thiệu về khu di tích Từ Lương Xâm trên hệ thống truyền hình của thành phố và trung ương để quảng bá hình ảnh và góp phần vào việc phát triển du lịch văn hóa của di tích. Ngoài ra, cần thực hiện tăng cường công tác tuyên truyền cổ động trực quan, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại khu di tích nhằm quảng bá và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và du khách trong việc bảo vệ và phát huy di tích bền vững.

       Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thông qua các nội dung, chương trình giáo dục bảo vệ di sản trong các trường học trên địa bàn quận. Tổ chức chương trình tham quan thực tế tại di tích cho học sinh trực tiếp tham quan, chiêm bái và hiểu biết sâu sắc hơn về di tích Từ Lương Xâm. Kết hợp với bảo tàng thành phố tổ chức các buổi nói chuyện, giới thiệu, thuyết minh trực tiếp tại di tích cho học sinh.

       Để đảm bảo cho việc tôn tạo và tu bổ các di tích đạt hiệu quả cao nhất, cần có sự phối hợp của nhiều ban ngành chức năng để tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích, từ đó có phương án và kế hoạch tu bổ cụ thể cho từng bộ phận, từng đơn nguyên kiến trúc. Trong việc tu bổ, nâng cấp, xây mới các công trình phải đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong cảnh quan chung của di tích, gắn kết hài hòa các yếu tố cổ truyền với yếu tố hiện đại. Việc tu sửa, xây mới các đơn nguyên kiến trúc tại các di tích phải có sự cho phép, hướng dẫn và giám sát của các cơ quan quản lý dựa trên các quy định, nguyên tắc về việc quản lý và bảo tồn di tích của nhà nước.

       Ngoài ra, cần khôi phục cảnh quan di tích như trồng nhiều cây xanh xung quanh , tu sửa đường đến di tích cho rộng rãi, thông thoáng. Bên cạnh việc bảo tồn, trùng tu di tích cũng cần sớm xây dựng hệ thống các quy định, nguyên tắc trong việc bảo vệ các di vật bên trong, nhất là các di vật, cổ vật quý như sắc phong, bài vị, nhang án, khám thờ, tượng thờ…

       Nâng cao sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan thành phố, quận và phường trong quá trình kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất. Phát hiện và biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đồng thời cũng xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về di tích lịch sử - văn hóa Từ Lương Xâm.

       Ngoài sự quan tâm hỗ trợ về kinh phí, ngân sách phục vụ cho văn hóa thì hoạt động xã hội hóa cũng cần phải đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức như: Tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác trong và ngoài địa phương cũng như trong nước và ngoài nước, để thu hút tối đa nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội cho hoạt động văn hóa. Khuyến khích, kêu gọi, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, xã hội đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, bảo tồn, tôn tạo cảnh quan cụm di tích Từ Lương Xâm. Xây dựng các công trình dịch vụ, kinh doanh văn hóa dưới sự quản lý của nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách về dự lễ hội.

       Có phương án quy hoạch tổng thể khu vực dịch vụ đảm bảo cảnh quan không gian lễ hội và cũng để tận thu các nguồn kinh phí từ kinh doanh dịch vụ trong hoạt động lễ hội, góp phần hỗ trợ kinh phí cho công tác tổ chức, quản lý lễ hội trong những năm sau. Đồng thời, Ban quản lý di tích, chính quyền địa phương cần có những biện pháp quản lý tốt, chặt chẽ, công khai nguồn kinh phí trên theo đúng quy định của nhà nước để tạo cơ sở cho việc kêu gọi nguồn xã hội hóa cho những năm tiếp theo.

       Tổ chức liên kết, phối hợp với các công ty du lịch trong và ngoài thành phố tuyên truyền, đưa khách du lịch về với di tích và tham dự các chương trình trong lễ hội Từ Lương Xâm góp phần quảng bá di tích, lễ hội tới đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, với du khách từ khắp mọi miền tổ quốc, nâng cao nhu cầu du lịch văn hóa tâm linh.

       Xây dựng các tour du lịch gắn với các di tích, lễ hội thờ Ngô Quyền ở Hải Phòng nói chung và di tích Từ Lương Xâm nói riêng với tư cách là một điểm du lịch tâm linh quan trọng của thành phố Hải Phòng. Đồng thời cần tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại di tích.

Tài liệu tham khảo

1. Trịnh Thị Hòa (2009), Bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong bối cảnh hội nhập và phát triển, Tạp chí Di sản văn hóa số 2 (27).

2. Trần Phương (2009), Khôi phục và phát triển Lễ hội Đền Lương Xâm trở thành lễ hội lớn của vùng, Tạp chí Di sản văn hóa số 4 (29).

3. Sở Văn hóa Thông tin, Bảo tàng Hải Phòng (1982), Hồ sơ di tích Từ Lương Xâm, xã Nam Hải, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng, bản đánh máy.

4. Nguyễn Đình Thanh (2008), Di sản văn hóa bảo tồn và phát triển, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Nguyễn Ngọc Thao (2001), Một số di sản văn hóa tiêu biểu của Hải Phòng, (Tập 1), Nxb Hải Phòng.

6. Lưu Trần Tiêu (2012), Mấy vấn đề về nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 3.

7. Uỷ ban nhân dân quận Hải An (2009), Di tích Từ Lương Xâm và anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Nxb Hải Phòng.

8. Ủy ban nhân dân quận Hải An (2012), Di sản văn hóa quận Hải An những dấu ấn lịch sử, Nxb Hải Phòng.

---------------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa