Nội san

Truyền bá dân ca cho thế hệ tương lai là góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

23 Tháng Mười Hai 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục nghệ thuật và cuộc sống

 

 

Phạm Hồng Phương

Q.Trưởng khoa Thanh nhạc – Nhạc cụ

 

1. Nền dân ca Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mai một dần.

Vào thời điểm hiện nay, có thể khẳng định rằng so với cách đây hơn nửa thế kỷ, chúng ta đã để thất truyền vô số giá trị âm nhạc cổ truyền nói chung và dân ca nói riêng. Đại đa số các thể loại đều đang rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Vốn liếng ngày một cạn kiệt bởi nhiều tinh hoa âm nhạc dân gian cổ truyền nước ta đã ra đi không trở lại theo các nghệ nhân về cõi vĩnh hằng. Tầng lớp khán giả ngày càng thưa thớt, nhiều khi chỉ thu hẹp trong giới những người làm nghề. Hơn 10 năm nay, trên công luận bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều những tiếng kêu cứu cho các giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam. Có lẽ chưa bao giờ người ta nhắc nhiều đến vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như hiện nay. Trong phân nửa thế kỷ, các thế hệ trẻ nối tiếp đều quan niệm một cách vô tình hay hữu ý rằng âm nhạc dân gian cổ truyền là lạc hậu, là phong kiến lỗi thời, trong thời đại mới cần phải cải biên, cải tiến, phát triển cho phù hợp, và thời đại mới, con người mới thì cần phải có hình thức nghệ thuật mới... Bởi thế, trải theo thời gian, hành trang "hiện đại" của nhiều người nhất là thế hệ trẻ dường như đều hướng theo các gu Tây phương. Họ coi mọi thứ của phương tây là thời thượng, là mới, là văn minh. Thậm chí ngay cả các giá trị nghệ thuật cổ truyền Tây phương cũng được coi là thời đại hay hiện đại. Có thể đưa ra vô vàn ví dụ, từ hệ đời sống văn hóa nghệ thuật từ thưởng thức đến tự biểu hiện, thậm chí nhạc hiệu của các chương trình phát thanh truyền hình hay nhạc hiệu điện thoại… cũng đa phần là tây hay kiểu tây. Trên mọi phương diện của văn hóa nghệ thuật, các giá trị truyền thống Tây phương tràn ngập và lấn lướt các giá trị truyền thống dân tộc. Đây đó, xuất hiện rất nhiều hiện tượng mà các nhà chuyên môn buộc phải gọi là “suy thoái” của một số thành tựu văn hóa dân tộc. Thực trạng này khiến cho những ai có tâm huyết và trách nhiệm với nền âm nhạc dân gian dân tộc nói chung và dân ca nói riêng không khỏi đau lòng. Trong bối cảnh đó, nhiều thể loại cũng không tránh khỏi sự mất mát của riêng mình. Trong đó có những thể loại mà sự tồn tại hiện nay chỉ còn là những mảnh vỡ. Sự lưu truyền các giá trị truyền thống ở thế hệ tiếp nối được đánh giá là suy giảm cả về chấtlượng. Ví dụ trường hợp của ca trù, với trữ lượng gần 20 làn điệu đã từng được ghi nhận trong quá khứ, hiện nay vốn liếng loại hình nghệ thuật này chỉ còn khoảng dăm bảy làn điệu. Kèm theo đó là sự thất truyền nhiều giá trị tinh túy trong kỹ thuật của nhạc đàn và nhạc hát. Nhiều hình thức dân ca khác cũng lâm vào tình trạnh tương tự. Sự “đứt đoạn truyền thống” tương tự cũng diễn ra cả trong các nghệ thuật kịch hát dân tộc như ngành Chèo và Tuồng. Mặc dù những nghệ thuật này đã được nhà nước đầu tư nuôi nấng và thể chế hóa một có hệ thống.

2. Thực tế hoạt động ca nhạc thiếu nhi hiện nay.

Nhu cầu ca hát cũng như được thưởng thức văn hóa văn nghệ của trẻ em là hết sức to lớn và chính đáng. Nhưng đáng tiếc là gần như không có sự đầu tư thực sự và có tính chiến lược cho giáo dục văn hóa truyền thống nói chung và dân ca nói riêng cho lĩnh vực này. Từ khi nước ta mở rộng quan hệ giao lưu văn hóa với nhiều nước trên thế giới, thì ca nhạc nước ngoài tràn vào nước ta từ nhiều ngả, theo nhiều cách với nhiều loại phương tiện khác nhau. Đáng chú ý là ở các thành phố lớn, các loại nhạc rock - rap phát triển tràn lan từ các nhà hàng, khách sạn, vũ trường... đến các hoạt động ca nhạc trên sân khấu ở quận, huyện, xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa, câu lạc bộ, quán karaoke. Loại nhạc này phát triển rất mạnh trong giới trẻ ở các nước phương tây với giai điệu chói chang, giật gân, kích động... Các ca sĩ vừa gào thét, vừa làm mọi động tác sôi động, bốc lửa... Ảnh hưởng của loại nhạc này trong giới thanh - thiếu niên nước ta đã đành, trên thực tế ở nhiều nơi, trẻ em cũng bắt đầu ca hát, nhún nhảy, uốn éo như người lớn và được người lớn đạo diễn rồi vỗ tay hoan hô... Nhiều năm nay, thị trường băng đĩa nhạc dành cho thiếu nhi gần như bị buông trôi và thực sự ảm đạm. Số lượng CD, VCD, DVD ca nhạc thiếu nhi không chỉ ít ỏi về số lượng mà còn nghèo nàn về nội dung, trong khi nhu cầu về âm nhạc của thiếu nhi vẫn lớn. Đã qua thời kỳ nở rộ của thị trường âm nhạc thiếu nhi với "hiện tượng" bé Xuân Mai: 2 tuổi đã ra album riêng, 5 tuổi làm liveshow và sở hữu hàng chục CD, VCD, DVD ca nhạc rất ăn khách ngay từ khi còn ở tuổi thiếu nhi. Cho tới nay, dù Xuân Mai đã thiếu nữ, đã ra album tuổi teen, nhưng chương trình Con cò bé bé của "bé Xuân Mai" vẫn còn bán rất nhiều và vẫn đắt hàng. Số đĩa nhạc mới xuất hiện hàng năm ngày một ít, có thể đếm trên đầu ngón tay như Mãi mãi trẻ thơ của Lam Anh, Chú hề dễ thương của Khánh Linh, Hát lên hoạ mi của Cung Thiếu nhi HN, Nắng sân trường của Hồ Gươm Audio, Em là công an tí hon của VTC... và mới đây nhất là "Đồ rê mí". Phần lớn các chương trình ca nhạc thiếu nhi do các hãng có tiếng sản xuất trước đây, đến nay vẫn được giới băng đĩa lậu "chế biến" theo kiểu cắt chỗ nọ, ghép chỗ kia để ra một VCD mới hoặc tạo thành tuyển tập Xuân Mai, tuyển tập các ca khúc về trường lớp, về thú cưng... hoặc thu lại các chương trình đã phát sóng trên truyền hình để bán lại như Chúc bé ngủ ngon, Đồ rê mí... Trong khi đĩa nhạc thiếu nhi khan hiếm, thì trên thị trường lại xuất hiện không ít những "hiện tượng" trẻ em hát nhạc tình, nhạc chế não nề như bé Châu, bé Lon Ton, bé Mộng Quỳnh... Trong những đĩa nhạc này, các cô bé, cậu bé chỉ 5-6 tuổi, giọng còn ngọng nghịu đã gào thét, rên rỉ những câu như: "Vì anh yêu em nên đã trao cho em nụ hôn nồng cháy (Melow), "Anh number one đẹp trai dễ thương và con tim rất chung tình, mình yêu nhau đi, yêu anh yêu anh nhé" (Lời tỏ tình dễ thương), "Anh cô đơn trên đường vắng xưa, ôm trong tim bao nhớ thương vơi đầy, chiều nhạt nhòa ai khóc nhớ ai..." (Cô đơn mình anh)... Minh họa cho ca khúc của ca sĩ nhí này là một loạt các người mẫu đứng uốn éo. Các loại băng đĩa có trẻ con hát nhạc... tình được bày bán rộng rãi, giá chỉ 5.000 - 6.000đ. Trong các đĩa nhạc đó hầu như chỉ toàn những ca khúc tình yêu dang dở, chia ly và hận thù. Người lớn có thể cười khi xem một cậu bé uốn éo, nhắm mắt, hát những câu rên rỉ mà không biết rằng, những ca khúc đó đã vô tình hướng khán giả nhỏ tuổi đến những giá trị không phù hợp với lứa tuổi của các em. phía bắc cách đây 10 năm không dám đầu tư những băng đĩa nhạc cho thiếu nhi như phía Nam nhưng đến những năm đầu thế kỷ 21, đặc biệt là đến năm 2003, cũng có một số CD, VCD của các em đến từ Cung Thiếu nhi Hà Nội. Những tưởng khởi sắc sau khi băng đĩa nhạc phương Nam đã hết mùa thì sẽ trụ lâu và có thể đi chặng đường dài, nhưng không, sau vài album được đón nhận thì cũng “im thin thít và lặn mất tăm”. Sáu năm qua, các em đều đã trưởng thành, nhưng các nhà sản xuất thì mỗi năm may ra thêm một sản phẩm mới.Tình trạng ấy còn được chứng minh bằng việc các kênh phát sóng dành cho các em cũng đều sử dụng những băng đĩa đã được thực hiện cách đây khá lâu. Những đơn vị có truyền thống trong phong trào sản xuất băng đĩa nhạc thiếu nhi như Phương Nam film, Bến Thành Audio, Trùng Dương Audio, Tùng Production… lâu nay cũng im hơi lặng tiếng. Một số trung tâm băng đĩa gần như quay lưng với đối tượng khán giả này. Có hãng còn làm nhưng cũng cầm chừng, mỗi năm chỉ ra đời 1-2 album... Một vài năm gần đây, cứ vào mùa hè, chương trình Đồ Rê Mí được hồ hởi đón nhận, các em đăng ký hết sức nhiệt tình. Không cần bài hát mới, các em có thể được các thầy cô dựng lại những bài hát cũ, thậm chí có những em đã chọn những bài hát mà thế hệ cha mẹ, ông bà các em đã từng hát. Điều đó để thấy rằng, nhu cầu âm nhạc của các em là rất lớn.

Nhìn chung các chương trình thiếu nhi hiện nay không hiếm nhưng hầu hết đều khai thác ở các kênh truyền hình nước ngoài, chưa có nhiều đặc điểm phù hợp với tâm sinh lý trẻ em Việt Nam. Khách quan mà nói, các chương trình thiếu nhi của Đài Truyền hình Việt Nam cũng khai thác mạnh mẽ những bài đồng giao dân ca và dựng thành những chương trình ca nhạc được các em đón nhận. Hàng năm có rất nhiều cuộc liên hoan văn nghệ dành cho các em, các chương trình biểu diễn trên truyền hình, cuộc thi Đồ Rê Mí… Tuy nhiên, trong thực tế trẻ em ít được tiếp xúc với chương trình truyền hình bởi áp lực của kiểu giáo dục phổ thông ở nước ta. Chưa kể trẻ em ở nông thôn và vùng sâu vùng xa còn phải lao động phụ giúp gia đình và nhiều gia đình còn chưa có tivi. Điều dáng lo ngại hiện nay trong đời sống âm nhạc thiếu nhi là thiếu vắng đáng kể kho tàng dân ca và chưa có một chiến lược rõ ràng về giáo dục và truyền bá âm nhạc truyền thống dân tộc nói chung và dân ca nói riêng cho thế hệ tương lai.

3. Truyền bá dân ca cho thế hệ tương lai là góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Chính sách của nhà nước cũng như các bài nghiên cứu và các phương tiện truyền thông trong những năm qua nói rất nhiều về việc phấn đấu xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; kiên quyết bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc kết hợp với việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các nước ngoài. Vì vậy, chúng ta cũng cần xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiến bộ, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều đầu tiên và nhất thiết phải bắt đầu từ thế hệ mầm non, lứa tuổi thanh - thiếu niên. Những nét nhạc mang đậm tính dân tộc sẽ truyền đến cho các em tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu thương con người và cuộc sống chan hòa trong các cộng đồng dân cư; lòng say mê lao động, sáng tạo... Một tiếng đàn bầu, một âm thanh sáo trúc cũng đủ gây niềm xúc động sâu lắng trong tâm hồn của các em. Trong các làn điệu dân ca không phải không có tiết tấu nhanh, mạnh, khỏe, vui tươi, dí dỏm cho trẻ em như: Trống cơm, Bắc kim thang... Chọn nhạc, sáng tác và tổ chức hoạt động âm nhạc cho các em dù là tân hay cổ phù hợp với lứa tuổi, mang tính dân tộc trong cả nhạc và lời là nhu cầu bức xúc của các em và là khát vọng của các bậc phụ huynh. Các công trình nghiên cứu về âm nhạc học đường ở Đức, Thụy Sĩ... đã khẳng định rằng: Âm nhạc tác động đến trí lực và thể lực của học sinh, làm cho các em năng nổ hơn, linh hoạt hơn, có khả năng tập trung cao hơn, làm tăng tính tập thể và trở nên ngoan hơn... Giáo dục âm nhạc ảnh hưởng rõ rệt đến tình cảm và lối sống của các em. Đương nhiên, ca nhạc thiếu nhi đậm đà bản sắc dân tộc, tiến bộ sẽ góp phần đào tạo những thế hệ thanh - thiếu niên, nhi đồng Việt Nam quý trọng và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, sống có nghĩa, có tình, ham muốn thực hiện ước mơ cao đẹp vì Tổ quốc, gia đình và toàn xã hội... Như thế việc giáo dục và truyền bá âm nhạc truyền thống nói chung và dân ca nói riêng là một trọng trách của tất cả những ai quan tâm tới nền văn hóa Việt Nam với tầm nhìn sâu sắc và rộng mở về tương lai./.