Nội san

Nghệ thuật kiến trúc chùa Mễ Trì Thượng

28 Tháng Tám 2018

                                                                                               

                                                                                                       Đỗ Tuyết Mai [*]            

Chùa Mễ Trì Thượng, tên chữ Thiên Trúc Tự, còn gọi là chùa Tổ Quạ. Chùa được xây dựng từ thời Lê Mạc, trải qua nhiều lần trùng tu, dáng dấp ngôi chùa ngày nay ổn định với phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Chùa được xây dựng trong một khuôn viên khá rộng rãi. Đối với người phương Đông, mọi việc xây dựng nhất thiết phải theo thuyết “phong thủy”, có nghĩa là phải chọn được thế đất có dải cao, dải thấp để hướng luồng gió và dòng nước, tránh được sự tù đọng gây ô nhiễm.  Như vậy theo thuyết phong thủy, xây dựng phải chọn đất tốt, ngày tốt, giờ tốt.

Chùa Mễ Trì Thượng được xây dựng trên một diện tích tương đối rộng. Bắt đầu từ Tam quan. Sau đó là đến tòa Tiền đường, Thượng điện, Tích thiện am, nhà chung, phủ thờ, hậu đường, sau đó là tháp mộ, giếng tròn, miếu thờ. Dọc có hai dãy hành lang bao lấy khu chính của chùa. Hành lang 7 gian, kiểu “đầu hồi bít đốc”, “vì kèo quá giang”. Chùa còn có nhà Tổ và nhà Mẫu, ở phía sau nhà Tổ là gian nhà lá - nơi sư trụ trì giảng dạy Kinh Phật, ngoài ra còn có một số công trình phụ và tháp mộ sư. Chùa được xây dựng thêm nhiều khu vực phụ mà đa phần là hành lang ở hai bên và có hậu đường ở đằng sau để tất cả quây lại thành hình chữ quốc. Như vậy, mặt bằng chùa Mễ Trì Thượng được xây dựng theo kiểu thức kiến trúc “Nội công, ngoại quốc”.

 Mặt bằng kiến trúc khá nghiêm ngặt và các cụm kiến trúc tách nhau khá xa và thông thoáng. Xung quanh chùa và ở phương đình có rất nhiều cây cổ thụ và cây cảnh. Nhờ thế thiên nhiên và kiến trúc hòa quyện vào nhau tạo ra sự hài hòa về cả màu sắc, mảng khối và đường nét. Mặc dù kiến trúc chiếm vị trí trung tâm nhưng dường như bị thu nhỏ lại trước cây cỏ. Kiến trúc vừa uy nghi vừa thanh thoát. Ở trục trong kiến trúc thay đổi nhờ độ cao các mái. Ánh sáng trong các gian được điều hòa bởi các cửa và các khoang để trống, làm mờ dần từ ánh sáng ngoài trời.

Tam quan: Tòa Tam quan với ba cửa biểu thị ba cách nhìn huyền diệu của nhà Phật về thế gian. Tam quan chùa cao 1 tầng. Sau Tam quan ngoại có tam quan nội. Tam quan nội cao 2 tầng, 8 mái trụ trên 16 cột đá làm trụ đỡ tầng mái và xung quanh là hồ nước nhỏ thả cá, đi lên tam quan bằng một cây cầu nhỏ bằng đá.

Chùa Cả: Chùa Cả hay còn gọi là Tam Bảo với ba tòa Tiền đường, thiêu hương, thượng điện gắn với nhau theo kiểu chữ công (Ӏ) tạo thành một không gian nội thất chung. Trong kiến trúc của tiền đường và thượng điện chủ yếu là bào trơn, chỉ phần xếp giáp hai tòa là có 2 bức cốn chạm tứ linh. Tiền đường có ba gian hai chái. Tiền đường lợp ngói mũi hài và có kết cấu theo kiểu tầu đao lá mái. Kiến trúc của thượng điện gồm các cột gỗ lim trụ đỡ, các cột ngắn và to, đầu cột ít bị xẻ, các kết cấu nối với nhau chủ yếu bằng sức nặng  tự thân tỳ lên, các cột cái và cột quân có tiết diện hình tròn. Phần khung và trang trí kiến trúc tiền đường mới được tu bổ ở một số vị trí. Hệ thống tượng ở Tiền đường, Hàng thứ nhất: bộ Tam Thế. Tam thế, hay nói đúng là Phật ở các thời quá khứ, hiện tại, và vị lai. Tượng ngồi ở tư thế tọa thiền, y phục gập nếp đơn giản phủ kín cơ thể. Đài sen nhiều lớp, bệ đế bát giác ba tầng trang trí dày đặc súc tích, phía sau đặt vòng hào quang. Bộ ba tượng tam thế có ở hầu hết các ngôi chùa ở thời Mạc. Hàng thứ hai là hệ thống tượng Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo. Hàng thứ ba ở giữa là 8 pho tượng tổ, bên trái là tượng Quan Âm Tống Tử, ở bên phải là tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được đúc bằng đồng.

  Thiêu hương là tòa nhà mái dọc nối liền Tiền Đường với Thượng Điện. Thượng Điện  có ba gian hai chái, mái của Điện Phật cũng được làm theo kiểu tầu đao lá mái, vì kèo. Phần hiên của Thượng điện có những đầu bẩy lớn mập đỡ mái hiên qua những tấm ván long. Phía trong toà thượng điện là hệ thống năm lớp tượng được bài trí mang đặc trưng của Phật giáo Đại thừa Bắc tông, tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt của đại Phật. Hàng trên cùng cao nhất của đại phật điện là bộ tượng Tam Thế Phật thường trụ diệu pháp thân, Phật của quá khứ, hiện tại và vị lai. Lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam Tôn, chính giữa là pho tượng Phật A-Di-Đà, hai bên là tượng Quán Thế Âm và Đại thế chí bồ tát. Lớp thứ ba là tượng Quán Âm Chuẩn Đề, hai bên là tượng Phổ Hiền Bồ Tát. Lớp tượng ngoài cùng của Phật điện là toà Cử Long và tượng Thích Ca sơ sinh. Sát tường hậu thượng điện, bên phải là bệ tượng Quan Âm Toạ Sơn, bên trái là tượng Quan Âm Tống Tử (hay còn gọi là tượng Quan Âm Thị kính). Các pho tượng Phật đều thuộc phong cách nghệ thuật thế kỉ thứ XVIII - XIX.

Phía sau Tam bảo (chùa cả), qua một khoảng sân gạch khá rộng là nhà Tổ. Nhà tổ có 11 gian và 8 hàng cột ở trước hiên đỡ mái. Nhà tổ có thờ 9 pho tượng tổ, ở bên trái là ba pho tượng Hậu Khai Sáng Tổ Sư và bên phải là ba pho tượng Tiền Khai Sáng Tổ Sư.

Hai dãy nhà song song với nhau ở hai bên nhà Tổ có 7 gian. Cấu trúc đơn giản, lòng hẹp, mái thấp, mái được lợp ngói mũi hài. Dãy nhà bên phải là nhà khách đây cũng là nơi tổ chức lớp học Hán Nôm và Thư pháp. Bên trái là nhà Mẫu. Nhà Mẫu có 7 gian. Trên điện Mẫu có nhiều tượng như tượng Tứ phủ Chầu Bà, tượng Tứ Phủ Thánh Cô, Tứ phủ Thánh cậu, tượng Tống Thị Vua Bà, ở bên trái là tượng chầu Đệ Lục, cô Bơ, cô Chín. Ở bên phải là bộ ba tượng Chầu Tứ, cô Sáu, cô Bé. Trong số những pho tượng Mẫu ở đây, ba pho tượng Tam tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải) được coi là đẹp hơn cả. Trang trí trên diềm áo tượng có nhiều nét gần gũi với phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII.

Bên cạnh phương đình còn có các ngôi tháp mộ và cây cối nổi bật trên nền đất của khu vực phía trước Tiền đường.

Nét đặc trưng của chùa Mễ Trì chính là ở bên tay trái từ cổng phụ đi vào có một ngôi miếu rộng 2 gian, được lợp ngói mũi hài và có kết cấu theo kiểu tầu đao lá mái. Bên tay trái là nơi thờ Ông Thủy và Ông Cạn (ông Thủy chính là vị thần đánh giặc ở dưới nước và ông Cạn là vị thần đánh giặc ở trên bờ), bên tay phải là nơi thờ các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng.

 Năm 2014, chùa Mễ Trì bắt đầu khởi công một cuộc đại trùng tu. Đến nay các công trình đã hoàn thành. Ngoài cổng tam quan đồ sộ xây hoàn toàn mới, những hạng mục khác như nguyệt hồ, tam bảo, phương đình, nhà Tổ, nhà Mẫu đều được tôn tạo, trùng tu. Các cây cổ thụ cũng như kiến trúc cơ bản trước kia vẫn được bảo toàn.

Họa tiết, hoa văn trang trí ở chùa Mễ Trì Thượng rất phong phú và độc đáo. Các mảng chạm khắc được trang trí ở trên bộ mái, bộ khung, các cột đá, trên lan can cầu đá, chuông đồng và trang trí trên đồ thờ.

 Trang trí trên lan can Tam Quan: bao gồm có 22 bức chạm họa tiết hoa sen xung quanh hồ cá. Có 6 bức chạm khắc trên lan can cầu. Các bức chạm khắc này được khắc trực tiếp bằng đá và được làm mới hoàn toàn. Tòa Tam Quan có 16 cột trụ bằng đá được trang trí bằng hình con rồng cuốn quanh thân cột và chân cột có khắc họa tiết hoa sen và lá đề. Cả 16 cột này có hình thức trang trí giống nhau.

 Trang trí trên các cột đá: tại tòa Thượng điện có 8 cột ở trước cửa ra vào bằng đá. Trên cột có trang trí các họa tiết hoa cúc, hoa mai, cây tre. Phía chân cột trang trí họa tiết lá đề. Trước kia hàng cột này được làm bằng gỗ, mới được thay thế bằng đá.

  Trang trí trên bộ khung: các ván lá gió, ván bưng đều có trang trí hoa văn hình đao, mác, lá đề với các đề tài rồng, lân, đấu... Hầu hết các mảng trang trí có niên đại thế kỷ XVII - XVIII, tuy nhiên một số vị trí do bị hỏng cho nên đã được thay mới.

Như vậy, với phong cảnh đẹp, nhiều đơn nguyên kiến trúc nối tiếp nhau, chùa Mễ Trì là địa điểm lý tưởng để đưa các em học sinh đến vẽ. Các em học sinh có nhiều lựa chọn để vẽ góc cảnh. Đối với những em kỹ năng vẽ hình yếu, giáo viên có thể phân các em ra vẽ cảnh tam quan chùa (góc cảnh này dễ vẽ với cổng chùa là chính kết hợp với cây), hoặc vẽ góc cảnh giếng, với hình ảnh chính là giếng chùa, hình ảnh phụ là cây cổ thụ bên phải và bên trái là cổng chùa. Đối với những em có kỹ năng vẽ hình tốt hơn, giáo viên phân công các em chọn góc cảnh khó hơn: cảnh Miếu, cảnh chùa Cả, nhà Tổ, nhà Mẫu, khu mộ tháp, đây là góc cảnh đòi hỏi các em phải vẽ kỹ chi tiết mái, hàng cột, cửa ở trước hiên và họa tiết trang trí trên lan can.

Tài liệu tham khảo

  1. Chu Quang Trứ, Phạm Thị Chỉnh, Nguyễn Thái Lai (1998), Lược sử Mỹ thuật và Mỹ thuật học, Nxb Giáo dục.
  2.  Nguyễn Thu Tuấn (2011), Giáo trình Phương pháp dạy học Mĩ thuật, Nxb Đại học Sư phạm.
  3.  Nguyễn Văn Tỵ (1997), Mỹ thuật dân gian dân tộc Việt Nam và sáng tác hiện đại,[Tr. 54 - 75], Nxb Mỹ thuật.
  4.  Nguyễn Bá Vân (1-1998), Tranh Tết trên đất Thăng Long Hà Nội xưa, Số 17, Tr.7-9, Tạp chí Mỹ thuật Việt Nam.
  5.  Trịnh Quang Vũ (2002), Lược sử mỹ thuật Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin.

  -------------------------------------------------------------------

   [*] Lớp cao học k5-  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa